QĐND - Trong chuyến công tác tại tỉnh Cà Mau, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Đại tướng cho đi cùng tới thăm hai thương binh, đều ở huyện Trần Văn Thời, từng có thời gian công tác hơn 20 năm trong kháng chiến chống Mỹ nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ hưu trí...
Ông Phùng Sắng: 26 năm chiến đấu
Do ảnh hưởng của vết thương và bị địch tra tấn khi tù đày, tai của ông Phùng Sắng đã không còn nghe được, hai chân rất yếu nhưng đầu óc vẫn còn rất minh mẫn. ông Phùng Sắng sinh năm 1928 tại xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Sớm giác ngộ cách mạng nên tháng 9 năm 1945, ông tham gia vào Đội Tự vệ chiến đấu quân của xã. Tháng 4 năm 1946, ông là chiến sĩ thuộc Trung đội 9, Chi bộ 19 (Vệ quốc đoàn Tỉnh đội Bến Tre). Tháng 5 năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ chức Tiểu đội phó thuộc Đại đội 945, Tiểu đoàn 310, Trung đoàn Cửu Long, Quân khu 9.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc học tại Trường Quân chính miền Tây rồi lần lượt giữ các chức vụ từ Tiểu đội trưởng đến Đại đội phó thuộc các đơn vị: Phân ban tiếp đón Nam Bộ, Trung đoàn 1 miền Tây, Trung đoàn 550 miền Đông, Sư đoàn 349, Sư đoàn 338.
 |
Đại tướng Phạm Văn Trà và đồng chí Phùng Sắng.
|
Đến năm 1961, ông nhận nhiệm vụ trở vào Nam tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn ĐKZ (Quân khu 9) giữ chức Đại đội phó, Bí thư chi bộ Đại đội với cấp hàm trung úy. Đến năm 1964, ông được điều động về Trung đoàn 1 giữ chức Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn; năm 1965, ông là Trợ lý Tổ chức, Phòng Chính trị Quân khu 9; tháng 1 năm 1969, ông được bổ nhiệm chức phó chủ nhiệm chính trị, rồi Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 1 với cấp hàm đại úy.
Trong một lần dẫn đường cho Đội phẫu thuật của Trung đoàn ra các trạm điều trị thương binh, đến địa phận Tà Liên thuộc Lộ Vòng Cung, Cần Thơ thì ông bị địch phục kích bắn trọng thương ở hai chân. Vết thương ở hai bên đùi máu ra đầm đìa nhưng ông cố gượng và lội vào bờ tiếp tục chiến đấu để yểm trợ cho các anh em trong đoàn rút an toàn. ông Phùng Sắng kể lại: “Nghĩ mình sẽ không qua khỏi bởi vết thương khá nặng nên tôi lấy toàn bộ giấy tờ tùy thân, tài liệu mang theo chôn giấu với suy nghĩ nếu địch có tìm thấy cũng sẽ chẳng thu thập được gì. Vừa chôn giấu tài liệu xong tôi cũng kiệt sức và lịm đi, khi tỉnh lại thấy mình đang nằm trong xà lim của địch, vết thương cũng đã được băng bó”. Sau những đòn tra tấn tàn độc nhưng chẳng hề khai thác được gì từ ông, địch tuyên án ông 5 năm tù và giam giữ tại khám lớn Cần Thơ. Năm 1973, sau khi địch trao trả tù binh tại Thạch Hãn (Quảng Trị), ông Phùng Sắng trở về quê điều trị bệnh đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong quá trình công tác, ông Phùng Sắng được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến thắng hạng ba và nhiều bằng khen, giấy khen.
Đất nước thống nhất, dù hoàn cảnh gia đình của ông Phùng Sắng thuộc diện khó khăn nhưng vợ chồng ông cũng đã nuôi dạy 7 đứa con khôn lớn và có công ăn việc làm ổn định. Hiện nay, vợ chồng ông sống cùng người con trai thứ tư là giáo viên. ông Phùng Sắng cho hay, mỗi tháng ông lãnh được hơn 1 triệu đồng tiền lương thương binh hạng ắ, góp vào việc chi tiêu trong gia đình cũng tạm đủ. Mỗi khi chuyển mùa là ngực và hai bên đùi của ông đau nhức dữ dội do vẫn còn miểng đạn chưa lấy ra. Có mặt tại nhà ông Phùng Sắng, Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết: “Năm 1964, tôi giữ chức Phó tiểu đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 1, Quân khu 9, lúc ấy ông Phùng Sắng là Chủ nhiệm Chính trị Tiểu đoàn. Mấy chục năm giờ gặp lại, tôi mới hay ông Phùng Sắng vẫn chưa được hưởng chế độ hưu trí, mặc dù nếu xét quá trình công tác xuyên suốt của ông là 26 năm. Đây quả là điều thiệt thòi”.
Những đồng đội từng tham gia chiến đấu cùng đơn vị với ông Phùng Sắng như Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9, Đại tá Nguyễn Văn Bảy (Bảy Sa), nguyên Chính ủy Cục Hậu cần và Đại tá Nguyễn Phục Hưng (Tư Huỳnh), nguyên Phó Phòng Chính sách, Cục Chính trị, Quân khu 9 đều xác nhận quá trình công tác của ông Phùng Sắn là đúng sự thật và cho hay, hầu hết các anh em tham gia chiến đấu thời ấy như ông Phùng Sắng đều không còn hồ sơ, giấy tờ gốc để chứng thực quá trình công tác của mình. Các cơ quan chức năng cần quan tâm xem xét, giải quyết chế độ cho ông.
Ông Chín Ngàn - 28 năm 3 tháng phục vụ và chiến đấu liên tục
Giống như trường hợp của ông Phùng Sắng là ông Trương Trí Kỉnh (thường gọi ông Chín Ngàn), thương binh hạng 4/4, ngụ khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
ông Trương Trí Kỉnh sinh năm 1930, tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Năm 1945, ông tham gia lực lượng vệ binh tại địa phương. Năm 1947, ông giữ chức Trung đội phó thuộc Đại đội 995, Tiểu đoàn 111, Liên Trung đoàn 109 của Khu 8. Sau đó, ông được biên chế về tổ tác chiến Huyện đội Cái Ngan, tỉnh Vĩnh Trà (nay là tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh). Năm 1954, ông được phân công tập kết ra Bắc (ở Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 30 miền Bắc), thường xuyên hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa suốt chín năm dài.
Năm 1963, ông Kỉnh được lệnh trở về Nam sau chín năm học tập, rèn luyện ở miền Bắc. Suốt 12 tháng ròng rã vừa hành quân vừa chiến đấu, ông về đến Quân khu 9 đóng tại Khánh Hưng A (Cà Mau). Tiếp đó, ông nhận nhiệm vụ làm Huyện đội phó huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Do hậu quả của những trận ném bom B52 của địch trên đường vượt Trường Sơn vào Nam đã làm ông hỏng cả hai tai cùng với thương tích hành hạ. Năm 1972, ông xin đơn vị được nghỉ phép dài hạn để điều trị. Từ đó, ông rời quân ngũ và tham gia công tác cùng chính quyền địa phương đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ghi nhận 28 năm 3 tháng phục vụ và chiến đấu liên tục của ông, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba, Huy hiệu Chiến thắng…
Trong thời gian điều trị, ông Kỉnh được bà Lê Thị út Lắm, Tổ trưởng Tổ Đảng xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời - Cà Mau) thời kỳ chống Mỹ, là vợ của liệt sĩ Phạm Văn Lung tận tình chăm sóc và nên duyên vợ chồng. Hai người chung sống gần hai mươi năm vẫn không có con. Đến năm 2003, bà Lắm bị bệnh rồi qua đời, người con trai duy nhất của bà là Phạm Văn Bi đã tình nguyện phụng dưỡng ông như cha ruột của mình. Mỗi khi ông Kỉnh đau yếu, anh Bi túc trực bên ông, lo lắng từng chén cháo viên thuốc...
ông Kỉnh kể: “Hồi chiến tranh ác liệt, đòi hỏi phải tuyệt đối giữ bí mật. Khi được lệnh vào Nam phải kiểm tra trước lúc lên đường, ngay cả gói thuốc lá có chữ Hà Nội cũng xé bỏ, không được mang theo trên đường hành quân. Còn hồ sơ cá nhân, giấy tờ khác do tổ chức quản lý, không ai được giữ. Năm tôi xin phép nghỉ điều trị bệnh thì Ban CHQS huyện thống nhất giải quyết chứ không có giấy phép như bây giờ”. Chính vì vậy nên khi ông làm hồ sơ để hưởng chế độ hưu theo Nghị định 159/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì chưa được chấp thuận.
Rất nhiều người đã từng sống, chiến đấu, công tác chung với ông Kỉnh đã xác nhận quá trình phục vụ và cống hiến của ông Kỉnh như: Trung tá Đoàn Văn Vĩnh (sinh năm 1928), nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Trần Văn Thời; Đại tá Trần Ngọc Tự (sinh năm 1928), nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh; ông Trần Văn Hiệp (sinh năm 1930), nguyên Đảng ủy viên Ban Binh vận tỉnh Cà Mau… Đại tá Nguyễn Hoàng Dân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Cà Mau cho biết: “Hồi đất nước chiến tranh, các chú đi kháng chiến với mong muốn giải phóng quê hương chứ nào có nghĩ sau này mình được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước đâu. Chúng tôi đã nhiều lần giúp chú Kỉnh tìm hiểu, bổ sung hồ sơ theo quy định nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được, cảm thấy mình mắc nợ với chú!”.
Đại tướng Phạm Văn Trà trong chuyến về thăm lại Đất Mũi rất quan tâm và trăn trở trước sự thiệt thòi của hai người lính nêu trên. Mong rằng, hai ông sớm được các cơ quan chức năng quan tâm, vận dụng giải quyết chế độ chính sách.
Bài và ảnh: Thế Hiển-Kiên Giang