QĐND - Báo Quân đội nhân dân nhận được đơn của 17 thương, bệnh binh (T,BB) ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phản ánh về việc, họ là đối tượng có ruộng từ năm 1994 mà không được nhận ruộng do không biết và cứ nghĩ chính quyền địa phương đã làm đúng. Năm 2012, các T,BB này có đơn kiến nghị và đã được UBND huyện Chương Mỹ trả lời đã báo cáo, đang chờ chỉ đạo của TP Hà Nội. Thế nhưng gần 2 năm trôi qua, sự việc vẫn chưa được giải quyết.
17 công dân nói trên gồm 4 thương binh (hạng 2/4 và 3/4, và 13 bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 71%), đều có hộ khẩu thường trú tại xã Đại Yên từ những năm 1992 trở về trước. Trong số 13 bệnh binh này có một số là quân nhân về nghỉ chế độ trước năm 1985, tại quyết định xuất ngũ của họ đều ghi: “do mất sức lao động”, tỷ lệ từ 61% trở lên. Căn cứ vào Nghị định số 236/HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), thì quân nhân mất sức lao động từ 41% trở lên về sinh sống ở gia đình từ nay (18-9-1985) gọi là bệnh binh, chia làm 3 hạng (hạng 1/3 từ 81% đến 100% sức lao động; hạng 2/3 từ 61% đến 80%; hạng 3/3 từ 41% đến 60%) và được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp của thương binh loại B.
 |
Một số T,BB ở xã Đại Yên phản ánh sự việc.
|
Điều 6 Nghị định 64/CP ngày 29-7-1993 quy định: “Đối tượng giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương”. Tại Khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh 36-L/CTN ngày 29-8-1994 của UBTV Quốc hội nêu rõ: “T,BB được ưu tiên giao đất để sản xuất”. Tiếp theo là các pháp lệnh sửa đổi bổ sung gồm Pháp lệnh 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 đều tương tự như vậy. Thế nhưng, đến nay 17 T,BB nói trên ở xã Đại Yên vẫn chưa được giao đất nông nghiệp.
Bệnh binh Trịnh Bá Ới trình bày: “Năm 1994, đối tượng bệnh binh hạng 1/3 và hạng 3/3 ở xã Đại Yên được chia ruộng, nhưng chúng tôi là bệnh binh hạng 2/3 không hiểu vì sao không được chia. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết có quá nửa số xã trong huyện thời điểm đó đã thực hiện chia ruộng cho T,BB. Còn bệnh binh hạng 2/3 ở gần một nửa số xã còn lại trong huyện cũng rơi vào tình trạng như chúng tôi”.
Từ tháng 6-2012, 17 công dân nói trên đã cử một tổ đi tìm hiểu ở huyện Quốc Oai và được biết, trước đây bệnh binh hạng 2/3 ở xã Thạch Thán cũng không được giao ruộng và họ đã làm đơn khiếu nại. Đến năm 2000, UBND huyện Quốc Oai đã giao ruộng bổ sung cho họ. Rồi tại 4 xã: Phượng Cách, Yên Sơn, Cấn Hữu, Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai), những bệnh binh hạng 2/3 cũng đồng loạt khiếu nại đòi quyền lợi. Sau gần 10 năm và qua nhiều cấp giải quyết, đến ngày 13-7-2012, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã ký Công văn số 5412/UBND-TNMT gửi UBND huyện Quốc Oai về việc “Đôn đốc giải quyết kiến nghị của các bệnh binh xã Yên Sơn”. Theo đó, nếu xã nào có quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích vượt quá 5% thì trích quỹ đất đó ra giao cho các hộ gia đình bệnh binh chưa được giao đất nông nghiệp. Công văn cũng nêu rõ: “Đối với các địa phương khác, nếu phát sinh khiếu nại, kiến nghị tương tự thì UBND huyện Quốc Oai căn cứ các nội dung nguyên tắc chỉ đạo nêu trên để rà soát, lập phương án giải quyết theo quy định”. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, đến nay UBND huyện Quốc Oai đã hoàn thành việc giao đất nông nghiệp cho số bệnh binh ở các xã nêu trên.
Từ thực tế trên, tháng 8-2012, 17 T,BB nói trên ở xã Đại Yên đã có đơn gửi UBND xã Đại Yên đề nghị xem xét giao đất nông nghiệp cho mình. Thế nhưng, ngày 22-11-2012, UBND xã Đại Yên có Văn bản số 69/UBND-ĐC trả lời họ “không thuộc đối tượng được giao đất nông nghiệp…”. Không đồng tình, các T,BB này tiếp tục gửi đơn (4 lần) và 22 lần trực tiếp lên UBND huyện Chương Mỹ đề nghị giao đất nông nghiệp. Những lần tiếp công dân, Ban Tiếp dân của huyện Chương Mỹ đều trả lời, việc 17 T,BB khiếu nại kết luận của UBND xã Đại Yên là đúng luật, là chính đáng. Sau đó, ngày 27-3-2013, UBND huyện Chương Mỹ đã có tờ trình số 244/UBND-TNMT gửi UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra thành phố đề nghị hướng dẫn giải quyết đơn. Thế nhưng từ đó đến nay, họ không nhận thêm được hồi âm nào. Khi lên UBND huyện hỏi, thì được trả lời: Huyện đang chờ công văn chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Ngày 22-7, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Đại Yên cho chúng tôi biết: “Thời điểm năm 1993, căn cứ theo Nghị định 64/CP nên chúng tôi không chia ruộng cho họ. Sau khi 17 công dân có đơn và đưa ra căn cứ, chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo huyện và được trả lời đang chờ chỉ đạo của thành phố. Chúng tôi cũng đã về phổ biến lại và đề nghị 17 đồng chí chờ đợi, vì theo thông tin ban đầu có khoảng hơn 300 đối tượng bệnh binh trên toàn huyện cũng chưa được giao đất nông nghiệp”.
Bệnh binh Trịnh Xuân Thu tâm sự: “Ở gia đình, về hình thức chúng tôi là trụ cột, còn thực tế với tiền trợ cấp trên dưới 2 triệu đồng/tháng như hiện nay, nhiều khi không đủ mua thuốc, trong khi lại không được giao ruộng nên chúng tôi luôn thấy mặc cảm, tủi thân vì không giúp được gì cho vợ con”.
Còn bệnh binh Đặng Quốc Chính cho biết: “Chúng tôi là những người đã cống hiến một phần xương máu, sức lực cho Tổ quốc, đã hoàn thành nhiệm vụ trở về lại không được giao ruộng thì thật là vô lý. Cùng một thành phố, không có lý gì, bệnh binh ở huyện Quốc Oai được cấp ruộng, còn bệnh binh ở huyện Chương Mỹ người được, người lại không được”.
Nguyện vọng được cấp ruộng để sản xuất của 17 T,BB ở xã Đại Yên là chính đáng, cần được xem xét giải quyết kịp thời. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm có văn bản chỉ đạo để UBND huyện Chương Mỹ giao ruộng cho họ.
Bài và ảnh: KIM DUNG