Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã tìm hiểu tại hiện trường và làm việc với cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương.

Ngày 5-4, chúng tôi tìm đến điểm nóng về phá rừng tại Tiểu khu 205, thuộc xã Ya Tờ Mốt. Từ trung tâm xã, phải cơ động hơn 50km bằng đủ các phương tiện: Ô tô, xe máy và thuyền vượt suối từ hướng thôn 12, xã biên giới Ia Rvê, chúng tôi mới tới được khu rừng bị lâm tặc triệt hạ trong tháng 3 vừa qua.

Rừng thuộc Tiểu khu 205, nằm sát bên rẫy điều của hộ anh Nguyễn Văn Luật, ở thôn 10, xã Ya Tờ Mốt. Anh Luật cho biết, các thời điểm lâm tặc chặt cây rừng, gia đình anh đều biết. Vì từ nhà anh đến Tiểu khu 205 chỉ hơn 500m, hằng đêm đều nghe thấy tiếng cưa, tiếng cây rừng đổ. Anh Luật bộc bạch: “Mặc dù biết lâm tặc hoạt động nhưng tôi không dám báo lực lượng chức năng và chủ rừng vì sợ bị lâm tặc trả thù”.

leftcenterrightdel
 Một góc diện tích rừng bị phá.

Tiểu khu 205 thuộc rừng sản xuất, có diện tích rừng và đất rừng 953,7ha. Từ năm 2020 trở về trước, rừng và đất rừng ở tiểu khu này được giao cho 4 nhóm hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Ya Tờ Mốt quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, rừng cách xa khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn, việc quản lý, bảo vệ không hiệu quả nên các nhóm hộ trả lại rừng. Từ năm 2020 đến nay, UBND huyện Ea Súp giao rừng tại Tiểu khu 205 cho UBND xã Ya Tờ Mốt quản lý, bảo vệ.

Trao đổi với chúng tôi về công tác quản lý, bảo vệ rừng kể từ thời điểm được giao, ông Vũ Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt cho biết, để quản lý, bảo vệ rừng, UBND xã đã thành lập Đội bảo vệ rừng (8 người), gồm cán bộ địa chính-xây dựng, công an xã và cán bộ Ban CHQS xã. Do lực lượng hầu hết là kiêm nhiệm nên công tác tuần tra, kiểm soát thiếu thường xuyên, rừng lại xa trung tâm hơn 50km. Các lực lượng muốn đi tuần rừng phải mượn đường, đi vòng qua xã Ia Rvê. Trong khi đó, giao thông đi lại khó khăn, lâm tặc hoạt động về ban đêm, hơn nữa, chỉ cần lực lượng tuần rừng chuẩn bị cơ động làm nhiệm vụ là lâm tặc đã biết để đối phó nên rất khó bắt quả tang, ngăn chặn, xử lý.

Trong khi đó, từ đầu tháng 3 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thành viên trong Đội bảo vệ rừng bị Covid-19 khiến công tác tuần tra, bảo vệ rừng bị lơi lỏng. “Phần lớn diện tích rừng tại Tiểu khu 205 bị lâm tặc triệt hạ trong vòng 20 ngày trở lại đây và lâm tặc chủ yếu hoạt động về ban đêm”, ông Vũ Văn Quảng khẳng định.

Có thể nói, đây là vụ phá rừng có quy mô lớn, vì vậy ngay sau khi phát hiện vụ việc, huyện Ea Súp đã huy động lực lượng chức năng vào cuộc. Ông Nguyễn Thiên Văn, Bí thư Huyện ủy Ea Súp cho biết, theo báo cáo ban đầu, diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 100ha, chủ yếu là rừng sản xuất, thuộc hệ sinh thái rừng khộp, cây rừng có đường kính gốc từ 20cm trở xuống. Như vậy, lâm tặc triệt hạ rừng không phải để lấy gỗ mà là làm nghèo rừng, có thể nhằm mục đích lấy đất sản xuất nông nghiệp.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc và nghe UBND huyện báo cáo, ngày 2-4, mặc dù là ngày nghỉ (thứ bảy) nhưng Huyện ủy Ea Súp đã chỉ đạo các lực lượng công an, viện kiểm sát, kiểm lâm và UBND xã (chủ rừng) vào hiện trường để giám định, kiểm đếm cây rừng, diện tích rừng bị thiệt hại. Trên cơ sở thiệt hại rừng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ khởi tố vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ họp để xem xét, xử lý trách nhiệm của chủ rừng là UBND xã Ya Tờ Mốt. Cũng theo ông Nguyễn Thiên Văn, với rừng tại Tiểu khu 205, trong mấy năm qua, Công ty TNHH Đất vàng Ban Mê (có trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột) được UBND tỉnh Đắc Lắc cho tiến hành khảo sát để lập Dự án “Trồng rừng kết hợp phát triển nông-lâm nghiệp”.

Về việc đánh giá thiệt hại của rừng, tại hiện trường, ông Lê Hưng, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp cho biết: “Tính đến ngày 5-4, lực lượng kiểm lâm huyện Ea Súp phối hợp với Kiểm lâm Vùng 4 (Cục Kiểm lâm), Đội Kiểm lâm cơ động của tỉnh và kiểm lâm tăng cường từ các huyện: Buôn Đôn, Cư M'gar, TP Buôn Ma Thuột, với tổng quân số 17 người đã tiến hành kiểm đếm, đo đạc, đánh số được hơn 1.000 cây rừng có đường kính gốc từ 10cm trở lên bị lâm tặc triệt hạ. Để có con số đánh giá về thiệt hại, lực lượng chức năng còn phải làm việc vài ngày nữa”.

Như vậy, với vụ phá khoảng 100ha rừng chỉ trong thời gian ngắn xảy ra trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp một lần nữa cho thấy, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng bị buông lỏng. Hiệu quả quản lý rừng của chủ rừng là UBND cấp xã ở không ít nơi còn bộc lộ hạn chế, yếu kém, khi không có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Lắc và huyện Ea Súp cần khẩn trương vào cuộc, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng cùng các tập thể, cá nhân để xảy ra vụ phá rừng này.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH