Giáp Tết. Tôi bất ngờ nhận được cú điện thoại từ Quảng Ngãi. Ngay sau tiếng "a lô" đầu tiên, tôi đã nhận ngay ra anh Lực:
- Anh có biết hôm nay là ngày gì không?
Một thoáng suy tư, tôi hỏi lại anh rồi mới trả lời pha một chút hài hước:
- Ngày gì hả? Ngày 28 Tết chứ ngày gì!
- Đúng rồi! 28 Tết - Anh nói - Cũng ngày này cách đây 10 năm, em đã được các anh vớt lên từ biển... Anh quên rồi sao?
Giọng anh nghẹn ngào trong điện thoại bỗng gợi tôi trở về kí ức của một ngày giáp Tết 10 năm trước…
Tết Kỷ Mão năm 1999, tàu Trường Sa 04 (Đoàn M25) lên đường làm nhiệm vụ tuần tiễu bảo vệ chủ quyền thềm lục địa Tổ quốc. Ngày 28 Tết, trời vần vũ mây đen, gió mùa đông bắc quất vào mạn tàu rát rạt. Biển không còn "xanh màu ngọc bích" nữa. Chỉ có lá quốc kỳ trên tàu vẫn miệt mài tung bay phần phật...
 |
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị động viên các ngư dân Quảng Ngãi được bộ đội Trường Sa cứu sống tháng 4-2009. Ảnh: Văn Minh
|
Sóng mỗi lúc một to lên, gió hất lăn lóc những củ hành đang phơi cho se vỏ để muối ăn Tết. Biển là vậy, chúng tôi quen rồi. Thôi kệ thời tiết, chúng tôi mỗi người một việc. Hưng - Phó bí thư Chi đoàn cùng mấy cậu lính khéo tay trang trí bàn thờ Tổ quốc, mấy bác "lính già" cần mẫn rửa lá dong. Tiếng bổ củi choang choác, tiếng mài dao xoèn xoẹt...
Bỗng chuông báo động vang lên từng hồi, dồn dập. Mệnh lệnh thuyền trưởng vang lên:
- Báo động cấp 1, toàn tàu nhổ neo tiếp cận mục tiêu!
Tất cả vội vã chạy về vị trí của mình. Mấy chú gà trống chẳng hiểu chuyện gì nhớn nhác nép vào góc chuồng sợ hãi.
Trước đó ít phút, đài chỉ huy phát hiện cách 4 - 5 hải lí có một chấm đen như quả bóng lập lờ. Thuyền trưởng Hà Văn Thái nhanh chóng cho nhổ neo mở hết tốc độ, con tàu phăng phăng đè sóng lao đi. Tới gần, chúng tôi đã phát hiện ra chấm đen đó chính là chiếc thuyền thúng. Bỗng thuyền trưởng hét lên:
- Trên thuyền thúng có người! Chuẩn bị các phương tiện cấp cứu!
Trên boong tàu, những bước chân rầm rập. Chỉ một lát sau dây thừng, phao cá nhân, thang dây đã tập kết đầy đủ. Trên đài chỉ huy, nét mặt Thuyền trưởng Hà Văn Thái vô cùng căng thẳng, gương mặt vốn đã đen sạm giờ đanh lại:
- Máy phải lùi 1! Máy trái tiến 2! Phải 5 độ!
Những khẩu lệnh dồn dập nhưng chuẩn xác, anh thận trọng từng li, từng tí để tính toán gió, trớn tàu, dòng chảy, nếu chỉ sai một chút là toàn bộ con tàu có lượng giãn nước hơn 2.000 tấn có thể đè lên chiếc thuyền thúng vốn đã nhỏ nhoi mà trên nó còn có một con người đang thoi thóp...
…Thành bước lên thang dây, một tay bám chặt thang dây, tay còn lại gắng sức đẩy người ngư dân lên tàu. Hai đầu gối anh bị con hà bám ở mạn tàu cứa ngang dọc tứa máu... Dũng - thợ máy của tàu bế thốc anh ta vào phòng quân y. Lúc này nhìn anh chúng tôi mới thấy xót xa làm sao! Thân hình anh gầy rộc, khô quắt, đôi mắt trũng sâu, lờ đờ, miệng mấp máy, thều thào không ra tiếng. Thuyền trưởng Thái đặt tay lên ngực anh xoa xoa rồi lại đặt tay lên trán vẻ lo lắng. Đưa mắt về phía cậu Sĩ - quân y của tàu, anh nói:
- Tiêm ngay cho anh ấy mấy mũi trợ lực xem sao!
Xong mũi tiêm, người ngư dân vẫn nằm thiêm thiếp, những muỗng nước nhỏ vẫn đều đều đưa vào miệng anh từng tí một...
Khoảng gần hai tiếng đồng hồ sau, người anh đã ấm dần trở lại, từ trong hốc mắt trũng sâu, đôi mắt anh từ từ hé mở, chậm chạp nhìn mọi người. Bất giác từ trong đôi mắt ấy, những giọt nước mắt lăn dài chảy từng dòng ướt đẫm cả chiếc vỏ gối trắng tinh có thêu 4 chữ "HQVN" bằng chỉ đỏ mà cậu Sĩ quân y mới tỉ mỉ thêu xong mấy hôm trước...
Đến chiều tối hôm đó anh mới nói chuyện được, câu chuyện đứt quãng, khó nhọc...
Anh tên là Nguyễn Văn Lực, quê ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Mới cưới vợ được một tuần, anh cùng hơn 10 ngư dân đi câu mực, định bụng đi chuyến này về lấy tiền ăn Tết. Nào ngờ, đêm đó biển nổi giông, chiếc thuyền thúng của anh cứ trôi xa dần, xa dần rồi lạc luôn tàu mẹ... Suốt 7 ngày đêm trên biển hoảng loạn, đói, rét, khát và tuyệt vọng, sang đến ngày thứ 7, anh không cử động được nữa, anh nằm đó thoi thóp để chờ thần chết đến mang đi, nhủ thầm: "Hôm nay ở nhà lập bàn thờ cho mình rồi đây...". Ở làng chài quê anh, theo tục lệ cứ đến ngày thứ 7 mà không có tin tức gì thì coi như đã chết…
Ngay đêm đó, nhờ điện của Bộ Tư lệnh Hải quân, tin anh Lực được cứu sống lan nhanh khắp làng chài bé nhỏ. Bàn thờ nghi ngút khói hương được gỡ bỏ. Người vợ trẻ đau đớn vật vã mấy ngày trời giờ ngất lịm, cả gia đình anh vỡ oà trong niềm hạnh phúc...
Bẵng đi gần 10 năm, chúng tôi thất lạc tin anh cho đến một chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ" năm 2009, tôi bất ngờ được gặp lại anh nhờ nhà đài đã đi tìm anh về cho chúng tôi sau khi đọc lá thư tôi viết gửi chương trình. Sau cuộc gặp gỡ cảm động, tôi mới biết, ngày ấy, trước khi đi biển, anh đã kịp để lại trong vợ một mầm sống. Anh trở về ít lâu thì chị sinh cháu trai, gia đình quyết định đặt tên cháu là Hải. Mấy năm sau, chị lại sinh cháu thứ hai, anh chị đặt tên cháu là Quân, để nhớ về những người lính Hải quân đã cứu sống anh năm ấy…
Phan Văn Quý