QĐND - Trong căn lều tạm được làm từ những cột tre, gỗ tạp và lợp bằng vải bạt thủng lỗ chỗ khiến ánh nắng chiếu xiên cả xuống chiếc giường cũng là nơi ông ngồi tiếp khách, ông lão vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống cũng như công việc hằng ngày của mình.
Ông tên là Nguyễn Văn Xá, sinh năm 1946, trú tại thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện, huyện An Dương (Hải Phòng). Ngày nhỏ, sau trận cảm, một bên chân của ông bị teo dần, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi học xong cấp 3 phổ thông, do sức khỏe yếu, ông quyết định theo học nghề may và vào làm việc tại Hợp tác xã may mặc Đại Lê. Năm 1970, ông kết duyên cùng cô giáo tiểu học Đào Thị Yến. Qua những ngày tháng vất vả, giờ đây, niềm vui lớn nhất đối với vợ chồng ông là con cái đều đã lớn và xây dựng gia đình.
 |
Ông Xá với công việc hằng ngày. Ảnh: Xuân Lương
|
Đúng vào lúc có thể được hưởng những phút giây an nhàn vui vầy bên con cháu thì ông Xá quyết định rời nhà ra lối có đường sắt chạy qua để làm công việc gác tàu. Từ nhiều năm qua, năm nào đoạn qua khu vực gần ga Dụ Nghĩa này cũng có hàng chục vụ va chạm giữa tàu hỏa với các phương tiện giao thông khác, trong đó có một số trường hợp bị thiệt mạng. Là người từng phải chứng kiến không ít những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra ngay tại nơi mình sinh sống, ông Xá nhiều đêm trăn trở và quyết tâm đến với công việc mà như ông chia sẻ là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Ông mong sao đem lại sự bình an cho "điểm đen" chết chóc này.
Lúc đầu, đem dự định này kể với vợ con, ông bị phản đối kịch liệt. Vợ con lo ông tuổi đã cao lại ra gần đường sắt ở một mình chẳng may trái gió trở trời lúc nửa đêm biết kêu ai. Sau nhiều ngày giảng giải, cuối cùng ông cũng thuyết phục được cả nhà chiều theo ý mình. Sau đó, ông làm đơn tình nguyện gửi lên chính quyền xã, xin ra gác chắn đường sắt tại km 87+350 chạy song song với Quốc lộ 5.
Thế là từ ngày 9-9-2009, từ phía thôn Dụ Nghĩa đi ra, một cây tre chắn đường báo hiệu cho mọi người biết mỗi khi có tàu hỏa chạy qua được bà con dựng lên, cùng một căn lán nhỏ. Cũng từ lúc ấy, dù thời tiết khắc nghiệt thế nào, ông Xá vẫn ngày đêm ở lán, chú tâm theo dõi để kịp thời nâng hạ cần chắn, báo hiệu cho các phương tiện khi có tàu. “Thời gian đầu vì chưa quen lịch tàu chạy, suốt ngày tôi phải ngóng tiếng còi tàu; sau đó, nhờ liên hệ với ga Dụ Nghĩa và trạm gác tàu Tân Tiến, được họ giúp đỡ mỗi khi có tàu qua sẽ báo để tôi chủ động hạ cần chắn. Đến nay, chỉ cần bằng cảm tính, tôi cũng có thể xác định được thời gian cũng như tần suất của 21 chuyến tàu qua mỗi ngày để túc trực và chủ động xử lý an toàn”-ông Xá vui vẻ cho hay.
Qua hơn 5 năm gắn bó với công việc này, ông Xá có khá nhiều kỷ niệm vui buồn. Đó là những ngày đầu ra gác bị những thanh niên nghiện ngập, đạo chích “hỏi thăm” xin tiền. Nhìn ông lão tật nguyền nhân hậu bất chấp ngày đêm chỉ biết quên mình mong cho người khác được bảo đảm an toàn và từ những lời khuyên bảo của ông, dần dần họ mới thôi quấy nhiễu. Mỗi khi có tàu chạy qua, họ còn gọi để giúp ông chủ động hơn trong việc kịp chuẩn bị còi và cờ ra đứng chắn. Có những trường hợp được ông Xá giúp đỡ mà may mắn thoát khỏi bàn tay “tử thần” chỉ trong gang tấc như lái xe tắc-xi thiếu quan sát khi sang đường, người đứng trên đường tàu mải nói chuyện, hay xe gắn máy bị chết máy giữa đường tàu khi người lái đang cố chở hàng lên dốc…
Trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, đôi mắt nhìn về phía xa xa như hồi tưởng về ký ức thời gian kinh hoàng của mùa đông đã qua từ ba năm về trước, ông kể: “Hôm ấy, vào tháng 10-2010, chuyến tàu 19 giờ xuất hành từ Hải Phòng đi Hà Nội đang chạy qua khu vực này. Trong ánh đèn le lói, từ phía xa, tôi phát hiện một phụ nữ đang mang bầu vẫn đang mải mê đứng nghe điện thoại. Chỉ còn cách hơn 20m, dù còi tàu trước đó đã kêu báo hiệu nhưng người phụ nữ dường như không hề hay biết. Từ trong lán, dồn hết sức lực vào đôi nạng, tôi vội vàng lao ra kêu to “có tàu hỏa kìa” rồi đẩy mạnh người phụ nữ ấy. Cả hai người cùng văng ra đất trong tiếng kêu gầm rú rồi vun vút lao qua như muốn băm nghiến đường ray của đoàn tàu. Sau đó hỏi ra mới biết, chị ta ở Lạng Sơn đang tìm về Hải Phòng xin việc, vừa rồi do mải gọi điện cho bạn ra đón mà không biết tàu qua”.
 |
Ông Xá trong căn lán gác tàu rách nát nhưng rất nhiều bằng khen. Ảnh: Xuân Lương
|
Giờ đây, khi đã sinh đứa con trai kháu khỉnh, mỗi khi có việc qua đây, chị lại tranh thủ vào thăm ông, đối với ông lão thì đó là niềm vui, niềm an ủi, động viên như một liều thuốc tinh thần quý giá giúp ông thêm lạc quan và có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với công việc của mình.
Chủ tịch UBND xã Lê Thiện, ông Phạm Văn Hải cho biết: “Việc làm của ông Xá là hiếm thấy. Địa phương còn khó khăn nên chưa ủng hộ gì được cho ông Xá, chỉ biết động viên hỏi thăm sức khỏe và công việc hằng ngày của ông”. Ông Trương Văn Bền, 76 tuổi, một người dân nơi đây đánh giá: “Hằng ngày, có rất đông các cháu học sinh cùng người dân và hàng trăm công nhân khu công nghiệp qua lại. Từ khi ông Xá ra gác tàu, nơi đây đã không còn một vụ tai nạn giao thông nào nữa…”.
Hiện nay, cuộc sống của gia đình ông Xá chủ yếu vẫn chỉ trông vào hơn 1,5 triệu đồng lương hưu của vợ ông và khoản phụ cấp người tàn tật của ông-180.000 đồng/tháng. Việc gác chắn của ông cũng mới được Ban An toàn giao thông đường sắt TP Hải Phòng quan tâm và có chính sách hỗ trợ 600.000 đồng/tháng. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn tận tâm với công việc của mình, bởi ông luôn mong được đóng góp một phần nhỏ cho đời để tâm hồn vui vẻ và với ông, đó mới là điều đáng quý.
Duy chỉ có một điều bà con nơi đây vẫn day dứt, đó là từ sau cơn bão số 8 năm 2012, cái lán của ông vốn đã cũ nát lại càng thêm xiêu vẹo. Sau mỗi cơn mưa, ông lại hì hụi, loay hoay lấy cây chống đỡ cho cái lán để nó có thể trụ được ngày nào hay ngày ấy. Còn những ngày nắng, trong cái oi ả của tiết trời mùa hè lên tới 37-38 độ C, mái lều hầm hập nóng với những lỗ thủng xiên qua thấy cả ánh mặt trời.
Nhìn nơi hằng ngày ông làm việc đồng thời cũng dùng luôn làm nơi ngủ nghỉ ăn uống khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng và thương cảm. Nhiều lúc ngồi đợi tàu về, ông lại bần thần ao ước, giá như có được cái lán mới che mưa, che nắng để có sức canh đường...
XUÂN NHUẬN – ĐẶNG HƯỜNG