QĐND - Hơn 45 năm qua, trang trọng giữa gian chính Nhà truyền thống của Sư đoàn Phòng không 361 - Đoàn Phòng không Hà Nội anh hùng - là lẵng hoa rực rỡ với tấm biển đề: “Lẵng hoa Bác Hồ tặng Tiểu đoàn 56 (Trung đoàn 263) sau chiến công bắn rơi một máy bay trinh sát tầm thấp ngày 28-8-1969”. Phần thưởng này càng đặc biệt ý nghĩa bởi đây là lẵng hoa cuối cùng Bác Hồ tặng thưởng cho quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chỉ mấy ngày trước lúc Người vĩnh viễn đi xa…
 |
Trung đoàn Tên lửa Phòng không 263 diễu hành trên đường phố Sài Gòn ngày 15-5-1975. Ảnh tư liệu
|
Vinh dự thay, Sư đoàn 361 là đơn vị phòng không bảo vệ thủ đô Hà Nội được thành lập đúng sinh nhật lần thứ 75 của Bác Hồ kính yêu (19-5-1965) và được Bác Hồ đến thăm 8 lần. Thật ý nghĩa khi năm nay đơn vị kỷ niệm “Nửa thế kỷ bảo vệ bầu trời Thủ đô” nhằm dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19-5-1890 / 19-5-2015).
Vinh dự thay, Trung đoàn 263 của Sư đoàn 361 là trung đoàn tên lửa duy nhất của Bộ đội Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã vượt Trường Sơn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và sau đó là đơn vị tên lửa duy nhất tham gia cuộc diễu binh lịch sử ngày 15-5-1975 trên đường phố Sài Gòn mừng mùa Xuân đại thắng… Và tự hào thay, ngày ấy, tôi là một trong những chàng “lính sinh viên” được tham dự và chứng kiến những sự kiện trọng đại của trung đoàn.
 |
Tác giả bài viết bên lẵng hoa Bác Hồ trong Nhà truyền thống của Sư đoàn Phòng không 361.
|
Trung đoàn Tên lửa 263 của chúng ta được thành lập ngày 30-5-1966, trong đội hình Sư đoàn Phòng không 361 mang tên Hà Nội. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trung đoàn đã đánh 294 trận, bắn rơi 67 máy bay Mỹ, trong đó có nhiều máy bay B-52; được tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Trung đoàn đã lập những chiến công đặc biệt xuất sắc như: Ngày 21-11-1970 hạ hai máy bay F4, góp phần đập tan kế hoạch tập kích đường không của Mỹ hòng giải thoát bọn giặc lái ở trại giam Sơn Tây. Ngày 22-11-1972 hạ chiếc máy bay B-52 đầu tiên buộc phía Mỹ phải thú nhận “bị tên lửa phòng không Bắc Việt bắn rơi”, góp kinh nghiệm thiết thực cho các đơn vị trong Quân chủng PK-KQ làm nên “Điện Biên Phủ trên không” tháng Chạp năm 1972. Đêm 14-1-1973 bắn rơi hai chiếc máy bay B-52 và đó cũng là hai chiếc máy bay Mỹ cuối cùng bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc…
Mùa xuân năm 1975, Trung đoàn Tên lửa 263 được vinh dự giao nhiệm vụ khẩn trương vượt Trường Sơn vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sở dĩ trung đoàn của chúng tôi được giao nhiệm vụ này là bởi khi tham gia chiến đấu đánh trả B-52 của Mỹ, đơn vị đứng chân ở Nghệ An - địa bàn xa nhất của Sư đoàn Phòng không 361 làm nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Hà Nội ở “vòng ngoài”. Ngay sau chiến thắng đêm 14-1-1973 bắn rơi hai chiếc B-52 cuối cùng trên bầu trời miền Bắc, trung đoàn nhận nhiệm vụ nhanh chóng “Nam tiến” vào bảo vệ vùng trời giải phóng tỉnh Quảng Trị.
 |
Cựu chiến binh Sư đoàn Phòng không 361 thăm trận địa cũ nhân dịp kỷ niệm 40 năm “Điện Biên phủ trên không” (12-1972 / 12-2012). Ảnh: Thái Dương
|
Sau Tết Nguyên đán Ất Mão 1975, Trung đoàn 263 của chúng tôi được trên giao nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ tuyệt mật đến mức chỉ có trung đoàn trưởng, chính ủy và tham mưu trưởng trung đoàn được biết. Còn tất cả cán bộ, chiến sĩ chỉ được phổ biến là chuẩn bị cấp tốc để hành quân đường dài. Một ngày đầu tháng 3-1975, trung đoàn chúng tôi bắt đầu “rồng rắn” nối đuôi nhau xuất phát hành quân về hướng Tây, theo Đường 9 vượt qua Lao Bảo hướng thẳng đến Bản Đông của nước bạn Lào. Khi đội hình hành quân đến ngã ba Sê Sụ của tỉnh Xa-vẳn-na-khệt, chỉ huy trung đoàn hạ lệnh rẽ trái, thẳng tiến về phía Nam. Vậy là trung đoàn chúng tôi hành quân theo đường Tây Trường Sơn và chưa biết điểm dừng tại đâu!
Chính trong những ngày hành quân trên đường Tây Trường Sơn và trên đất bạn Lào, chúng tôi mới dần hiểu ra nhiệm vụ của trung đoàn mình khi quân ta nổ súng tấn công đánh chiếm căn cứ Đức Lập ở Buôn Ma Thuột và tiếp đó cả vùng Tây Nguyên rộng lớn đã được giải phóng. Quả đúng như vậy, đến ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, trung đoàn chúng tôi được lệnh rẽ trở về đất Việt và tiếp tục thẳng tiến vào chiến trường B2, tức miền Đông Nam Bộ.
Không thể không kể đến những khó khăn vất vả của cuộc hành quân dài mấy trăm cây số đường cả hai phía Tây và Đông Trường Sơn với nhiều dốc cao, cua gấp, đường xấu, trong khi xe khí tài tên lửa to, dài, nặng, cồng kềnh rất khó đi, chỉ thiếu cẩn trọng một chút là sẽ mất an toàn. Vì vậy theo sát đội hình hành quân các xe khí tài và xe chở đạn tên lửa của trung đoàn, chúng tôi luôn luôn có anh em bộ đội công binh đi cùng. Nhiều chiến sĩ công binh lần đầu tiên thấy khí tài tên lửa phòng không to cao cồng kềnh mà cũng vượt Trường Sơn vào chiến trường thì phấn khởi lắm: “Phen này nếu máy bay Mỹ có trở lại cũng không sợ chứ thèm chấp gì mấy cái máy bay của bọn ngụy!”. Vậy mà vẫn xảy ra trường hợp do đường quá xấu, xe khí tài tên lửa bị hỏng quá nặng không có phụ tùng đặc chủng thay thế nên chỉ huy đơn vị quyết định để lại dọc đường và cử người ở lại bảo vệ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trung đoàn mới cử cán bộ kỹ thuật quay trở lại đem theo phụ tùng thay thế, sửa chữa để đưa số xe máy, khí tài này về đơn vị.
Vượt hết đường Trường Sơn, chúng tôi được hành quân trên những tuyến đường nhựa của vùng đất mới được giải phóng nên chẳng mấy thời gian, đội hình trung đoàn đã băng qua những địa danh có những cái tên rất lạ: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp… Có những đoạn đường còn nhiều mìn do địch để lại nên xe chở bộ binh, xe tăng, xe kéo pháo, xe tên lửa… chỉ được chạy giữa đường và cùng nhằm tới đích cuối cùng là Sài Gòn! Đây là những ngày chạy đua với thời gian trong cuộc hành quân thần tốc gắn với bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:“Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa…”. Ngày 26-4-1975, trung đoàn chúng tôi được Bộ chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ đánh địch ở tầm cao và xa để yểm hộ cho đội hình tiến công của các binh đoàn trên hướng bắc - tây bắc Sài Gòn; đặc biệt là trong thời gian quyết định của chiến dịch và trong tình huống không quân Mỹ liều lĩnh can thiệp cứu nguy cho quân ngụy.
Vượt qua rất nhiều khó khăn, đúng 18 giờ ngày 27-4, trung đoàn chúng tôi đã hoàn thành việc chiếm lĩnh trận địa và triển khai chiến đấu tại cửa ngõ tây bắc Sài Gòn. Sáng sớm 28-4, cả trung đoàn trưởng và chính ủy trung đoàn đều có mặt cùng kíp trắc thủ trên xe điều khiển của tiểu đoàn hỏa lực theo sát diễn biến tình hình với quyết tâm đánh địch và phải đánh thắng trong trận đánh cuối cùng vào sào huyệt kẻ thù. Thế nhưng hình như “đánh hơi” được có tên lửa SAM2 của Quân đội ta - loại vũ khí đã từng quật lộn cổ pháo đài bay B-52 của Mỹ trên vùng trời Hà Nội - nên cả ngày hôm đó không có chiếc máy bay địch nào dám bay vào tầm bắn của đơn vị. Sang ngày hôm sau 29-4, trên màn hiện sóng ra-đa của trung đoàn tuyệt nhiên không còn thấy tín hiệu máy bay cường kích của địch nữa mà chỉ còn tín hiệu máy bay trực thăng Mỹ thực hiện cuộc di tản cuối cùng tháo chạy khỏi Sài Gòn. Lệnh của cấp trên không cho đánh, cứ để cho chúng cút!
Trưa 30-4-1975, đại quân ta từ các hướng tiến vào đánh chiếm dinh Độc Lập và các cơ quan đầu não của kẻ thù tại hang ổ cuối cùng của chúng. Sài Gòn đã được giải phóng! Cuộc chiến đấu gian khổ, hy sinh giành độc lập, tự do của dân tộc kéo dài suốt 30 năm đã đến đích. Hầu như không một cán bộ, chiến sĩ nào của trung đoàn chúng tôi ngày ấy không khỏi nuối tiếc vì đơn vị đã không kịp nổ súng phóng “rồng lửa” lên tiêu diệt máy bay địch trong trận chiến cuối cùng! Chúng tôi chỉ được an ủi phần nào khi đoàn xe tên lửa của trung đoàn được tham gia cuộc diễu binh mừng chiến thắng ngày 15-5-1975 tại Sài Gòn, trước sự ngưỡng mộ hò reo của đồng bào Thành phố mang tên Bác Hồ vừa được giải phóng!
NGUYỄN HỮU MÃO (Cựu chiến binh Sư đoàn Phòng không Hà Nội))