Chị Y Vêng là người phụ nữ dân tộc Xơ Đăng đầu tiên ở Tây Nguyên làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng thời là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Kon Tum, khóa XI và khóa XII…
 |
Đồng chí Y Vêng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum
|
Theo cha đi làm cách mạng
Chị Y Vêng sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng tại làng Van Tó, xã Đắc Ui, huyện Đắc Hà (Kon Tum). Ông A Tranh, ba của chị đi theo bộ đội từ khi cái đầu chưa cao hơn ngọn bắp, là một chiến sĩ gan dạ, mưu trí và dũng cảm, lập được nhiều chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1995.
Chị Y Vêng nhớ lại, vào một ngày trời mưa rất to, sông suối nước dâng cao và chảy xiết, đi lại khó khăn, nhiều người dân trong làng tụ họp ở nhà. Mọi người bàn tán rất nhiều chuyện, nhưng chị chỉ nhớ một số nội dung phát biểu của cha mình: “Bà con mình phải đoàn kết, thương yêu nhau mới tạo nên sức mạnh để đánh được giặc xâm lược. Sức mạnh của đoàn kết như một cây Kơ-nia đứng ngoài rừng dễ bị mưa gió quật ngã, nhưng 5, 6 rồi 10, 20 cây chụm lại với nhau thì mưa gió có to đến đâu cũng không làm gì nổi. Đồng bào mình cũng như vậy, đánh thắng giặc xâm lược phải cần rất nhiều người, làm rất nhiều việc. Chỉ đi theo Bác Hồ, theo Đảng, theo cách mạng chỉ lối thì chúng ta mới được ăn no, mặc ấm và tự do, hạnh phúc thực sự…”. Không biết Bác Hồ, không biết Đảng và cách mạng là ai nhưng nghe nói được sống tự do, lại được ăn no, mặc ấm… là Y Vêng thích lắm. Sau cuộc họp đó, chị hỏi cha:
- Bác Hồ, Đảng và cách mạng là ai mà giỏi vậy? Cha cho con đi theo với!
Ông A Tranh nhìn con gái rồi cười to:
- Mới 7 tuổi thì con biết gì mà hỏi, ăn cho giỏi, mau lớn, mạnh khỏe rồi cha cho đi!
Nói thì vậy, nhưng sau đó mấy ngày, ông A Tranh đã nhờ con gái hằng ngày đưa cơm cho cán bộ cách mạng nằm vùng ở ngoài rừng. Ông dặn: “Đừng cho ai nhìn thấy và cũng đừng nói với ai nghe con…”. Từ đó, Y Vêng hiểu được ý nghĩa của việc mình làm. Cứ mỗi lần đưa cơm, cõng gạo cho bộ đội là chị lại nhìn trước, ngó sau và làm mọi việc thật nhanh như lời cha dặn.
Lên 10 tuổi, mấy đứa bạn cùng thôn ốm yếu, còi cọc, tóc phơi nắng hoe vàng và cháy khét. Nhưng Y Vêng cao lớn hơn hẳn, chị lại được mấy chú bộ đội dạy hát, dạy múa và hát múa rất hay nên được “kết nạp” vào đội văn công lưu động đi biểu diễn phục vụ cho cán bộ cách mạng và các đơn vị bộ đội sau những thời gian “quần nhau” với giặc trở về. Những bài dân ca Ba Na, Xơ Đăng, Jơ rai, Jẻ Triêng… và cả những bài ca cách mạng được chị hát rất hay và truyền cảm sâu đậm. Nhiều bài được các chú bộ đội vỗ tay và yêu cầu hát lại nhiều lần… Chị biết hát và hát hay những bài hát dân ca đó chính là nhờ mẹ chị truyền cho. Lúc nhỏ, những đêm trăng sáng, hay những chiều mưa rơi, bên khung cửi, mẹ chị vừa dạy cách dệt vải lại vừa dạy cho con những bài hát của dân tộc mình…
Như cánh chim Chơ-rao giữa đại ngàn Tây Nguyên không biết mệt mỏi, ngày ngày Y Vêng tích cực tập múa, tập hát, khâu vá quần áo, nấu cơm. Đêm về, chị lại tham gia biểu diễn, động viên các chú, các cô bộ đội bị thương, ốm đau đang điều trị.
Đầu năm 1967, Y Vêng đã lên 17 tuổi và được tham gia du kích. Chị được các chú bộ đội dạy cho cách cắm chông, cài bẫy, ném lựu đạn và bắn súng. Nhiều tên giặc đã bị chết vì những hố chông, bẫy gài của chị. Thành tích của chị đã được anh em cán bộ truyền tin đi khắp Kon Tum và Tây Nguyên. Năm 18 tuổi, Y Vêng được kết nạp vào Đảng, được giao nhiệm vụ làm xã đội phó. Ngoài tham gia chiến đấu, Y Vêng còn tuyên truyền cho bà con tích cực làm ăn, ổn định cuộc sống và đi theo cách mạng, động viên thanh niên vào bộ đội, du kích để chiến đấu bảo vệ xóm làng. Chính khả năng đó đã đưa chị từ một diễn viên văn nghệ quần chúng trở thành nữ dân quân chiến đấu và trở thành một cán bộ chính trị.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất trong năm tháng chiến đấu của chị cũng diễn ra ở chiến trường Tây Nguyên nóng bỏng. Từ năm 1965, sau khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, để tạo bàn đạp tấn công xuống các tỉnh đồng bằng, chúng đã huy động các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ như “Sư đoàn Tia chớp nhiệt đới”, “Không vận số 7”, “Kị binh bay”, với sự yểm trợ của pháo hạm, máy bay B 52 cùng các loại máy bay phản lực khác mở các trận càn quét dài ngày hòng đánh phá và chiếm lại một số vị trí trọng điểm như đèo An Khê, Mang Yang, Plei Me… (Gia Lai); Tân Cảnh, Đắc Glei và Đắc Ui… (Kon Tum). Ở Đắc Ui, có tháng chúng càn quét liên tục từ 10 đến 15 ngày liền. Với quan điểm “địch phá thì ta xây dựng lại, địch đốt nhà này thì dân làm nhà khác để ở, nhất định không chịu theo địch vào ấp chiến lược”. Trong 14 năm, từ 1961 đến năm 1975, làng Van Tó của chị đã phải di chuyển hơn 25 lần, mỗi lần đến nơi ở mới, người dân đều phải dựng nhà, làm rẫy… Đó là chưa kể những lần di chuyển vội, dựng nhà tạm được mấy ngày rồi chuyển đi. Bà con đồng bào các dân tộc rất kiên cường chiến đấu, địch vào đợt nào cũng bị đánh bật ra và bị thương vong lớn.
Khoảng cuối tháng 5 năm 1968, nhận được tin địch đang đưa quân vào càn quét, chị đã chỉ huy 3 chiến sĩ du kích xã Đắc Ui, gồm A Nin, A Né, A Xú nhanh chóng đến dãy núi Măng La phục kích đánh địch, bảo vệ bà con rút vào căn cứ cách mạng trú ẩn. Trận đánh diễn ra giữa một bên là 4 chiến sĩ du kích và một bên là một tiểu đoàn Mỹ – Ngụy hỗn hợp. Mặc dù không cân sức, nhưng trận chiến đấu vẫn diễn ra ác liệt suốt một ngày. Trời tối dần, đất đá nhiều chỗ bị xới tung, nhiều cây to bị đạn pháo quật ngã và bốc cháy, hơi lửa bỏng rát, khói súng và bom đạn khét lẹt, cổ khát nước bỏng rát… Ba đồng đội đã hi sinh, còn lại một mình, với khẩu cạc-bin trong tay, Y Vêng vừa bắn vào đội hình giặc vừa lùi, nhử bọn địch vào sâu trong rừng để tiêu diệt. Phát hiện chỉ còn một “Việt cộng” lại là con gái “bản địa”, bọn địch vừa bắn như vãi đạn vừa hò reo đuổi bắt… Y Vêng nhanh như con sóc, hết nhảy qua gốc cây này, lại nhảy qua gốc cây khác, hết tảng đá này lại bò đến tảng đá kia, vừa di chuyển chị vừa nhắm vào bọn địch bóp cò... Bọn địch chẳng những không bắt được nữ “Việt cộng” mà mấy tên nữa trúng đạn bị thương và chết. Cuối cùng, chúng “chịu thua”, xả đạn vào rừng rồi tổ chức thu xác, rút quân.
Những năm tháng làm “đầy tớ của dân”
Được tôi luyện trong chiến tranh, Y Vêng ngày càng trưởng thành. Năm 1970, chị được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện, trực tiếp làm Bí thư Chi bộ xã Đắc Ui. Sau đó, chị được điều về làm Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ huyện; Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và tiếp tục đảm trách các chức vụ khác do tổ chức phân công. Tháng 10 năm 1991, tỉnh Gia Lai – Kon Tum chia tách và tỉnh Kon Tum được tái lập. Từ các kì Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, X, XI, XII, chị được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lần lượt giữ các chức vụ: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Bí thư Tỉnh ủy; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum khóa X và XI. Khi giải quyết mọi công việc, chị thường xuất phát từ cái chung, bảo đảm đúng nguyên tắc, trọng chữ tín và phát huy được tinh thần đoàn kết nên được đồng chí, đồng đội và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
 |
Thiếu nữ Tây Nguyên. Ảnh: Trần Thế Tuyển
|
“Dù ở cương vị nào ngoài xã hội, nhưng khi về nhà người phụ nữ phải có trách nhiệm với gia đình. Tổ ấm, hạnh phúc gia đình là tiền đề, là cơ sở để cho mình phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công”. Nói đến đây chị cười rất vui, rồi kể cho chúng tôi biết thêm chuyện chị “bắt chồng” trong kháng chiến. Hiện nay, chồng của chị là “hậu phương” vững chắc giúp chị vững tâm trên cương vị của mình.
Vào khoảng năm 1999 – 2000, trong một chuyến công tác đến Kon Tum, tôi được một anh bạn làm việc ở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh kể cho nghe chuyện về chị, người nữ Chủ tịch tỉnh từ chối nhiều chuyến công du nước ngoài để tiết kiệm tiền góp phần xóa đói, giảm nghèo, mua sách vở cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đến trường... Theo chị, đi nước ngoài là cần thiết. Là người đứng đầu chính quyền một tỉnh, việc đi nước ngoài để tham quan, học tập kinh nghiệm, mở rộng công tác đối ngoại chẳng phải là thừa. Nhưng đã đi là sử dụng ngân sách không nhỏ. Trong khi đó, bà con mình còn nghèo quá, tỉnh Kon Tum còn khó khăn quá. Nhiều cán bộ khác thấy chị làm vậy cũng “tình nguyện” ở nhà và về sau, chuyện đi nước ngoài cũng rất hạn chế…
Bài và ảnh: Lê Quang Hồi