QĐND - Chiều thu, Đại tá, NSƯT Khương Đức Thuận (Điện ảnh Công an nhân dân) trầm ngâm bên ly cà phê đen trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ông ngồi nhớ lại những kỷ niệm, những ngày tháng cùng đoàn làm phim “Giải phóng Sài Gòn” cùng nhau tái hiện và ghi lại một số sự kiện lịch sử chính trong tiến trình Quân giải phóng tiến vào thành phố Sài Gòn. Ông không khỏi tự hào và vinh dự khi được chọn vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
NSƯT Khương Đức Thuận, mắt rưng rưng. Ông kể: "Tôi rất hạnh phúc vì được đạo diễn Long Vân tin tưởng giao cho một trong những vai diễn quan trọng nhất, đó là vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam. Trước khi quay phim, tướng Nguyễn Chuông đã sắp xếp cho đoàn làm phim chúng tôi vào thăm Đại tướng. Khi biết tôi đóng vai Đại tướng, ông nhìn tôi và nói: “Anh đóng bác không cần ngoại hình giống bác, quan trọng là đúng cái thần và ý chí của bác”. Ông còn cho tôi rất nhiều sách, băng đĩa, tài liệu có hình ảnh liên quan đến ông để tôi nghiên cứu vào vai cho đúng.
Tôi đã phải liên tục ép cân bằng nhiều biện pháp, từ 80kg xuống còn 60kg cho thân hình phù hợp với Đại tướng. Tôi nghĩ, đây sẽ là nhân vật để đời trong sự nghiệp làm nghệ thuật của tôi.
 |
Nghệ sĩ Trịnh Mai Nguyên trong vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
Trong phim có cảnh Đại tướng nói chuyện điện thoại với Tổng Bí thư Lê Duẩn trao đổi quyết định đánh Sài Gòn như thế nào, đánh bắt đầu từ đâu. Để diễn đúng ánh mắt và thần thái của Đại tướng, tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ làm sao có thể khắc họa rõ nét tính cách và con người của bậc vĩ nhân dân tộc. Có nhiều cảnh quay làm tôi xúc động. Đặc biệt là khi tôi quay cảnh Đại tướng mặc áo khoác mỏng đi trong đêm lạnh giá với gương mặt phong sương, đầy trăn trở về kế hoạch làm sao để giải phóng được Sài Gòn”.
Hằng năm, mỗi dịp ngày 30-4, bộ phim “Giải phóng Sài Gòn” lại được trình chiếu, để những lớp con cháu sau này có thể xem và hiểu rõ cuộc chiến tranh khốc liệt mà thế hệ ông cha đã phải trải qua. Từng là một người lính, từng trải qua những ngày gian khổ ở chiến trường Quân khu 5, điều ấy đã giúp cho NSƯT Đức Thuận vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành công để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho người xem.
Khác với Đại tá, NSƯT Khương Đức Thuận, diễn viên Trịnh Mai Nguyên lại chưa một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong khi, anh may mắn ba lần được chọn đóng vai vị tướng tài danh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là niềm tự hào và vinh dự nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của một người diễn viên.
Năm 2002, đạo diễn người Pháp Marco Pico đến Việt Nam để thực hiện bộ phim “Tuyết Đông Dương”. Để chọn diễn viên vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp giai đoạn ngoài 30 tuổi, có rất nhiều diễn viên thử vai nhưng không ai lọt vào “tầm ngắm” của đạo diễn Marco Pico. Qua sự giới thiệu của đạo diễn Tất Bình, Trịnh Mai Nguyên đến gặp đạo diễn để thử vai. Khi vừa nhìn thấy Mai Nguyên, đạo diễn Pico phỏng vấn anh bằng tiếng Pháp và ông không ngờ, diễn viên này trả lời bằng tiếng Pháp khá tốt.
Khi được tin mình đã thử vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành công, Trịnh Mai Nguyên xúc động vô cùng. Thời điểm đó, anh 27 tuổi và lần đầu tiên trong cuộc đời làm nghệ thuật được vào vai một vị Đại tướng lừng danh của Việt Nam và thế giới.
 |
Đại tá, NSƯT Khương Đức Thuận. Ảnh: Hải Đăng
|
Niềm vui xen lẫn nỗi lo lắng, bởi về ngoại hình của Đại tướng thì có thể sử dụng kỹ thuật hóa trang để khắc phục nhưng còn giọng nói thì bắt buộc diễn viên phải có chất giọng giống Đại tướng. Ý thức được việc này nên khi nhận được kịch bản của đạo diễn, Trịnh Mai Nguyên bắt đầu học nói giọng Quảng Bình. Trịnh Mai Nguyên tâm sự: “Đây là bộ phim thu âm trực tiếp nên mọi hành động, cử chỉ, diễn xuất của diễn viên phải thuần thục. Ngoài chất giọng Quảng Bình thì Đại tướng là người nói tiếng Pháp rất giỏi nên có những từ, âm tiết, khi nói khẩu hình phải mở ra. Tôi đã nghiên cứu kỹ từng động tác, giọng nói của Đại tướng nên khi vào vai diễn, tôi cảm thấy mình tự tin hơn. Bộ phim dài 120 phút và quay trong vòng 20 ngày nhưng trước đó, tôi dành hơn 1 tháng để tập những động tác, luyện giọng. Khi bắt được “cái thần” của nhân vật thì sẽ thuyết phục được người xem”.
Tiếp theo, Trịnh Mai Nguyên lại may mắn được vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vở kịch "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên” của nhà văn Nguyễn Quang Vinh được phát sóng trên truyền hình vào năm 2011.
Trong ba vai diễn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì vai diễn trong vở kịch này khiến Mai Nguyên tâm đắc nhất bởi Đại tướng được chọn là nhân vật trung tâm. Vở diễn đã được truyền hình trực tiếp nên khi vào vai đòi hỏi người nghệ sĩ phải nhuần nhuyễn từng cử chỉ, hành động, giọng nói... Hơn nữa, phải lột tả được sự quyết đoán, tài thao lược của Đại tướng.
“Khi nghiên cứu kỹ các tài liệu liên quan đến Đại tướng, tôi hiểu rằng, Đại tướng không chỉ là một nhà quân sự mà còn là vị tướng nhân văn bởi chiến tranh thì không thể tránh khỏi hy sinh nhưng với người tổng chỉ huy thì càng giảm thiểu được mất mát, đau đớn của chiến sĩ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Hiểu được tinh thần đó nên khi nhập vai, tôi cố gắng lột tả thần thái của nhân vật”, Trịnh Mai Nguyên bày tỏ.
Trong màn kịch cách mạng của chương trình Đêm hội mừng 350 năm Khánh Hòa do đạo diễn Phạm Thị Thành dàn dựng năm 2003, Trịnh Mai Nguyên lần thứ ba được đảm nhận vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù xuất hiện không nhiều nhưng đây cũng là vai diễn mà anh thể hiện thành công hình tượng Đại tướng.
Trong chặng đường làm nghệ thuật với ba lần thể hiện hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa phải là nhiều nhưng đã để lại trong lòng Mai Nguyên niềm tự hào vô cùng lớn lao bởi không phải diễn viên nào cũng có được may mắn đó.
Hôm nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về cõi vĩnh hằng nhưng hình ảnh về ông sẽ sáng mãi trong lòng mỗi người con Đất Việt.
HẢI LÝ