Trước đây, nhắc đến chùa Cổ Lễ (Trực Ninh-Nam Định) mọi người sẽ nghĩ ngay tới một ngôi chùa cổ kính với những lễ hội lớn hay một chiếc chuông khổng lồ. Nhưng ít ai biết được rằng, cũng chính tại ngôi chùa này đã có 27 nhà sư đã cởi áo cà sa để mặc quân phục “Bộ đội Cụ Hồ”, lên đường bảo vệ Tổ quốc.
 |
Chùa Cổ Lễ - nơi các nhà sư lên đường tòng quân đánh giặc
|
Ghé thăm chùa Cổ Lễ vào một ngày đầu đông, nhưng lòng tôi lại có một cái cảm giác ấm áp lạ thường. Ngôi chùa ngự trên một nơi được bao quanh là những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Nghe các nhà sư kể lại, tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết, chính tại ngôi chùa này, 27 nhà sư đã cởi áo cà sa để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tháng 8-1946, giặc Pháp tràn vào đánh chiếm Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... với dã tâm tái chiếm nước ta. Cuối năm 1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Hưởng ứng lời kêu gọi, Hòa thượng Thích Thế Long, trụ trì chùa Cổ Lễ đã cho gọi các vị tăng ni, phật tử trong chùa lên họp bàn đưa ra ý kiến. Trong cuộc họp, mọi người thống nhất sẽ làm lễ “giải pháp y”, thành lập đội quân “nghĩa sĩ phật tử”, cho phép các tăng ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường đánh giặc cứu nước.
Ngày 27-2-1947, chùa Cổ Lễ rợp bóng cờ hoa, biểu ngữ, hàng nghìn đồng bào các giới, tín đồ thập phương đổ về. Đại đức Thích Trí Không thay mặt Ban tổ chức tuyên bố lễ phát nguyện. 27 nhà sư cởi áo cà sa, đội mũ gắn sao, khoác ba lô trở thành 27 chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Trước ngày lên đường, đội quân này ngày ngày luyện tập võ nghệ, học cách sơ cứu cho thương binh...
Nhiệm vụ chính của những “chiến sĩ nhà Phật” này là bảo vệ thành Nam Định (nay là thành phố Nam Định) và chùa Non Nước (Ninh Bình). Đây là hai mặt trận vô cùng ác liệt. Giặc Pháp điên cuồng bắn phá nhằm lung lạc ý chí của quân và dân ta. Nhưng chúng đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của “đội quân áo cà sa”. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, ngay trong trận chiến mở màn, 12 chiến sĩ của chùa Cổ Lễ đã ngã xuống. Máu của họ đã thấm đẫm lá cờ Tổ quốc. Đến tận bây giờ, vẫn không ai hay biết về tên thật cũng như quê quán của những vị này. Họ ra đi chỉ để lại pháp danh mà nhà chùa đặt cho và khi vào bộ đội, rồi hi sinh vẫn giữ nguyên tên như: Thanh Tịnh, Đức Hiền, Thiện Nhân, Chân Tâm... Hiện nay tại chùa Cổ Lễ, người dân đã dựng lên một tấm bia lớn để ghi tên tất cả các liệt sĩ này.
Đất nước lập lại hòa bình, nhiều chiến sĩ pháp danh phục hồi giáo phẩm, tiếp tục con đường tu hành trước đây. Cũng có người trở về với đời thường. Họ sống giản dị, mộc mạc. Hiện nay, trong đoàn quân năm xưa chỉ còn vài người. Hằng năm, họ vẫn quay trở về thăm lại ngôi chùa xưa, thắp nén hương tưởng nhớ đến những người đồng đội đã khuất.
Những nhà sư lên đường tòng quân đánh giặc năm ấy còn sống nay ở đâu? Chúng tôi rất mong nhận được thông tin về những “người lính đặc biệt” này. Ai biết thông tin xin liên hệ: Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội; ĐT:043.8232606-0983225576; email: baoqdndct@gmail.com
|
Bài và ảnh: PHẠM KẾ TOẠI