Hiếm có đơn vị nghệ thuật truyền thống nào ở nước ta lại có một dàn nhạc với nhiều nhạc công nổi tiếng như Nhà hát Tuồng Việt Nam. Một trong số đó là nghệ sĩ kèn Nguyễn Ngọc Khánh. Hơn 30 năm nay, tiếng kèn sô na (kèn bầu) của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ngọc Khánh đã đi vào trái tim người Việt Nam và hàng triệu người trên thế giới!
Ngôi nhà của NSƯT Ngọc Khánh nằm sâu hút trong một ngõ nhỏ của khu văn hóa nghệ thuật Mai Dịch. Căn phòng tầng dưới chỉ hơn chục mét vuông nhưng đầy ắp nhạc cụ, chủ yếu là kèn, sáo, nhị… Khi tôi đến, anh đang biểu diễn kèn, sáo và cả nhị nữa cho hai vị khách nước ngoài thưởng thức. Căn phòng nhỏ tràn ngập âm thanh - thứ âm thanh của đồng quê Việt Nam thuần khiết.
Âm nhạc lấy mất hồn tôi
PV: Thưa NSƯT Nguyễn Ngọc Khánh, khách nước ngoài vẫn thường đến thưởng thức tiếng kèn tại nhà anh?
NSƯT Ngọc Khánh: Năm 2005, một số nhạc sĩ người Mỹ sang Pháp làm việc có xem tôi biểu diễn kèn sô na, họ lấy làm lạ. Ngay lúc ấy, những bản nhạc do tôi thể hiện được thu vào đĩa, họ mang về Mỹ và lập cho tôi một địa chỉ trên Internet. Tôi vẫn thường được đón những vị khách nước ngoài yêu nhạc cụ dân tộc đến nhà riêng. Họ không chỉ muốn nghe tôi thổi kèn mà còn yêu cầu tôi thổi sáo, chơi nhị. Nghe xong, họ thốt lên: “Thật tuyệt vời”. Chia tay, tôi tặng mỗi vị khách nước ngoài một cây sáo trúc Việt Nam.
- Kèn sô na được coi là một nhạc cụ khó học. Trong lúc nhiều người đổ xô vào học những loại nhạc cụ “thời thượng”, anh lại chọn nhạc cụ dân tộc?
- Tôi có may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cả về nghệ thuật dân tộc và võ dân tộc. Bố tôi cũng là một người say mê nhạc cụ dân tộc có tiếng tăm một vùng Quốc Oai (Hà Tây). Năm 1968, Đoàn tuồng Liên khu 5 về sơ tán ở làng, tổ chức dạy học cho đội tuồng nghiệp dư. Tôi theo nghiệp âm nhạc từ đó.
- Như vậy, bắt đầu chỉ là sự đam mê?
- Đúng là tôi bị thứ âm nhạc trong tuồng lấy mất hồn. Nhưng ở đời không phải yêu thứ gì là được thứ đó. Vì nhà nghèo, tôi đã phải xoay trần kiếm sống, làm đủ nghề từ lập gánh hát riêng và cả đi dạy võ. Thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang quê tôi vốn là đất võ. Được ông nội, rồi cha tôi truyền dạy, tôi trở thành “võ sư” của làng khi mới 13 - 14 tuổi.
- Cây kèn sô na có gì đặc biệt mà anh đam mê đến vậy?
- Năm 1972, tôi được vào học khoa Tuồng Nam, Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Tôi chọn ngay cây kèn này để gắn bó. Hôm đầu học kèn, thầy tôi nói với cả lớp: “Để thổi được một bài, các em chỉ mất mấy ngày, nhưng để thổi kèn có hồn, các em phải học suốt đời”. Tôi vốn người không ưa sự dễ dãi và thế là tự răn mình: phải học suốt đời. Do có chút năng khiếu, lòng say mê, sự chịu khó học hỏi luyện rèn, sau 4 năm học, tôi tốt nghiệp loại xuất sắc.
- Nhà hát Tuồng Việt Nam chính là mảnh đất lành để anh làm tổ, là bến đậu bền vững của anh trong nghệ thuật và cả hạnh phúc cuộc sống?
- Sân khấu Tuồng không phải là mảnh đất màu mỡ để dụng nghề. Tôi lại là một người quá đam mê âm nhạc dân tộc. Ra trường, tôi về làm nhạc công của Đoàn tuồng Bình Định (bây giờ là Nhà hát Tuồng Đào Tấn) hai năm. Tiếp đó làm nhạc công của Đoàn tuồng Nam (Viện nghiên cứu sân khấu) cũng chỉ hai năm. Ngày ấy Đoàn tuồng Trung ương đã rất nổi tiếng, tôi tìm về đó vừa để kiếm sống vừa để học. Tôi tìm nhiều thầy để học, cả tuồng Nam và tuồng Bắc, học cả sáo và nhị. Tôi nghĩ, âm nhạc dân tộc là vốn quý, các nghệ nhân và thầy dạy đều đã có tuổi, mình phải dồn hết công sức và tâm huyết để nắm lấy cái hay, cái đẹp trong từng ngón đàn, cách thổi. Thú thực, có những lúc thấy khó, tôi đã nản nhưng rồi được bạn bè động viên, các thầy khích lệ, tôi lại cố. Cái khó nhất trong chơi kèn sô na là kỹ thuật lấy hơi, nhả hơi, sao cho hài hòa, bấm nốt sao cho tinh tế, điêu luyện. Các thầy đã truyền cho tôi những thao tác đạt đến độ tinh xảo nhằm đẩy tới âm vực cao vút và thả tới âm thấp tột cùng, trầm như đáy sông.
Thế là tôi gắn bó với Nhà hát tuồng Việt Nam từ năm 1980 đến nay. Đây cũng là nơi đưa tiếng kèn của tôi đến gần với khán giả trong và ngoài nước.
Tôn sư trọng đạo
PV: Được biết, anh lập bàn thờ các thầy dạy kèn trong nhà mình rất trang nghiêm. Anh làm việc này từ khi nào?
NSƯT Ngọc Khánh: Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Các cụ ta thường nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Bố tôi cũng luôn căn dặn: “Ai dạy con điều gì tốt thì phải nhớ suốt đời”. Tôi may mắn và hạnh phúc có tới 6 người thầy coi tôi như con đẻ. Các thầy đã truyền dạy những gì tinh túy nhất của cây kèn bầu. Trong số 6 người thầy của tôi thì 4 người đã qua đời, vợ chồng tôi đã lập ban thờ. Bốn thầy đó là Văn Bá Anh quê Bình Định, người dạy kèn tuồng Nam đầu tiên cho tôi, giỗ vào ngày 7-2; thầy Đinh Quả cũng quê Bình Định từng đóng vai quan huyện trong vở tuồng “Nghêu Sò Ốc Hến”, giỗ vào ngày 20-2; thầy Dương Long Căn dạy tôi đánh trống, giỗ 28-2 và thầy Hoàng Hiệp Tắc, quê Thái Bình dạy kèn tuồng Bắc, giỗ thầy vào ngày 30-10.
Tôi thờ 4 thầy đã được hơn chục năm nay. Cứ đến ngày rằm, mồng một là tôi thắp hương cho các thầy. Vào ngày giỗ, gia đình tôi làm mâm cơm cúng các thầy. Lúc sống các thầy coi tôi như con đẻ, truyền dạy hết mọi ngón nghề. Nén hương thành kính của tôi, ngoài nghĩa thầy trò còn là nghĩa cha con.
Hai người thầy nữa là NSƯT Lại Thương, nay đã 78 tuổi đang sống ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Thầy Hỗ Hữu Có là giáo viên của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) đã nghỉ hưu. Mới đây, thầy Lại Thương ra thăm và tặng tôi cây kèn mà thầy đã biểu diễn mấy chục năm trời. Thầy nói, thầy đã truyền lại nghề cho em, còn cây kèn này thầy tặng em. Cây kèn đã cùng thầy vui buồn trong gần 40 năm, đã từng thổi ở 12 nước XHCN, thu đĩa, thu băng. Nhận chiếc kèn từ tay thầy Lại Thương, tôi đã khóc. Gia đình tôi coi đó như một báu vật.
- Đã là người Việt Nam ai cũng kính trọng và yêu mến thầy, nhưng “tôn sư trọng đạo” như anh chắc là hiếm?
- Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ ơn các thầy. Các thầy linh thiêng lắm. Trước khi làm một việc gì, tôi đều thắp hương, báo cáo, xin phép các thầy. Ngay như việc tôi dạy cho học trò cũng đều phải xin phép các thầy. Kính trọng các thầy chính là tự tạo danh dự cho mình.
Sinh ra lửa để cháy hết mình
PV: Là nhạc công trong dàn nhạc Nhà hát Tuồng Việt Nam, điều gì anh cho là hạn chế và thiệt thòi nhất?
NSƯT Ngọc Khánh: Từ trước đến nay rất ít hội diễn, liên hoan dành cho những người chơi nhạc cụ dân tộc. Từ ngày chơi kèn đến giờ, tôi chỉ mới biết đến Hội thi tài năng diễn tấu nhạc cụ sân khấu dân tộc toàn quốc tại Đà Nẵng năm 1992. Tại hội thi này, tôi chơi bài “Du xuân” và giành huy chương vàng. Nhạc công sân khấu dân tộc âm thầm đứng sau ánh hào quang của diễn viên mà chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng mức. Thậm chí có ý kiến cho rằng, người nhạc công chỉ “ăn theo” vở diễn. Từ quan niệm ấy nên mỗi khi xem xét danh hiệu này, danh hiệu nọ, người nhạc công bao giờ cũng chịu thiệt thòi, vì ít được khán, thính giả biết mặt, biết tên. Mặt khác, các ngành nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có tuồng, đang đứng trước nhiều khó khăn. Thiếu kịch bản hay, thiếu kinh phí dàn dựng và rất vắng… người xem.
- Cái tên “Khánh kèn” gắn với anh từ khi nào? Anh có tự hào vì cái tên đó?
- Tôi mải mê thổi kèn nên cũng không để ý. Hình như tên đó có từ Hội thi tài năng diễn tấu nhạc cụ sân khấu dân tộc toàn quốc năm 1992. Chả là sau khi tôi chơi bài “Du xuân” khá thuyết phục với cả Ban giám khảo và bạn nghề, nhiều nhà báo đến phỏng vấn. Vốn là dân nhà võ, nói ít, tôi bảo các nhà báo hãy đến Nhà hát tuồng Việt Nam mà lấy tài liệu cho khách quan. Cánh nhà báo vốn đáo để, hỏi không được trò thì tìm thầy để phỏng vấn. Thầy Lại Thương của tôi không giấu giếm: “Tôi đã dạy Ngọc Khánh thổi bài này từ năm 1977. Cái tài của trò Khánh chính là biết kế thừa và sáng tạo, phát huy những nét độc đáo dân gian từ những người thầy của mình. Em thổi có tâm hồn, duyên dáng, đi sâu vào lòng người. Ngọc Khánh xứng đáng là một cây kèn tài năng của âm nhạc dân tộc Việt Nam”.
- Như vậy, tên “Khánh kèn” chính là sự ghi nhận xứng đáng về tài năng và sự sáng tạo trong âm nhạc của anh?
- Với một người nhạc công, việc gắn bó với nhạc cụ mình chơi là một tất yếu, nhưng với tôi tình yêu với cây kèn lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Từ những bài học “rút ruột” của thầy, tôi phải tìm tòi, sáng tạo để nâng cao khả năng và sự biến tấu trong âm thanh của tiếng kèn một cách uyển chuyển. Trải qua những năm tháng học tập, rèn luyện nhọc nhằn, tiếng kèn của tôi không còn đơn thuần là một nhạc cụ của dàn nhạc sân khấu tuồng chỉ để thể hiện cái bi, hùng, ai oán như chức năng của nó, mà tôi đã tạo ra những âm thanh mới. Tôi đã dày công, khổ luyện để khám phá tính năng tiềm ẩn, tạo nên sự đa dạng, biến hóa linh hoạt của âm thanh từ cây kèn bình dị đó.
- Như vậy là anh đã dày công làm cho cây kèn đạt đến độ chuẩn âm, tinh xảo, tinh vi của nghệ thuật chơi nhạc?
- Tôi vốn là người mang mệnh “Sơn hạ hỏa” nên phải cháy hết mình. Trong mình có một khối lửa mà không cháy thì làm sao chịu được. Năm 2002, khi Nhà hát kịch Việt Nam phối hợp với một Nhà hát của Mỹ dàn dựng vở “Giấc mộng đêm hè” (Sếch-xpia), nhạc sĩ Phó Đức Phương được mời làm nhạc cho vở diễn, ông đã mời tôi cùng làm. Đây là lần đầu tiên tiếng kèn tuồng vang lên giai điệu trữ tình, tươi vui trong sân khấu kịch nói. Cũng trong năm 2002, tôi được giáo sư Trần Văn Khê chọn là một trong những nhạc công tham gia chương trình giới thiệu về âm nhạc cung đình Huế tổ chức tại Bỉ. Tại “Đại nhạc hội” này có dàn nhạc dân tộc truyền thống của 150 nước tham gia trình tấu.
- Tôi được biết anh đang có dự định làm một chương trình độc tấu kèn về dân ca các vùng miền trên cả nước. Việc làm này có quá sức với anh không?
- Hơn ba chục năm qua, tôi đã dày công nghiên cứu về âm hưởng dân ca của các dân tộc từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Tôi đã nhiều lần thử nghiệm, thành công thật đáng mừng. Đó chính là lối diễn tấu mới, lúc trầm bổng, sâu lắng, lúc dịu êm. Tôi làm như thế là để tôn vinh, để khẳng định vị trí của cây kèn sô na rất đa năng. Đến nay tôi đã thể hiện được âm hưởng của dân ca nhiều vùng, miền trên cả nước. Dân ca Tây Nguyên vốn được coi là rất “khó chơi” với kèn tuồng nhưng tôi cũng đã thành công trong vở “Rừng thức”.
Các thầy dặn tôi rằng, phải biết nhiều nhạc cụ để giỏi một thứ. Ngoài cây kèn, tôi còn học hỏi để có thể chơi nhiều loại nhạc cụ như sáo, nhị… Tôi đã thành công trong việc đưa sáo 8 lỗ của dàn nhạc hiện đại vào thổi trong dàn nhạc tuồng. Với kèn, tôi cũng đã có những cải tiến đáng kể. Tôi đã chế ra những lỗ trên cây kèn và chỉ tôi mới làm chủ được những âm thanh đó. Những nghiên cứu cải tiến này là sự đúc kết kinh nghiệm và cả tìm tòi của tôi sau chừng ấy năm gắn bó với cây kèn.
- “Nếu anh không đốt lửa, nếu tôi không đốt lửa thì trái đất này chỉ toàn bóng tối”. Đó là câu nói rất nổi tiếng trong một vở kịch của Lưu Quang Vũ. Điều quan trọng nhất vẫn là ngọn lửa ấy có truyền được cho đời sau hay không?
- Ta vẫn thường hay nói “cha truyền con nối”. Tôi có hạnh phúc được học và kế thừa những nét tinh túy, kinh nghiệm quý báu trong biểu diễn kèn của các thầy. Đến giờ tôi phải có trách nhiệm truyền lại cho học trò và cho con tôi. Học trò của tôi hiện đang có mặt ở hầu hết ở các đoàn tuồng trong cả nước và trong số đó nhiều người đã là nhạc công xuất sắc .
- Và anh vẫn còn “đốt lửa”?
- Hiện nay, ngoài vai trò là nhạc công của Nhà hát Tuồng Việt Nam, tôi còn là cộng tác viên thường xuyên của Nhà hát múa rối Thăng Long gần 20 năm nay. Tôi cũng tham gia giảng dạy cho sinh viên các Trường đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội, Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Tham gia chơi kèn với các dàn nhạc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, ca múa Thăng Long, dàn nhạc Giao hưởng, dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch… Tôi còn vinh dự được mang tiếng kèn ra các nước: Pháp, Ấn Độ, Bỉ, Nga, Ô-xtrây-li-a, Mi-an-ma… để giới thiệu về âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Nhân nói đến việc tìm tòi, học hỏi, tôi xin đọc mấy câu thơ của một khán giả thân thiết của Nhà hát Tuồng Việt Nam tên là Nguyễn Hồng Cơ viết tặng tôi: “Góp thời gian tết thành vòng nguyệt quế/ Gom tình đời hòa tiếng nhạc vang xa/ Khổ luyện bao năm dập dìu dâu bể/ Cho tiếng kèn thêm đằm thắm thiết tha”.
Xin cảm ơn nghệ sĩ!
Nguyễn Đình Phượng (thực hiện)