QĐND - Chúng tôi tìm về vùng đất Tầm Vu xưa nay thuộc xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang để được nghe, được thấy tận mắt sự đổi thay diệu kỳ của một làng quê nổi tiếng với bốn trận đánh trong những ngày kháng chiến chống Pháp. Trong mơ hồ lãng đãng mây xanh thăm thẳm tháng tư, chúng tôi cảm nhận đâu đây hồn thiêng sông núi phảng phất dấu oai linh; có tiếng đôi trâu đang bì bõm dưới đồng sâu để kéo khẩu pháo “chiến lợi phẩm”; có tiếng hát hùng hồn, khí thế của ca sỹ Quốc Hương: “Hùng thay, Tầm Vu. Đây đó vang lừng chiến công…”
Trên con đường tráng nhựa to rộng, những cây cầu xi măng kiên cố như những điểm xuyết minh chứng cho một sức sống mới đang trỗi dậy thật mãnh liệt, thật bất ngờ. Hạnh phúc vô chừng. Nhớ lại những năm trước đây, đến xứ này quần xắn ống cao ống thấp để đi trên những con đường trơn trượt. Đâu đâu cũng là cầu khỉ, cầu tre lắc lẻo, gập nghềnh, khó đi. Người trong đoàn chúng tôi đã buột miệng hát mấy câu vu vơ: “Làng tôi nghe đung đưa mấy nhịp cầu tre… Nhịp cầu tre muôn thuở vẫn còn…”. Giờ đây, tất cả đã lùi vào quá khứ trước một sự đổi thay nhanh chóng, diệu kỳ. Ông Cao Văn Quang, Việt kiều Pháp nói thật vui “… Mấy năm nay về quê quá thuận lợi, xe hơi chạy tới cửa nhà, khỏi phải cảnh lụy đò hay lội sình như trước, “đã” thiệt đó nghen….”
Trong không gian xanh dìu dịu bạt ngàn của dâu Hạ Châu, bòn bon, cam, quýt, sầu riêng… ngồi cạnh bến sông quê vừa nhâm nhi ly rượu gốc “chánh hiệu”, vừa ngắm dòng xe chạy nườm nượp trên các con đường nhựa hai bên mé sông, ông Cao Quốc Thái, người dân cố cựu ấp Xẻo Cao nói: “…Chúng tôi tự hào vì đã sống, lớn lên trên mảnh đất anh hùng làm nên lịch sử với bốn trận Tầm Vu làm giặc Pháp phải khiếp sợ, dân xứ nầy hiền như cục đất chớ đánh giặc thì hổng thua ai, giờ hòa bình rồi, tụi tui tăng gia “sản xứt” quyết liệt lắm…”. Đang nói thì điện thoại reo vang, chúng tôi càng bất ngờ khi thấy lão nông tri điền nầy móc ra từ túi áo bà ba và sử dụng thành thạo chiếc điện thoại di động cảm ứng đắt tiền. Ông nói vui “…xài thứ nầy cho nó mau lệ công “ chiện” chớ hổng phải se sua màu mè gì hết, mà đâu phải có tui xài, hầu như ai cũng có một cái…”
 |
Khu di tích chiến thắng Tầm Vu. - Ảnh: Tam Anh. Ảnh: Tam Anh
|
Sẵn dịp ông Thái khoe một mạch về cuộc sống bà con ở đây. Nào là đi thăm ruộng, thăm vườn bằng xe hon đa, nào là chuyện sử dụng máy vi tính rành rẽ như ăn cơm mỗi ngày, nào là vô mạng “inh tờ nết” để kiếm thông tin về kinh nghiệm sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật, cập nhật những dự báo thời tiết bất thường, những dịch bệnh có cơ hội phát sinh…Thật xúc động khi nhìn ông lão râu tóc bạc phơ bay bay trong gió lộng với đôi mắt sáng đầy vẻ lạc quan yêu đời. Có lẽ sự đổi thay kỳ diệu của vùng quê đã thấm đẫm vào nếp nghĩ, cách làm của những người nông dân chân chất tay lấm chân bùn như ông trên mảnh đất anh hùng Tầm Vu?
Bốn trận Tầm Vu nối liếp nhau từ năm 1946 đến 1948 trên đoạn lộ Cái Tắc - Rạch Gòi đã làm tiêu hao lớn sinh lực địch. Ngày 20 -01 -1946 lực lượng vũ trang Cần Thơ đã đánh đoàn xe quân sự của địch, phá hủy 2 xe và diệt một số tên địch, trong đó có tên Đại tá Dessert, tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Tây, là một trong năm sĩ quan cao cấp nhất của Pháp trên chiến trường Đông Dương. Ngày 12-11-1946, đồng chí Ngô Hồng Giỏi chỉ huy lực lượng phục kích đánh đoàn xe quân sự của địch trên lộ Tầm Vu, thiêu hủy 3 xe, diệt 60 tên lính lê dương, thu 60 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng khác. Ngày 3-5 -1947, Khu Bộ trưởng Huỳnh Phan Hộ chỉ huy lực lượng diệt 6 xe quân sự, làm chết và bị thương gần 200 lính Pháp, thu được 8 đại liên, nhiều súng đạn các loại và quân trang, quân dụng. Sau trận này, bài hát ca ngợi Chiến thắng Tầm Vu của Đắc Nhẫn - Quốc Hương đã ra đời. Chiến công nối tiếp chiến công. Ngày 19-4-1948, dưới sự chỉ huy của Khu Bộ Trưởng Trần Văn Giàu và Tham mưu Trưởng Võ Quang Anh, quân ta đã tiêu diệt 14 xe quân sự địch và gần 200 tên lính Pháp, trong đó có một tên quan ba, thu nhiều súng đạn, đặc biệt là thu được khẩu đại bác 105 ly đầu tiên trong cả nước. Hình ảnh trâu kéo pháo trong trận này cũng đã trở thành huyền thoại.
Hiện nay, đến Tầm Vu, mọi người sẽ thấy Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu rất khang trang với tượng đài sừng sững giữa đất trời cao xanh lồng lộng. Bức tượng đài cao 8 mét khắc họa hình ảnh quân dân đồng tâm hợp lực tiêu diệt quân thù trong tiếng loa kèn thúc giục thật sống động hào hùng bên cạnh dãy phù điêu tái hiện hình ảnh của bốn trận Tầm Vu anh hùng. Khẩu pháo 105 ly của địch cùng còn đó... Khu di tích này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991.
Bác Lê Văn Sáu, ngụ ấp Trầu Hôi dẫn chúng tôi đi qua những chiếc cầu xi măng kiên cố, những con đường nông thôn được nhựa hóa thẳng tắp khang trang. Bác nói: “Xứ nầy bây giờ “ngon lắm”… điện, đường, trường, trạm có đủ hết…”. Mà thật vậy. Xã văn hóa Thạnh Xuân bây giờ thay da đổi thịt thật bất ngờ. Những cái ấp có tên chân chất, dung dị miền Nam như: Láng Hầm, Xẻo Cao, So Đũa, Trầu Hôi… giờ đã đạt tiêu chí văn hóa, văn minh. Trên 90% diện tích nông nghiệp sử dụng giống lúa mới chất lượng cao. Gần 100 % hộ dân có điện lưới quốc gia, trên 90 % hộ dân sử dụng nước sạch, 100 % trẻ trong độ tuổi tới trường, trên 97 % gia đình đạt chuẩn văn hóa. Hàng năm Thạnh Xuân luôn đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Về Tầm Vu trong tháng 4, hỏi ai không nao nao khi nhớ về những trận đánh năm xưa để có được độc lập hôm nay, hỏi ai không nhớ về những chiến sỹ giải phóng chân đất đầu trần nhưng kiên cường dũng cảm viết nên trang sử anh hùng. Và lòng du khách chợt rộn ràng hơn, phấn khởi hơn khi bắt gặp một sức sống mới đã và đang hồi sinh mãnh liệt từ lòng đất lửa kiên trung. Đâu đây trong gió trong mây trong hồn thiêng sông núi, tiếng hát ngợi ca chiến thắng Tầm Vu lại vang lên: “Hùng thay, Tầm Vu. Đây đó vang lừng chiến công…”
SONG ANH