QĐND - Một ngày trước triển lãm tranh “Còn lại với thời gian” của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền-Hà Nội, phòng tranh đã đông kín người xem. Góc này một nhóm cựu chiến binh, góc kia cụ già dắt theo đàn cháu nhỏ, góc nữa vài cô thanh niên xung phong năm xưa nay mái tóc ngả màu… Họa sĩ Đức Dụ lặng lẽ ngồi quan sát, ông chỉ lên bức ký họa “Cua chữ A” giọng nói bồi hồi: “Trước đây, cũng trong một cuộc triển lãm, có bà mẹ tay sờ vào tranh mà khóc, bà nói rằng: "Con trai tôi đã hy sinh ở đây!". Lúc ấy, cả tôi, cả bà và người xem không cầm được nước mắt…”.

 Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ trong phòng tranh.

Nguyên là người lính Trường Sơn suốt 8 năm bom đạn ác liệt nhất (1965 - 1973), họa sĩ Nguyễn Đức Dụ đã ghi lại những câu chuyện chiến trường bằng hơn 400 bức ký họa về những người lính và đồng bào trên khắp tuyến đường lịch sử. Nhân kỷ niệm 55 năm đường Trường Sơn và 38 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 120 tác phẩm trong số đó được trưng bày tại triển lãm cá nhân lần này và đó là những bức tranh ông tâm đắc nhất.

“Nhắc đến Trường Sơn là người ta hình dung ra bom đạn, chết chóc, gian lao… Tôi và đồng đội chỉ cần nhìn lại những bức tranh này là hình dung ra nó được vẽ ở đâu, về vùng đất nào. Toàn bộ con người, quang cảnh khi đó như đang hiện ra mồn một trước mắt. Thực sự, đây là kho tư liệu quý mà tôi may mắn có được”. Đó vừa là lời chia sẻ vừa là câu chuyện mở đầu dẫn dắt công chúng đến với những tác phẩm ký họa của ông...

Những bức tranh của Đức Dụ về các chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc ở Trường Sơn.

Năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa nửa triệu quân vào miền Nam, thế hệ trẻ như Đức Dụ hăng hái lên đường nhập ngũ. Là người lính mở đường Trường Sơn ở miền Tây Thừa Thiên, không được đào tạo cơ bản về hội họa, nhưng thấy chàng lính trẻ say mê vẽ, Cục Chính trị Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn-đã tạo điều kiện cho anh chuyển về bộ phận tuyên văn phục vụ công tác tuyên truyền. Cũng từ đó, mọi nẻo đường bom đạn đều trở nên thân thuộc với ông. Bằng sự quan sát tỉ mỉ, niềm đam mê được hun đúc từng ngày từng giờ, Đức Dụ đã khắc họa được không khí sôi động của dân và quân ta qua hàng trăm bức ký họa. Mười bốn lần triển lãm tranh về Trường Sơn ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh… ký họa Đức Dụ đem đến niềm xúc động cho công chúng, nhất là các cựu chiến binh, nữ thanh niên xung phong... bằng những bức vẽ còn ám mùi thuốc súng, còn nguyên những vết ố vàng của nắng mưa, nước mắt…

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tranh ký họa Đức Dụ khá sinh động, phản ánh được quá khứ hào hùng của dân tộc qua nhiều tác phẩm: Cua chữ A, Bắn máy bay, Đội điều trị binh trạm 33 (1969), Bốc hàng trong chiến dịch, Tổ trực chiến trên cao điểm Suối Trăng (1971), Trọng điểm Tha Mé… Tranh vẽ về chiến trường của ông, trong cơ chế thị trường ngày nay hầu như không bán được. Đề tài ông theo đuổi chẳng phải dòng tranh thị trường nhưng ông vẫn vẽ vì đam mê. Bởi ông là người lính, là một nghệ sĩ sống nặng lòng với ký ức, với quá khứ, với Trường Sơn rực lửa một thời… Ngược lại, rất nhiều bức vẽ "gốc" của ông ra đời giữa Trường Sơn năm nào, nay lại được một số nhà sưu tập săn tìm. Bạn bè ông vẫn truyền tai nhau câu chuyện vui năm nào: Có mấy khách nước ngoài đến xin mua tranh "cổ" của Đức Dụ nhưng ông không bán. Nào ngờ người nọ truyền người kia thông tin ấy, cuối cùng đến tai Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn trước đây. Đức Dụ lập tức nhận được cuộc gọi: “Chú định bán đồng đội hả?”. Đức Dụ thót tim, thưa lại với thủ trưởng cũ: “Không, em đâu dám bán. Họ trả giá cao lắm nhưng em dại gì”.

Những bức tranh của Đức Dụ về các chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc ở Trường Sơn. Ảnh: Nam Điền.

Ông kể, ngày ấy không khí mở đường rầm rập khắp tuyến. Ông được cử chuyên đi vẽ ở các binh trạm, khu vận tải và các tuyến đường. Nơi đâu ông cũng thấy cảnh hy sinh, mất mát, gian khổ... nhưng nhìn vào ánh mắt những người lính, những người dân vẫn tràn đầy niềm tin vào ngày thống nhất đất nước. Một lần, Đức Dụ vào vẽ ở làng Tre nơi tập trung đồng bào A So nổi tiếng yêu nước và căm thù giặc, có một ông già ngoài 60 tuổi bị mù hai mắt do địch tra khảo, ông vẫn cố mang một gùi đạn nặng 60kg và nhờ đứa cháu nhỏ dẫn đường. Hai ông cháu mỗi người cầm một đầu cây gậy, cứ thế tiếp bước theo đoàn dân công đem đến giao tận tay bộ đội. Biết chuyện, Đức Dụ vẽ chân dung hai ông cháu cõng hàng đi phục vụ chiến dịch. Trong triển lãm lần này, nhiều bức ký họa các nữ thanh niên thuộc Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc làm nhiệm vụ quân y, giao liên, thông tin, kho hàng… thu hút sự chú ý đặc biệt của người xem. Những hình ảnh về “phái đẹp” nơi chiến trường ấy được ký họa trong khi các chị làm nhiệm vụ, lúc nghỉ ngơi... Bây giờ những suối tóc đen nhức ấy đã ngả màu, những "cô em" hừng hực sức sống năm nào nay phải chống gậy đến xem tranh, nhưng vẫn dành tặng người họa sĩ-đồng chí năm xưa ấy những vòng ôm thắm thiết. Những bức tranh đó sẽ theo Đức Dụ đến hết cuộc đời như lời ông nói...

Hòa bình lập lại, Đức Dụ về sống ở làng Ngọc Hà nhưng vẫn say sưa đi và vẽ. Nhiều lần trở lại chiến trường xưa, ông nôn nao vì cảnh vật đã khác, cung đường đã khác. Đi trên đường hôm nay mà ông cứ ngơ ngác tìm kiếm dấu tích, hình ảnh con đường ngày xưa. Sau những phút trầm lắng, ông như nghe thấy tiếng đồng đội xung trận, tiếng hò reo của các chiến sĩ mở đường và những dáng hình con gái giữa đại ngàn Trường Sơn bom đạn...

THÙY PHƯƠNG