QĐND - Năm 2013, Hà Tĩnh để xảy ra 180 vụ tai nạn giao thông làm chết 136 người, bị thương 164 người, thiệt hại tài sản hơn 1,9 tỷ đồng; so với năm 2012, các tiêu chí về TNGT năm 2013 của tỉnh Hà Tĩnh gần như chưa giảm.
Ngày 9-1, chúng tôi có mặt tại huyện Kỳ Anh, địa bàn được Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh xác định là "điểm đen" TNGT. Trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Kỳ Thịnh, khu vực đang thực hiện đại công trường khu công nghiệp Vũng Áng, hiện tượng xe chở quá khổ, quá tải diễn ra phổ biến. Đoạn đường từ Quốc lộ 1A xuống cảng Vũng Áng xe chở quá tải trọng chạy nhiều làm cho mặt đường biến dạng, bê tông nhựa dồn thành các “sống trâu”, mặt đường có nhiều rãnh rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Khu công nghiệp Vũng Áng từ khi khởi động đã thu hút về đây một số lượng lớn lao động, tạo ra mật độ giao thông dạy đặc ở khu vực này, hiện tượng vi phạm luật giao thông, gây tai nạn diễn ra thường xuyên. Đi cùng Tổ tuần tra liên ngành Công an tỉnh, xử lý vi phạm an toàn giao thông trên Quốc lộ 1A tại địa phận phường Hưng Thịnh, thị trấn Kỳ Anh, chúng tôi thấy các lỗi như chạy xe quá tốc độ cho phép, phóng nhanh, vượt ẩu, chạy sai làn đường… diễn ra khá phổ biến. Anh Lê Phúc Thiêm, thôn Tân Sơn, xã Kỳ Thọ huyện Kỳ Anh tâm sự: Nhà tôi ở gần đường, nên ngày nào cũng tiếp xúc với cảnh thanh niên chạy xe máy chở 3-4 người không đội mũ bảo hiểm lạng lách, đánh võng trên đường. Hiện tượng xe chở vật liệu quá khổ, quá tải, xe khách phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách… diễn ra thường xuyên nhưng ít được cơ quan chức năng ngăn chặn.
 |
Tổ tuần tra Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh xử lý xe ô tô khách chở quá số người quy định và chạy quá tốc độ tại Quốc lộ 1A, địa phận huyện Kỳ Anh. |
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Võ Trọng Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Việc vào cuộc của các cấp các ngành chưa đồng bộ, khi vi phạm luật giao thông, cơ quan công an thông báo về địa phương, hoặc cơ quan chủ quản người vi phạm, nhưng không được xử lý. Việc trừ điểm thi đua cá nhân ở cơ quan, địa phương có người vi phạm luật giao thông làm chưa triệt để; ký kết giao ước không vi phạm luật giao thông nhiều địa phương làm chỉ làm mang tính hình thức… nên các biện pháp chưa phát huy được hiệu quả, chưa thẩm thấu vào người tham gia giao thông”.
Trên dọc các tuyến quốc lộ chạy qua Hà Tĩnh hiện tượng lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán, sản xuất diễn ra khá phổ biến. Tại huyện Nghi Xuân, đoạn đường từ ngã ba Gia Lách tới UBND thị trấn Xuân An dài chưa tới 1km nhưng có rất nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng, các quán ăn "đua" nhau lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán. Nhà hàng, quán ăn dựng bạt, để xe ra cả lòng đường, cửa hàng vật liệu xây dựng, xe lớn, xe nhỏ ngang nhiên đậu bịt cả đường đi của các phương tiện khác. Đặc biệt, các xe ô tô chở xi măng, chở sắt thép quá tải đã băm nát đoạn đường này. Người dân rất bức xúc vì đường chỉ sửa được "dăm bữa, nửa tháng" lại hỏng, hiện tại mặt đường bong tróc thành các ổ voi, ổ gà, nơi dồn đá lởm chởm thành từng đống nhỏ, nơi tạo thành các vũng nước sâu tới 20-30cm… đã gây ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông tại đây.
 |
Tổ tuần tra, kiểm soát tổng hợp Công an tỉnh Hà Tĩnh xử lý phương tiện chạy quá tốc độ tại huyện Kỳ Anh.
|
Một cán bộ CSGT tỉnh Hà Tĩnh còn cho biết thêm: Ngoài những nguyên nhân chủ quan của địa phương thì thời gian qua việc triển khai thiếu đồng bộ của cơ quan cấp trên cũng gây những khó khăn nhất định cho việc duy trì trật tự giao thông ở địa phương. Hiện nay việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe, cán bộ cảnh sát giao thông không được tập huấn, hướng dẫn nên quá trình kiểm tra không biết cái nào là đúng tiêu chuẩn, cái nào là không. Việc kiểm tra giấy phép lái xe giả cũng không được Bộ Công an tập huấn nên anh em rất lúng túng trong quá trình thực thi công vụ... Những vấn đề trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh…”.
Để khắc phục những khó khăn, bất cập về công tác bảo đảm ATGT của tỉnh trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Thời gian tới ngoài những nỗ lực của địa phương rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan bộ, ngành Trung ương, như việc tập huấn cho lực lượng công an sử dụng các thiết bị mới; việc gắn các biển báo, kẻ vạch đường phải bảo đảm đúng, đủ; triển khai lắp đặt trạm cân đồng bộ trên toàn tuyến để tránh quá tải cho tỉnh Hà Tĩnh”. Tuy nhiên theo chúng tôi, muốn bảo đảm tốt tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn thì trước hết cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc. Những yếu kém về cơ sở hạ tầng, về công tác quản lý, về giáo dục tuyên truyền... đã được chỉ ra cần khắc phục ngay và triệt để. Từng người tham gia giao thông cần tạo cho mình ý thức tham gia giao thông trong xã hội hiện đại, tuyệt đối chấp hành luật giao thông thì mới mong các chỉ số về tai nạn giao thông ở Hà Tĩnh luôn có chiều hướng giảm xuống.
Bài và ảnh: LÊ ANH TUẤN