QĐND - Đến những miền quê lạ, tôi thường nhìn vào những đôi mắt, nụ cười và đôi bàn tay của người dân để hiểu được phần nào chất lượng đời sống của họ. Nhiều lúc, ba điểm ấy đều có những điều chung, chỉ nhìn một ra ba. Cũng có khi, phải tất cả mới thấy được lối về. Với Đồng Quế, một xã miền núi, thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, tôi đã đến trong một ngày sắp bão đầu thu năm nay, lại cho cảm giác khá bình yên mà không qua quá nhiều điểm nhìn.

Người tôi gặp đầu tiên là bà Nguyễn Thị Hội, cựu nhân viên y tế, sinh năm 1937, vậy mà vẫn mang nét tươi của những người mới ngoài lục tuần. Bà không phải người gốc Đồng Quế nhưng đã gắn bó với mảnh đất này gần 60 năm. Mọi thứ bà có giờ đây, phần nhiều đến từ đôi bàn tay đã chạm vào đất, vào cây và người Đồng Quế. Bà kể, ngày xưa, chồng đi bộ đội “xa tít mù khơi”, bà cùng các con đã đào đất, đóng gạch, mua than, đốt gạch, bán đi trả được tiền than, rồi lại đào đất, đóng gạch, mua than… góp từng viên gạch xây nhà. Rui, mè từ cây cối do ông bà, gia đình trồng cả. Đến mấy bộ cửa của ngôi nhà năm gian, bà dựng được từ năm 1975, “cũng từ con bò mình nuôi được”. Với bà, cứ chịu khó thì đất chẳng phụ ai. Bằng chứng là cả mẫu đất nhà bà ngày nay xanh mát với một khu chuồng trại, hai cái ao và rất nhiều loại cây. Màu xanh phủ tràn, mới nhìn vào đã có cảm giác muốn được lưu lại và nhen nhóm cảm tình, ở đây, khó có gì hấp dẫn hơn sinh khí tự nhiên.

Bà Nguyễn Thị Hội, một người dân Đồng Quế đã 77 tuổi. Ảnh: Đà Lâm

Chồng bà Hội, cựu chiến binh Đỗ Đức Tráng-nguyên Phó ban Xây dựng K, Cục Vũ khí đạn, giờ làm Chi hội trưởng Chi hội Chất độc da cam thôn Đoàn Kết. Đã gần tuổi 80, tuy nhiên ông vẫn có thể xắn tay áo làm vườn cùng ba anh con trai cũng đều là cựu chiến binh. Hỏi, ông có bí quyết gì mà giữ được sức khỏe như vậy, con cháu ông chỉ về phía những ngọn cây. Nhìn trước, ngó sau, quanh nhà ông, đâu cũng là màu của hoa, của cây, của đất. Ông cũng như nhiều người ở thôn quê lo dân thành phố ngày nay dễ có khi ăn uống phải thức ăn nhiễm chất độc mà không biết. Hoa quả có chất bảo quản, rau củ có thuốc kích thích… Còn ở quê, hoa trái vườn nhà, thóc dự trữ sẵn, khi nào tính ăn thì mang đi xát… Nhà ông Tráng có giếng khoan, từ ngang đồi xuống sâu những 60m, nước trong và mát. Con ông mang đi xét nghiệm, kết quả đảm bảo mới quyết định dùng. Nhà ông khá chú ý đến việc giữ gìn môi trường và bảo đảm chất lượng sản vật. Như chục đàn ong nhà ông nuôi, trái mùa cho ăn mật để duy trì, vào vụ là thay đi, chỉ lấy lứa mật ong làm từ hoa...

Sống ở xã miền núi, người dân Đồng Quế phóng khoáng như gió như cây. Nói có gì hay gặp nhất, có thể ngày nay còn đáp: Vẫn là lúa, rồi ngô. Nhưng không thể không nhắc đến mô hình chăn nuôi hộ gia đình. Đâu chỉ riêng mảnh đất này, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế không dễ với phương thức canh tác và sản xuất truyền thống nhưng thực tế đã có những bước phát triển đáng mừng. Đồng Quế đã từng rất nỗ lực để tự khẳng định tiếng thơm. Tiếng thơm đó đang tỏa hương chính từ sắc cây và nụ cười người dân, nhất là những người "ly nông mà không ly hương", vẫn bám trụ xây dựng quê nhà.

Cách nhà bà Hội không quá xa, có hai vợ chồng anh Nguyễn Hồng Thái, làm nghề giáo viên, nổi tiếng ở làng về khả năng trợ giúp “thượng vàng hạ cám”. Gặp khi anh Thái mới đi giúp hàng xóm làm đường nước về, anh cười rất tươi và chia sẻ: Ở quê là vậy, biết nhiều thứ. Mà biết cái gì là giúp nhau, chứ không câu nệ gì. Như chính em, là giáo viên dạy hóa, nhưng ngoài giờ lên lớp là phải lo cho 2000 con gà. Nguyễn Hồng Thái thích chăn nuôi từ nhỏ, từng thi đỗ vào đại học nông nghiệp, bố anh muốn con làm nghề giáo nên đã chọn học nghề sư phạm. Và rồi, lối sống, niềm yêu thích của người dân Đồng Quế đã đưa anh về với những mảnh vườn. Giờ đây, sau những giờ giảng cho các thế hệ tương lai, anh lại bắt tay vào “công cuộc làm kinh tế tại quê nhà”. Bởi thế cho nên nhiều năm nay, số người ở Đồng Quế có thu nhập từ chăn nuôi, làm vườn chiếm tỷ trọng cao. Người dân Đồng Quế sống có tinh thần trách nhiệm. Nhiều người sẵn sàng hiến đất làm đường, đóng góp, xây dựng các công trình phúc lợi, đường giao thông liên thôn, nội đồng…    

Hơn tuổi, cùng có niềm đam mê với “việc quê” như anh Nguyễn Hồng Thái, có anh Đỗ Tuấn Khanh hiện cũng đang đầu tư cho việc chăn nuôi. Cá, gà, lợn, ong… anh đều đã "thử sức" cả, và giờ đang trụ lại với việc nuôi lợn giống và nuôi ong. Một năm hai lứa lợn, với hơn 100 con giống được xuất chuồng, đủ để anh lo liệu cho gia đình. Ngoài ra, anh nuôi lợn thịt với cách tận dụng rau, trái vườn nhà. Ao cá khi không hiệu quả đã được chuyển đổi thành nơi trồng rau muống nước phục vụ chăn nuôi. Từng là lính Sư đoàn 361, anh chịu khó vận dụng những kinh nghiệm "đội quân sản xuất" của lớp người đi trước, chăm nuôi cẩn thận, chịu khó cập nhật thông tin, bảo đảm chất lượng, nên sản vật của gia đình anh đã đi khá xa, qua ranh giới huyện Sông Lô. Nhà anh là địa chỉ tin cậy của Đồng Quế, thường có khách từ nhiều vùng lân cận giới thiệu đến. Từ những việc nhỏ, đời thường, anh Khanh, anh Thái như nhiều người trẻ tuổi ở lại cùng Đồng Quế, đang ra sức xây dựng gia đình, quê hương. Nghe và nhìn những điều người dân Đồng Quế đang làm, tin rằng định hướng đạt đủ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là có cơ sở.

Con gái út xinh xắn của anh Khanh, có cái tên rất yêu-Đỗ Nữ Bảo Chân-năm học này bắt đầu vào lớp 1. Cô bé có thói quen nghiêng đầu khi nói chuyện. Nhìn cháu ngồi bên cửa sổ, ê a đánh vần khi những bóng nắng nhảy nhót trên trang vở, thi thoảng lại cười, trông thật đáng yêu! Mới học được hơn một tháng thôi nhưng cháu đã có thể tự tin phụ giúp cô giáo trong việc hướng dẫn các bạn mới bắt đầu làm quen với chữ… Các cháu sẽ là thế hệ tiếp nối, dựng xây quê hương Đồng Quế, với sự truyền dạy của chính những người rất gắn bó với nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Cả ông Tráng, bà Hội, anh Thái, anh Khanh, cháu Bảo Chân… mà tôi đã gặp trong lần về Đồng Quế, đều đã khiến tôi thấy thật mến xã miền núi này. Một sự cảm mến bắt đầu từ những nụ cười rộng mở, chân thành và tin cậy...

QUỲNH LINH