QĐND - Thân hình biến dạng bởi cô phải mang trong mình chất độc da cam quái ác cùng căn bệnh xương thủy tinh từ lúc mới chào đời, nhưng khát vọng lớn lao đã giúp Huỳnh Thanh Thảo vươn lên làm đẹp cho đời. Và giữa ngút ngàn màu xanh cây trái của vùng “đất thép” Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), cô gái 25 tuổi ở ấp Ràng (xã Trung Lập Thượng) được coi như một bông hoa tươi thắm, một “thiên thần không chân"…
Cô giáo chưa từng… đi học
Từ trung tâm huyện Củ Chi, men theo hương lộ 2 khoảng 10 cây số trước khi rẽ vào tỉnh lộ 17 đi thêm gần 10 cây số nữa là tới ấp Ràng, hỏi nhà cô bé Ba ở đâu thì ai cũng biết và chỉ đường tận tình, bởi từ lâu cô đã là người bạn thân thiết của con em họ. ông Huỳnh Văn Ru, cha Thảo dẫn chúng tôi vào căn phòng của cô. ông bảo, mấy bữa nay mưa nắng thất thường nên bệnh trong người Thảo lại tái phát. Khắp cơ thể cô sưng tấy, đau nhức rất khó chịu. Thế nhưng, đón chúng tôi lại là một nụ cười rạng rỡ đến bất ngờ, Thảo chia sẻ chân thành: “Mình biết, có nhiều người bị bệnh như mình mà đã mất trước mình rất lâu. Nên với mình, mỗi ngày được sống trên đời là một niềm vui, là một sự tận hưởng ngọt ngào và hạnh phúc nhất mà thượng đế đã ban cho mình. Những đau đớn về thể xác từ lâu rồi không còn hành hạ được mình nữa. Thực sự, mình rất mãn nguyện và vui vẻ với những gì đang diễn ra xung quanh. Mình cảm ơn các bạn đã thăm mình, từ Sài Gòn về đây đến cả trăm cây số chứ đâu ít gì. Mình cũng ước được đi xa thật nhiều!”.
 |
Thảo và các học sinh của mình. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Bây giờ chúng tôi mới nhìn kỹ, ngoài khả năng giao tiếp khá thân thiện và cởi mở với nụ cười rất duyên, Thảo không có khả năng đi lại do đôi chân bị teo tóp từ khi mới lọt lòng. Cô cũng không thể đứng dậy được. Tuy nhiên, đó lại không phải khó khăn duy nhất của cô bởi cô còn bị bệnh xương thủy tinh, hễ cử động mạnh sẽ bị gãy xương bất cứ lúc nào. Vậy nhưng, vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, những điều Thảo đã làm được khiến ai cũng phải ngỡ ngàng.
Thảo kể, năm lên 9 tuổi cô bắt đầu làm quen với con chữ qua sự giúp đỡ của cha mẹ. Hơn một năm sau, cô được chị gái dạy viết. Khi đã đọc thông viết thạo, cô xin ba mẹ mở một tiệm tạp hóa ngay ở nhà để vừa bán hàng phụ giúp kinh tế trong gia đình vừa tự học để nâng cao kiến thức. Thảo thấy một số em nhỏ ở vùng quê nghèo Củ Chi của mình không có điều kiện đến trường nên cô đã mở lớp dạy học miễn phí. Ban đầu chỉ 4-5 em nhưng càng về sau, số lượng học sinh của cô giáo tật nguyền này ngày càng đông, có lúc đến hơn 30 em. Học sinh lớn nhất của Thảo đã có người đỗ đại học, cao đẳng và theo cô nhớ thì hơn 10 năm dạy học, số học sinh của cô cũng lên tới 100 em.
Lúc ấy, mọi người mới ngỡ ngàng nhận ra, Thảo đã dạy học, đã uốn nắn những nét chữ đầu đời cho rất nhiều đứa trẻ nghèo vùng Củ Chi "đất thép" mặc dù cô chưa từng một ngày được… đi học. Và nhiều học sinh cũ quanh vùng vẫn nhớ đến “cô giáo đầu tiên” của mình mà quay lại giúp đỡ cô. Đó là niềm vui, hạnh phúc mà cô nhận được, đúng như phương châm sống của đời mình, “hãy cho đi nụ cười và bạn sẽ nhận được hạnh phúc”.
Cách đây 3 năm, Thảo vinh dự được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V tại TP Hồ Chí Minh, một phần thưởng xứng đáng sau bao nỗ lực không biết mệt mỏi của cô gái tật nguyền đã vượt lên số phận để mang chút sức lực nhỏ bé của mình giúp ích cho đời.
Thư viện làng và quỹ “heo tình bạn”
Mở cửa sổ, nhìn ra những cánh đồng lúa xanh ngắt đang thì con gái, Thảo nhẹ nhàng bảo, trong thâm tâm, cô rất thích được dạy các em nhỏ ở đây bởi nhiều em có hoàn cảnh rất đáng thương. Tuy nhiên, do sức khỏe không cho phép, cô phải nghỉ dạy và bắt đầu một hành trình khác, cũng vẫn mang tri thức đến cho những đứa trẻ nhưng bằng cách lập… thư viện mi -ni. Bắt đầu thành lập từ năm 2009, đến nay, từ hơn 50 quyển sách ban đầu, hiện thư viện của Thảo có khoảng 4000 đầu sách, truyện, báo, tạp chí bổ ích cho các em nhỏ. Thế là, suốt thời gian ấy, thư viện mi -ni cô Ba (tên thân mật của Thảo) đã trở thành địa chỉ thân thuộc của hàng trăm em nhỏ vùng này. Gần đây, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Đoàn thanh niên Trường Đại học KHXH &NV TP Hồ Chí Minh đã có chương trình quyên góp sách giúp thư viện cô Ba. Đấy không chỉ là niềm vui của Thảo mà còn là niềm vui, là ước mơ của hàng trăm trẻ em nghèo vùng đất Củ Chi.
Thảo cho hay, hiện nay thư viện mỗi ngày đón tiếp khoảng 25 em nhỏ, chủ yếu là học sinh trong ấp, xã và con em công nhân ở các khu công nghiệp lân cận. Mỗi em đến thư viện được đọc sách miễn phí nhưng Thảo còn thành lập một quỹ gọi là “heo tình bạn” trong đó mỗi em đóng 500 đồng để giúp các bạn nghèo hơn. Năm học vừa qua, quỹ “heo tình bạn” đã giúp được 7 em với số tiền nho nhỏ như một động lực để các em say mê, ham học hơn. Số tiền chưa lớn nhưng hy vọng đó là cái đòn bẩy ước mơ của các em.
Ngoài việc thành lập thư viện mi -ni, lập quỹ giúp trẻ em nghèo, Thảo còn tham gia tích cực trên một số diễn đàn xã hội để cùng chia sẻ với những người bị bệnh như mình với mục đích giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống. Cô bảo, nỗi khủng khiếp nhất khi mắc bệnh là sự tuyệt vọng. Nó gần như có thể giết chết con người ta khi họ bắt đầu nhận thức được nó. Và, nó cũng đủ sức đánh gục những người không có ý chí và mục đích sống. Vì vậy, cần có những cộng đồng người bị mắc bệnh để họ chia sẻ kinh nghiệm sống và giúp đỡ nhau khi cần. Thảo kể, nick name của cô trên mạng xã hội là “thiên thần không chân” bởi cô ước mình sẽ đi giúp đỡ được nhiều người nhưng vì không có chân nên chỉ có thể làm… "thiên thần" mà thôi.
Chia tay cô gái nhỏ bé, chúng tôi thầm mong cô luôn mạnh khỏe để chiến thắng bệnh tật và sống có ích cho đời. Chúng tôi cũng mong muốn những độc giả trong khuôn khổ bài báo này, nếu có thể hãy cùng cô xây dựng thư viện mi -ni thêm ngày một phát triển bằng cách gửi sách báo, những kiến thức có ích cho thế hệ mầm non của chúng ta ở vùng "đất thép" Củ Chi như một nghĩa cử cao đẹp, một việc làm có ích cho cuộc đời này.
Đoàn Đại Trí