QĐND - Mùa lũ, dòng sông Lam trở nên hung dữ hơn bao giờ hết. Từng vồng sóng đỏ ngầu dâng cao rồi đổ quật, tạo thành những cuồng xoáy hút sâu xuống lòng sông là nỗi khiếp đảm của bao khách thương hồ nhưng đó lại là nơi chị Phan Thị Hòa, Trạm trưởng Trạm thủy văn Con Cuông (Nghệ An) miệt mài làm việc…
“Đánh trận” xuyên đêm
Trời thu sập tối nhanh, miền tây Nghệ An chìm trong màn mưa trắng xóa, khắp bản làng le lói như những điểm chấm giữa hun hút đại ngàn. Trong căn nhà nhỏ bên dòng sông Lam, chị Phan Thị Hòa kể cho chúng tôi nghe về những nhọc nhằn trong cuộc đời làm khí tượng thủy văn của mình: “Những ngày đầu lên đây nản lắm chú à! Không bạn bè, không người thân, cơ quan chỉ có hai người… nhiều khi nhớ nhà quá không ngủ được chỉ còn biết trút tất cả vào trang thư. Mỗi lần về là mỗi lần đấu tranh tư tưởng ghê lắm. Không về thì nhớ nhà mà về thì tốn kém, chỉ tính riêng tiền đi lại thôi đã mất đứt cả tháng lương rồi…”.
 |
Chị Hòa đang quan trắc mực nước ở sông Lam.
|
Chị Hòa quê ở Thanh Chương -Nghệ An, vào ngành năm 1984, chồng là công nhân nông trường chè. Mặc dầu đã có hai con nhưng chồng chị vẫn bỏ chị ra đi vì nghề nghiệp của chị quá khắc nghiệt. Trạm chỉ có hai người nên trực một ngày lại nghỉ một ngày. Mỗi lần trực là phải trực thâu đêm, nhất là mùa lũ phải đo mức nước mỗi giờ một lần để báo về Đài Trung tâm Bắc Trung Bộ, nên công việc cứ liên miên quanh năm suốt tháng. Giờ đây chỉ còn một mình, chị chỉ biết ngậm ngùi với số phận. Để có được một bản tin dự báo thời tiết ngắn ngủi, chị và đồng nghiệp phải miệt mài lao động ngày đêm. Chính chị đã suýt trả giá bằng chính mạng sống của mình vì phải thường xuyên đối mặt với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Chị kể: “Có lần lũ lên nhanh, đi làm ốp lại chỉ mang đèn dầu không chừng mực nước nên tôi đã trượt ngã xuống dòng nước lũ cuồn cuộn, may mà bám được vào cành cây ven sông, nếu không đã mất mạng”. Nghề dự báo thời tiết nói chung rất gian nan, dự báo ở vùng đầu nguồn lũ còn nhọc nhằn gấp bội. Tại vùng đầu nguồn lũ Nghệ An, khi nước lũ cuồn cuộn đổ về, công việc của chị ở đây càng trở nên nặng nhọc, gian khó. Tháng 8, nước lũ đầu nguồn lên nhanh và chảy xiết. Dòng Lam với những con sóng dữ tung ngọn cao lừng lững có thể ập đến bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, nơi đây là nỗi khiếp đảm của nhiều khách thương hồ nhưng chị vẫn trụ vững. “Lần đầu tiên đi quan trắc ban đêm, là phụ nữ thì không ai là không sợ. Trước khi lên đây, tôi cũng không biết là chỉ đi có một mình ra bờ sông trong đêm khuya vắng vùng rẻo cao, cứ nhắm mắt nhắm mũi làm cho xong, sau này quen dần rồi đỡ sợ.
Dự báo chia ra hai mùa rõ rệt. Hơn 7 tháng mùa kiệt, mùa nước nhỏ và gần 5 tháng mùa lũ. Mùa lũ mỗi giờ đo một lần, mùa nước nhỏ đo 8 lần một ngày và mùa kiệt lẽ ra đo 2 lần /ngày nhưng do ảnh hưởng thủy điện nên bây giờ tất cả các mùa trong năm đều phải đo 8 lần /ngày, mỗi người trực một ngày để những người khác nghỉ ngày sau mới có đủ sức khỏe để làm. “Khổ thì chị em chịu được nhưng buồn quá, làm nghề này thật cô đơn” - chị Hòa thổ lộ.
Lên công tác tại trạm một thời gian, chị gặp một thanh niên tâm đầu ý hợp và rồi họ đã có một tình yêu đẹp. Nên duyên chồng vợ, có những tháng ngày thật hạnh phúc nhưng không lâu sau đó, khi đứa con trai thứ hai ra đời năm 1988 thì người chồng bỏ chị ra đi. Những tháng ngày sau đó tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng sự đam mê, tình yêu nghề đã chiến thắng nỗi buồn khổ và cô đơn. “Lúc đó chỉ biết cố làm răng để hoàn thành nhiệm vụ vì con thôi. Tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề ôm con về quê nương nhờ cha mẹ, anh em nhưng rồi suy nghĩ lại” - chị ngậm ngùi.
Giờ đây có đỡ hơn nhưng chị vẫn còn vất vả thiếu thốn nhiều bề. Cơ quan của chị là một dãy 3 căn phòng cũ kỹ, vừa là nơi làm việc vừa là chỗ ăn ở. Trạm chỉ có 2 người, chị và một nhân viên trẻ mới ra trường. Mỗi đêm chỉ có một người trực quan trắc và điện báo về các trung tâm dự báo để nơi đây tổng hợp số liệu và đưa ra những dự báo chính xác nhất tình hình thời tiết trên cả nước. Một mình lầm lũi trong đêm làm nhiệm vụ rất buồn tẻ và hầu như chị ít khi chợp mắt được vì không thể bỏ giờ quan trắc và phát báo.
Vì cuộc sống bình yên
Trời đang chuyển mùa, núi rừng miền tây Nghệ An được bao phủ bởi làn sương mù dày đặc, gió mang hơi lạnh rít từng hồi mỗi khi qua các khe đá, vẳng đâu đó tiếng gà rừng gáy sáng. Chị Hòa thổ lộ: “Công việc dự báo thời tiết đơn điệu, nặng nhọc, lại đòi hỏi chất lượng, hiệu quả cao. Ngày này qua ngày khác, chúng tôi chỉ đối diện với con nước, dòng sông và những con số vô hồn nên dễ buồn chán, nản lòng lắm. Do vậy, để gắn bó được với nghề này lâu dài, chị em chúng tôi phải rất yêu nghề”. Công việc của chị và đồng nghiệp là đo các yếu tố thủy văn như: Mực nước, tốc độ dòng chảy, nhiệt độ nước, hàm lượng phù sa, lượng mưa và các yếu tố liên quan đến hướng chảy, hướng gió cùng các hiện tượng thời tiết khác. “Nhiều khi nghĩ cũng tủi thân, đặc biệt những ngày lễ, Tết, những người làm ngành nghề khác họ được đi chơi, gặp gỡ bạn bè người thân vui vẻ hoặc có chồng con bên cạnh, mình thì ngồi ghi chép số liệu rồi đi đo mực nước, nghĩ mà muốn khóc”. Ngành của chị yêu cầu hiệu quả công việc phải rất cao và chính xác nhưng chế độ thù lao và thu nhập nói chung chẳng bao nhiêu, biên chế lại ít. ít người nên chị và đồng nghiệp phải làm việc cật lực, phải biết sắp xếp công việc khoa học với thời gian thích hợp để vừa bảo đảm công việc vừa có thể nghỉ ngơi mới bám trụ lâu dài. Có một nguyên tắc là những số liệu tuyệt đối không được bịa ra. Chỉ cần một cán bộ trực ngủ quên hay vì lười biếng mà không làm đúng như quy trình, tự bịa ra số liệu sẽ ảnh hưởng tới dự báo, dẫn đến khả năng dự báo sai rất nguy hiểm.
Chị Trần Thị Loan, 22 tuổi, quê ở Nghi Lộc - Nghệ An, tâm sự: “Khi nhận công tác trên này em không thể hình dung hết những khó khăn đang đón chờ phía trước. Nhưng lên đây có dì Hòa coi em như con, dì bày từng tí về công việc cũng như đối nhân xử thế trong cuộc sống nên giờ thấy dễ hơn. Tết vừa rồi, lẽ ra cũng phải trực nhưng dì trực thay cho em được về ăn Tết cùng gia đình”.
Ngày thường đã vậy, khi trời mưa bão là lúc công việc của chị còn gian nan gấp bội. Trong khi mọi người đang yên giấc thì chị phải thức trắng đêm để làm nhiệm vụ canh mưa bão. Công việc buồn tẻ, vất vả là vậy nhưng chị rất hạnh phúc vì đã cống hiến được một chút công sức nhỏ bé của mình cho xã hội. Công việc của chị có phần nào giống như của những người lính, chị canh giữ những biến chuyển thiên nhiên mưa, gió, bão, lũ… vì cuộc sống bình yên của mọi người.
Tuy gian khổ cô đơn, nhưng chị đã gắn bó với nghề gần 30 năm nay, giờ đây, người phụ nữ ở tuổi năm mươi, có khuôn mặt hiền lành này vô cùng hạnh phúc và tự hào vì chị đã nuôi hai con học hành đỗ đạt trưởng thành. Con lớn công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Con Cuông, còn con út đang là sĩ quan Hải quân ở Vũng Tàu. Bây giờ chị càng yêu nghề hơn và sẽ chăm lo bồi dưỡng cho những nhân viên trẻ, thế hệ kế cận của mình.
Chúng tôi trở lại thành phố lúc trời chạng vạng tối, nghĩ về chị, trong tôi lại vọng về câu hát của nhạc sĩ Trần Long ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai...”.
Bài và ảnh: Hoàng Tùng