Nhà tôi ở đường Nam Bộ (Hà Nội), cách tàu điện hàng ngày qua lại không xa. Mặc dầu vậy, phải đến năm lên 5 tuổi, tôi mới được đi tàu điện lần đầu tiên. Dịp may này chỉ xảy ra sau khi bố tôi bị mất cắp chiếc xe đạp.

Nhớ hôm ấy đi học về, tôi thấy bố nằm thượt trên giường. Tôi nghe ông nội tôi nói: "Đã bảo hễ vào đâu thì phải gửi xe. Cứ để xe bừa bãi như thế thì mất là phải. Bây giờ, dễ gì mà mua được chiếc xe đạp khác".

Hôm sau, bố tôi nói: Vì bố mất xe đạp, không thể đưa con đi học, nên hôm nay bố cho con 4 xu đi tàu điện cả đi lẫn về. Nhớ mua vé, lên tàu đúng bến, xuống tàu khi tàu đỗ hoàn toàn và không được nhảy tàu. Nhưng con cũng chỉ đến trường bằng tàu điện hôm nay thôi. Từ mai, chịu khó đi bộ đến trường.

Tàu điện Hà Nội xưa. Ảnh Tư liệu

Tôi cầm 4 xu trong tay như cầm một cái gì quý giá lắm. Tôi lẩm bẩm: Hai xu đi, hai xu về, một vé đi, một vé về, lên tàu đúng bến, xuống tàu khi tàu đỗ hoàn toàn, không được nhảy tàu… Tôi đi bộ vội vàng ra ga Hàng Cỏ, lấy vé lên tàu điện. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên tiếng xoèn xoẹt phát ra từ đường ray và tiếng chuông leng keng phát ra từ đầu tàu… nghe vừa thinh thích, vừa sờ sợ. Tôi nhớ mình đã được ngồi gần rất nhiều người, có cả những bà buôn thúng bán mẹt. Họ nhìn tôi với ánh mặt đầy thiện cảm. Có một người còn đứng lên, nhường tôi chỗ ngồi.

Chuyến đi tàu điện đầu tiên trong đời tôi quá ngắn. Đơn giản vì từ nhà tôi đến trường chưa đầy nửa cây số. Như thế cũng có nghĩa rằng niềm hạnh phúc bé thơ của tôi trên tàu điện chỉ được tính bằng giây bằng phút.

Như chia sẻ với tôi và cũng là để chiều theo ý thích của đứa cháu đích tôn, độ nửa tháng sau, ông nội tôi tuyên bố: Hôm nào rỗi ông cháu ta sẽ được đi chơi bằng tàu điện thỏa thích. Tôi hiểu, để làm việc này là một cố gắng rất lớn của ông tôi. Bởi khi ấy, ông chỉ là một nhân viên bảo vệ, lương mỗi tháng chằn chặn 36 đồng. Và để chúng tôi gồm 4 đứa cháu, kể cả ông là 5, đi quanh một vòng Hà Nội, chắc chắn phải tốn một số tiền đáng kể.

Chúng tôi đợi đúng hai tuần lễ và trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, đứa này thường hỏi đứa kia: Còn bao nhiêu ngày nữa thì chúng mình được đi vòng quanh Hà Nội bằng tàu điện nhỉ? Thời gian trôi đi mới chậm chạp làm sao!

Rồi chúng tôi cũng được đi tàu điện. Rồi phố phường cũng hiện ra đầy bí ẩn và mới lạ dưới con mắt chúng tôi. Đến giờ, tôi vẫn nhớ loáng thoáng những cái tên: Cửa Nam, Thống Nhất, Bờ Hồ, Tháp Rùa, Bách hóa Tổng hợp, hiệu ảnh Quốc tế, Hàng Cót, chợ Đồng Xuân, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng… Tôi nhớ chúng tôi đã lên lên xuống xuống, đổi tàu, lên tàu, cập bến không biết bao nhiêu lần. Tôi nhớ cả những tấm vé đi tàu điện mỏng mảnh, sơ sài và chỉ lớn hơn ngón tay người lớn một chút.

Đây là một cuộc hành trình dài nhất, lâu nhất ở tuổi ấu thơ của tôi. Đây cũng là những kỷ niệm ấn tượng nhất, sinh động nhất của tuổi thơ tôi. Tôi nhớ lúc về nhà, ông tôi nói: "Còn sót Cầu Giấy. Để lần khác, ông lại cho các cháu đi…"

Chúng tôi chưa có dịp đến Cầu Giấy bằng tàu điện theo lời hẹn của ông nội tôi thì cuộc chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ diễn ra. Chúng tôi phải theo ông bà đi sơ tán lên Hà Tây, cách Hà Nội non 30 cây số.

Tôi nhớ có lần về Hà Nội chơi, sực nhớ ở trường học nơi sơ tán rất thiếu giấy viết, tôi nảy ra một sáng kiến. Tôi nói với một thằng bạn, cũng là một người họ hàng với tôi:

- Mày có tiền đi tàu điện không?

- Có. Mẹ tao vừa cho tao mấy hào.

- Vậy, mày chịu khó bỏ tiền ra mua vé tàu điện.

- Còn mày?

- Tao không mua gì, nhưng tao sẽ cùng mày đến nhà ông trẻ tao để xin một ít giấy. Tao sẽ xin giấy cho cả mày nữa.

- Thế thì tuyệt! Nhưng sao mày biết nhà ông trẻ mày có giấy?

- Ông ấy làm nghề xén giấy mà. Hồi đầu năm học, ông trẻ đã cho tao…

- Nhà ông trẻ mày ở đâu?

- 53 Kim Liên, sát Công viên Thống Nhất.

- Vậy thì đi. Nhưng chúng mình lên tàu giữa chừng và xuống tàu giữa chừng.

- Như thế để làm gì?

- Để đỡ tốn tiền mua vé.

- Tao tưởng mày có tiền cơ mà?

- Có! Nhưng mày xin giấy cho tao, tao sẽ mời mày ăn kẹo bột hoặc kẹo lạc.

- Nhưng tao chưa bao giờ nhảy tàu.

- Mày cũng là dân ga Hàng Cỏ như tao, vậy mà không biết nhảy tàu điện?

- Tao chưa bao giờ nhảy tàu và không biết nhảy tàu thật mà!

- Thì cứ nhảy bừa đi. Mãi rồi cũng quen thôi!

Lần ấy, chúng tôi xin được hai quyển vở hẳn hoi, nhưng tôi thì bị bong gân tay. Dù sao thì vẫn còn may! Tôi nhớ lần ấy, khi đến gần nhà ông trẻ tôi, vì để trốn vé, thằng bạn tôi đã nhảy tàu. Nó có kinh nghiệm nhảy tàu nên không sao. Còn tôi vì nhảy bừa theo nó nên bị ngã xuống đường, đầu đặt lên một bên đường ray. Thật hú vía!

Đặng Huy Giang