Theo quốc lộ 45, ghé thăm thành Tây Đô phế tích rồi hòa vào quốc lộ 217 ngược lên miền thượng du Bá Thước, cách thành phố Thanh Hóa chừng 100km, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên với những dòng thác hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng của Thác Mơ.
Thác Mơ thuộc xã Điền Quang, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), người dân bản địa gọi là Thác Muốn. "Muốn" là từ Việt - Mường nhưng người dân nơi đây lí giải tên gọi ấy bằng một truyền thuyết vô cùng thú vị. Rằng xưa kia, vùng đất này thuộc Mường Khô - một mường lớn nằm sát cạnh mường Ống (hoặc mường Úng) và mường Ai là một trong các mường rất cổ ở huyện miền núi Bá Thước. Ngày ấy có một đôi nam nữ yêu nhau tha thiết, hai bên từng thề non, hẹn biển. Hằng ngày, chàng trai đi rừng săn bắn muông thú, cô gái ở nhà dệt cửi lấy vải thổ cẩm thêu váy áo cho mình khi sánh duyên cùng chàng trai. Tình yêu của họ tưởng chừng sẽ thành hiện thực, nhưng gia đình hai bên lại ngăn cản. Chàng trai và cô gái trèo lên đỉnh núi nắm chặt tay nhau, nhìn về phía bản làng và gia đình suốt một ngày. Khi ông mặt trời chuẩn bị khuất sau rặng núi, họ chia tay nhau, mỗi người đi một ngả, không ai biết họ đi về đâu… Từ đó, đỉnh núi ấy được người dân nơi đây gọi tên "đồi Muốn" để tưởng nhớ đến đôi nam nữ của bản mình rất muốn nên duyên vợ chồng. Sau này, hậu thế đã đặt tên mới cho Thác Muốn là Thác Mơ.
Dòng suối Mơ bắt nguồn từ đỉnh núi Muốn có độ cao hơn ba trăm mét. Ở đỉnh núi ấy có một thung lũng rộng vài héc-ta, xung quanh đều có núi đá bao bọc. Nước từ trong các khe núi đá chảy vào lòng thung rồi từ đó đổ xuống sườn núi tạo thành nhiều tầng thác liên hoàn kế tiếp nhau như hình bậc thang. Trườn qua 43 tầng thác lớn, nhỏ, cao, thấp khác nhau với chỉ toàn đá, nước và cây rừng trùm kín, dòng suối đổ ra sông Đại Lạn nhập vào sông Mã hùng vĩ. Điều đặc biệt thú vị khi du khách đến với Thác Mơ là có thể trèo lên 43 tầng thác mà không cần phải bỏ dép bởi loại đá ở đây là đá cát (giống như đá mài), mòn nhẵn nhưng không hề trơn.
 |
Một cảnh ở Thác Mơ
|
Sau khoảng hai giờ leo thác, du khách đã lên đến tầng thác cuối cùng trên đỉnh núi Muốn. Ở mỗi tầng thác, cảnh trí và âm thanh của tiếng nước đổ xuống lại khác nhau. Có chỗ thì thác đổ rào rào, nơi lại khẽ khàng và róc rách nghe như tiếng suối chảy… Những thanh âm trầm bổng, ầm ào, róc rách ấy tạo thành âm hưởng như những bản nhạc tự nhiên, kì diệu khiến cho con người sảng khoái, quên đi nỗi mệt nhọc khi vượt thác. Có thác nước tràn qua mềm mại, nơi lại cao vút, nước đổ xuống cuồn cuộn tung bọt trắng xóa. Triệu triệu hạt nước nhỏ li ti như những hạt sương ban mai bay lên cao, hòa quện vào nhau như dải lụa trắng rồi lan tỏa ra cả một vùng rộng lớn dưới tán cây rừng… Không khí thoáng đãng xen lẫn mùi hương nồng nàn của các loài hoa rừng tạo nên vẻ thơ mộng và kì thú. Phong cảnh sơn thủy hữu tình của Thác Mơ thật tuyệt vời cho những đôi lứa yêu nhau, những cuộc du ngoạn hay pic-nic của du khách muôn phương.
Có thể nói, quần thể du lịch sinh thái Thác Mơ là điểm đến lí tưởng trong tour khám phá miền Thượng du của Thanh Hóa. Không chỉ có hơn 40 thác lớn nhỏ mà nơi đây còn xen lẫn hệ thống hang động rất đẹp toạ lạc xung quanh. Thung lũng nước chòm Muốn gồm 3 hang động là: Hang Mộng, Hang Bụt và Hang Bến Bai. Trong các hang này có nhiều nhũ đá rủ xuống thành những hình thù kì dị. Nước trong hang không bao giờ cạn, chỗ sâu tới 2m, nơi nông đến đầu gối người. Ở đây đặc biệt lại có rất nhiều cá, tôm và cua đá. Xung quanh đỉnh núi Muốn hiện nay còn rất nhiều loại gỗ quý đặc dụng như cây gỗ mài lái, gỗ kiêng, dổi, vàng tâm, lim, lát… và nhiều loài động vật quý hiếm như: Hươu, nai, lợn rừng, sơn dương, khỉ, cầy hương, sóc, nhím, chim muông các loại… Tuy nhiên, để bảo vệ và khai thác tốt danh thắng Thác Mơ, cần đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông nối từ trung tâm xã vào chân thác bằng hệ thống đường bê tông hoặc trải nhựa. Để quy hoạch theo hình thức du lịch cộng đồng thì địa phương cần có chính sách mời gọi đầu tư từ các công ty, doanh nghiệp đủ khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cần có thêm chính sách khai thác tiềm năng sẵn có từ rừng, tập trung khôi phục và bảo tồn các loại hình văn hóa của người Mường như xây dựng nhà sàn truyền thống, khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm, biểu diễn nghệ thuật hát xướng, hát ru, múa Pồn poong… để phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại đây…
Bài và ảnh: Hoàng Huệ