QĐND -  Khu các làng dân tộc trong Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam thu hút khoảng 250.000 lượt du khách trong năm 2013. Dù chưa nhiều, song với những nỗ lực xây dựng thương hiệu, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng cho du khách.

 “Thay da đổi thịt”

Cách đây hơn 3 năm, khi Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam chính thức khai trương đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, nhiều người đến với ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em còn bày tỏ những băn khoăn lo lắng cho tương lai của “ngôi làng to nhất nước” này. Tuy nhiên, sau hơn 1000 ngày, cảnh quan nơi đây đã thực sự thay da đổi thịt với hàng loạt công trình, kiến tạo nên những không gian văn hóa độc đáo, đặc trưng của từng cộng đồng dân tộc. Bức tranh "sơn thủy hữu tình" của Đồng Mô nay được tô điểm thêm những mái nhà rông, nhà dài của các dân tộc trên dải Trường Sơn-Tây Nguyên, những nếp nhà sàn, nhà trình tường của các cộng đồng miền núi phía Bắc…

Đặc biệt, quần thể tháp Chăm-biểu tượng văn hóa mà đồng bào Chăm quan niệm là linh hồn của họ, đó là ngôi tháp cổ PoKlong Garai sau thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và hơn 4 năm xây dựng đã được hoàn thành vào năm 2012, sừng sững in hình trong khung cảnh của “Ngôi nhà chung”. Khác với các công trình xây dựng thông thường, có thể đo đếm được bằng giá trị vật chất, quần thể tháp Chăm được cán bộ Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, thợ thủ công và những người lao động đặt trí tuệ, tâm huyết vào từng viên gạch để hình thành vóc dáng đặc biệt của tháp Chăm tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam hôm nay.

Các nghệ nhân đến từ Tây Nguyên đang "làm giàu" cho khu vườn tượng của Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.

Mới đây nhất, cuối năm 2013, trong khuôn khổ Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam”, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục tổ chức Lễ khánh thành quần thể chùa Khơ-me-một trong những địa chỉ tâm linh tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em. Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và to lớn đối với các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khơ-me nói riêng. Việc bảo tồn, phát huy văn hóa của các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước trong đó có quần thể tháp Chăm, chùa Khơ-me cũng như nhiều công trình văn hóa khác tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”, như khẳng định của Bác Hồ kính yêu.

Sinh khí mới cho không gian làng văn hóa

Năm 2013, từ chủ đề đã được xác định: “Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam-Điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế”, Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức thành công các hoạt động, sự kiện văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc nói chung, đồng thời giới thiệu, quảng bá một cách hiệu quả điểm đến Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Với mục tiêu tăng cường quảng bá hình ảnh Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam và thu hút khách du lịch, năm 2013, Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, trong đó đặc biệt phải kể đến sự kiện Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, Chủ tịch nước chúc Tết cộng đồng các dân tộc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam; các hoạt động kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (ngày 19-4) và Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” (từ ngày 18 đến 23-11). Đây là những hoạt động hết sức đặc thù và cũng là những bước đặt nền móng trong việc xây dựng thương hiệu Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam-trung tâm văn hóa tầm cỡ quốc gia, điểm đến hấp dẫn đối với nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Nói về điều này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn khẳng định: “Ba sự kiện này sẽ là thương hiệu riêng có của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Khi nhắc đến Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam là nghĩ ngay đến các sự kiện này và ngược lại, khi nói đến những sự kiện này, ai cũng biết nó được diễn ra tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam”.

Thực tế, điều này cũng đã được minh chứng thông qua các hoạt động văn hóa đặc sắc diễn ra tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Được tổ chức ấn tượng, chuyên nghiệp, hài hòa giữa các vùng, miền, dân tộc, tăng cường các hoạt động giao lưu do chủ thể văn hóa thực hiện, những hoạt động kể trên đã mang tới một “sinh khí mới” cho không gian văn hóa các dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung” giữa lòng thủ đô Hà Nội. Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đang dần khẳng định thương hiệu điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Mặc dù làng văn hóa mới đi vào hoạt động, nhưng hiệu quả mà các hoạt động mấy năm qua đưa lại, cùng với các hoạt động khác trong cả nước đang và sẽ là những việc làm thiết thực nhằm thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bài và ảnh: LÊ NGỌC TUẤN