Kinh doanh xăng dầu kiểu tự phát

Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9-2016, một số hộ dân tại tỉnh Gia Lai được tư vấn hợp tác kinh doanh "cây xăng mi-ni" với nhiều hứa hẹn tốt đẹp, mở ra một hướng làm ăn mới. Tuy nhiên, các trụ bơm xăng dầu tự động này đều không có giấy phép kinh doanh, không bảo đảm PCCC, buộc phải “đắp chiếu” ngay thời gian đầu hoạt động. Trường hợp của gia đình chị Lê Thị Thanh Phương (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) là một ví dụ. Thông qua giới thiệu, chị Phương biết đến hình thức kinh doanh "cây xăng mi-ni". Sau đó, gia đình chị quyết định hợp tác làm ăn với Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại quốc tế Bảo Kim (gọi tắt là Công ty Bảo Kim, có trụ sở tại 119 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh), người đại diện là ông Hà Bình Tuyên (chức vụ giám đốc) để lắp đặt trụ bơm xăng dầu tự động. Theo các hợp đồng ký kết giữa chị Lê Thị Thanh Phương và Công ty Bảo Kim, chị đầu tư 200 triệu đồng để mua thiết bị, lắp đặt 2 trụ bơm nhiên liệu tự động cung cấp xăng và dầu. “Gia đình tôi quyết định thế chấp nhà đất vay ngân hàng 300 triệu đồng, vừa đầu tư thiết bị vừa lợp mái, làm sân bãi để đặt cây xăng. Phía công ty cam kết sẽ lo toàn bộ thủ tục về kinh doanh xăng dầu cũng như cung cấp nguồn nhiên liệu, chúng tôi chỉ quản lý bán hàng”, chị Lê Thị Thanh Phương cho biết. Cây xăng được lắp đặt tại gia đình chị Phương và bắt đầu kinh doanh từ tháng 9-2016. Hoạt động của "cây xăng mi-ni" khá đơn giản, người mua cho các tờ tiền mệnh giá từ 5.000 đồng, 20.000 đồng, cao nhất là 200.000 đồng vào khe nhận tiền, sau đó tự bơm xăng, dầu vào phương tiện của mình.

leftcenterrightdel
Trụ bơm xăng, dầu tự động do người dân lắp đặt trên địa bàn tỉnh Gia Lai. 

Theo ghi nhận ý kiến từ một số người dân địa phương, "cây xăng mi-ni" bơm nhiên liệu chính xác so với số tiền đưa vào, cách thức vận hành đơn giản, dễ sử dụng. Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày đưa vào vận hành, hai "cây xăng mi-ni" của gia đình chị Phương đã bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động. Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Văn Hà, Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường lưu động (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai) cho biết, theo quy định của pháp luật, kinh doanh xăng dầu là loại hình kinh doanh có điều kiện, muốn mở một điểm bán xăng dầu cần phải theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngoài ra còn phải bảo đảm về khoảng cách nhà dân, an toàn môi trường, an toàn PCCC và rất nhiều điều kiện khác. “Người dân không thể tự mua thiết bị bơm xăng dầu rồi đặt tại nhà mình khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường, chúng tôi kiểm tra, khi không có giấy phép bắt buộc phải đình chỉ hoạt động”, ông Đinh Văn Hà chia sẻ.

Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh có 8 trụ bơm xăng dầu tự động được lắp đặt tại các huyện: Đăk Đoa, Chư Prông, Chư Sê... Địa điểm chủ yếu là nơi cách xa trung tâm, người dân phải đi xa mới đến được trạm xăng, do vậy những "cây xăng mi-ni" phục vụ trực tiếp cho nhu cầu người dân địa phương. Tất cả 8 "cây xăng mi-ni" trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều bị đình chỉ hoạt động, trong đó có một hộ gia đình bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vì kinh doanh xăng dầu trái phép.

Bán thiết bị cho dân rồi “đem con bỏ chợ”

Hai "cây xăng mi-ni" chỉ mới hoạt động được 5 ngày rồi bị đình chỉ suốt mấy tháng nay khiến gia đình chị Lê Thị Thanh Phương như “ngồi trên đống lửa”. “Khi quyết định đầu tư làm cây xăng, tôi nhẩm tính trung bình mỗi lít xăng, dầu lãi được 800 đồng, mỗi ngày có thể bán được 500 lít, tính ra cũng được 400.000 đồng/ngày. Bây giờ việc kinh doanh bị đình chỉ nên mọi tính toán đều đổ bể. Lãi suất ngân hàng tôi phải trả là 2,5 triệu đồng/tháng. Chưa biết trông mong vào đâu để lấy tiền trả nợ gốc”, chị Phương than thở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi đầu tư mua thiết bị, chị Phương chỉ ký hợp đồng với Công ty Bảo Kim và được công ty này cam kết chịu trách nhiệm cung cấp trụ bán xăng tự động, bảo dưỡng, bảo trì máy, phụ trách nhiên liệu đầu vào (xăng, dầu), tư vấn thiết kế, lắp đặt máy và các giấy phép liên quan đến kinh doanh xăng, dầu. Tuy nhiên, thực tế qua trao đổi với các cơ quan chức năng, Công ty Bảo Kim mà người đại diện là ông Hà Bình Tuyên chưa được cấp phép về kinh doanh xăng, dầu qua thiết bị trụ bán xăng, dầu tự động.

Sau khi việc kinh doanh xăng, dầu bị cơ quan chức năng đình chỉ, gia đình chị Phương đã nhiều lần liên lạc với ông Hà Bình Tuyên và được hứa hẹn sẽ hoàn tất các thủ tục để cây xăng của gia đình chị Phương hoạt động trong vài ngày tới. “Khi mất hết kiên nhẫn với những hứa hẹn của ông Tuyên, chúng tôi yêu cầu thanh lý hợp đồng và nhận lại số tiền đã đầu tư thiết bị. Hai bên ký biên bản thanh lý hợp đồng nhưng từ đó đến nay đã hơn một tháng chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền. Liên lạc với ông Tuyên qua điện thoại không được, chúng tôi đến địa chỉ nhà ông tại TP Plei-cu (tỉnh Gia Lai) cũng không gặp được ông Tuyên. Chúng tôi cho rằng, việc hợp tác làm ăn của ông Tuyên với gia đình chúng tôi có dấu hiệu bị lừa đảo”, chị Phương bày tỏ. Chia sẻ với những hộ dân đã đầu tư "cây xăng mi-ni", ông Đinh Văn Hà cho rằng, người dân đã không tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng, dầu, việc tự ý đầu tư trụ bơm xăng, lắp đặt ngay tại gia đình mình là vi phạm quy định nên bị đình chỉ hoạt động. Cũng theo ông Hà, để "cây xăng mi-ni" hay bất kỳ hình thức kinh doanh xăng, dầu nào khác được phép hoạt động, người dân cần liên hệ với cơ quan chức năng để được kiểm tra, cấp phép.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG - HOÀI THƯƠNG