 |
Những người phụ nữ mưu sinh trên đỉnh sương mù |
Cách Đà Lạt 12km, tại đỉnh Lang Biang thuộc huyện Lạc Dương trên độ cao 2.169m so với mặt biển, có những sơn nữ người Lạch, Chil, K'ho… làm bạn cùng nắng, gió, sương mù, quanh năm kiếm sống bằng nghề dệt bán thổ cẩm.
Nắng dần lên cao, chị Rơ Chăm H'Thơm, 25 tuổi, căng người dệt từng miếng vải thổ cẩm. Nhà chị ở dưới chân núi, thuộc xã Lát. Vài năm gần đây, du khách tìm về Lang Biang ngày càng nhiều nên những người trong buôn rủ nhau lên đỉnh núi bán vải thổ cẩm. Những chiếc túi xách lớn, màu sắc sặc sỡ được bán với giá 50.000 đồng/cái, bóp nữ 20.000 đồng/cái. "Mỗi ngày, nếu đan nhanh, tôi cũng làm được 2 cái giỏ xách lớn" - chị H'Thơm tâm sự.
Vừa bặm môi cho bớt lạnh, chị Cil Múp KTơ, 27 tuổi, dân tộc K'ho nãy giờ ngồi im chờ khách ghé quầy hàng của chị. Nét lạ ở đỉnh núi này là không hề có cảnh tranh giành khách bát nháo như ở dưới xuôi vì như chị KTơ nói: "Ai cũng phải bươn chải với cuộc sống, giật khách của nhau làm gì?". Cứ mỗi sáng, trong khi những đứa con vẫn còn say giấc nồng thì người mẹ lam lũ này lại ra khỏi nhà với một manh chiếu cuộn tròn cùng túi đồ thổ cẩm, lên đỉnh núi dọn hàng. Thấy tôi có vẻ ái ngại về hành trình quá vất vả, chị phân trần: "Ngày trước, chưa có nhiều du khách, chúng tôi phải lên rẫy từ sáng sớm đến nắng gắt mới tới nơi, còn khổ hơn so với bây giờ". Mỗi ngày nếu "đắt hàng", những người bán thổ cẩm sẽ bán được 5 cái giỏ lớn, lời được khoảng 100.000 đồng.
Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, thành phố hoa hiện ra mờ ảo, trập trùng dưới chân núi như dòng nước mắt chàng Lang khóc vợ. Tạm biệt chúng tôi, chị KTơ tâm sự: "Lúc màn đêm buông xuống, em cứ vào trong buôn sẽ thấy chúng tôi nhảy múa bên đống lửa trong nhà sàn phục vụ du khách". Ra thế, ban ngày họ nhọc nhằn trên đỉnh núi, tối đến họ lại trở thành nữ "ca sĩ" của núi ngàn.
Ăn theo sạp bán quần áo là những phụ nữ ốm nhách, khoác bên ngoài áo mưa chống lạnh, mòn mỏi đôi chân đi bán túi xách ni lông, vỏ hộp cho du khách đựng đồ. Dịch vụ này mới xuất hiện ở Đà Lạt song cũng hình thành nên đội quân nữ đông đúc. Len lỏi giữa rừng du khách, bà Trần Thị Lài, 54 tuổi đeo lủng lẳng những túi ni lông trên hai cánh tay liên tục đi chào mời. Mỗi cái giá 5.000 đồng, đêm nào nhiều khách, bà cũng bán được 10 túi. Có đêm ế quá, bà lại tất tả mang về nhà, đợi cuối tuần sau bán tiếp. Đêm về khuya, trời lạnh căm, bà vẫn tất tả đi bán, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt.
Chợ Âm phủ có hàng nghìn người kiếm sống nhờ du khách, trong đó có những thiếu nữ tuổi xuân thì chuyên bán đồ lưu niệm. Với những chiếc khung gỗ, trên đó treo nhiều chuông gió bé xíu, đủ loại hình thù với giá 15.000 đồng, người bán góp phần làm cho xứ sở sương mù lung linh màu sắc huyền ảo. 12 giờ đêm, đường phố vắng người qua lại, trên đại lộ Nguyễn Chí Thanh, các thiếu nữ vẫn kiên trì bám trụ...
Bài và ảnh: Thu Hằng