QĐND - Theo Thông tư liên tịch số 45/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH của Bộ Y tế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) thì ông Nguyễn Ngọc Mai ở tổ 34 Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội sẽ được điều chỉnh chế độ bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin từ mức 1 lên mức 2. Tuy nhiên, do sự hướng dẫn chậm trễ của các cơ quan chức năng nên đến nay ông Nguyễn Ngọc Mai vẫn chưa được điều chỉnh chế độ…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Mai cho biết: "Tháng 2-1966, tôi nhập ngũ tại Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 và cùng đơn vị tham gia chiến đấu ở Quảng Nam từ năm 1967 đến tháng 2-1969. Trong trận đánh Thượng Đức (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), tôi bị thương và được chuyển về tuyến sau điều trị. Do vết thương nặng nên tôi tiếp tục được chuyển về điều trị tại Đoàn An dưỡng 251 (Quân khu Tả Ngạn). Cuối năm 1971, sau khi lành vết thương, tôi được cấp trên điều về công tác tại Ty Thương nghiệp tỉnh Thái Bình. Năm 1975, tôi lại được cử đi học đại học, năm 1980 tốt nghiệp, tôi trở lại công tác tại Ty Thương nghiệp tỉnh. Sau đó, tôi chuyển sang Cục Thuế tỉnh Thái Bình, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình và đến năm 2010 về nghỉ hưu".
 |
Ông Nguyễn Ngọc Mai trình bày sự việc.
|
Theo ông Mai trình bày, trong thời gian Trung đoàn 141 tham gia chiến đấu tại Mặt trận Quảng Nam, ông Mai cũng như đồng đội chưa ai biết tác hại của chất độc da cam/đi-ô-xin như thế nào. Thỉnh thoảng, họ chỉ thấy một vài chiếc máy bay đi rải thứ gì đó như mưa, sau đó thì cây cối đều bị rụng lá và chết khô hết. Năm 2008, khi sức khỏe giảm sút, ông Mai mới đi khám bệnh thì được các bác sĩ thông báo rằng ông bị bệnh đái tháo đường tuýp II. Ông Mai đã làm hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, nhưng các cơ quan chức năng yêu cầu ông phải cung cấp các giấy tờ như: Giấy tờ chứng minh đơn vị đã có thời gian tham gia chiến đấu ở chiến trường bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin; giấy chứng thương; giấy chuyển viện… Lúc này, ông Mai chỉ có huân chương kháng chiến, xác định là đi Nam tham gia kháng chiến, còn các giấy tờ khác thì đều bị thất lạc. Sau này, khi ông Mai đi phô-tô-cóp-py hồ sơ thương binh để chuyển từ Thái Bình lên Hà Nội thì mới tìm thấy giấy chứng nhận bị thương trong trận đánh Thượng Đức. Đến lúc đó ông Mai mới hoàn thiện hồ sơ và được hưởng chế độ bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin.
Tại Quyết định số 11563/QĐ/LĐTBXH ngày 24-12-2014 của Sở LĐ-TB và XH TP Hà Nội về việc cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đã quyết định: Trợ cấp hằng tháng đối với ông Nguyễn Ngọc Mai, sinh năm 1949; nguyên quán: Thái Bình; trú quán: Tổ 14, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, bị mắc bệnh đái tháo đường tuýp II có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; tỷ lệ tổn thương cơ thể: 41%, thương binh 61%. Trợ cấp hằng tháng 927.000 đồng kể từ ngày 1-10-2014.
Ông Nguyễn Ngọc Mai tâm sự: "Ngày 25-11-2014, Bộ Y tế - Bộ LĐ-TB và XH có Thông tư liên tịch số 45/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH bãi bỏ điểm c, khoản 1, Điều 31 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15-5-2013 của Bộ LĐ-TB và XH. Theo thông tư này, tôi sẽ được điều chỉnh chế độ bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin lên mức 2. Tháng 9-2015, tôi đã đến Sở LĐ-TB và XH TP Hà Nội hỏi về vấn đề trên và được biết hiện có nhiều trường hợp như tôi và Sở LĐ-TB và XH TP Hà Nội đã làm văn bản gửi Bộ LĐ-TB và XH xin hướng dẫn những trường hợp như tôi có được điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 45/2014 hay không. Khi nào có văn bản trả lời của Bộ LĐ-TB và XH thì Sở LĐ-TB và XH TP Hà Nội mới có thể giải quyết được".
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thanh Huyền, chuyên viên Phòng Người có công, Sở LĐ-TB và XH TP Hà Nội cho biết: “Ngay sau khi nhận được ý kiến phản ảnh của ông Nguyễn Ngọc Mai và những trường hợp như ông Mai, chúng tôi đã làm văn bản gửi Bộ LĐ-TB và XH xin chỉ đạo những trường hợp đó có được điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 45/2014 hay không. Mới đây, Bộ LĐ-TB và XH đã có văn bản trả lời những trường hợp như ông Nguyễn Ngọc Mai sẽ được điều chỉnh. Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để ông Nguyễn Ngọc Mai cũng như những trường hợp tương tự như ông nhanh chóng được điều chỉnh chế độ”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được cung cấp công văn của Bộ LĐ-TB và XH về vấn đề trên thì bà Lê Thanh Huyền cho biết: Đây là văn bản "nội bộ", không thể cung cấp cho phóng viên. Bản thân ông Mai cho biết, ông nhiều lần xin được cung cấp văn bản này nhưng Sở LĐ-TB và XH TP Hà Nội cũng từ chối và cứ "úp úp mở mở" khiến ông cũng như nhiều trường hợp khác không khỏi băn khoăn, thấp thỏm.
Thật là một cách làm việc lạ lùng và khó hiểu. Đề nghị Sở LĐ-TB và XH TP Hà Nội sớm giải quyết chế độ chính sách cho công dân theo đúng Thông tư liên tịch số 45/2014/TTLB-BYT-BLĐTBXH và công khai thông tin, sớm có hướng dẫn cụ thể, không để người có công phải lo lắng, thấp thỏm một cách phi lý!
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH