QĐND - Từ ngày 1-1-2011 đến 30-6-2013, công tác phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra có tổng số án thụ lý là 774 vụ, với 1.974 bị can. Số vụ án tham nhũng bình quân hằng năm trong kỳ báo cáo so với giai đoạn trước tăng khá nhiều, nhưng tiến độ điều tra một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp khá chậm, gây bức xúc trong nhân dân.
 |
Phiên tòa sơ thẩm vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II. Ảnh: An Huy |
Điều tra, xét xử án tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu
Tại phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết: Chất lượng, tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác đấu tranh PCTN. Số vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung còn nhiều (11,6% số vụ; 19% số bị can), thậm chí một số vụ còn phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. Trong kỳ báo cáo, Cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đình chỉ điều tra vụ án 17%, đình chỉ bị can 21,4%, tỷ lệ đình chỉ này là khá cao.
Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng, tỷ lệ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung cao; số vụ án Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra bổ sung chiếm 23,7%; Tòa án nhân dân trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ là 44%.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh nêu một số trường hợp ở cấp tỉnh sau khi được viện kiểm sát quyết định hủy bỏ tạm giam, các bị can đã phản cung, gây khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ, dẫn đến vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết. Điển hình như vụ án “Nguyễn Đình Thản lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty Vinaconex10 Đà Nẵng, sau 6 năm mới đưa ra xét xử sơ thẩm; hoặc vụ án “Phạm Trọng Thi và đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Công ty Công nghiệp trồng rừng Tây Nguyên (tỉnh Đắc Lắc) để “ngâm” đã hơn 5 năm, chỉ sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo mới khởi tố bổ sung 8 bị can và đưa ra xét xử.
Tổng hợp của Ban Nội chính Trung ương còn cho thấy: Một số vụ án được đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự chưa đủ căn cứ, thiếu thuyết phục, khiến dư luận bất bình, thậm chí cho rằng, có vấn đề tiêu cực, gây nghi ngờ trong xã hội đối với kết quả xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao về công tác xét xử án tham nhũng nhận định: Việc xét xử các tội phạm về tham nhũng của ngành tòa án cơ bản bảo đảm đúng pháp luật, tuy nhiên, việc xét xử một số vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng lớn còn để kéo dài, có vụ quá thời hạn luật định, gây bức xúc trong nhân dân. Tỷ lệ án treo trong các vụ án tham nhũng đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao (năm 2011 là 37%, năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 là 28%, tổng hợp tỷ lệ trong kỳ báo cáo là 32%), chưa tạo được sự đồng tình trong xã hội và chưa tạo được sự răn đe mạnh mẽ.
 |
Xét xử vụ án tham nhũng "Dương Chí Dũng và đồng phạm" tháng 12-2013. Ảnh: TTXVN
|
Khắc phục vướng mắc trong quy định của pháp luật
Những vướng mắc trong công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng là do đâu? Theo đồng chí Nguyễn Bá Thanh, trước hết từ chính các quy định của pháp luật. Đồng chí nêu ví dụ: Trong quá trình điều tra ban đầu, khi vụ án chưa được khởi tố thì công tác thu thập tài liệu đối với hành vi phạm tội tham nhũng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng gặp nhiều khó khăn, do bị hạn chế từ quy định bảo mật và cung cấp thông tin liên quan đến tiền và tài sản gửi của khách hàng, hoặc từ quy định việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra đối với cán bộ, đảng viên khi chưa khởi tố bị can.
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, hiện nay, các quy định của pháp luật về dấu hiệu định tội của một số tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự gần giống nhau, dẫn đến khó xác định, khó áp dụng, như tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 281), tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” (Điều 282), tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 285)… nhưng chưa có quy định hướng dẫn của liên ngành Trung ương và của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Một số dấu hiệu định tội như "nghiêm trọng", "rất nghiêm trọng", "đặc biệt nghiêm trọng"... trong các tội về tham nhũng, nhưng chưa có hướng dẫn thống nhất, gây khó khăn trong áp dụng pháp luật.
Quy định pháp luật hiện hành cho thời hạn 3 ngày để phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, tuy nhiên trong một số vụ án tham nhũng tinh vi, phức tạp thì quy định như trên là quá ngắn, không đủ thời gian để kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ đề nghị phê chuẩn. Pháp luật quy định thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp thụ lý lại vụ án là một tháng, trong một số vụ án tham nhũng phức tạp khó có thể bảo đảm đúng quy định của pháp luật (vì thời hạn quá ngắn, thẩm phán hầu như phải đọc hồ sơ từ đầu).
Để khắc phục những vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã kiến nghị Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến công tác PCTN, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng.
Tập trung giải quyết “điểm nghẽn” giám định
Liên quan đến công tác giám định, báo cáo của Ban Nội chính Trung ương cho biết: Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thành lập hội đồng giám định hoặc cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc để phục vụ cho công tác giám định trong giải quyết vụ án, vụ việc tham nhũng; hoặc cử giám định viên không đúng chuyên môn, không đủ điều kiện, nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và chất lượng điều tra, truy tố, xét xử án; thậm chí có vụ kết quả giám định không được tòa án công nhận, dẫn đến đình chỉ vụ án.
Để khắc phục vấn đề này, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã thống nhất kiến nghị Bộ Chính trị giao Ban Cán sự đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo tập trung nghiên cứu, khẩn trương ban hành các quy định về giám định tư pháp phục vụ công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án TN, án kinh tế có dấu hiệu TN. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng đã chỉ đạo trách nhiệm cụ thể của Đảng ủy, Ban cán sự đảng các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém về khâu giám định tư pháp...
HỒNG HẢI