Ông Lê Văn Hiệp (80 tuổi) và một số hộ dân ở ngõ 113 đường Ngô Quyền, tổ 1, phường Quang Trung (Phủ Lý, Hà Nam), phản ảnh: "Từ năm 1992, gia đình tôi cùng một số hộ dân xây nhà và làm đường ống thoát nước ra khoảng đất lưu không (được chú thích là “rãnh thoát nước” trong các bản đồ-PV), chạy dọc thửa đất của gia đình ông Vũ Công Mỹ. Đến năm 2002, chúng tôi bàn với nhau làm đường tiêu thoát nước bằng bê tông cho sạch sẽ. Sau khi làm xong, hộ ông Mỹ tự ý làm cánh cổng, xây nhà vệ sinh cùng một số công trình trên khoảng đất này và không cho chúng tôi ra-vào. Nhiều lần, chúng tôi xây dựng, sửa nhà thì bị ông Mỹ ngăn cản với lý do “làm rơi vãi vật liệu xây dựng lên các công trình trên”. Quá bức xúc trước việc này, ngày 15-2-2017, chúng tôi đã làm đơn gửi UBND phường Quang Trung kiến nghị giải quyết. Trong khi chính quyền địa phương vẫn chưa làm việc với chúng tôi thì đến ngày 16-8-2017, gia đình ông Mỹ gửi thông báo đến các hộ gia đình, yêu cầu chúng tôi phải lấp đường thoát nước, tìm đường tiêu thoát nước khác".
 |
Các hộ gia đình không thể vào mở đường thoát nước do gia đình ông Vũ Công Mỹ khóa cổng và bản đồ hiện trạng khu đất chung (phần được khoanh đậm). |
Chị Lê Thị Nghĩa, nhà số 113, đường Ngô Quyền, tổ 1, cho biết thêm: “Ngày 20-9-2017, UBND phường Quang Trung mời các hộ dân liên quan lên trụ sở để giải quyết sự việc. Tại đây, ông Vũ Công Mỹ cho rằng, khoảng đất này gia đình ông đã bỏ tiền ra mua và có toàn quyền sử dụng nhưng không thể chứng minh được; đồng thời, tiếp tục khóa cổng không cho chúng tôi ra-vào khu vực này. Khoảng giữa tháng 12-2017, gia đình ông Mỹ đã lấp đường ống thoát nước của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi tiếp tục có đơn kiến nghị lên phường và UBND TP Phủ Lý, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.
Do không có đường thoát nước từ gần hai năm nay, nên các gia đình cứ mỗi khi rửa rau, rửa bát, tắm, giặt quần áo bằng máy giặt là lại phải hứng nước mang ra ngoài đổ. Ông Lê Văn Hiệp chia sẻ: “Vợ chồng tôi đã già yếu mà ngày nào cũng phải năm lần, bảy lượt bê nước đi đổ, rất vất vả, ấm ức”. Còn theo chị Lê Thị Nghĩa: “Tại sao trong các cuộc họp giải quyết vụ việc, UBND phường Quang Trung đã xác nhận việc khoảng đất gia đình ông Mỹ chiếm dụng là đất chung, việc xây dựng các công trình trên đất là sai nhưng không xử lý dứt điểm? Sự việc cứ mãi như thế này, làm sao chúng tôi yên tâm sinh sống?”.
Theo tài liệu do các hộ dân cung cấp là tờ bản đồ 1/500 khu nhà ở cán bộ, công nhân viên do Công ty Xây dựng và dịch vụ nhà ở Nam Hà (trước đây) vẽ từ tháng 9-1993, có chữ ký của lãnh đạo UBND thị xã Hà Nam, Phòng Giao thông-Xây dựng, Quản lý Nhà đất thị xã Hà Nam… thì khoảng đất nằm giữa nhà các hộ dân ngõ 113, đường Ngô Quyền với nhà ông Vũ Công Mỹ được ghi là “rãnh thoát nước”. Còn theo bản đồ hiện trạng sử dụng đất do Phòng Tài Nguyên và Môi trường TP Phủ Lý cho phóng viên xem, khoảng đất này cũng vẫn được xác định là “rãnh thoát nước”.
Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã làm việc với ông Nguyễn Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Quang Trung. Ông Chương cho rằng: Việc gia đình ông Vũ Công Mỹ xây dựng bịt cống thoát nước và ngăn cấm các hộ dân ra-vào là sai, UBND phường đã ra quyết định cưỡng chế. Song, khi được hỏi việc cưỡng chế cụ thể như thế nào thì ông Chương lại trả lời, giải thích một cách vòng vo, khó hiểu. Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, gia đình ông Vũ Công Mỹ hiện vẫn khóa cổng, không chịu tháo dỡ các công trình sai phạm và không cho các hộ dân mở đường thoát nước.
Chúng tôi được biết, lãnh đạo UBND TP Phủ Lý đã nhiều lần chỉ đạo UBND phường Quang Trung giải quyết dứt điểm vụ việc này, thế nhưng không hiểu vì sao sự việc vẫn bị kéo dài tới hơn hai năm nay. Chúng tôi cho rằng, cùng với việc chỉ đạo quyết liệt hơn trong thời gian tới, UBND TP Phủ Lý cũng phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Bài và ảnh: TUẤN ĐẠT