QĐND - Giai đoạn 1962-1965, quân đội Mỹ đã đưa hàng loạt xe thiết giáp M.113 vào chiến trường Việt Nam, với tham vọng giành thế chủ động trong các cuộc càn quét trên các địa bàn đồng ruộng, lầy lội. Thế nhưng, trên thực tế, chiến thuật “chiến xa vận” này đã thảm bại hoàn toàn…
Tham vọng lớn
M.113 là một loại xe vận tải chiến đấu có vỏ bọc hợp kim cứng và có thiết bị lội nước. Loại “chiến xa vận” này do Mỹ chế tạo thử từ cuối năm 1959, đến mùa hè năm 1960 thì được sản xuất hàng loạt. Ban đầu, M.113 được trang bị cho các lực lượng trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Xe M.113 có thể thích hợp với nhiều loại địa hình, đặc biệt trên những vùng đồng bằng trống trải. Hơn nữa, ngoài chức năng vận chuyển binh lực với khả năng phòng vệ chắc chắn và sức cơ động cao, M.113 còn mang theo một số vũ khí để tự chiến đấu và chi viện cho bộ binh. Ngoài ra, đây còn là chiếc lô cốt di động cho bộ binh dựa vào để chiến đấu. Vì thế, trong khối NATO, M.113 được coi là loại “chiến xa vận” tối tân, được giới quân sự phương Tây hết lời ca ngợi.
M.113 được cấu tạo bằng hợp kim nhẹ, với thành phần chủ yếu là nhôm. So với các loại xe thiết giáp khác, sức nén xuống đất nhỏ, lại có thiết bị lội nước nên M.113 có thể cơ động trên nhiều loại địa hình, kể cả đồng ruộng. Với động cơ 315 mã lực, xích rộng 38cm, sức “việt dã” của M.113 hơn hẳn so với xe tăng. Trên đường bằng phẳng, tốc độ tối đa có thể đạt tới 64km/giờ. Trên vùng đồng ruộng ngập nước, mỗi giờ M.113 có thể đi được 5-6km.
 |
Quá nhiều M.113 bị bắn cháy, bắn hỏng khiến chiến thuật “chiến xa vận” bị phá sản hoàn toàn. |
M.113 có thể chứa được 1 tiểu đội bộ binh với đầy đủ trang bị. Buồng xe được bọc kín bằng vỏ nhôm, binh lính ngồi bên trong có thể tránh được các loại hỏa lực thông thường từ trung liên trở xuống. M.113 có thể leo dốc 31 độ, qua hào rộng 1,5m, sâu 60-70cm. Mỗi chiếc M.113 đều được trang bị 1 khẩu trọng liên 12,7mm và 1 súng máy cỡ 7,62mm gắn trên tháp súng hình nón cụt ngay phía trước, phía sau có từ 2 đến 3 trung liên. Trên thực tế chiến trường, 1 súng máy phía trước thường được thay thế bằng súng phun lửa. Trong những trường hợp đặc biệt, M.113 còn được trang bị cả súng cối 81mm để tăng cường hỏa lực tầm xa hỗ trợ bộ binh.
Để tăng cường khả năng phòng vệ, vỏ bọc phía trước M.113 được lắp bằng một tấm hợp kim nhẹ rất cứng, dày khoảng 40-50mm. Vỏ xe bằng hợp kim nhôm, dày từ 32 đến 40mm. Phía trước M.113 còn gắn một máy ngắm tia hồng ngoại để có thể hoạt động ban đêm. Tổng trọng lượng của M.113 khoảng 10 tấn, có thể dùng máy bay lên thẳng loại lớn để chuyên chở hoặc đặt trên các tàu đổ bộ. Khả năng cơ động này có thể làm tăng yếu tố bất ngờ trong các cuộc chiến.
Năm 1962, M.113 được đưa vào miền Nam Việt Nam. Chiếc xe này được đánh giá là có khả năng thích ứng tốt với đặc điểm địa hình và phù hợp với tính chất cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Đặc điểm địa hình miền Nam Việt Nam chủ yếu là đồng bằng, ruộng nước và sình lầy, lại có nhiều kênh rạch chia cắt, xe tăng dù có hỏa lực mạnh nhưng quá nặng nề, không thể dễ dàng cơ động. Trong khi đó, hoạt động chiến đấu của quân du kích có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào.
Về hỏa lực, tuy M.113 kém xe tăng nhưng có thể bổ sung bằng cách tăng cường hỏa lực của không quân, pháo binh và tăng số lượng sử dụng trong mỗi trận đánh. Hơn thế, M.113 có thể đáp ứng yêu cầu nâng cao khả năng cơ động và hỏa lực đột kích của bộ binh. Vì thế, M.113 được giới lãnh đạo quân sự Mỹ đặt rất nhiều hy vọng.
Những điểm yếu chết người
Mặc dù được ca tụng là “tối tân”, nhưng trong thực tế chiến đấu trên chiến trường miền Nam Việt Nam, M.113 đã phơi bày ra nhiều nhược điểm.
Trước hết, vì vỏ bọc bằng hợp kim nhôm, nhẹ nhưng không cứng bằng thép nên vẫn có thể bị xuyên thủng bởi các loại vũ khí lớn của bộ binh như trung liên, đại liên nếu ở cự ly gần bắn với góc 90 độ. Các loại vũ khí thông thường khác như mìn, lựu đạn, thủ pháo, chai cháy, ba-dô-ca, súng không giật… đều là những đối thủ rất nguy hiểm của M.113. Trong khi, quân dân miền Nam lại rất sẵn các loại vũ khí này. Đặc biệt, ngay sau khi M.113 xuất hiện trên chiến trường miền Nam Việt Nam, lực lượng du kích ở mỗi làng, mỗi ấp đều tổ chức các tổ chuyên đánh loại “chiến xa vận” này. Vì thế, trong nhiều trường hợp, đang trên đường cơ động, M.113 đã bị du kích bắn hỏng, bắn cháy, binh lính trên xe bị sát thương. Do đó, binh lính trên xe luôn nơm nớp khi đi chiến đấu.
 |
Địa hình phức tạp tại miền Nam Việt Nam đã gây ra những trở ngại lớn đối với xe M.113. Ảnh tư liệu |
Thứ hai, về căn bản, M.113 vẫn không khác gì những loại xe lội nước thông thường từng được quân đội Pháp sử dụng tại Việt Nam. M.113 vẫn chạy bằng xích, tuy so với xe tăng thì nhanh nhẹn hơn nhưng so với các loại xe chạy bằng bánh hơi thì vẫn kém linh hoạt, khó xoay trở ứng phó được các mặt. Tốc độ của M.113 trên ruộng ngập nước lại rất chậm, mục tiêu lại quá lớn, dễ bị bắn trúng. Sức leo dốc, vượt hào của M.113 cũng không thực sự tốt, nếu gặp dốc cao trên 31 độ, hào rộng trên 1,5m, sâu khoảng 1m thì đành chịu bất lực. Trong khi, những chướng ngại về địa hình, địa vật như thế có rất nhiều ở miền Nam. Quân dân miền Nam lại ra sức khoét sâu vào nhược điểm này bằng cách tích cực cải tạo địa hình, đào nhiều kênh rạch ngang dọc, đắp bờ cao, phá đường, đào hào, đắp ụ, trồng cây cối… gây cản trở rất nhiều đối với M.113. Do đó, mỗi lần xuất trận M.113 đều phải chật vật vượt hào, leo dốc, khiến yếu tố bất ngờ bị giảm đi rất nhiều.
Thứ ba, do thời tiết nóng, binh lính khó có thể ngồi lâu trong buồng xe để hành quân mà thường “trồi” lên nóc xe cho dễ thở và dễ nhảy xuống khi chạm trán với du kích ta. Do đó, tác dụng che chở của vỏ bọc xe thường không được sử dụng để bảo vệ sinh lực.
Thứ tư, buồng xe M.113 được bọc vỏ nhôm, nhưng bề mặt lại phẳng và rộng, lựu đạn, thủ pháo và các loại hỏa lực cầu vồng đều có thể rót vào mà không bị trượt đi.
Khả năng đột kích hỏa lực của M.113 cũng có nhiều hạn chế, chỉ tập trung được phía trước, hai bên sườn rất sơ hở. Du kích chỉ cần ném một trái lựu đạn, một quả thủ pháo vào sườn M.113 là có thể làm đứt xích, lật đổ được xe.
Những trận đánh M.113 “kinh điển”
Ngay sau khi được trang bị cho chiến trường miền Nam Việt Nam, “chiến xa vận” M.113 đã phải đối đầu với những thảm bại. Trong đó có một số trận rất điển hình.
Ngày 2-1-1963, trong trận càn quét lớn vào Ấp Bắc, quân đội Mỹ-ngụy đã huy động nhiều đại đội M.113 và hàng chục máy bay lên thẳng với ý định tiêu diệt bằng được các lực lượng du kích và san phẳng Ấp Bắc.
Suốt buổi sáng, địch tổ chức nhiều đợt tấn công bằng những cánh quân đổ bộ đường không và pháo binh yểm trợ đều bị thất bại. Đến chiều, địch tập trung lại lực lượng, tổ chức một mũi tấn công khá mạnh vào sườn phía tây Ấp Bắc. Một đại đội M.113 được ném vào mũi này cùng 2 đại đội lính bảo an. 13 chiếc M.113 dàn thành 2 hàng ngang đi trước mở đường, 2 đại đội bộ binh đi sau chia làm nhiều toán. Chỉ còn cách tuyến phòng ngự của Quân Giải phóng chừng 200-300m, hàng chục khẩu trọng liên 12,7mm và toàn bộ hỏa lực trung liên trên 13 chiếc M.113 thi nhau trút đạn không ngớt. Từ các ngả, hỏa lực pháo binh của địch cũng tập trung bắn như mưa. Mặc cho địch bắn phá, các chiến sĩ Quân Giải phóng vẫn bám chắc công sự, kiên trì đợi M.113 vào tận nơi.
Giữa lúc địch chủ quan vì tưởng đã áp chế được trận địa, từ các công sự, các chiến sĩ Quân Giải phóng vùng dậy bắn mạnh vào những chiếc M.113 đi đầu. Kết thúc cuộc chiến, quân Mỹ-ngụy phải rút lui, gần 100 tên địch bị tiêu diệt và bị thương, 4 chiếc M.113 bị bắn cháy, bắn hỏng.
Cùng trận Ấp Bắc, còn một số trận Quân Giải phóng tiêu diệt nhiều M.113, làm phá sản âm mưu sử dụng “chiến xa vận” của Mỹ-ngụy. Đó là các trận Bến Cát (ngày 10-9-1963, Quân Giải phóng tiêu diệt 6 chiếc M.113 và 60 quân địch), trận Thường Phước (ngày 3-3-1964, 3 xe M.113 và 300 quân địch bị Quân Giải phóng tiêu diệt)…
Đứng trước thực tế không những M.113 không phát huy tác dụng mà còn bị tiêu diệt ngày càng nhiều, các chuyên gia quân sự Mỹ đã buộc phải tính đến việc thay thế bằng các loại xe vận tải chiến đấu bánh cao su cơ động hơn. Tờ Thời báo Niu Y-oóc lúc đó đã có bài viết “ghi nhận” sự thảm bại của chiến thuật “chiến xa vận”: “Những xe cơ giới lội nước được mang sang miền Nam Việt Nam vào khoảng tháng 6-1962, người ta tưởng dùng để giải quyết vấn đề truy kích trên các ruộng lúa và đồng lầy nhưng chẳng bao lâu, người ta đã thấy rằng, những xe đó không thể sử dụng được nếu không nghiên cứu kỹ địa hình. Những chiếc xe này rất dễ bị sông ngòi và kênh rạch có lau sậy hai bên bờ chặn đứng. Trong một cuộc hành quân, cả một đại đội xe lội nước M.113 đã bị sa lầy trong vài tiếng đồng hồ”.
NGUYỄN VĂN LƯƠNG