QĐND Online - Liên quan đến vụ cháy tàu cánh ngầm Vina Express 01 số hiệu SG 3837 tại khu vực phao số 66 sông Sài Gòn (phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP Hồ Chí Minh) khiến 85 hành khách nhảy xuống sông, sáng 21-1, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở ban ngành chức năng cùng lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng khẩn trương khắc phục hậu quả sự cố này.

Khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân

Sáng 21-1, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có mặt tại hiện trường vụ cháy tàu cánh ngầm chiều 20-1 ghi nhận công tác triển khai xử lý hậu quả của các lực lượng chức năng. Ông Lê Văn Vĩnh, thuyền trưởng tàu SG 3837 cho biết, khi tàu xuất phát mang theo 2.000 lít dầu, nhưng quá trình cháy lớn, thiêu rụi con tàu thì số lượng dầu khả năng cháy gần hết.  Tuy nhiên, theo ông  Nguyễn Xuân Sâm, chỉ huy trưởng lực lượng cứu hộ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cứu hộ, cứu nạn Đại Minh, khi nhận được tin báo cháy tàu, công ty đã điều động 4 tàu cùng 10 cán bộ, nhân viên tiếp cận hiện trường và xử lý hậu quả của vụ cháy. Hiện nhân viên cứu hộ đã căng 300m phao vây quanh tàu bị cháy để ngăn dầu tràn. Theo quan sát của phóng viên, mặt nước xung quang con tàu chỉ xuất hiện vết ván dầu nhỏ, chưa có dấu hiệu dầu tràn lớn. Xác tàu chỉ còn phần mũi nhô lên mặt nước.

Ông Văn Ngọc Bình, Cán bộ Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh cho biết, Cảng vụ bố trí lực lượng trực chiến tại hiện trường để theo dõi tình hình và phân luồng, điều tiết giao thông bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực tàu chìm. Cũng theo ông Bình, tuy chưa xuất hiện sự cố tràn dầu nhưng các lực lượng vẫn tiến hành các biện pháp ứng phó, chờ phương án trục vớt con tàu. Cũng do tàu chưa được trục vớt và đang được giữ nguyên tại vị trí xảy ra cháy để cơ quan công an điều tra nên lực lượng Bộ đội Biên phòng Thành phố cũng bám sát hiện trường, bảo vệ vòng ngoài. “Biên phòng Thành phố điều động 6 ca nô cùng 21 cán bộ, chiến sĩ ứng cứu kịp thời khi xảy ra tai nạn” – Đại tá Trần Quốc Vạn, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Lực lượng chức năng sử dụng phao vây quanh con tàu chìm, sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân chỉ đạo, vì sự an toàn của người dân cho nên ngay trong ngày 21-1, quyết định tạm đình chỉ hoạt động của tất cả phương tiện tàu cánh ngầm tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu để kiểm tra phương tiện. Trường hợp phương tiện không an toàn, kiên quyết không đưa vào hoạt động. Lãnh đạo Thành phố chỉ đạo lực lượng công an lập tổ kiểm tra, khẩn trương làm rõ nguyên nhân của vụ cháy tàu. Trong thời gian tạm đình chỉ hoạt động tàu cánh ngầm để kiểm tra niên hạn sử dụng, hệ số an toàn, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thành phố triển khai phương án tăng cường phương tiện giao thông đường bộ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tuyến TP Hồ Chí Minh – Vũng Tàu. Ngoài ra, Sở Cảnh sát PCCC chuẩn bị phương án tổ chức diễn tập PCCC trên sông.

Liên quan đến trách nhiệm vụ việc, Thành phố yêu cầu Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Vina Express chịu toàn bộ kinh phí khắc phục hậu quả tai nạn, chăm lo và sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho hành khách. Ngoài ra, Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng tàu cánh ngầm có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan Đăng kiểm tiến hành kiểm tra lại điều kiện an toàn của phương tiện. 

Cần có quy định chặt chẽ về hoạt động tàu cánh ngầm

Thời gian gần đây, các tàu cánh ngầm chạy tuyến TP Hồ Chí Minh -Vũng Tàu liên tiếp xảy ra sự cố như: chết máy giữa đường, tràn nước vào khoang, va chạm giữa các tàu cánh ngầm với nhau... đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sự an toàn của loại phương tiện giao thông này. Trước vụ tàu cánh ngầm bị cháy, tháng 7-2013, một tàu cánh ngầm của hãng Greenlines chạy từ TP Vũng Tàu về TP Hồ Chí Minh bị hỏng một động cơ, khi dùng động cơ thứ hai chạy về đến bến thì xảy ra va chạm, nước tràn vào khoang máy khiến nhiều hành khách hoảng sợ.  

Theo thống kê của Sở GTVT Thành phố, hiện có 3 công ty tham gia khai thác vận chuyển hành khách bằng tàu cánh ngầm trên tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu gồm: hãng Greenlines, Vina Express và Petro Express. Trung bình mỗi ngày một chuyến hoạt động từ 8 đến 10 lượt đi về, những ngày nghỉ, lễ thì tăng đến 10 - 12 lượt và hằng năm vận chuyển hơn 1 triệu lượt hành khách. Hầu hết các tàu đang hoạt động trên tuyến này đều có tuổi thọ trên 20 năm nên máy móc, vỏ tàu xuống cấp. Riêng tàu bị cháy có sức chở theo đăng kiểm là 132 hành khách. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Chi cục Đăng kiểm số 6 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp. Đáng chú ý là tàu vừa được kiểm định an toàn vào ngày 17-1-2014 nhưng lại bị cháy. Do vậy, Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hoàng Quân đề nghị Bộ GTVT làm rõ trách nhiệm cơ quan kiểm định để quy trách nhiệm rõ ràng.

Thực tế, việc quản lý hoạt động của tàu cánh ngầm có nhiều bất cập. Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng, khả năng khai thác tối đa đối với tàu cánh ngầm, các tiêu chí kiểm định không phù hợp thực tế nên những chiếc tàu dù đã cũ những vẫn còn hoạt động chính thức. Điều này cho thấy việc kiểm tra, kiểm định tàu cánh ngầm của cơ quan chức năng chưa làm đến nơi đến chốn. Để bảo đảm an toàn cho hành khách đối với loại phương tiện này, thời gian tới, các ngành chức năng cần xem xét siết chặt quản lý hơn đối với tàu cánh ngầm như: rút ngắn thời gian đăng kiểm, ban hành quy định thời gian hoạt động vận tải hành khách cho các tàu này.

Bài, ảnh : HÙNG KHOA