QĐND - Một lần, tôi được chị Trần Tuyết Nga, Phó chủ tịch thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hoàn Kiếm “bật mí”: Sáng mồng một hằng tháng, anh cứ đến số nhà 25 Lương Ngọc Quyến, anh sẽ được thấy một “buổi sáng đặc biệt”! Tôi không hiểu “buổi sáng đặc biệt” mà chị nói chắc là có gì hay, có gì lạ nên tò mò tìm đến. Và tôi đã lặng người khi được thấy, được nghe thêm một bài học về lòng nhân ái. Hóa ra, trong lòng TP Hà Nội hối hả mưu sinh, vẫn còn rất nhiều nét đẹp lặng thầm…

Những bước chân lặng lẽ trong mưa

Rủi cho tôi, sáng 1-7-2012 vừa rồi Hà Nội đổ cơn mưa nhẹ nên 8 giờ sáng, những con đường vẫn vắng. Dẫu thế, khi tôi đến, phố Lương Ngọc Quyến vẫn khá nhiều người khoác áo mưa tìm đến. Có một tốp người đi bộ, dò dẫm từng bước đi trong mưa và đều dừng lại trước cửa ngôi nhà số 25, Cửa hàng vàng bạc Phú Vân. Trên tay những người nọ đều có một cái chuông nhỏ, họ vừa đi, vừa rung chuông. Góc phố nhỏ bỗng lao xao một “dàn âm thanh” kỳ lạ. Thấy tôi tròn mắt, bà chủ quán cà phê gần đó tiết lộ: “Họ đều là những người mù nên phải vừa đi, vừa rung chuông, sợ người khác va vào. Họ khiếm thị nhưng cảm giác tuyệt vời lắm, không cần hỏi cứ đi đến đúng cửa nhà số 25 là dừng lại”. “Họ đi đâu? Khiếm thị mà mưa gió thế này lặn lội làm gì?”- tôi hỏi. “Â, họ đến để nhận tiền trợ cấp. Cứ mồng một dương lịch hằng tháng, chị Vũ Hải Vân, chủ cửa hàng phát tiền trợ cấp cho những người mù ở Hà Nội”.

Người mù được gia đình chị Vân ân cần đón tiếp và cấp tiền trợ cấp sáng 1-7-2012.

 

Tôi băng qua đường, bước sang ngôi nhà số 25, lúc này đã lố nhố hơn 10 người khoác áo tơi chờ đợi. Một người phụ nữ nhỏ nhắn đang vừa điều hành cửa hàng vào lúc đông khách, vừa chỉ đạo người nhà, nhân viên mang tiền tận tình phát cho những người mù. Có người vào tận nhà nhận tiền, có người nhờ người nhà đi xe máy chở đến, lặng lẽ dừng xe ngoài cửa. Chị Vân hoặc những người nhà chị lại lặng lẽ bước ra, ân cần đặt tiền vào tay họ, mỗi người 150.000 đồng.

Trong số những người tìm đến sáng nay, có một cô gái trẻ tên là Nguyễn Thị Hương Lan. Lan đi chiếc xe đạp cà tàng, chở phía sau mẹ cô, bà Nguyễn Thị Huyền, 65 tuổi nhưng gương mặt như hằn sâu nỗi truân chuyên. Tên mẹ con họ thật đẹp nhưng cuộc đời bao đắng cay, chìm nổi. Lan cho hay mẹ bị mù đã hơn 10 năm nay nên bố cô bỏ đi lấy vợ khác, chỉ còn hai mẹ con phải thuê một căn phòng nhỏ trên đường Lý Văn Phúc. Đã thế, Lan lại bị bệnh thấp khớp, hai mẹ con phải sống tằn tiện dựa vào tiền trợ cấp cho người mù 350.000 đồng mỗi tháng. “Được cô Vân hỗ trợ thêm 150.000 đồng, với mẹ con tôi như thế là rất quý. Rau dưa qua ngày, năm ngoái cháu Lan đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng phát thanh truyền hình, học tại Hà Nội” - bà Huyền xúc động cho biết. Những người nghèo khổ thường tự tìm đến với nhau, gần nhà bà Huyền, có cụ Nguyễn Thị Được, 83 tuổi, cũng bị mù và sống độc thân. Qua chị Huyền giới thiệu, cụ Được cũng tìm đến cô Vân và được cô hỗ trợ tiền hằng tháng. “Có lúc cùng cực, tôi từng phải đi ăn xin nên khi gặp cô Vân, thấy cô tháng nào cũng phát tiền cho người mù, lại rất ân cần, chu đáo, tôi xúc động đến phát khóc” -cụ Được kể lại.

Tiếng xe gắn máy rách bô lạch phạch chạy đến, anh xe ôm làu bàu: “Tôi đành tiếp tục “vi phạm” chở hai người mù này vì họ nói đi chung cho… tiết kiệm, họ không có tiền”. “Thôi, họ mù tội nghiệp lắm rồi, các em đừng lấy tiền của họ. Họ phải đi xe buýt từ Tây Mỗ, Từ Liêm lên đấy. Rõ khổ, được trợ cấp có 150.000 mà phải trả tiền xe ôm vài chục nghìn nữa thì…”. Chị Vân lúc này đã xong việc, chạy ra nói với anh xe ôm và giục người nhà: “Cấp tiền cho hai bác đi các cháu, để hai bác ra bắt xe buýt về sớm kẻo trời đang kéo cơn mưa mới”. Hai người mới đến là ông Nghiêm Xuân Triệu, sinh năm 1955, nhà ở xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm và bà Đinh Thị Nụ, sinh năm 1952, ở xã Thượng Cát. ông Triệu đã mù, vợ lại bị bệnh thần kinh, cuộc sống vô cùng khó khăn nên từ năm 2006, ông được chị Vân giúp đỡ trợ cấp tiền hằng tháng, số tiền đó thực sự rất quý với vợ chồng ông. Gần nhà ông, có bà Nụ chồng chết, con phải đi học trường mồ côi, bản thân bà bị mù nặng hơn ông Triệu nên tháng nào ông cũng đến giúp đưa bà đi lĩnh tiền. Họ thuê xe ôm đi ra Nhổn rồi bắt xe lên Bờ Hồ, rồi lại từ Bờ Hồ bắt xe ôm về cửa hàng cô Vân.

Gần 20 năm tự “xây quỹ” giúp người mù

Anh Hoàng Văn Lý, Phó hội trưởng Hội người mù quận Hoàn Kiếm cho hay: “Tính đến nay, số người mù được chị Vân giúp đỡ đã lên tới hơn 100 người. Điều đáng quý nhất là chị không làm từ thiện theo đợt, theo phong trào hay chờ sự phát động của chính quyền mà việc chị làm hoàn toàn thầm lặng, tự nguyện, thường xuyên. Chị cũng không thống kê, không biết hết tên những người mù song người mù Hà Nội nhắc đến chị ai cũng biết, cũng trân trọng…”.

Chị Vân không muốn kể về những việc mình làm. Qua những người giúp việc tại cửa hàng, chúng tôi được biết: Việc chị trợ cấp hằng tháng cho những người mù từ chỗ cửa hàng của chị ở gần chi hội người mù phường Hàng Buồm. Hằng ngày, thấy họ đi qua bán tăm tre, chổi đót, hoàn cảnh rất khó khăn, chị thường gọi vào mua hàng giúp đỡ họ. Nhìn những cảnh đời bất hạnh, chị chợt nhớ đến những câu chuyện mà ba chị, một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc thường kể: Năm 1945, giặc Pháp trở lại gây hấn ở Nam Bộ, cả nước còn thiếu ăn, lương thực thiếu, Bác Hồ phát động phong trào "Hũ gạo kháng chiến". Bác đã viết trong một bức thư gửi đồng bào có đoạn: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng”. “Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hiện trước: Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. éem gạo đó để cứu dân nghèo”. Lời kêu gọi thiết tha của Người đã nhanh chóng được nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng. Khi ấy, bà nội chị ở quê dù con rất đói nhưng vẫn động viên con ăn thêm sắn để góp thêm gạo cho hũ gạo. Giờ đây, mình sống giữa thành phố lớn nhưng xung quanh còn bao người đói khổ, sao mình không noi theo gương Bác, theo gương bà nội năm xưa. Chị thầm nghĩ và bàn với chồng trích một phần tiền lợi nhuận từ cửa hàng để hình thành một “quỹ” giống như “hũ gạo giúp người mù” hằng tháng, mỗi tháng mình sẽ giúp người mù có 10kg gạo. Chồng chị nghe thế rất vui, anh gật đầu ngay. Ban đầu, số người tìm đến nhận hỗ trợ chỉ 10, 15 người rồi cứ thế tiếng lành đồn xa”, nay số người đến nhận trợ cấp đã lên tới hơn 100 người. Ngoài hỗ trợ hằng tháng mỗi người 150.000 đồng, chị còn tặng quà, giúp đỡ họ hằng năm nhân dịp Tết đến xuân về. Tính ra, tổng chi phí cho việc giúp đỡ người mù đã lên tới 15 triệu đồng mỗi tháng. Cứ 150.000 đồng tương đương với 10kg gạo, thì mỗi tháng chị Vân đã trợ cấp 1 tấn gạo, gần 20 năm qua là hàng chục tấn gạo giúp đỡ những người bất hạnh.

Bạn bè có người khuyên chị phải “phanh” sự giúp đỡ này lại, giới hạn nó lại, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, làm ăn suy giảm, nhưng chị không đành lòng. Nhưng người mù thì vẫn tìm đến, ngày mồng một hằng tháng đã trở thành niềm vui, niềm hy vọng và địa chỉ 25 Lương Ngọc Quyến đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong lòng họ… Chị tâm sự rằng, có một lần nọ, chị đã tận mắt nhìn thấy một cụ già mù miệt mài suốt cả ngày đi bán tăm tre, chổi đót. Chiều muộn, cụ già chống gậy trở về đi qua một ngõ nhỏ thì bọn nghiện hút đã đợi sẵn, chúng nhẫn tâm cướp luôn số tiền ít ỏi sau một ngày lao động cật lực cụ có được. Hình ảnh ấy khiến chị day dứt, thời buổi làm ăn khó khăn, mình kiếm đồng tiền đã khó nhưng những người mù đi làm còn khó hơn nhiều. Vì vậy, những sự giúp đỡ, động viên của mình tuy nhỏ bé nhưng mang tính ổn định sẽ tạo thêm một động lực rất lớn cho họ sống và vươn lên.

Ngoài sự giúp đỡ thường xuyên hằng tháng, chị còn bàn với chồng, có sự giúp đỡ nhiều hơn cho những gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách. Từ năm 1992 đến nay, chồng chị (cũng là một nhà báo công tác ở một cơ quan báo chí Trung ương) đã dành toàn bộ tiền nhuận bút, tiền đoạt 30 giải thưởng báo chí để xây dựng, sửa chữa 33 căn nhà tình nghĩa, tình thương ở nhiều vùng miền trên cả nước như ngôi nhà 2 tầng tặng cho CCB ở xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội, 4 ngôi nhà cho CCB ở xã Bắc Sơn (Sóc Sơn). Đặc biệt, trường hợp CCB Nguyễn Văn Bạch, xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), người giật nổ quả bộc phá 1000 g trên đồi A1, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ gặp khó khăn về nhà ở, chính quyền chưa tìm được nguồn hỗ trợ, gia đình chị đã xung phong giúp đỡ. Chị còn phụng dưỡng 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mới đây, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh -Liệt sĩ, gia đình chị Vân lại tặng huyện Thăng Bình (Quảng Nam) 2 căn nhà tình nghĩa, xã Cát Hạnh, huyện Phù Cát (Bình Định) hai nhà tình nghĩa. Đó là chưa kể hàng trăm địa chỉ từ thiện được gia đình chị Vân gửi quà qua các báo: Thanh niên, Công an nhân dân, Lao động, An ninh Thủ đô, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội v.v..

Chị Trần Tuyết Nga, Phó chủ tịch thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hoàn Kiếm cho biết: “Chính nhờ những tấm lòng vàng như của chị Vân đã trở thành nguồn động viên vô cùng to lớn đối với người khiếm thị, làm cho họ thấy thêm lạc quan, yêu đời, tự tin hòa nhập cuộc sống. Vì thế riêng ở quận Hoàn Kiếm, có nhiều người mù hoàn cảnh rất éo le nhưng vẫn tằn tiện vượt lên sống và tự lực, nhiều người đã thi đỗ đại học, có người mở cơ sở dịch vụ mát -xa, tẩm quất hay làm tăm tre, chổi đót tại nhà, giúp đỡ nhiều hội viên khác đến làm việc. Những nguồn thu nhập đó cộng với sự hỗ trợ mang tính ổn định như của chị Vân đã thực sự là “nguồn sống”, “nguồn sáng” cho những cuộc đời kém may mắn”.

Cảm kích trước tấm lòng “thương người như thể thương thân” của chị Vân, nhà thơ khiếm thị Văn Tiến Thịnh đã viết: Phú Vân tên gọi thật là hay /Gia tâm từ thiện nhiều năm nay /Người nghèo, khiếm thị được cô giúp /Mỗi tháng một lần cũng đỡ gay…

Bài và ảnh: Minh Khánh