QĐND - Đã từ lâu tôi rất ấn tượng và quý mến Trung tướng Lê Văn Hân, không phải vì ông nguyên là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng trực tiếp của cơ quan chúng tôi, mà vì hơn ba chục năm trước, ông là Chính ủy Trung đoàn Phú Xuân, một đơn vị bộ đội địa phương “khét tiếng” của Bình Trị Thiên quê tôi những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà ông lại là dân quê lúa Thái Bình…

Những chiến công lẫy lừng của Trung đoàn Phú Xuân thì sử sách đã ghi và tôi đã được đọc như bao người khác. Nhưng tôi còn may mắn có những cơ duyên đặc biệt. Năm 1980, tôi nhập ngũ vào Sư đoàn 342 của Quân khu 4 đóng ở Ái Tử-Đông Hà, làm nhân viên Phòng Chính trị, thực hiện bản tin nội bộ sư đoàn in giấy nến mỗi tháng một kỳ 200 bản. Nhờ đó, tôi được đến nhiều đơn vị cơ sở đóng ở Đồng Tâm, Nam Đông, núi Nghệ, núi Bồng… là những địa bàn hoạt động trước đây của Trung đoàn Phú Xuân. Nhiều cán bộ các cấp của sư đoàn ngày ấy cũng từng là “lính Phú Xuân”, nên trong câu chuyện của các anh, tôi thường được nghe nhắc đến “ông Hân” đầy thiện cảm. Đặc biệt là Tham mưu trưởng Trương Đình Thanh (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4, đã hy sinh) và Trưởng ban Tuyên huấn Phạm Ngọc Uông (hiện đang nghỉ hưu ở Thái Thụy-Thái Bình) thỉnh thoảng lại nhắc một kỷ niệm mở đầu bằng câu “cái hồi tớ ở với ông Hân…”.

Đại biểu lãnh đạo Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trao nhà tình nghĩa tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Xuân Thị Cúc ở Kiến Xương, Thái Bình. Ảnh:Văn Phong

Nghe riết thành quen và tôi có ấn tượng với “ông Hân” từ ấy. Sau này được ra làm báo quân đội, nhiều dịp được gặp “ông Hân” nhưng vì ông là cán bộ cấp quân khu, rồi là lãnh đạo Tổng cục Chính trị nên tôi ngại tiếp xúc. Mới đây, cơ quan tôi tổ chức Chương trình giao lưu-nghệ thuật “Lời ru đồng đội” tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc-Hà Tĩnh, Trung tướng Lê Văn Hân dẫn đầu đoàn đại biểu Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam vào tham gia chương trình và tặng quà các đối tượng chính sách ở địa phương. Trong bữa cơm chiều ở nhà khách Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông cầm ly rượu đến kêu tên tôi rồi cụng ly và khen một bài viết của tôi mới đăng trên báo. Được khen ai chả thích, nhưng sự phấn khởi của tôi còn ở chỗ không ngờ “ông Hân” lại biết danh phận mình, thế mà lâu nay…

Và thế là ngay tối hôm ấy, tôi đã “tiếp cận” ông rất tự nhiên thoải mái tại phòng nghỉ của ông. Tất nhiên là tôi kể lại những chuyện được nghe về “ông Hân” ngày trước. Ông chăm chú lắng nghe, lúc hồ hởi hưởng ứng, lúc đăm chiêu tư lự, rồi tâm tình chia sẻ những kỷ niệm thời Phú Xuân, một giai đoạn có lẽ bi tráng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông: Hồi đó anh em mình hy sinh nhiều quá! Chết vì bom đạn, vì sốt rét và vì đói, vì khát. Bao nhiêu trường hợp thương tâm không sao quên được! Chính sách tử sĩ được chấp hành bằng cả tình cảm và đạo lý, nhưng hoàn cảnh chiến trường đôi khi lực bất tòng tâm, để đến bây giờ, chuyện tìm mộ của nhiều đồng đội, chuyện xác định danh tính nhiều bộ hài cốt của anh em… vẫn là niềm day trở khôn nguôi của ông và những đồng đội còn may mắn trở về. Cả dân tộc ta vẫn đang canh cánh nỗi niềm ấy. Mấy chục năm rồi, các cơ quan chức năng của Nhà nước cùng các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể và toàn dân đã nỗ lực rất nhiều để tri ân liệt sĩ, góp phần xoa dịu nỗi đau… Nhưng ngày ngày, những dòng tin nhắn tìm đồng đội, tìm mộ liệt sĩ… vẫn dội về nhức nhói. Đó là lý do để một vị tướng đã nghỉ hưu như ông lại cùng một số đồng đội tâm huyết, như Đại tá Nguyễn Hùng Phong-nguyên Chủ nhiệm Chính trị TCHC-và hai cựu chiến binh nguyên cán bộ ngành y tế là Trịnh Đình Cần và Nguyễn Đình Thường v.v... cùng nhau lập Ban vận động thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Sau một thời gian vất vả ngược xuôi, ngày 24-10-2010, Đại hội thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội, chính thức khai sinh một tổ chức xã hội nhằm hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận, thực hiện và hưởng thụ các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần giúp các gia đình liệt sĩ thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc danh tính; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng có hoàn cảnh khó khăn; tham gia nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước về những giải pháp thực hiện chế độ, chính sách về liệt sĩ… Đại hội đã bầu Trung tướng Lê Văn Hân làm Chủ tịch hội.

Phát biểu chúc mừng đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị-Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm mong rằng hội “phải thật sự là cầu nối giữa các gia đình, thân nhân liệt sĩ với Đảng; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta làm dịu nỗi đau thương, mất mát do chiến tranh để lại”. Trước đó, trong bài phát biểu chỉ đạo đại hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Ngoài chức năng, nhiệm vụ của hội đã được xác định trong Điều lệ, tôi đề nghị bổ sung thêm: Các cấp Hội cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước tập trung xây dựng và bảo tồn các nghĩa trang liệt sĩ. Đây không chỉ là việc làm mang ý nghĩa tri ân mà còn là nét đặc trưng trở thành văn hóa, mang ý nghĩa giáo dục chính trị-xã hội rất cao”.

Chỉ một thời gian ngắn sau ngày thành lập, đồng chí Đại tướng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã dành một buổi cùng lãnh đạo các cơ quan của Bộ Quốc phòng trực tiếp làm việc với Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và khẳng định: “Bộ Quốc phòng coi công việc của Hội là công việc của Bộ để chăm lo tri ân liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ…”. Theo đó, Bộ trưởng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng phối hợp, tạo điều kiện cho Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời, Bộ tặng Hội 2 xe ô tô mới và 100 triệu đồng làm quỹ vốn ban đầu…

Ý Đảng, lòng dân, tình quân và trách nhiệm xã hội cùng nhất trí đồng tâm là nền tảng vô cùng thuận lợi. Tròn một năm thành lập, ngoài việc ổn định tổ chức các cơ quan Trung ương Hội, xây dựng mạng lưới và các đơn vị thành viên, hoàn thiện các văn bản pháp quy và các văn kiện… Hội cũng đã xúc tiến có kết quả công tác hỗ trợ thông tin tìm kiếm liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Cùng với hơn một nghìn trường hợp thân nhân liệt sĩ được hội trực tiếp tư vấn, hỗ trợ thông tin và hàng trăm trường hợp tư vấn, hỗ trợ khác qua e.mail (hhtgdlsvn@gmail.com) và website (trianlietsi.vn), hội còn hỗ trợ tìm kiếm được 241 liệt sĩ ở 17 tỉnh, thành phố; trong đó xác định danh tính được 226 liệt sĩ; hỗ trợ quy tập hồi hương 16 phần mộ liệt sĩ; thông báo tin tức phần mộ 72 liệt sĩ cho thân nhân, gửi giám định ADN 39 mẫu hài cốt liệt sĩ…

Giữa bạt ngàn những phần mộ chưa rõ tên tuổi trong các nghĩa trang liệt sĩ và vô số những liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang hiện nay, những con số kết quả trên đây còn rất nhỏ bé. Nhưng trong hoàn cảnh "vạn sự khởi đầu nan" của một mô hình tổ chức lần đầu tiên ở nước ta, thì những con số ấy có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đặc biệt, đến nay hội đã tổng hợp được danh sách các gia đình liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước có hoàn cảnh khó khăn, làm “cẩm nang” hỗ trợ các ngành và đoàn thể trong hoạt động "đền ơn đáp nghĩa". Một hướng hoạt động khác nữa của hội trong thời gian qua cũng khá ấn tượng, đó là việc phối hợp hoặc tham gia các chương trình giao lưu-nghệ thuật tri ân liệt sĩ được tổ chức khá quy mô tại nhiều địa phương, qua đó đã huy động nguồn lực xã hội được hàng tỷ đồng cho các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa"…

Tôi nhắc lại điều mong muốn của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm và đề nghị của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại đại hội thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tròn một năm trước, ý chừng muốn hỏi ông Chủ tịch Hội sau một năm thành lập đã thực hiện được phần nào những mong muốn và đề nghị ấy của lãnh đạo Đảng và Nhà nước? Trung tướng Lê Văn Hân không ngần ngại sẻ chia:

- Trong thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi chúc mừng các chương trình “Tri ân liệt sĩ” do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tổ chức sau đó, cũng nhấn mạnh những nội dung tương tự như vậy. Chúng tôi xác định đó là sự tin cậy của Đảng và Nhà nước đối với hội, cũng là chỉ thị những mục tiêu cụ thể cho hội phấn đấu vươn tới. Trước mắt còn nhiều khó khăn trở ngại khách quan và chủ quan lắm. Vả lại, hỗ trợ gia đình liệt sĩ trong xây dựng cuộc sống và trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và các ngành chức năng. Nhiệm vụ này đã được tiến hành tích cực, bền bỉ nhiều năm qua và chắc chắn còn phải tiếp tục nỗ lực trong nhiều năm nữa. Hội chúng tôi chỉ là một tổ chức xã hội, còn rất non trẻ, ra đời với tâm nguyện được “ghé vai” chung sức hỗ trợ các gia đình liệt sĩ, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chính sách của Đảng và nhà nước ta…

Lắng nghe lời tâm sự của vị tướng trận mạc, bỗng nhiên tôi lại nhớ về những nghĩa trang bạt ngàn những bia mộ “Tên anh chúng tôi chưa biết…” ở Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… và nhiều nơi khác trên đất nước ta mà tôi đã được chứng kiến. Vâng, thưa đồng chí cựu Chính ủy Trung đoàn Phú Xuân, việc hỗ trợ các gia đình liệt sĩ đã được tiến hành tích cực, bền bỉ nhiều năm qua và chắc chắn sẽ phải tiếp tục nỗ lực trong nhiều năm nữa. Và chắc chắn sẽ còn nhiều thế hệ đồng bào đồng chí tâm nguyện “ghé vai” chung sức thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này…

Bút ký của Mai Nam Thắng