 |
Anh hùng LLVT nhân dân Phan Thị Ràng (Chị Sứ) - ảnh chụp lại từ bảo tàng Quân khu 9. |
Tháng Tư, cỏ cây như xanh hơn màu xanh vốn có, như không biết đến nơi này từng thấm máu cha anh. Những chuyến xe du lịch đi từ Rạch Giá lên Hà Tiên, có ai thấy trái núi xanh rì ấy mé tay trái, sát kề bên biển? Đó là Hòn Đất, nơi có mộ chị Ràng - chị Sứ, người con gái mãi mãi tuổi hai mươi...
Hòn Đất, một thời “đất nước đứng lên”
“Chị Sứ yêu biết bao nhiêu cái chốn này, nơi chị oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái sai đã thắm hồng da thịt chị. Chính tại rẻo đất này, mẹ chị đã hát ru chị ngủ, và đến lúc làm mẹ, chị lại hát ru cho con những câu hát ngày xưa. Chính tại đây, chị đã giơ nắm tay nhỏ nhắn lên chào lá cờ Đảng…”.
Đó là đoạn văn trong sách giáo khoa mà tôi đã học thuộc lòng từ ngày còn nhỏ xíu, cắp sách tới trường. Còn nhớ, học bài chưa lâu thì đội chiếu bóng lưu động lại về xã tôi, một vùng chiêm trũng ở Thái Bình, chiếu bộ phim truyện nhựa màu có tiêu đề Hòn Đất. Ngày ấy, chiến tranh đã lùi xa được chừng 10 năm và với sự non nớt của tuổi thơ, tôi chưa đủ hiểu hết về câu chuyện trong phim nhưng Chị Sứ - Hòn Đất, những danh từ ấy đã trở thành biểu tượng trong tôi.
Có một người con gái tuổi đôi mươi
Thằng Xăm rút soạt lưỡi “cúp cúp” sáng loáng xông tới như một con thú. Hắn co thúc cánh tay bị thương sát vào bụng, vung dao lên chém mạnh vào gáy Sứ. Nhưng kỳ lạ quá, nhát dao đầu tiên đó mới chạm vào bỗng thấy bật trở lại. Thằng Xăm chém tiếp hai nhát thiệt mạnh nữa. Đầu Sứ chỉ chúi giật tới trước. Cả ba nhát dao đều chém không đứt đầu chị. Thằng Xăm chùn tay, thở hồng hộc. Hắn liếc nhìn lưỡi dao, ngờ vực. Nhưng đây nào phải vì lưỡi dao Mỹ không bén! Đây tại bởi tóc chị Sứ dày quá. Đây chính bởi lưỡi dao chạm phải một suối tóc tốt tươi nhất, suối tóc của hai mươi bảy tuổi đời con gái, vừa mượt vừa dày, gồm muôn ngàn sợi bền chặt rủ từ đỉnh đầu bất khuất đó chấm xuống sát đôi gót chân bất khuất đó…
 |
Nhà văn Anh Đức (phải) cùng nhà thơ Lê Anh Xuân. |
Đọc Hòn Đất đã mười mấy năm, nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi đoạn văn miêu tả cảnh thằng Xăm chém chị. Hòn Đất là một tiểu thuyết viết về một cuộc chiến đấu mà cũng là viết về một đời người con gái. Giờ đây, sau khi thắp nén tâm nhang lên nấm mồ chị Sứ, tôi mới có dịp ngắm nhìn chân dung thực của chị qua bức ảnh khắc trên bia mộ. Trong ảnh, chị Sứ hiền dịu, mộc mạc - một gương mặt rất đặc trưng của những thiếu nữ miền Tây Nam Bộ. Chỉ có điều, trên bia mộ, không hề có dòng chữ chị Sứ nào cả. Tôi đọc nhanh trên bia: Đồng chí Phan Thị Ràng, bí danh: Tư Phùng, sinh năm 1937, quê quán: thôn Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang… Không riêng tôi, hàng triệu người Việt
Nam, biết đến chị qua chị Sứ - nhân vật trong Hòn Đất nhiều hơn là người anh hùng nguyên mẫu trong đời thường. Vậy có gì khác giữa chị Sứ và chị Tư Phùng? Nhà văn Anh Đức có lần đã kể rằng: có hai nhân vật để lại ấn tượng mạnh trong cuộc đời cầm bút của ông là chị Tư Hậu và chị Sứ. Sau chị Tư Hậu là người cán bộ thời chống Pháp, ông muốn xây dựng hình tượng người con gái anh hùng trong thời chống Mỹ. Muốn làm được việc này, cần điển hình hóa. Việc đầu tiên là ông đổi tên, từ chị Ràng thành chị Sứ, cái tên gắn với loài hoa sứ nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Rồi dung mạo cũng phải làm sao để chị đúng là một người con gái miệt vườn. Ông đổi chị từ người yêu sang thành vợ một anh bộ đội tập kết, từ đó có một đứa con gái nhỏ. Ông tính tới cả mái tóc chị, mái tóc bay trước gió biển trong cái đêm trăng cuối cùng của đời chị… “Trên thực tế, đối với chị, tôi đã tạo thêm cho chị nhiều thứ, không ngoài mục đích là làm nên một chị Sứ chứ không chỉ là chị Ràng - một chị Sứ có khả năng tiêu biểu cho nhiều người con gái đẹp dáng, đẹp nết, anh hùng, trung hậu, đảm đang mà tôi từng biết, từng thấy quá nhiều, quá đông đảo trong cuộc chống Mỹ trên quê hương chúng ta”. Đó là quan điểm của tác giả, văn học có những quy luật và thủ pháp riêng. Nhưng chiều nay, đứng trước mộ chị Sứ - bất giác trong tôi có một so sánh, bâng khuâng. Chị Sứ - chị Ràng nổi tiếng là thế, vậy mà mãi đến năm 1994, chị mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Và tôi chợt nghĩ đến một sự muộn màng khác. Chị Sứ - chị Ràng ngoài đời ngã xuống khi mới 27 tuổi, chưa có gia đình, mới có người yêu tập kết ngoài Bắc – chi tiết ấy cũng anh hùng lắm chứ, cũng đáng để viết lắm chứ.
 |
Khu di tích Hang Hòn hôm nay. |
Đi tìm một khát vọng tuổi trẻ
Ghé Hòn Đất, trong tôi vẫn thoáng một chút buồn. Tôi cứ suy nghĩ mãi về so sánh của Chủ tịch huyện Hòn Đất, anh Dương Minh Lịch. Anh bảo với tôi: Hòn Đất, Kiên Giang quê mình cũng giống Thái Bình quê cậu. Thái Bình những năm chống Mỹ đứng đầu cả nước về cung cấp sức người cho tiền tuyến thì ở trong này, Kiên Giang những năm chống Mỹ chỉ có khoảng 800 nghìn dân, nhưng đã có 110 nghìn người tham gia hoạt động cách mạng, bình quân 10 người đi kháng chiến thì có gần 3 người đã anh dũng hy sinh, hoặc là thương binh. Anh Lịch kể tôi nghe chuyện mẹ Phạm Thị Khánh ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, người mẹ trung kiên này đã 14 lần tiễn con đi, 14 lần khóc thầm lặng lẽ… Vậy mà, trên những vùng quê anh dũng này hôm nay, có thêm một câu chuyện đáng suy nghĩ. Ít dần, ít dần những thanh niên xác định “lấy binh làm nghiệp”. Năm 2007, cả tỉnh có hơn 1,7 triệu dân mà chỉ có hơn 300 thanh niên đăng ký thi vào các trường quân đội và chỉ có 18 em thi đỗ, riêng huyện Hòn Đất chỉ có một em. Trong chuyến kiểm tra của Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng tại Kiên Giang lần này, Đại tá, tiến sĩ Lê Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Nhà trường cho biết: tỷ lệ đó cũng là thực trạng chung ở nhiều tỉnh phía Nam, sẽ dẫn đến mất cân đối trong xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội hiện nay, cần phải có một chính sách thu hút nhiều thanh niên phía Nam thi vào các trường quân đội. Một chị là cán bộ Sở giáo dục và đào tạo đã không ngần ngại nói rằng: Nhiều ông bố, bà mẹ ít muốn con vào bộ đội vì thu nhập của sĩ quan không cao hơn… công nhân trong này, lại xa nhà biền biệt. Nghe câu trả lời mà thoáng buồn, lại nhớ đến câu chuyện mà nhà văn Anh Đức đã miêu tả tâm trạng của chú Ba và thím Ba trong truyện ngắn Đứa con trong lúc chú và thím đang ở cái thế bị kẹt phải ở trong ấp chiến lược của địch năm nào: “Cách mạng đã đem đất lại cho mình, nhờ đó mình nuôi thằng Trung lớn lên. Giờ để tụi nó bắt thằng Trung đi lính bắn lại cách mạng à?”. Rồi trong đêm ấy, hai vợ chồng bần nông lẻn đưa đứa con vào vùng giải phóng, gia nhập quân giải phóng...
Chuyện xưa, chuyện nay cứ đan xen trong tôi giữa một chiều muộn về Hòn Đất. Biển dịu êm, nhưng dường như còn cồn cào bao khát vọng. Hòn Đất là huyện anh hùng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, nhưng cái nghèo, cái khó còn chưa vơi. 80% dân số làm nông nghiệp, cả huyện mới chỉ có một người đầu tiên có học vị thạc sĩ là anh Lê Bá Cường, bạn tôi. Còn nhiều khát vọng cần thắp sáng. Tôi thầm nghĩ, đó cũng là khát vọng của chị Sứ - chị Tư Phùng, của những người mẹ đã sinh ra người lính. Tháng tư, cỏ cây trên Hòn Đất như xanh hơn màu xanh vốn có của mình, như không biết đến nơi này từng thấm máu cha anh. Những chuyến xe du lịch đi từ Rạch Giá lên Hà Tiên, có ai thấy trái núi xanh rì ấy mé tay trái, sát kề bên biển? Đó là Hòn Đất! Và cách Hang Hòn không xa là ngôi mộ chị Ràng - chị Sứ, người con gái mãi mãi tuổi hai mươi với mái tóc dài bất diệt vẫn bay hoài bên vịnh biển phía Tây Tổ quốc ngày đêm sóng vỗ…
Bút ký của Nguyễn Văn Minh