Bác Ba Toản (bên phải) và tác giả bài viết

Đang chuẩn bị đi công tác Phú Quốc thì anh bạn tôi gọi điện thoại nói: Cậu ra Phú Quốc nhớ phải tìm bằng được bác Ba Toản -người tù binh đặc công đã xé toang mấy chục lớp rào vượt ngục! Nhiều chuyện hay lắm đấy. Nghe anh bạn nói vậy, tôi tán thành ngay, nhưng Phú Quốc rộng lớn, biển trời mênh mông biết tìm bác Ba Toản ở đâu?

Cuộc đào thoát định mệnh

Câu hỏi ấy cứ xoay tròn trong đầu tôi suốt cuộc hành trình từ Bắc vào Nam. Thật may, vừa đặt chân lên Phú Quốc, anh Việt, nhân viên Phòng Chính trị, Vùng E Hải quân ra đón tôi đã hồ hởi nói: Cậu vào đúng dịp đó. Chiều nay có đoàn cựu chiến binh nhà tù Phú Quốc đến thăm đơn vị.

- Có bác Ba Toản không anh?

- Có chứ! Người “nổi tiếng” như bác ấy làm sao vắng mặt được.

Chiều hôm đó, tôi đến gặp ông. Chẳng khác mấy so với những gì tôi hình dung. Ông-người tầm thước, lông mày rậm, mắt luôn nhìn thẳng làm toát lên vẻ nghiêm nghị và bản lĩnh.

Ngày hôm sau, tôi đến nhà ông vào lúc 3 giờ chiều. Ngôi nhà nằm bên triền núi, lọt thỏm trong khu vườn bạt ngàn hoa trái. Vẫn lặng lẽ như lính đặc công trong trận mạc, ông bảo tôi: Hai bác cháu mình ra chiếc ghế đá bên gốc me sau vườn nói chuyện nhé.

Lần vượt ngục táo bạo của bác và đồng đội trở về, như mới hôm qua. Ông bảo: Lúc đó, xác định vượt ngục sự sống-chết là 50/50. Sau này về đến căn cứ mới hay, nếu quyết định chậm một ngày thôi thì bữa sau, chính bác sẽ được kêu tên đi thủ tiêu. Nguyên do là thông tin nội bộ đã để lọt vào tai địch.

Bị bắt, tù đày, khát vọng số một của người lính là vượt ngục, trở về cầm súng. Nhưng trở về cách nào đâu có dễ. Lúc Ba Toản ở trại, phong trào vượt ngục có xu hướng lắng xuống do địch đàn áp dã man. Như trường hợp ông Xạ đã nhiều lần tìm đường ra nhưng đều không lọt, bị đánh lên đánh xuống, anh em đâm ra sợ. Ba Toản nổi tiếng là anh lính đặc công can trường, thẳng thắn đã quyết “mở đường”. Anh rủ thêm 2 người cùng đi là anh Tiến và anh Hoạch. Ba người cho một cuộc vượt ngục là gọn, nhưng biết Ba Toản là lính đặc công có hạng nên nhiều người đã tìm đến xin được cùng ra. Thế là khi sắp ra lại thêm các anh Dũng, Bình, Minh, Thu…

Là lính đặc công nên Ba Toản chuẩn bị cho cuộc vượt ngục khá chu đáo cả về phương tiện, chiến thuật và quy định hiệp đồng. Nói là phương tiện cũng chỉ là một cái cà mèn đựng đầy cơm quyên góp của anh em bạn tù được quấn chặt giẻ rồi nhúng vào bùn vừa làm vật ngụy trang vừa phòng khi vượt ngục thành công còn có cái lót dạ. Trước đó ít ngày, Ba Toản quan sát rất kỹ địa hình, địa vật, anh thấy ở khu trại giam này nhiều cát trắng nên cho anh em lúc ngụy trang bằng bùn đen pha đất sét để tạo thành màu trắng nhờ nhờ. Để tránh chó săn của địch, Ba Toản giúi cho mỗi người một củ tỏi xin được của nhà bếp rồi bảo họ đập nát xát vào người.

Làm công tác chuẩn bị xong, tổ của Ba Toản hẹn nhau tập kết phía sau khu nhà bếp, nơi nước thải và cứt đái đổ ra bốc lên mùi hôi thối khó chịu, lính tuần tra rất ngại qua khu vực này. Khi anh em có mặt đông đủ, cả nhóm bắt đầu hành động. Quan sát thêm một lần nữa, Ba Toản quyết định mở lối đi ngay sát dưới chân chòi canh. Cả tổ vượt qua hàng rào thứ nhất thật gọn, vì đây là hàng rào đơn, anh em chỉ nhẹ nhàng bám cọc bật qua là được. Tiếp đến là hàng rào mái nhà, hàng rào bùng nhùng, Ba Toản phải sử dụng nghiệp vụ để vén rào. Với những người nhanh nhẹn, khéo léo sẽ dễ dàng vượt qua, nhưng những người vụng về cộng với tâm lý lo sợ sẽ rất khó khăn. Mất 3 đồng chí khi vượt qua 2 loại hàng rào này đã vướng rào, khắp người bị kẽm gai cào cứa tóe máu.

Khoảng nửa đêm, khi tổ 6 người của Ba Toản sắp vượt hết hệ thống rào thì bỗng đèn pha ở 4 chòi canh quanh nhà tù bật sáng. Tiếng súng nổ xé trời kèm theo hàng loạt đạn AK cày tung đất ngay sát phía sau đội hình. Tiếng xe của bọn quân cảnh rú máy, tiếng chó săn tru lên man dại và cả tiếng la thất thanh đâu đó. Cả tổ lặng đi. Thế là lộ! Có người run lên bần bật, lại có người lầm rầm niệm Phật… Riêng Ba Toản vẫn tỉnh táo. Anh phán đoán: Nếu lộ, chúng đã xả đạn ngay vào đội hình và chó sẽ rồ đến chứ không phải xả đạn vòng ngoài thế này. Vừa lúc đó, một tiếng quát bật lên sằng sặc: Đ. mẹ! Lại là 5 thằng mày. Bắn bỏ cho rồi... đã khiến Ba Toản tĩnh trí lại. Sao lại 5? Tổ anh đang có 6 cơ mà. Thì ra đó là tổ của ông Xạ, một người bạn tù cũng đã 3 lần tổ chức vượt ngục mà chưa thành công! Tội nghiệp! Anh cúi đầu giây lát làm động tác gần như mặc niệm rồi cắn môi tiếp tục dẫn đầu đoàn người bò ra…

40 nghìn người và một người

Cho đến bây giờ, trong số hơn 40.000 tù binh Phú Quốc ngày ấy, Ba Toản là một trong những người ít ỏi đã tình nguyện ở lại với Phú Quốc. Phú Quốc gắn với quãng đời lao tù cay đắng nhưng cũng gắn với những tháng năm kiên cường nhất của cuộc đời ông. Vượt ngục thành công, ông cùng anh em gia nhập đại đội đặc công của huyện đội Phú Quốc, bao phen tập kích làm kẻ thù hoang mang, kinh sợ. Hòa bình, hầu hết anh em vào đất liền, tìm về quê hương bản quán, riêng Ba Toản mong ở lại. Với anh, Phú Quốc là máu thịt, là cuộc đời, là những gì không thể nào quên. Chính vì thế mà sau hoà bình, ông chấp nhận khó khăn, dám ở lại Phú Quốc để “khai hoang vỡ hóa”. Cũng vì thế mà bà Mậu, vợ ông đã không một chút đắn đo, tạm biệt vùng đất Hà Tây quê lụa theo chồng vào đây lập nghiệp. Thấu hiểu được sự nhọc nhằn, vất vả của cha mẹ, các con ông lớn lên đều học hành giỏi giang và thành đạt. Người con trai cả giờ đã là một chủ trang trại rộng lớn, cô con gái thứ 2 hiện làm Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Kiên Giang, người thứ 3 làm trong lực lượng vũ trang và cô con gái út đang làm ở Công ty Bất động sản Sài Gòn.

Riêng vợ chồng ông, “nhờ trời” cho sức khỏe, cộng với tính hay lam, hay làm nên bây giờ có một cơ ngơi khang trang. Ông bà đã xây được một ngôi nhà 2 tầng và “khai hoang” được hơn 10ha đất vườn đồi. Trong vườn nhà ông có nhiều loại cây cho giá trị kinh tế cao như: măng cụt, cam, bưởi, chôm chôm… Riêng cây dó bầu (loại cây dùng để làm trầm hương từ 6 đến 7 năm tuổi) có hàng nghìn cây. Ông bảo, đã có khách trả ông 1 cây trên 1 triệu đồng nhưng ông chưa bán. Tôi vội nhẩm tính, nếu bán mình cây dó bầu, gia đình ông cũng đã thu được hàng tỷ đồng.

Phú Quốc đã đổi thay từng ngày. Dấu ấn chiến tranh đã nhạt nhoà sau những rừng cây xanh mướt mắt. Nhưng nếu một lần ra thăm Phú Quốc, có điều kiện, bạn hãy đừng quên ghé thăm bác Ba Toản để nghe bác kể về một thời “đảo tù - đảo Ngọc”!

TRỊNH VĂN DŨNG