QĐND - Dự án quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước giai đoạn 1 ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã hoàn tất cơ sở hạ tầng từ năm 2013, thế nhưng đến nay mới có khoảng 100/500 cơ sở sản xuất di dời tới địa điểm mới quy hoạch.
Ra đời cách đây gần 400 năm, làng đá mỹ nghệ Non Nước, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn hiện có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, với hơn 2.500 lao động, tập trung xung quanh khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Do các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động xấu đến cảnh quan môi trường của thành phố và cuộc sống của người dân trên địa bàn. Để khắc phục tình trạng này, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định quy hoạch di dời làng nghề về vị trí tập trung.
Theo đó, việc quy hoạch chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, khu làng nghề sẽ có tổng diện tích 35ha, cách khu sản xuất cũ khoảng 2km về phía tây nam và đủ diện tích để bố trí nơi sản xuất, kinh doanh cho tất cả các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ trên địa bàn. Mức bố trí cho mỗi cơ sở có diện tích lớn nhất 600-800m2, nhỏ nhất 100-120m2; đối với những hộ có nhu cầu diện tích lớn hơn sẽ do UBND thành phố xem xét, quyết định. Cụ thể, giá thuê mặt bằng 8.500 đồng/m2/năm, thời hạn hợp đồng 5 năm.
 |
Cơ sở sản xuất đá tại khu quy hoạch mới chật hẹp, gây khó khăn cho việc vận chuyển nguyên vật liệu và bố trí máy móc sản xuất.
|
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu quy hoạch đã hoàn tất vào cuối tháng 8-2013 và dự kiến cuối quý 1-2014 sẽ di dời tất cả các hộ sản xuất đá ở phường Hòa Hải về địa điểm mới. Để thực hiện chủ trương này, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức họp dân và lên kế hoạch di dời tất cả các hộ sản xuất đá về địa điểm mới trong năm 2014. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai dự án, mới có khoảng 100 cơ sở sản xuất xây dựng xưởng đi vào hoạt động.
Anh Nguyễn Vinh ở tổ 116, phường Hòa Hải-người có thâm niên gần 20 năm làm nghề đá chia sẻ: “Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương của thành phố về việc quy hoạch làng nghề. Tuy nhiên, không gian ở địa điểm mới bố trí không phù hợp, gây cản trở việc sản xuất, kinh doanh của các hộ dân. Trước đây, chiều ngang mặt tiền tại cơ sở cũ của tôi là 7m, còn tại khu quy hoạch, tôi chỉ được thuê 1 lô đất với diện tích 5m x 22m. Trong khi đó, cơ sở sản xuất thường xuyên có 8 công nhân làm việc, bề ngang mặt tiền quá hẹp nên rất khó khăn cho việc vận chuyển nguyên vật liệu và bố trí máy móc sản xuất. Để sản xuất được, chúng tôi mong muốn chính quyền bố trí mặt tiền rộng 8-10m, chiều dài khoảng 12-15m là phù hợp…”.
Tìm hiểu tại hiện trường, phần lớn những cơ sở sản xuất khác cũng được thuê đất với diện tích tương tự hộ anh Nguyễn Vinh. Hầu hết chủ cơ sở sản xuất ở đây đều cho rằng, về tổng diện tích đất có thể bảo đảm, nhưng bố trí không gian nhà xưởng để sản xuất là rất khó khăn, vì riêng hệ thống máy móc đã chiếm hết chiều ngang. Việc quy hoạch và phân lô như trên chỉ phù hợp với khu tái định cư để xây nhà ở chứ không phù hợp với khu làng nghề sản xuất đá. Bên cạnh đó, hiện tại hơn 70% cơ sở sản xuất gặp khó khăn do hàng hóa ế ẩm nên không đủ kinh phí để xây dựng nhà xưởng. Những lý do này khiến cho việc di dời các cơ sở sản xuất đá về địa điểm mới không đạt được kế hoạch đề ra.
Ông Ngô Mai, Chánh văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn cho rằng: Việc quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là một sự cố gắng rất lớn của thành phố và chính quyền địa phương. Các cơ quan chức năng của quận đã kiểm tra thực tế quy mô sản xuất, loại hình sản phẩm, số lao động, năng lực sản xuất… để xét duyệt cho thuê đất phù hợp với từng cơ sở sản xuất. Thành phố, quận, cũng muốn bố trí diện tích đất rộng cho các cơ sở sản xuất nhưng do quỹ đất có hạn nên không thể đáp ứng hết được nhu cầu của các hộ dân.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hường, Phó trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước: Qua 9 đợt xét duyệt, đã có 309 cơ sở được thuê đất tại làng nghề, 261 cơ sở sản xuất làm hợp đồng thuê đất, 174 cơ sở sản xuất hoàn thành việc xin giấy phép xây dựng. Hiện nay, còn hơn 100 cơ sở sản xuất có nhu cầu thuê đất, nhưng chưa thể đáp ứng được. Trước thực tế trên, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã đề nghị UBND thành phố thực hiện phương án mở rộng khu làng nghề giai đoạn 2 để bố trí đất cho các cơ sở sản xuất đá còn lại.
Để các hộ dân làng nghề yên tâm vào khu quy hoạch mới, các cơ quan chức năng của quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết bài toán không gian sản xuất cho phù hợp. Đồng thời, có những chính sách ưu tiên nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở sản xuất duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, có như vậy làng nghề mới phát triển bền vững.
Bài và ảnh: VĂN CHUNG