Lại cảnh “trên rải thảm, dưới rải đinh”?
Năm 2015, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Tân Tiến xin ý kiến đề xuất mở rộng sản xuất nhà máy xút với công suất 20.000 tấn/năm nhằm mục đích xử lý nước thải công nghiệp. Công ty gửi văn bản xin ý kiến chấp thuận tới Ban Quản lý khu kinh tế (KKT) và UBND tỉnh Quảng Ninh. Ngày 10-8-2015, UBND tỉnh Quảng Ninh gửi văn bản tới Ban quản lý KKT và các sở, ngành trong đó có nội dung “Hoan nghênh và ủng hộ công ty mở rộng dự án hóa chất và chế biến bột than”.
Tháng 9-2015, UBND tỉnh Quảng Ninh có Văn bản số 5624/UBND-CN gửi Bộ Công Thương đề nghị xem xét, báo cáo Thủ tướng cho phép bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở ý kiến đồng thuận từ các bộ: Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính…; ngày 18-1-2016, Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 4-2-2016, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 227/TTg-KTN nêu rõ đồng ý bổ sung dự án sản xuất xút công suất 20.000 tấn/năm của công ty vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam.
 |
Dự án của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Tân Tiến hiện chưa thể triển khai. Ảnh: Hải Châu |
Để có đủ căn cứ trước khi phê duyệt giấy chứng nhận đầu tư, Ban quản lý KKT Quảng Ninh cũng tham vấn ý kiến UBND TP Hạ Long, các sở, ngành có liên quan. Các ý kiến đều nhất trí, đồng thuận đối với dự án. Văn bản số 7146/UBND (tháng 9-2017) của UBND TP Hạ Long gửi Ban quản lý KKT Quảng Ninh nêu rõ: “Đề xuất thực hiện dự án nhà máy sản xuất xút 20.000 tấn/năm và các thương phẩm khác tại KCN Việt Hưng của Công ty Tân Tiến là phù hợp”.
Ngày 4-5-2016, Ban quản lý KKT cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho dự án và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Hồng Bích, Tổng giám đốc công ty, ngay sau khi có phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐTM) của Bộ TN&MT, Ban Quản lý KKT bất ngờ đề nghị thu hồi dự án với lý do lo ngại về sự cố môi trường đối với hóa chất Clo lỏng và axit HCL. Trước lo ngại này, công ty đã tự nguyện có văn bản xin thu hồi giấy chứng nhận đăng ký điều chỉnh đã cấp và xin dự án mới. Trên cơ sở đó, ngày 7-8-2017, Ban quản lý KKT đã ra Quyết định số 174/QĐ-BQLKKT thu hồi dự án song lại đưa ra các căn cứ “khống” như dự án vi phạm về quy hoạch xây dựng, chậm tiến độ…
Một văn bản sai và trái luật
Ngày 3-10-2017, Ban Quản lý KKT Quảng Ninh tiếp tục đề nghị công ty điều chỉnh Báo cáo TĐTM theo hướng bỏ Clo lỏng và axit HCL. Văn bản của Ban Quản lý KKT nêu rõ: “Ban Quản lý KKT sẽ tiếp nhận và giải quyết đề nghị của công ty sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ TN&MT đối với các thay đổi nêu trên”. Tiếp thu đề nghị này, công ty đã điều chỉnh báo cáo và nhận được chấp thuận của Bộ TN&MT tại Văn bản số 6322/BTNMT-TCMT vào ngày 21-11-2017. Thế nhưng Ban Quản lý KKT Quảng Ninh đã “thất hứa” khi không hề thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư như đã cam kết. Để biện minh, ngày 24-1-2018, Ban Quản lý KKT trả lời “lòng vòng” với lý do “không có chuyên môn sâu về lĩnh vực hóa chất", "đợi tham vấn ý kiến chuyên gia và nhà khoa học”.
Ngày 6-4-2018, tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý KKT đã chủ trì hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở, bộ, ngành liên quan. Tại hội thảo này, tất cả ý kiến đưa ra đều đồng thuận với việc phát triển dự án của nhà đầu tư. Tưởng chừng ngay sau hội thảo, Ban Quản lý KKT Quảng Ninh sẽ đủ căn cứ để cấp giấy chứng nhận đầu tư, song ngày 20-4-2018, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý KKT tiếp tục ra văn bản lòng vòng xin lấy thêm ý kiến.
Những động thái gây khó dễ trên khiến nhà đầu tư bất bình khi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho dự án cũng hết hiệu lực (thời hạn 12 tháng), gây thiệt hại lớn cho công ty. Do đó, công ty đã có kiến nghị và Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh giải quyết sự việc. Song đến nay, sự việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết: "Tôi đã có ý kiến trực tiếp với Thủ tướng và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để xem xét lại việc ra công văn của Trưởng Ban Quản lý KKT Quảng Ninh (Văn bản số 161/BQLKKT-ĐT và Quyết định số 174/QĐ-BQLKKT). Bởi việc ban hành công văn là sai vì đây không còn nằm ở giai đoạn xin chấp thuận chủ trương thu hút đầu tư mà chủ trương đã được phê duyệt, cấp phép và doanh nghiệp đã làm đầy đủ mọi thủ tục do đó không thể tự ý cho dừng dự án khi có điều kiện pháp lý và chấp thuận điều chỉnh từ phía Bộ TN&MT. Chính vì vậy, việc làm trên hoàn toàn sai và trái luật". Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng kiến nghị, UBND tỉnh Quảng Ninh phải xử lý trách nhiệm của cán bộ "câu giờ", làm khó doanh nghiệp.
MINH CƯỜNG