QĐND - Cho tới khi đứng trước bàn thờ Anh hùng Nguyễn Xuân Lực, Tư lệnh Phân khu Sài Gòn-Gia Định thời đánh Mỹ ác liệt nhất (về sau trở thành nhân vật Ba Kiên trong tiểu thuyết “Đất trắng” của nhà văn quân đội Nguyễn Trọng Oánh) tôi vẫn như chưa tin sao có một ngày mình tới được chính nơi sinh ra con người mang rất nhiều huyền thoại cho vùng đất Củ Chi này...
Thuở thiếu thời, Nguyễn Xuân Lực không được tới trường mà phải đi ở cho địa chủ, phải chịu cảnh roi vọt, quát mắng, ức hiếp... nên bước vào tuổi thanh niên là anh tình nguyện nhập vào đội vũ trang của địa phương. Ấy cũng là những ngày đầu tiên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công. Hai năm sau, anh dự tuyển vào quân đội nhưng thân hình gầy yếu nên không được chấp nhận, phải tới lần thứ ba giấu đá vào người cho đủ cân nặng anh mới được nhập ngũ.
Vào bộ đội, Nguyễn Xuân Lực vừa rèn luyện vừa học văn hóa, cũng là do đồng đội dạy. Anh được chiến đấu trong đội hình Trung đoàn chủ lực 101, Đại đoàn Bình Trị Thiên. Trong trận Thanh Hương, anh là Trung đội trưởng, chỉ huy đơn vị diệt một xe bọc thép với hàng chục tên địch, được thể hiện trong thiên ký sự "Trận Thanh Hương" nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ… Rồi anh tham gia các trận: Xuân Bồ, Xuân Tùng... là những trận đánh trong xuân hè 1954 ở Bình-Trị-Thiên đã tạo những đòn sấm sét, chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Những trận đánh ấy cũng đã đi vào thơ Trần Mai Ninh, Phùng Quán, nhạc Nguyễn Văn Thương... Năm 1956, Nguyễn Xuân Lực được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, được chụp ảnh với Bác Hồ.
 |
Vợ và con gái Anh hùng Nguyễn Xuân Lực hiện nay.
|
Tại quê hương anh-xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, bà con đã kể cho tôi nghe chuyện về anh cách đây 40 năm. Ngày 5-8-1964, Nguyễn Xuân Lực đã là Trung đoàn trưởng, về nghỉ phép, cũng là lúc máy bay Mỹ từ ngoài biển bay vào ném bom thành phố Vinh, cầu Bến Thủy... Tiếng nổ rung mặt đất, khói cuộn lên che kín khoảng trời phía Bắc. Dân làng không khỏi hoang mang, anh đã trấn an dân làng và nói địch còn có thể đánh phá ác liệt hơn, tất cả các cầu cống, trục đường giao thông, trường học, bệnh viện cũng là mục tiêu của chúng, vì thế bà con cần biết cách đào hầm hào tránh bom, phải biết ngụy trang không để chúng phát hiện. Thế rồi anh nói với cha già và người vợ trẻ rằng mình phải trở về đơn vị gấp. Bà con lối xóm tới tiễn anh khá đông. Nhìn bà con vất vả, người nào cũng gầy, anh không cầm nổi nước mắt và anh lấy tất cả số tiền còn lại của mình trao cho chị Chung, thuộc diện nghèo nhất xóm, rồi nói: “Chị cầm lấy mua gạo cho các cháu”. Người phụ nữ ngần ngại: “Rồi chú lấy chi để đi đường”. “Tôi ra quốc lộ đón xe, tối nay là đến đơn vị rồi”. Thế rồi, anh từ biệt gia đình và bà con cô bác lên đường giữa lúc hàng đàn phản lực Mỹ như bầy quạ sục trên vòm trời hầm hập gió Lào, thả những chùm bom, bắn rốc-két xuống phía phà Bến Thủy.
Nguyễn Xuân Lực không cho gia đình và bà con xóm làng biết rằng: Anh nghỉ phép chuyến này là để vào miền Nam chiến đấu.
Trong buổi trưa hè trời Can Lộc trong vắt khô rát, gió Lào thổi đến rỗng không trung, tôi còn được nghe chị Nguyễn Thị Nga, con gái Anh hùng Nguyễn Xuân Lực kể lại những kỷ niệm về người cha. Chị nhớ lần bà Nguyễn Thị Định, Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam ra Hà Nội họp đã gửi thư và món quà là chiếc khăn rằn tặng vợ của Anh hùng Nguyễn Xuân Lực.
Tôi kể lại cho bà con, cô bác trong họ Nguyễn Xuân về những năm tháng Anh hùng Nguyễn Xuân Lực sống và chiến đấu trên chiến trường đất thép miền Đông Nam Bộ. Thời đó, Phân khu Sài Gòn-Gia Định đảm nhiệm hướng quan trọng của Bộ chỉ huy Miền, có những tên tuổi chỉ huy nổi tiếng, như: Anh hùng Nguyễn Thế Truyện, còn gọi là anh Năm Sài Gòn; Anh hùng Nguyễn Văn Thêm, còn gọi là Ba Thêm; Anh hùng Nguyễn Xuân Lực còn gọi là Ba Kiên... Khi Trung đoàn 101 vào Nam chiến đấu, cán bộ trung đoàn cần mang biệt danh nên Nguyễn Xuân Lực đã lấy bí danh là Nguyễn Xuân Kiên. Thông thường trước khi vào Nam Bộ, các đơn vị chủ lực dừng lại thử thách ở chiến trường Tây Nguyên. Trung đoàn 101 đã đánh những trận thắng vang dội tại đó, như: Đắc Tô-Tân Cảnh, Đắc Sút… Một năm sau, Trung đoàn 101 do Anh hùng Nguyễn Xuân Lực làm chỉ huy trưởng hành quân vào Nam Bộ, đến thẳng vùng trắng Củ Chi và mang phiên hiệu là Q16. Đến nơi lại phải có tên mới theo tục dân Nam Bộ và bí danh Ba Kiên có từ ngày ấy.
Đứng chân ở giáp ranh Sài Gòn, cơ động đánh giặc cho tới tận Bến Cát-Bình Long, Q16 phải đối mặt với các sư đoàn thiện chiến nhất của Mỹ-ngụy. Đó là sư đoàn Tia chớp nhiệt đới, Anh cả đỏ của Mỹ, sư đoàn 25 mạnh nhất của quân ngụy và các liên đoàn thiết giáp, biệt động quân… So sánh lực lượng, địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Nhưng quân ta có nhân dân. Dân là lực lượng không gì sánh nổi. Trung đoàn trưởng Ba Kiên cùng ban chỉ huy đã sáng tạo trong tác chiến, bám dân, bám đất, sử dụng các tuyến địa đạo để đánh giặc. Vị chỉ huy Ba Kiên tài đánh giặc đã đi vào câu chuyện hằng ngày, với những huyền thoại đẹp tiêu biểu cho hình ảnh anh Giải phóng quân. Quân địch khốn đốn với Q16. Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Q16 tiến công địch từ Củ Chi vào sân bay Tân Sơn Nhất, người chiến sĩ bị thương vẫn tiến công địch giữa khu vực máy bay mang sẵn bom đã trở thành hình tượng cho nhà thơ Lê Anh Xuân cảm hứng viết bài thơ bất hủ "Dáng đứng Việt Nam", chính là người chiến sĩ của đơn vị này. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã đi cùng trung đoàn vào tận ngã tư Bảy Hiền, sống gần Ba Kiên suốt mấy tháng ròng, để có chất liệu viết cuốn tiểu thuyết về đơn vị Q16. Và ông đã có một tác phẩm tiêu biểu trong dòng văn học chiến tranh và cách mạng-tiểu thuyết “Đất trắng” với nhân vật Ba Kiên.
Anh hùng, danh nhân thường sống với đời bằng những sự việc có khi rất nhỏ nhưng mang tầm vóc lớn. Với Anh hùng Nguyễn Xuân Lực-Ba Kiên cũng thế, anh đã để lại không chỉ bằng chiến công lớn mà còn bằng tình thương giản dị với dân làng nơi anh sinh trưởng… Giờ đây, đất nước đang vững bước trên con đường Đổi mới để đạt được ước mong của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có Thượng tá Nguyễn Xuân Lực, người hai lần vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Bài và ảnh: NGUYỄN QUỐC TRUNG