Vốn không bao giờ tin vào những điều mê tín dị đoan do các "ông đồng, bà cốt" phán xét nên tôi vẫn tự coi mình là một người "vô thần" theo đúng nghĩa của từ này. Nhưng nghe các bạn của vợ tôi ca ngợi về một vài "thầy" uy tín, một ngày đầu xuân, tôi đã lên đường để được mục sở thị chuyện xem bói ở quê tôi…

Nơi đầu tiên chúng tôi đến là nhà bà Moan ở thôn Lý thuộc xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Nằm khá sâu ở một con đường nhỏ trong thôn, ngôi nhà của bà Moan cũng như bao ngôi nhà khác của người nông dân nơi đây với mái lợp ngói đỏ, sân gạch, giếng nước, cây rơm, chuồng bò, chuồng lợn... Tuy nhiên, do không được quét dọn, vệ sinh thường xuyên nên căn nhà khá luộm thuộm, lôi thôi. Mùi phân bò ở chuồng và phân gà thải ra bừa bãi ở khu vực sân thỉnh thoảng lại bốc lên mùi hôi hám. Lúc vợ chồng tôi đến, bà Moan đang bế đứa cháu khoảng hơn một tuổi và mấy đứa trẻ đang đùa nghịch tung tăng trên sân. Thấy có khách, bà Moan đon đả chào: "Sáng sớm mà có khách đến nhà, thật quý hóa quá. Mời cô chú vào nhà uống nước". Vợ tôi "vào đề" ngay: "Bà ạ, hôm nay vợ chồng cháu muốn bà dành chút ít thời gian...". Chưa kịp nói hết câu, bà Moan nhanh miệng cắt ngang lời vợ tôi: "Bà hiểu rồi, mời hai cháu vào "phòng hậu cung" làm lễ... Bà Moan vội đưa đứa cháu đang bế trên tay cho đứa cháu lớn giữ và mời chúng tôi vào phòng.

"Phòng hậu cung" thấp nhỏ, chỉ vừa đủ để trải hai cái chiếu trên nền xi măng. Chiếc bàn thờ chính giữa bày đặt năm bát hương, hai lọ hoa và treo một bức tranh thờ Phật Di Lặc. Hai bên để khoảng bốn chục bát hương mà theo như lời bà Moan nói-đó là các "con hương" ở khắp nơi nhờ bà "trông coi" giúp. Mạng nhện, bụi bặm bám đầy góc tường, mái nhà, chứng tỏ "phòng hậu cung" ít được lau chùi, quét dọn. Lúc nghe thấy tiếng chuột cắn nhau lít chít ngay phía sau bàn thờ, tôi có cảm giác cái chốn được coi là "linh thiêng" này chưa được... thanh tĩnh, thâm nghiêm cho lắm. Sau khi vợ tôi để năm mươi nghìn đồng vào đĩa, bà Moan hỏi tên tuổi cả hai vợ chồng rồi thắp hương, miệng lầm rầm khấn vái ít phút.

Bà lão xem tướng số ở cửa đền Bảo Lộc, Nam Định. Ảnh: Minh Trường

Tiếp đó, bà để hai đồng xu vào đĩa rồi xóc đi xóc lại vài ba lần. Lúc mở ra, thấy hai đồng xu đều ngửa, bà không nói câu nào và xóc lại lần nữa. Lần thứ hai mở ra, thấy một đồng sấp, đồng ngửa, bà Moan nói với vợ chồng tôi: "Mệnh của hai con đẹp lắm". Tự nhiên chuyển đại từ "cháu" sang gọi "con", tôi thấy giọng bà "ngọt như mía lùi". Và cuộc "phán đoán" bắt đầu. Bà hỏi tôi tuổi gì, tôi bảo "con tuổi Hổ". Bà hỏi đứng "can" gì, tôi nói "con đứng can Giáp". Bà nói luôn: "Trai Đinh, Quý, Giáp thì tài/Gái Đinh, Quý, Giáp thì hai lần đò...". Tôi nói lại: "Bà ạ, con được tiếng là đứng can "Giáp", nhưng thực ra chẳng có tài cán gì, so với bạn bè thì thấp kém đủ đường". Bà hỏi tiếp: "Thế con đang làm gì?" "Dạ, con là công nhân". "Con đang là quản đốc, đúng không?". "Không, con chỉ là anh tổ trưởng "quèn" thôi ạ". "Đấy, tôi nghĩ "mấy khi sai" đâu. Là tổ trưởng, anh cũng là cán bộ quản lý rồi. Tuy chỉ quản lý ít người nhưng vẫn được điều khiển, chỉ huy người khác, thế là cũng "hơn người" rồi đấy. Anh ngày xưa học tốt, nhưng con đường công danh sự nghiệp anh không thông đồng bén giọt, âu cũng là "cái số, cái mệnh" của đời người con ạ. Nhưng cũng một phần "tại con" đấy, vì nhà con có một "bà cô chết trẻ" con không chịu thờ"!

Nghe đến đây, tôi "giật thót mình" vì hai cô ruột tôi năm nay đã trên bảy mươi tuổi, vẫn đang khoẻ mạnh và sống với con cháu, có ai chết trẻ đâu? Tôi nói: "Gia đình con không có người cô nào chết trẻ đâu, bà nghĩ lại xem sao?". Bà Moan ngẫm nghĩ giây lát rồi "nhanh trí" bảo: "Đấy là bà nói cái cô chết trẻ cách đây mấy đời rồi, con làm sao biết được"! Rồi bà hướng mắt sang vợ tôi, hỏi: "Con tuổi gì"? Vợ tôi đáp: "Con tuổi Trâu, đứng can "Ất" ạ"! "Con đã sinh cháu chưa"? Tôi nhanh miệng trả lời thay vợ: "Vợ chồng con có một cháu gái rồi". (Tôi cố tình nói sai, vì thực tế vợ chồng tôi đang có một cháu trai hơn ba tuổi). Bà nói tiếp: "Ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng. Nhà con có phúc "to lắm" mới sinh được con gái đầu lòng đấy. Nhưng đứa thứ hai nhất định là con trai. Vợ chồng con có tin vui đấy". Vợ tôi nhanh nhảu: "Tin gì ạ"? Bà Moan hỏi vợ tôi: "Cháu đang mang thai phải không"? Vợ tôi ngạc nhiên: "Không, vợ chồng cháu kế hoạch phải ba năm nữa mới sinh tiếp".

Vừa lúc đó, đứa cháu bà Moan từ sân chạy vào cửa "phòng hậu cung" nói láu táu: "Bà ơi, thằng cu Tuy nó vừa "tè" ra quần ướt hết rồi, bà ra thay cho nó đi". Bà Moan quắc mắt, quát to: "Cháu đi ra ngay chỗ khác, không được ồn ào ở "nơi làm việc" của bà"! Rồi bà Moan tiếp tục "thao thao bất tuyệt" nói rằng: Vợ chồng tôi ăn ở với nhau rất hoà hợp, vì hai người đã có "duyên định mệnh từ kiếp trước"; hiện tại dù cuộc sống gia đình còn khó khăn về kinh tế, nhưng dần dần sẽ ổn định; tôi sẽ phấn đấu được lên chức... quản đốc trong một tương lai gần. Rồi bà "phán" một câu xanh rờn: "Các con muốn trong ấm ngoài êm, công thành danh toại phải nhớ lập bàn thờ hương khói, bà sẽ đến cúng bái cho. Nếu các con được "Di cung hoán số, đổi sổ Thiên Đình" thì đời các con sẽ nhàn nhã, sung sướng, cả đời ăn không hết của"!

Liên miên, lan man gần hai giờ đồng hồ từ chuyện này sang chuyện khác, cuối cùng tôi cũng khéo léo "moi" được đôi nét về cuộc đời, "chân dung và sự nghiệp" của bà Moan: Đó là người đàn bà 65 tuổi, sinh được bốn người con đều ở nhà làm ruộng, một chữ "cắn đôi" cũng không biết, sau một lần bị bệnh đi chữa trị ở bệnh viện không khỏi, bà về lập bàn thờ cúng bái và tự nhiên... khỏi bệnh! Bà còn khẳng định: "Tôi không biết chữ, nhưng tôi là "Đồng nổi"- Giàu một bó, khó một nén", chứ không phải là "Đồng học"- Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Nghĩa là, bà Moan "nổi đồng" là do may mắn được ăn "Lộc Trời", ai đến xem bói đưa bà bao nhiêu tiền làm lễ bà cũng "phán" cho đến nơi đến chốn, chứ không phải như những người "Nổi đồng biết chữ" là chỉ dựa vào "số tiền làm lễ" mới "phán xét"... nặng hay nhẹ! Tôi hỏi thêm: "Bà ăn "Lộc Trời" những 10 năm rồi, có khi nào bị chính quyền xã có "ý kiến hỏi thăm" chưa"? Bà vung tay lên, tỏ ý bực bội: "Có đấy, cách đây mấy năm, mấy tay công an đến bắt tôi ra ngoài trụ sở ủy ban "hỏi han", nhưng sau đó gia đình "nhà chúng nó" nếu không có người "bất đắc kỳ tử" thì cũng gặp tai nạn bị "đui, què, mẻ, sứt". Chúng nó bị "trừng phạt" vì dám "động đến"... con cháu nhà Trời"! Nghe bà nói vậy, vợ tôi trợn tròn mắt lên vì... ngạc nhiên và sợ! Nhưng sau đó hỏi mấy nhà hàng xóm lân cận thì họ bảo, làm gì có chuyện "khủng khiếp và hoang đường" ấy!

Rời nhà bà Moan, vợ chồng tôi đến nhà bà Hoán ở thôn Lý Nhân. Vẫn năm mươi nghìn đồng, vợ tôi để trên đĩa ở bàn thờ. Dáng dấp không khắc khổ, lam lũ như bà Moan, người đàn bà cũng ở tuổi 65 này còn khá trẻ, gương mặt hồng hào, trán rộng, mắt đeo đôi kính lão nhìn không khác mấy một... nhà khoa học. Căn "phòng hậu cung" của bà khá rộng rãi, thoáng đãng, trên bàn thờ chỉ có một bát hương to. Mời chúng tôi ngồi trên chiếu, sau khi khấn vái lầm rầm ít câu, bà hỏi họ tên, tuổi, năm sinh, quê quán của hai vợ chồng rồi lấy bộ bài tú-lơ-khơ để ở trước mặt.

Sau khi làm vài ba động tác trộn bài trên tay, bà Hoán bảo vợ chồng tôi "bốc" bài. Tôi "bốc" được con bài "Mười tép", vợ tôi "bốc" được con bài "Sáu rô". Bà Hoán "phán" luôn: "Tép" là "tiền", "tép" cũng là "tình". Con không giàu, nhưng đời con cũng đủ tiền tiêu xài và có "bát ăn, bát để". Còn đường "Tình duyên" của con rất đậm đà, sâu sắc nhưng ít nhiều cũng có lúc trải qua sóng gió, trắc trở. Con đã yêu vài ba cô trước khi lấy vợ, đúng không"? Tôi nói: "Không, con "thấp bé nhẹ cân" thế này thì có "cô nào" thèm "để mắt" tới đâu, may mắn lắm thì mới được "cô nàng này" (tôi nháy mắt sang phía vợ) "chiếu cố" đấy. Nhưng số con long đong lắm, không có "của ăn, của để" như bà nói đâu". Bà Hoán bảo: "Hôm nay chưa có, ngày mai sẽ có, lo gì! Nhà con ở mặt tiền như thế, một mét vuông đất cát phố xá bây giờ đắt hơn cả cây vàng, con bán đi thì thiếu gì tiền". "Dạ, nhưng nhà con ở trong ngõ, có phải mặt tiền đâu"? "Không mặt tiền thì tới đây có khu công nghiệp hay mở đường, nhà con nhất định có mặt tiền"! "Nhưng, nhà con ở quê, chứ có phải ở phố đâu ạ"? Bà Hoán giọng bắt đầu gắt gỏng: "Sao con cứ nói chen ngang với bà thế nhỉ. Con có biết rằng với tốc độ đô thị hoá nhanh đến chóng mặt như hiện nay thì chẳng mấy chốc quê con sẽ lên phố xá, đúng không? Bà nói là nói sau này, tức là nói về "hậu vận" của con, con hiểu chưa"? Vợ tôi liếc mắt ra điều nhắc nhở tôi "hạn chế nói" và tôi hiểu ý nên ngồi im lặng.

Nhưng những điều bà nói sau đó không có gì mới, không có gì lạ khiến tôi phải suy nghĩ. Chẳng hạn như, bà nói rằng thời bé tôi đã từng bị ngã một đôi lần, lúc mới mua xe máy tôi cũng bị ngã sứt sát chân tay, trong quan hệ ứng xử cũng có khi chưa làm hài lòng ai đó, trong công việc có lúc cũng có sơ suất nhỏ, trong cuộc sống "có điều mình mong muốn" song chưa thành hiện thực, v.v.. và v.v... "Xem" được gì chẳng rõ nhưng… kết quả là tôi đã mất luôn nửa ngày quý giá và một trăm nghìn đồng cho những thông tin "biết rồi, khổ lắm…"!

 Phóng sự của NGUYỄN VĂN HẢI