Từ bộ sách sử “Đại Việt sử kí” của Lê Văn Hưu và bộ sử “Đại Việt sử kí tục biên” của Phan Phù Tiên, nhà sử thần Ngô Sĩ Liên đã hiệu đính, biên soạn lại và bổ sung thêm thành “Đại Việt sử kí toàn thư”. Bộ sách sử này có giá trị tư liệu rất lớn, một di sản quý giá của dân tộc...

Sử thần Ngô Sĩ Liên là người làng Chúc Lý, huyện Chương Đức, nay là xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Theo “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” ông hưởng thọ 98 tuổi. Ông từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1927), đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3, đời Lê Thái Tông (1434 - 1442).

Dưới triều Lê, ông giữ chức Đô ngự sử đời Lê Nhân Tông (1443 - 1459), Lễ bộ hữu thị lang, Triều liệt đại phu, kiêm Quốc Tử Giám tư nghiệp, kiêm Sử quan tu soạn đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Ông hoạt động trong hai cơ quan chuyên trách về văn hóa và giáo dục là Quốc Tử Giám và Quốc Sử Viện. Năm 1497, vua Lê Thánh Tông ra chiếu sai sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên soạn “Đại Việt sử kí toàn thư”, ông soạn sử dựa trên hai bộ sách của tiên hiền, hiệu đính biên soạn, chỉnh lí các bản cũ của Lê Văn Hưu và Phan Phù Tiên. Ông viết thêm phần Ngoại kỷ (từ Hồng Bàng đến Thục An Dương Vương), phần bản ký 10 quyển (viết về Lê Thái Tổ). Bộ sách “Đại Việt sử kí toàn thư” gồm 15 quyển, hoàn thành năm 1479. Bộ sử này là công trình tập thể qua nhiều thời đại, sau này có thêm Phạm Công Trứ (1599-1675) và một số người khác viết thêm phần Bản kí tục biên và làm công việc hiệu đính.

Trong lời đề tựa Sử quan tu soạn, ông viết: “… Văn Hưu là đại thủ bút của đời Trần, Phù Tiên là bậc cố lão của thánh triều ta, đền vàng chiếu biên chép lịch sử nước nhà, tìm khắp các sử sách còn lại, tóm chép thành sách, để cho người xem sau này không còn tiếc nữa là được. Song ghi chép còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn, người đọc không khỏi có chỗ còn chưa vừa ý… Trộm tự nghĩ rằng, may gặp trời sáng, thẹn mình không chút báo đền, lấy hai bộ sách của tiên triều sửa chữa ghép lại, thêm vào một quyển ngoại kì, cộng thành mấy quyển gọi là  Đại Việt sử ký toàn thư…”.

Cách làm hiệu đính biên soạn của ông: “ … Có chỗ nào quên thì bổ sung thêm, lệ nào chưa thỏa đáng thì cải chính lại, vẫn có chỗ nào chưa ổn thì đổi đi, thỉnh thoảng gặp những việc ác có thể khuyên răn được, thì góp thêm ý kiến quê mùa ở sau (Quyển thủ, tựa của Ngô Sĩ Liên 1b, 2b)…”. Phần đóng góp của ông là ngoài chỉnh lí các bản cũ của Lê Văn Hưu và Phan Phù Tiên, tham khảo thêm Bắc sử, Dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy truyền lại, rồi khảo đính biên tập mà thành. Đại Việt sử kí toàn thư chép sự việc theo thứ tự năm tháng ngày, cho nên nó chép liên tục được cả việc lớn lẫn việc nhỏ, do đó nó có nhiều việc nhỏ mà “Khâm định Việt sử thống giám cương mục” không có (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thế kỉ 19). 174 đoạn bình luận lịch sử trong “Đại Việt sử kí toàn thư” của Ngô Sĩ Liên đã bộc lộ đầy đủ chân dung nhà viết sử lỗi lạc, nhà tư tưởng trong quan điểm đường lối cùng phương pháp biên soạn, nhận định và đánh giá lịch sử.

Bộ sách “Đại Việt sử kí toàn thư” đã được in và tái bản nhiều lần. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – 1993, đã phát hành bộ sách 4 tập, khổ lớn (19 x 27cm), in tổng hợp 19 quyển (Bản kí thực lục, Bản kí tục biên, Đại Việt sử kí bản kí tục biên, Bản kí toàn thư…). Đại Việt sử kí toàn thư – bản in xưa nhất in từ khắc ván năm Chính Hòa thứ 18 (1697), nguyên văn chữ Hán.

Ngô Sĩ Liên đã khởi đầu và đặt nền móng xây dựng bộ quốc sử “Đại Việt sử kí toàn thư”, sau đó bộ sử này được nhiều học giả tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh vào cuối thế kỉ 17. Tư tưởng chính của tác phẩm và tác giả được kết tinh lại là tinh thần dân tộc cao cả và chủ nghĩa yêu nước sâu sắc. Ghi nhớ công ơn của ông, tên tuổi của ông được đặt tên cho đường phố quận Đống Đa (Hà Nội), đặt tên ông cho một số trường trung học và tiểu học ở Hà Nội.
HOÀNG NAM