QĐND - Hàng chục năm qua, nhiều người dân ở tuyến phố Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội, ai cũng quý mến bà Trinh. Một người tích cực tham gia cùng các tổ chức từ thiện xã hội, mang niềm tin đến với người nghèo ở khắp miền đất nước… vậy mà không nhiều người biết được rằng, trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp - những tháng năm chiến tranh ác liệt nhất, khi mới 18 tuổi, người phụ nữ đó đã là một cán bộ năng nổ của phong trào cách mạng ở địa phương, Hội trưởng Hội liên hiệp Phụ nữ kiêm Bí thư đảng đoàn Phụ nữ thành Huế.

Tên đầy đủ của bà là Phạm Thị Diễm Trinh, sinh năm 1927 trong một gia đình nghèo khó ở xóm Tam Tây, xã An Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. ông Phạm Đăng Quỳ thân sinh của bà tuy là một viên chức nhỏ làm cho cụ Bùi Bằng Đoàn nhưng cũng không có lấy mảnh đất cắm dùi, phải ở thuê, nay đây mai đó, cuộc sống không ổn định. Mẹ bà - Tôn Nữ Ngô Cầm là người tần tảo, chịu thương chịu khó, hằng ngày buôn thúng bán bưng, phụ giúp chồng nuôi con. Sống trong hoàn cảnh lay lắt của xã hội phong kiến suy tàn, thực dân Pháp đô hộ đất nước, bà đã chứng kiến nhiều cảnh bất công diễn ra hằng ngày tại quê hương cũng như đối với bản thân, gia đình mình. Vì vậy, ngay lúc còn thiếu niên, bà đã sớm có tư tưởng căm ghét thực dân và vua quan cường hào; nhưng ngược lại, bà rất thương yêu những người dân nghèo cùng cảnh ngộ và thường kết thân với các bạn nghèo để chống lại sự bắt nạt chèn ép của con cái địa chủ. Cũng như anh em trong gia đình, Diễm Trinh được cha dạy chữ từ nhỏ, bà học thông minh nhưng do hoàn cảnh gia đình, bà phải sớm vất vả, ngày đêm đảm đương việc nhà nên không có điều kiện đến trường.

Sự giáo dục của gia đình từ nhỏ có ảnh hưởng lớn đến quá trình giác ngộ cách mạng và nhân cách của bà. Từ tấm lòng yêu nước, thương nòi, cha mẹ đã truyền cho bà lòng yêu thương những người chính trực, yêu thương đồng loại, nhất là những người nghèo khó, căm ghét kẻ gian tà, căm ghét quân xâm lược và những cảnh bất công xã hội.

Hoàn cảnh xã hội, ảnh hưởng của gia đình đã khiến bà sớm có tình cảm hướng về cách mạng, đến với người nghèo khó. Sau khi phong trào mặt trận bình dân ở Pháp thắng lợi (1936), tại Việt Nam, mặt trận Việt Minh thành lập các hội cứu quốc, chủ trương tập hợp mọi tầng lớn nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc. Hướng theo tôn chỉ của Mặt trận Việt Minh, bà đã cùng nhiều thanh niên trong xã hoạt động trong phong trào bình dân học vụ (một hình thức công khai hợp pháp bấy giờ, tập hợp những người nghèo khổ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn và chống lại sự áp bức của bọn cường hào địa chủ). Bà hoạt động ngày đêm cho phong trào, nhất là đi quyên gạo cứu đói, giúp dân trong nạn đói năm 1945 ở khu lao động gần cửa Đông Ba - Huế. Vậy là, cuộc đời làm cách mạng đến với Phạm Thị Diễm Trinh, khi bà chỉ mới bước vào tuổi thanh xuân, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, cái tuổi mà đáng lý vẫn còn trong vòng tay che chở của cha, của mẹ.

Khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cha mẹ bà tham gia vào tổ chức "Phụ lão cứu quốc", còn bà quyết tâm thoát ly hẳn gia đình, tham gia vào Ban chấp hành phụ nữ huyện Hương Thủy. Sự gian khó hiểm nguy không thể ngăn được bước chân của người thiếu nữ Phạm Thị Diễm Trinh đến với cách mạng. Tháng 2-1946, Bí thư huyện ủy Lê Minh trực tiếp giới thiệu và tổ chức lễ kết nạp bà vào Đảng. Ngay sau khi đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản, người nữ đảng viên trẻ tuổi được các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu bồi dưỡng những nhận thức đầu tiên về Đảng.

Tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực dân Pháp đánh chiếm Thừa Thiên - Huế. Trong vùng tạm chiếm, địch tổ chức những cuộc hành quân đàn áp, đốt phá nhà cửa, bắn giết cán bộ, bắn giết bà già, trẻ em một cách tàn nhẫn, nhằm khủng bố, uy hiếp tinh thần nhân dân. Tại Thừa Thiên, chỉ hai năm 1947-1948, hầu hết các cơ sở bị tan vỡ, cán bộ bị địch bắt giết gần hết, tổ chức Đảng và các đoàn thể buộc phải đi vào hoạt động bí mật. Do cán bộ ít, ngoài nhiệm vụ phụ trách phong trào phụ vận, tổ chức Đảng phân công Diễm Trinh chịu trách nhiệm toàn bộ các mặt công tác của từng vùng, từng địa phương khi bà đến gây dựng cơ sở, phong trào.

Hoạt động gây dựng cơ sở, xây dựng lại phong trào trong vùng địch, Diễm Trinh luôn bám dân, củng cố niềm tin với Đảng, với cách mạng trong dân. Gây dựng xong phong trào địa phương này, bà lại được Đảng tin tưởng điều đi xây dựng và củng cố nơi khác theo kiểu vết dầu loang. Đến các địa phương khác nhau trong tỉnh, để giữ bí mật, bà phải thay tên đổi họ, lúc tên là Huyến, lúc tên Thám. Trong quá trình hoạt động, bà phải dầm mình trong nắng gắt, trong mưa lạnh, thường xuyên đối mặt với kẻ thù hung ác... Trong hoàn cảnh địch khủng bố gắt gao, bà không bỏ mặc cơ sở mà vẫn kiên trì thuyết phục nhân dân ủng hộ, đi theo kháng chiến. Một cô gái tuổi chưa tròn 20 nhưng không hiểu ý chí sắt đá, nguồn lực nào, sức mạnh nào chảy trong cơ thể, giúp Diễm Trinh vượt qua gian nan, nguy hiểm, thử thách quá lớn của đời người để đấu tranh một cách thật kiên cường cho độc lập, tự do của quê hương.

Giữa năm 1951, bà gia nhập quân đội và công tác tại Tổng cục Cung cấp. Năm 1952, bà vinh dự được đón Bác Hồ trong thời gian học lớp Cách mạng Việt Nam tại Việt Bắc. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà công tác tại cơ quan Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần. Từ năm 1965 đến khi nghỉ hưu, bà làm công tác chính sách (hậu phương chiến trường, trợ cấp khó khăn, phân phối nhà cửa cho cán bộ...). Thực hiện công tác hậu phương quân đội, bà rất quan tâm đến cuộc sống gia đình và bản thân những quân nhân gặp khó khăn và làm hết sức mình trong giải quyết chế độ của quân nhân, thân nhân liệt sĩ. Có trường hợp một quân nhân không may bị đột tử, bà tìm mọi cách giải quyết giấy tờ, phân chia tiền tuất công bằng cho mẹ, vợ quân nhân và bà tự túc phương tiện, mang chế độ từ Hà Nội đến tận tay gia đình quân nhân ở Nghệ An.

Hơn 30 năm nghỉ hưu (với quân hàm Thiếu tá) là từng ấy năm bà Phạm Thị Diễm Trinh hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng. Bà là người rất quan tâm đến người nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam, những người có hoàn cảnh khó khăn bệnh tật. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà vẫn dành thời gian quý báu để tham gia trực tiếp các hoạt động từ thiện. Bản thân bà và gia đình thường xuyên trực tiếp giúp đỡ người nghèo ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, những vùng bị thiên tai lũ lụt. Bà còn giáo dục cho con cháu mình ý nghĩa của cuộc sống, bản thân con cháu cũng tham gia nhiều hoạt động giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bà hướng dẫn con cháu giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn và khó khăn, với tinh thần cảm thông, chia sẻ.

Bà có một gia đình hạnh phúc, các con cháu đều chăm ngoan thành đạt. Chồng bà, Trung tướng Vũ Xuân Chiêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - người Chính ủy Đoàn 559, đoàn vận tải trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại năm xưa.

Là cán bộ từ thời tiền khởi nghĩa, bằng tâm huyết của mình, có thể nói, bà là tấm gương về người phụ nữ cách mạng có tấm lòng nhân ái, rất đáng trân trọng. Cả cuộc đời bà đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp của Đảng, của nhân dân và quân đội. Bà được Đảng và Nhà nước trao tặng Huy hiệu 65 tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến, Huân chương Chiến thắng; Hội Chữ thập đỏ các cấp trao tặng Bằng khen trong nhiều năm liền.

Khi tôi đang viết những dòng này, bà vừa ra đi về cõi vĩnh hằng theo quy luật của đời người nhưng tôi tin chắc rằng, những người con có hiếu luôn biết gìn giữ, phát huy truyền thống của gia đình – một gia đình cách mạng tiêu biểu.

Ngô Nhật Dương