QĐND - Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra nhiều vụ cháy, nổ liên quan đến hóa chất, làm chết 55 người và bị thương 119 người. Riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 4 vụ, làm chết 7 người, bị thương 6 người, thiệt hại ước tính hơn 34 tỷ đồng. Mặc dù số vụ không nhiều nhưng hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới an ninh trật tự và gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai các biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ cháy, nổ liên quan đến hóa chất.
Những vụ cháy, nổ kinh hoàng
Cách đây hơn một năm, người dân TP Hồ Chí Minh bàng hoàng bởi vụ nổ xảy ra tại phường 8, quận 3, làm 11 người chết, 2 người trọng thương, 3 căn nhà sập hoàn toàn. Nguyên nhân của vụ cháy, nổ được kết luận là do chủ nhà tàng trữ thuốc nổ và một số hóa chất phục vụ cho công việc làm hậu trường, tạo hiệu ứng cháy nổ, khói lửa trong phim; quá trình sử dụng do bất cẩn gây nên thảm họa. Chưa đầy một năm sau, vào dịp giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 xảy ra một vụ nổ tại khu nhà trọ thuộc quận 10, làm 4 sinh viên tử vong tại chỗ. Căn nhà trọ bị hỏng nặng. Vụ nổ liên quan đến việc một trong số 4 sinh viên mua hóa chất lưu huỳnh, magie… về tự chế tạo pháo. Tiếp đó là vụ cháy, nổ khoảng 500 tấn hóa chất tại Công ty TNHH Tân Hùng Thái (KCN Lê Minh Xuân, Bình Chánh) vào ngày 16-4, thiêu rụi hơn 1000m2 nhà xưởng, gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Mới đây nhất là vụ cháy, nổ xảy ra chiều 17-10, tại Công ty Đặng Huỳnh (phường Thới An, quận 12), làm 3 người thiệt mạng, 5 người bị thương, phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng của công ty, làm sập hoàn toàn 12 căn nhà xung quanh và hơn 150 căn nhà khác bị nứt, lún tường, nền, tốc mái...
 |
Hiện trường vụ nổ liên quan đến hóa chất tại Công ty Đặng Huỳnh.
|
Những vụ việc trên ngoài gây thiệt hại lớn về người và tài sản còn làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) TP Hồ Chí Minh khẳng định: Hầu hết các vụ cháy, nổ đều do vi phạm quy định an toàn, tự chế biến, vận chuyển, sử dụng, bảo quản hóa chất không tốt dẫn tới mất an toàn. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất thiếu trang thiết bị PCCC; người lao động không được trang bị kiến thức PCCC cơ bản và những đặc tính hóa, lý của từng loại hóa chất nên chủ quan, bất cẩn. Thêm vào đó là công tác quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng còn hạn chế, lỏng lẻo.
Siết chặt công tác quản lý
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an thành phố nhận định: Công tác quản lý hóa chất hiện đang có biểu hiện chồng chéo, đùn đẩy lẫn nhau. Chẳng hạn, hóa chất phục vụ khám, chữa bệnh do ngành y tế quản lý; hóa chất phục vụ khoa học, điều tra, vật liệu nổ do ngành Công an quản lý; hóa chất phục vụ nông nghiệp lại do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý… Thậm chí, hóa chất sản xuất phân bón vô cơ do ngành công thương quản lý nhưng sản xuất phân bón hữu cơ lại do ngành NN&PTNT quản lý… Việc phân biệt quá chi tiết các loại hóa chất đã tạo nên “khoảng trống” trách nhiệm.
Thực tế cho thấy, không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh mà ở hầu hết các địa phương trong cả nước, cơ quan chức năng cấp quận, huyện trở xuống hiện rất thiếu chuyên môn và phương tiện kiểm nghiệm để phân biệt cụ thể từng loại hóa chất để xử lý theo chức năng. Đây chính là kẽ hở để các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng vi phạm pháp luật, cố ý làm trái. Ông Lê Minh Dũng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến hóa chất nằm nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư, thậm chí nơi sản xuất cũng là nơi ở, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra của lực lượng chức năng. Cùng với đó là sự tồn tại của chợ hóa chất Kim Biên (quận 5). Tại đây, có đủ các loại hóa chất có thể cung cấp cho người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh khi có nhu cầu, trong đó, có những loại hóa chất được phép buôn bán, nhưng cũng có những loại hóa chất do người dân lén lút kinh doanh mà lực lượng quản lý thị trường không phát hiện được. Hoạt động của khu chợ này vẫn là một vấn đề nan giải.
Trước thực trạng cháy, nổ liên quan đến hóa chất diễn biến phức tạp, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị chuyên đề, triển khai các biện pháp quyết liệt ngăn chặn và phòng, chống. Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hoàng Quân quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án nâng cao năng lực PCCC, cứu hộ, cứu nạn do Phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban; đồng thời giao trách nhiệm rõ ràng cho các sở, ngành cụ thể hóa văn bản, hướng dẫn của trên sát với thực tế của thành phố, không ỷ lại vào văn bản chồng chéo để đùn đẩy trách nhiệm cho nhau; yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tiến hành rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm, đặc biệt là sản xuất kinh doanh hóa chất trái phép, hoặc không đủ điều kiện phòng, chống cháy nổ. Đồng chí Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: Cái gốc là khâu tuyên truyền; phải tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm bảo vệ an toàn cho các chủ cơ sở và mọi người dân ý thức được tác hại khôn lường của hóa chất khi xảy ra cháy nổ, để trước tiên họ tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và người khác. Nhiệm vụ này được giao cho hệ thống chính trị các cấp, nhất là các cơ quan truyền thông của thành phố. Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng công an, PCCC đẩy mạnh tập huấn kiến thức, nghiệp vụ phòng chống cháy nổ cho các cơ sở kinh doanh và người lao động thường xuyên tiếp xúc với hóa chất; tăng cường quản lý địa bàn, nắm chắc từng hộ kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ. Ở địa bàn nào xảy ra cháy nổ, Chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo thành phố. Trước mắt, Sở Công Thương chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất phân bón có sử dụng hóa chất để tránh chồng chéo với Sở NN&PTNT.
Về lâu dài, UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện lên phương án di dời, giải tỏa các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất ra khỏi khu dân cư để hạn chế thấp nhất hậu quả đáng tiếc.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH-ĐẶNG KIÊN