Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, người con của quê hương Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội), tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia. Thượng tướng đã đi vào cõi vĩnh hằng được hơn ba năm, song tài năng và đức độ cũng như hình bóng ông vẫn còn in đậm trong tâm khảm của các vị lãnh đạo, cùng nhiều tướng lĩnh và bạn bè, người thân. Và cuốn sách “Hồi ức về Thượng tướng Lê Ngọc Hiền” đã ra đời trong niềm thương nhớ ấy.

Ảnh bìa cuốn “Hồi ức về Thượng tướng Lê Ngọc Hiền”.

Phần một cuốn sách bao gồm 21 bài viết, khắc họa chân dung vị tướng tham mưu có tầm cỡ thông qua hồi ức của nhiều người. Ông Vũ Oanh (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó chính ủy Đại đoàn 320) ngoài lời giới thiệu trang trọng, khúc triết và ngắn gọn mở đầu cuốn sách, còn có bài viết “Vị tướng trưởng thành trong khói lửa chiến tranh”, đậm đà tình cảm. Chân dung tướng Lê Ngọc Hiền “người chỉ huy tài ba từ khi còn rất trẻ” được phục dựng dưới nhiều góc nhìn khác nhau của hàng chục tướng lĩnh từng có thời gian gắn bó thân thiết với ông. Đó là Trung tướng Đặng Quân Thụy, Trung tướng Đặng Kinh, Trung tướng Lê Hai, Trung tướng Nguyễn Hải Bằng, Trung tướng Khuất Duy Tiến, Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh, Trung tướng Vũ Cao, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, Thiếu tướng PGS Ngô Huy Phát, v.v.. Nhiều bài viết chân thực, sống động, khơi gợi lại những kỷ niệm sâu sắc, đầy tính nhân văn về vị tướng của “Tổng hành dinh” qua quá trình chiến đấu, công tác và cả trong cuộc sống đời thường. Một vị chỉ huy mưu lược tài trí, quyết đoán trước kẻ thù, song xử thế trong đời thường lại rất nhân từ, luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội. “Ông ấy hiền lắm, không quát chiến sĩ và cấp dưới bao giờ”. Dường như tố chất tham mưu của ông được phát lộ rất sớm, được đào luyện từ trong thực tế nghiệt ngã của chiến tranh. Tên tuổi đồng chí Lê Ngọc Hiền gắn liền với Tiểu đoàn Lê Lợi, Trung đoàn 64 (Đại đoàn 320) với những địa danh của suốt một dải đồng bằng châu thổ sông Hồng, thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Những trận đánh nổi tiếng như: trận Đồng Bến, trận Hoàng Dương - Tử Dương, trận diệt đội biệt kích “Hổ xám” do tên Văng-dăng-be chỉ huy, trận diệt đồn Yến Vĩ, v.v.. mãi vẫn còn được truyền tụng.

Bàn chân của tướng Lê Ngọc Hiền in dấu trên chiến trường B2 thời chống Mỹ, trên đất Cam-pu-chia thời quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng và tái thiết đất nước. Ở đâu, ông cũng để lại trong ký ức đồng chí, bạn bè và cấp dưới những tình cảm sáng trong, vị tha, đầy lòng nhân ái.

Trở về với cơ quan Tổng hành dinh, ông là một trong những tướng lĩnh đầu tiên có mặt trên quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Kỷ niệm về chuyến đi đầy gian nan nhưng hết sức có ý nghĩa được thể hiện qua bài viết sống động của Đại tá Phạm Hồng Thụy. Thời bình, mấy ai biết rằng tướng Lê Ngọc Hiền còn quyết liệt đánh “giặc nước”, chống vỡ đê Nội Doi để cứu người và tài sản của dân. Trong tình thế ngặt nghèo, tất sẽ có người lảng ra để được yên thân, song tướng Lê Ngọc Hiền thì không thế. Câu nói “Thôi vì dân ta làm, nếu sai, trên có bắt thì tôi chịu”, trong hoàn cảnh ấy thể hiện một sự quyết đoán, nhưng trên hết là tấm lòng cao cả, một nhân cách lớn.

Hình ảnh của Thượng tướng Lê Ngọc Hiền hiện lên qua ký ức của người thân vừa chân thực, giản dị, vừa thắm thiết tình cảm. Bài viết “Nhớ chú Thiện những ngày đầu hoạt động cách mạng” của cụ Phan Thị Hỷ (chị dâu cả ) và bài “Anh là tất cả” của bác sĩ Lương Ngọc Thư, người bạn đời thủy chung son sắt của ông, là sự cảm thông và chia sẻ, thấm đậm tình cảm. Qua đó, bạn đọc càng hiểu thêm về mối tình giữa đôi “trai tài, gái sắc” được nảy nở từ trong khói lửa chiến tranh, vượt qua thử thách và bền chặt với thời gian.

Phần hai, gồm 7 bài viết và trả lời phỏng vấn trên báo. Đây là những bài viết mang tính nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm của Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, vị tướng trọn đời gắn bó với công tác tham mưu, tác chiến. Đáng chú ý ở phần này có bài “Những diễn biến chính về hoạt động liên minh quân sự Việt - Lào (1954-1990)”, điểm lại quá trình làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước triệu voi, với tất cả tình cảm vô tư, trong sáng của những người bạn cùng chung chiến hào. Đặc sắc hơn cả trong phần này là bài viết đánh giá về công lao cống hiến của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với tất cả lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ…

Với các bài viết phong phú, đa dạng, cuốn “Hồi ức về Thượng tướng Lê Ngọc Hiền” vừa có diện rộng, vừa đạt đến độ sâu cần thiết. Cuốn sách này đem đến cho bạn đọc nhiều tư liệu mới, khách quan và chân thực.


NGUYỄN MINH NGỌC
(Nhân đọc “Hồi ức về Thượng tướng Lê Ngọc Hiền”- NXB QĐND, H.2009)