QĐND - Muốn được xét duyệt chế độ thì phải “chi” tiền cho cán bộ thương binh-xã hội xã, đó là thực tế diễn ra trong thời gian dài tại xã Nam Hoa, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Sự việc này đã gây không ít bức xúc cho dư luận xã hội ở địa phương này.

Theo phản ảnh của người dân xã Nam Hoa, huyện Nam Trực, từ năm 2012 đến nay, ông Đặng Xuân Chiều, cán bộ làm công tác thương binh-xã hội của xã liên tiếp gây sách nhiễu các đối tượng chính sách khi xét duyệt hồ sơ giải quyết chế độ. Không chỉ có thế, ông Đặng Xuân Chiều còn ăn chặn cả tiền của đối tượng người có công trên địa bàn xã, với số tiền lớn.

Bà Phùng Thị Gái ở thôn Hưng Nghĩa, xã Nam Hoa, huyện Nam Trực, bức xúc cho biết: Chồng tôi là Lê Văn Kình bị mắc bệnh tâm thần phân liệt, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Trong một lần đưa chồng đi chữa trị, tôi được biết trường hợp như chồng tôi thuộc diện được nhận trợ cấp xã hội của Nhà nước dành cho người tàn tật, khuyết tật. Tôi đã ra xã, gặp ông Đặng Xuân Chiều để nộp hồ sơ đề nghị được giải quyết chế độ. Sau đó, thi thoảng tôi lên gặp ông Chiều để hỏi việc giải quyết, nhưng lần nào ông Chiều cũng bảo phải chờ. Mỗi lần như vậy, tôi đều phải đưa tiền cho ông Chiều, khi thì một trăm nghìn đồng, khi lại hai trăm nghìn đồng, nhưng chờ mãi vẫn không thấy được giải quyết chế độ trợ cấp. Cuối năm 2013, ông Chiều gọi tôi lên UBND xã để khai lại hồ sơ. Thấy ông ấy cứ bảo hồ sơ thiếu cái này, thiếu cái kia, tôi phải vay mượn 2 triệu đồng đưa cho ông Chiều. Nhưng chỉ ít lâu sau, ông Chiều gọi tôi lên bảo số tiền đưa trước đó không đủ, phải đưa thêm. Tôi lại đi vay mượn 500.000 đồng để đưa cho ông Chiều. Nhận tiền xong, ông Chiều nói: “Số tiền này không được cho ai biết”. Cứ tưởng sau lần này chồng mình sẽ được giải quyết chế độ, nhưng chờ hết tháng này đến tháng khác vẫn không thấy gì. Tháng 7 vừa qua, con tôi tới Phòng LĐ-TB và XH huyện Nam Trực hỏi thì mới biết hồ sơ của bố mình chưa được chuyển lên, dù đã được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã thông qua.

Bà Lê Thị Hương và bà Phùng Thị Gái bức xúc kể lại việc bị ông Đặng Xuân Chiều nhũng nhiễu khi giải quyết chế độ chính sách.

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình bà Gái, bà Lê Thị Hương ở thôn Hưng Nghĩa, xã Nam Hoa cũng là “nạn nhân” của ông Đặng Xuân Chiều. Bà Hương kể lại: Chồng tôi là bị tai biến liệt nửa người và cháu ngoại tôi bị câm, điếc bẩm sinh. Năm 2012, được biết Nhà nước có chính sách trợ giúp người tàn tật, khuyết tật, tôi lên xã để nộp hồ sơ cho ông Chiều, nhưng mãi vẫn không thấy được giải quyết. Tôi có lên hỏi thì ông Chiều nói là nếu muốn được giải quyết nhanh thì phải nộp tiền. Tôi đã đi vay mượn để đưa tiền cho ông Chiều 3 lần. Lần đầu 10 triệu đồng, lần thứ hai 5 triệu đồng và lần thứ ba 8,5 triệu đồng, tổng cộng tôi đưa ông Chiều 23,5 triệu đồng. Sau khi ông Chiều nhận tiền, chồng và cháu ngoại tôi đã được hưởng chế độ trợ giúp của Nhà nước là 180.000 đồng/người/tháng. Thế nhưng, không hiểu vì sao sau gần một năm được hưởng, đến quý 4 năm 2013, chồng tôi lại bị cắt chế độ đó.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại xã Nam Hoa, huyện Nam Trực không chỉ có bà Gái và bà Hương mà còn có rất nhiều người là “nạn nhân” của ông Đặng Xuân Chiều. Như trường hợp của ông Đặng Văn Thiệu là bệnh binh với tỷ lệ mất sức 62% (ở thôn Hưng Đễ, xã Nam Hoa) có con gái đang theo học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong suốt thời gian học tập, con gái ông Thiệu chỉ nhận được trợ cấp ưu đãi giáo dục học tập trong 2 năm học đầu theo quy định của Chính phủ dành cho con của người có công. Ba năm học cuối, con gái ông Thiệu không được nhận số tiền hơn 40 triệu đồng được thụ hưởng theo quy định. Khi ông Thiệu có hỏi, thì được ông Chiều giải thích do chậm kinh phí nên chưa có. Quá bức xúc, ông Thiệu lên Phòng LĐ-TB và XH huyện Nam Trực tìm hiểu thì được biết, Nhà nước chi trợ cấp năm nào xong năm đó luôn, không có chuyện nợ hay chậm kinh phí.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Ngô Hồng Quỷnh, Phó chủ tịch UBND xã Nam Hoa cho biết: Sau khi nhận được đơn của người dân, chúng tôi cùng với Phòng LĐ-TB và XH huyện Nam Trực đã tổ chức điều tra, xác minh sự việc. Bước đầu đã xác định những tố cáo của người dân về việc ông Đặng Xuân Chiều gây phiền hà, sách nhiễu người dân là có thật. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chuyển Công an huyện Nam Trực điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

Trong khi Đảng và Nhà nước ta đang chăm lo đến các đối tượng chính sách, người có công, người khuyết tật, nhưng chỉ vì những cá nhân như ông Đặng Xuân Chiều khiến cho việc tiếp cận chính sách của người dân gặp không ít khó khăn. Rất mong các cơ quan chức năng của huyện Nam Trực cũng như của tỉnh Nam Định điều tra rõ ràng sự việc và có biện pháp xử lý đối với những sai phạm như của ông Đặng Xuân Chiều.

Bài và ảnh: ĐỨC HUY