Có một nữ anh hùng tuổi ngoài đôi mươi, người con gái đất Quảng xinh đẹp trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt 280 tên địch, bắn cháy hai xe tăng, một trực thăng... Chị là anh hùng liệt sĩ Lê Thị Tính...
Tuổi trẻ, chiến công lớn
Xã Điện Hòa-huyện Điện Bàn (Quảng Nam) là cái nôi cách mạng. Gia đình chị Lê Thị Tính thường xuyên tiếp tế, nuôi giấu cán bộ. Ngày ấy, cha chị bị bọn giặc giết hại, chúng đốt nhà, cướp của mang đi. Nỗi căm hờn quân xâm lược thấm sâu vào tim gan cô bé vừa tròn 10 tuổi.
 |
Cô Lê Thị Nhị đặt tấm bằng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang lên mộ liệt sĩ Lê Thị Tính. |
Tên ác ôn đầu tiên chị Tính được cấp trên giao nhiệm vụ tiêu diệt là mụ xã Năm làm điệp viên cho địch. Chị Tính cải trang làm em họ một người bạn từ Sài Gòn ra rồi bất ngờ nổ súng bắn chết mụ ta ngay tại nhà. Sau cái chết của mụ xã Năm, địch điên cuồng điều thêm gián điệp, ác ôn về bắt bớ cơ sở cách mạng. Dạo đó, tên cảnh sát Khanh rất hách dịch và tàn bạo, hắn bắt nhân dân Điện Hoà dò gỡ mìn do du kích cài lại để bọn chúng đi càn, ai không đi chúng tra tấn rất dã man. Chị Tính nghĩ cách phải giết chết thằng này. Biết tên Khanh có bà con xa với ông Cửu Sâm nên chị cải trang thành con gái ông ấy gánh đôi giỏ bội đi cắt cỏ cho trâu. Hôm đó, chị để đôi giỏ bội cỏ giữa đường ngồi nghỉ, vừa lúc tên Khanh đi tới liền nói ngay: “Chú Khanh cho cháu xin điếu thuốc!”. Tên Khanh ngạc nhiên khi thấy đứa con gái trắng trẻo, xinh xắn, cười tươi như hoa nên hắn tít mắt hỏi con cái nhà ai rồi rút thuốc thơm đưa ngay, giọng lơi lả: “Cô em xinh dữ quá ta, ưng thuận làm zợ qua nghe?”. Không để cho tên Khanh giở trò sàm sỡ, Tính rút súng ngắn bắn 3 phát vào ngực, khiến hắn chết ngay tại chỗ.
Người con gái xinh đẹp, đánh giặc xuất quỷ nhập thần được bà con hết lòng cưu mang. Một lần về vùng Cẩm Hà nắm tình hình, Tính bị địch bắn bị thương. Lợi dụng đêm tối, chị nén cơn đau lết về căn nhà đầu xóm còn le lói ánh đèn hắt ra từ chuồng heo. Vừa tới nơi, con heo nái hộc lên liên tục vì hơi người lạ, nghe vậy bà chủ nhà đã phát hiện thấy một người con gái máu me đầy mình. Bà chưa kịp la lên, thì Tính đã nói, giọng rành rọt: “Cháu là Việt cộng đây, bác cứu cháu với, cách mạng sẽ không quên ơn bác”. Nghe Tính nói vậy, người đàn bà vội vàng dìu chị vào nhà băng bó vết thương, sau đó đưa chị về căn cứ.
Để chuẩn bị cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thường vụ tỉnh ủy điều động Tính lúc này mới 25 tuổi đang là tỉnh ủy viên, huyện đội phó Điện Bàn về làm Bí thư quận Nhì (nay là quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng). Ngày 13-11-1967, mặc dầu chị Tính đang dưỡng thương do bị địch phục kích ở Thủy Tú, nhưng chị vẫn về căn cứ họp bàn công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Chiều hôm đó Tính giả bộ như người đi chợ về, khi qua được nửa cánh đồng Hòa Liên (Hòa Vang) thì phát hiện địch mai phục cách đấy khoảng vài trăm mét. Biết mình đã bị lộ, chị bình tĩnh cất giấu tài liệu rồi lấy mấy quả lựu đạn dưới đáy mủng giắt vào người. Chị bình tĩnh bò qua con mương cạn tiến về mé bìa rừng, bất ngờ một loạt AR15 vang lên. Cánh tay trái của chị đau nhức nhối, lúc này quân địch đông như kiến đồng loạt xông tới định bắt sống chị. Biết không thoát khỏi, Tính bình tĩnh chờ cho quân địch đến gần rồi tung lựu đạn. Sau tiếng nổ nhiều tên địch ngã nhào, rống lên như bò bị chọc tiết. Bọn địch tức tối bắn xối xả vào người Tính... Người con gái xứ Quảng đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 27...
17 năm... mới có một ngày
Trong căn gác đơn sơ trên phố Phan Thanh, cô Lê Thị Nhị (chị gái của nữ anh hùng Lê Thị Tính) chậm rãi kể cho tôi nghe 17 năm trời ngược xuôi làm thủ tục để đề nghị các chính sách khen thưởng cho em gái của mình.
Giọng cô Nhị nghẹn ngào: “Để có được ngày hôm nay, tôi đã cạn khô nước mắt vì bao nỗi nhiêu khê, nhiều lúc nản lòng, nhưng được sự động viên của đồng đội nên lại kiên trì chờ đợi. Từ năm 1990, hầu như tất cả số đồng đội từng chiến đấu và đồng bào Điện Hòa biết đến Lê Thị Tính đều có tâm nguyện muốn Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng cho chị. Nhưng hồi đó, hồ sơ thất lạc do chiến tranh, có một vài người thiếu hiểu biết, phát biểu sai sự thực, do vậy cứ nhùng nhằng về mặt thủ tục. Mãi đến năm 2003, được các anh Phạm Đức Nam (nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng), Nguyễn Hồng Thắng (Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Điện Bàn), ông Bùi Văn Tiến (quận ủy Thanh Khê) và đồng đội của Tính động viên, tôi lại tiếp tục ngược xuôi tìm gặp các anh, chị một thời hoạt động với Tính để nhờ xác minh. Các anh ở phòng Chính sách Quân khu 5 cũng nhiều lần gửi tờ trình, hồ sơ lên cấp trên. Đến năm 2007, Tính được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...”.
Với tay lần tìm tấm ảnh chụp bên mộ cô Tính ở Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn trao cho tôi, cô Nhị nghẹn ngào xúc động: “Hôm ấy, tôi cùng anh Lê Nguyên Hồng - Giám đốc Sở TDTT và gia đình về Quảng Nam. Cả ngày hôm đó mưa tầm tã, vậy mà khi chúng tôi tới nghĩa trang thì trời tạnh hẳn. Đặt tấm bằng danh hiệu Anh hùng lên mộ Tính, tôi thắp bó hương lớn lên mộ rồi nói với em tôi: “Tính ơi, nhờ anh em, đồng đội và bà con giúp đỡ, đến hôm nay công lao của em đã được đền đáp...”.
Bài và ảnh: Phan Tiến Dũng