QĐND - Tôi đến thăm Đại tá Phạm Đức Đại, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ông sinh năm 1929, nay tuổi đã 82 nhưng vẫn hồng hào, khỏe mạnh, minh mẫn. Ông tiếp tôi vẫn với phong thái lịch lãm, giọng nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường và kể cho tôi nghe vài kỷ niệm đã in sâu trong tâm khảm:

Ông ngoại tôi là thầy lang chuyên bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc ở phố Nguyễn Hữu Huân. Bố mẹ sinh hai chị em. Khi tôi mới 3 tuổi, mẹ qua đời, từ đó cả hai chị em được ông ngoại đón về nuôi. Tôi qua tiểu học ở trường Nguyễn Du, trung học ở trường Văn Lang và được giác ngộ cách mạng ngay từ khi tuổi còn trẻ. Cách mạng Tháng 8 bùng nổ, nước nhà được độc lập, tôi hăng hái tham gia các hoạt động của đội Thiếu niên tiền phong. Một thời gian sau, tôi được cấp trên cho đi học 3 tháng huấn luyện Tiểu đội trưởng ở sân bay Bạch Mai, rồi điều vào lực lượng công an, làm nhiệm vụ trinh sát ở Sở Công an Bắc Bộ.

Tháng 3 năm 1946, tôi được chuyển sang quân đội, làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở trọng yếu ở Thủ đô trong lực lượng quân Tiếp phòng, thuộc Tiểu đoàn 145. Tôi cùng đơn vị trải qua 60 ngày đêm chiến đấu ác liệt bảo vệ Thủ đô ở khu vực Nhà máy bia, phố Thụy Khuê, rồi xung phong vào đoàn quân Tây Tiến.

Ngày 27-2-1947, tại Mai Châu, Hòa Bình, Trung đoàn Tây Tiến làm lễ thành lập gồm 4 tiểu đoàn: 212, 90, 60 và Tiểu đoàn 145, Liên khu 3 Hà Nội là đơn vị tôi (lúc này đổi thành Tiểu đoàn 164). Vừa đặt chân lên Tây Bắc, chúng tôi đã liên tục chiến đấu, lập công xuất sắc, phá tan bước đầu âm mưu thâm độc của địch. Khi cục diện chiến trường thay đổi, thực hiện chủ trương của Bộ chỉ huy mặt trận do các anh Lê Hiến Mai, Hoàng Sâm chỉ huy, Trung đoàn Tây Tiến mang số hiệu 52 chuyển hoạt động sang phương thức tác chiến “Đại đội độc lập, Tiểu đoàn tập trung”, liên tục đánh địch ở Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Sầm Nưa (Lào).

Đại tá, Viện trưởng Phạm Đức Đại nhận tặng phẩm của Bộ trưởng Quốc phòng và An ninh In-đô-nê-xi-a do Đại tướng E.Su-đra-giát, trưởng đoàn đại biểu quân đội In-đô-nê-xi-a, trao tặng trong chuyến thăm Viện Bảo tàng Quân đội ngày 11-7-1994. Đồng chí Đoàn Thị Lợi hướng dẫn đoàn tham quan. Ảnh tư liệu

Tháng 5 năm 1949, tôi được đơn vị cử đi học khóa 5 ở Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, học xong được giữ lại làm giáo viên.

Tháng 7 năm 1954, trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tôi được điều về Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, tham gia những cuộc triển lãm đầu tiên của quân đội. Ngày 11-7-1956, Tổng cục Chính trị ra chỉ thị số 14/CT thành lập Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội và tôi là một trong 5 thành viên đầu tiên. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu, cuộc đời tôi gắn liền với sự nghiệp bảo tàng.

Do yêu cầu của các nước bạn, từ tháng 8 năm 1956 đến tháng 6 năm 1957, tôi được Bảo tàng phân công nhiệm vụ cùng một số đồng chí ở Bộ Văn hóa đưa bộ triển lãm “Một số hình ảnh chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam” đi tuyên truyền ở các nước xã hội chủ nghĩa, có bổ sung thêm những hiện vật thành tựu về cải cách ruộng đất, các sản phẩm mỹ nghệ của Việt Nam. Ở Liên Xô, bạn dành cho triển lãm của ta một diện tích lớn ở trung tâm triển lãm nhà nước mang tên Goóc-ki. Triển lãm thu hút đông đảo khách đến xem, gây tiếng vang lớn, được báo chí đăng tin, tuyên truyền, dành những lời tốt đẹp ca ngợi cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Sau đợt triển lãm ở nước ngoài, tháng 7 năm 1958 tôi trở về Ban xây dựng Bảo tàng Quân đội và được bầu là Bí thư chi bộ. Để nâng cao trình độ nghiệp vụ, chúng tôi được cử đi học lớp bảo tồn-bảo tàng do Bộ Văn hóa tổ chức. Nhờ những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ bảo tàng, cộng thêm vốn kinh nghiệm sau các cuộc triển lãm trong và ngoài nước nên chúng tôi chuẩn bị đề cương nội dung cho Bảo tàng Quân đội rất bài bản rồi trực tiếp đi sưu tầm hiện vật.

Tôi và một đồng chí của Bộ Công an tăng cường dùng xe mô-tô ba bánh vào Khu 4 sưu tầm hiện vật của đội Tự vệ đỏ, đến các chiến khu Đông Triều, Hòa Ninh Thanh, căn cứ địa Việt Bắc, Tây Bắc suốt 4 tháng trời ròng rã, sưu tầm hàng trăm hiện vật quý hiếm. Khi đi sưu tầm về đội Cứu quốc quân, trên đường về Hà Nội đã là ngày 29 Tết, bị tai nạn khi tránh một chiếc xe chở rơm. Xe và người bị bay xuống ruộng, thùng xe bị bẹp, may mắn hai chúng tôi chỉ bị xây xát còn hiện vật an toàn.

Nhớ nhất trong những lần đi sưu tầm đó là tấm lòng nhân ái cao đẹp của đồng bào. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được các đơn vị, địa phương và nhân dân cưu mang giúp đỡ nơi ăn, chốn ở, dẫn đường và tự nguyện đóng góp các kỷ vật kháng chiến cho bảo tàng.

Sau chiến thắng 5-8-1964, chúng tôi được phân công làm bộ triển lãm lưu động rồi đưa đi phục vụ đồng bào ở nhiều địa phương như các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Nguyên. Sau đó, phối hợp với Bảo tàng Cách mạng bổ sung tài liệu hiện vật đi triển lãm lưu động ở Thanh Hóa, Nghệ An.

Từ tháng 2 năm 1965, đế quốc Mỹ chính thức gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, sau khi đi triển lãm lưu động về, tôi và 3 đồng chí nữa được phân công đi sưu tầm hiện vật ở Khu 4. Đi tàu hỏa đến Nam Định rồi đi xe đạp vào tận Quảng Bình, Vĩnh Linh. Lúc đi trời còn nóng nực và khi về đã hết năm. Còn nhớ lúc ra, gió mùa đông bắc thổi ào ào, xe đạp chở nặng hiện vật đi ngược gió, anh em cứ gò lưng tôm mà đạp, đau nhừ hết người. Chưa kể, bom đạn rình rập trong suốt chuyến đi, nhiều lần hút chết.

Về bảo tàng một thời gian để hoàn chỉnh hồ sơ hiện vật, bình xét hiện vật nhập kho, lại chuẩn bị đi tiếp. Tôi, Dương Quang Chính, Lê Tuấn Mai được phân công vào sưu tầm ở Khu 5. Trước khi đi có đến đơn vị huấn luyện của đồng chí Nghiêm Kình ở Hòa Bình để rèn luyện cả thể lực lẫn kỹ thuật chiến đấu cá nhân trong 3 tháng. Tháng 6 năm 1966, đoàn lên đường vào Nam. Hành quân bộ mấy tháng trời trên đường Trường Sơn, nói sao cho hết gian khổ, khó khăn. Đi từ trạm này đến trạm kia cả ngày đường. Đường trơn, núi cao, dốc đứng, đói khát, mệt mỏi mới thấy thời gian rèn luyện thể lực ở Hòa Bình chưa thấm vào đâu. Thậm chí cái bàn chải đánh răng nhẹ như thế mà còn cắt nửa cán nhựa cho nhẹ thêm. Đến Thừa Thiên, Binh trạm ông Điền (tên đồng chí Trạm trưởng) bị máy bay B52 đánh tan hoang. Tôi bị sốt rét nặng, phải đưa vào trạm xá. Bác sĩ kết luận không đủ sức khỏe để đi tiếp, bắt phải ra Bắc điều trị nhưng tôi nhất định không chịu. Nằm điều trị ở bệnh xá một thời gian thấy đỡ, lại chống gậy đi tiếp. Đồng chí Lê Tuấn Mai sốt ruột nên đã đi trước về quê ở Quảng Ngãi. Tôi và Dương Quang Chính dự Đại hội thi đua của Khu 5. Tôi là trưởng đoàn phân công Dương Quang Chính đi Tây Nguyên, tôi về Quảng Nam, Quảng Ngãi, hẹn 6 tháng sau sẽ gặp nhau tại Bộ tư lệnh Khu 5.

Lúc bấy giờ chiến trường Khu 5 cực kỳ ác liệt. Tôi thường đi một mình, trang bị cá nhân như một lính chiến, khi cần là có vũ khí để chiến đấu. Có lần đi với anh Khương Thế Hưng xuống Quảng Ngãi. Tôi thường đến các Sư đoàn 3 (Đoàn Sao vàng), Sư đoàn 2, các tiểu đoàn chủ lực 48, 83, các tỉnh đội, các địa phương. Nhiều lần tôi về các tỉnh duyên hải, phải vượt đường số 1, nơi địch thường xuyên phục kích, qua các ấp chiến lược đầy rẫy hiểm nguy. Theo hẹn, cuối tháng 6 năm 1967, tôi về Bộ tư lệnh Khu 5 mới biết tin đồng chí Dương Quang Chính đã hy sinh. Tôi đã tìm hỏi về trường hợp hy sinh của anh Chính, nghe cán bộ địa phương kể lại: Trung tuần tháng 6 năm 1967, Trung úy Dương Quang Chính bị rơi vào ổ phục kích của địch khi vượt qua đường 1 gần nhà thờ Thăng Bình, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Bọn địch bao vây, dùng loa kêu gọi, hết dụ dỗ lại hăm dọa. Chúng thấy anh có súng ngắn, cho rằng đó là cán bộ cỡ bự của Việt cộng nên cố tình bắt sống nhưng không làm lay chuyển được khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Bất lực, bọn địch điên cuồng bắn như vãi đạn về phía đồng chí. Dương Quang Chính dùng khẩu súng lục mang theo bên mình, bình tĩnh chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh. Bọn địch tức tối kéo lê xác của đồng chí khắp làng rêu rao: “Đây là tên chỉ huy Việt cộng nguy hiểm, ngoan cố không chịu đầu hàng Chính phủ quốc gia, không ai được phép chôn cất”. Mặc dù bị địch hăm dọa, khủng bố tinh thần nhưng được tấm gương của đồng chí Chính cổ vũ, nhân dân địa phương đã kiên quyết đấu tranh, đòi bọn địch phải cho mang xác đồng chí đi chôn. Trước sức mạnh của quần chúng, cuối cùng bọn địch phải nhượng bộ. Nhân dân địa phương chôn cất chu đáo người cán bộ cách mạng dũng cảm trong niềm tiếc thương và kính phục sâu sắc.

Nghe chuyện, tôi vô cùng đau xót. Ba anh em đi đã hy sinh một, đồng chí Lê Tuấn Mai được lệnh trở ra Bắc, còn tôi quyết tâm xin ở lại bám trụ chiến trường để vừa sưu tầm vừa hướng dẫn đơn vị về công tác bảo tàng, làm thêm việc của Dương Quang Chính, cũng là để trả thù cho đồng đội. Sau này, Bảo tàng cử nhiều đoàn vào Khu 5, đã có tôi thông thạo địa hình, đưa anh em đi sưu tầm thuận lợi hơn. Thời gian ở Khu 5, tôi sưu tầm được mấy trăm hiện vật.

Gần 4 năm lăn lộn ở chiến trường Khu 5, tôi thuộc các địa danh như lòng bàn tay. Có một kỷ niệm tôi còn nhớ mãi. Vào tháng 10 năm 1967, tôi xuống xã Bình Đông, gặp lúc địch đổ quân, toàn bọn thủy quân lục chiến Mỹ trang bị đến tận răng. Bình Đông có mấy thôn: Thượng Hòa, Tân Hy, Sơn Trà. Quân Mỹ lập ấp chiến lược và đóng quân ở 2 thôn Tân Hy, Sơn Trà. Riêng thôn Thượng Hòa, ngày là của địch, đêm là của ta. Thượng Hòa chính là bàn đạp để mình vào đánh sân bay Chu Lai. Tôi nằm hầm bí mật với du kích, được dân nuôi dưỡng, che chở. Hôm đó Mỹ thay quân, từ thủy quân lục chiến thay bằng Lữ đoàn 196. Có 4 tên lính Mỹ của Lữ đoàn 196 đến đây lạ nước lạ cái đi tuần đến Thượng Hòa, trời đã về chiều, chúng loay hoay ở bến sông Trà Bồng mà không biết đường về đồn, nhờ dân chỉ đường. Dân báo cho du kích đang ở hầm với tôi. Không bắt sống được, du kích dùng lựu đạn diệt cả 4 tên. Tôi chỉ lấy 4 chứng minh thư để làm tang vật, còn súng để cho du kích. Tôi còn ghi chép lại sự việc trong sổ tay để làm hồ sơ hiện vật. Ngay sau đó, trực thăng địch rà sát ngọn tre để tìm 4 tên Mỹ này. Già trẻ lớn bé lập tức ngồi đè lên xác chúng để máy bay không thấy. Do vội nên du kích chỉ kịp dìm 4 thằng Mỹ dưới sông. Đêm đó nóng bức, tôi và đồng chí Thành, Bí thư chi bộ, nằm trên chõng tre ở sân nhà đồng chí. Tôi nói với đồng chí Thành: Đêm nay mình phải dè chừng có thể Mỹ đi lùng sục. Vì thế, ngay khi vợ đồng chí Thành đến lay chân: “Mỹ đến sau nhà”, tôi bật dậy, súng và xắc-cốt vẫn đeo bên mình chạy ra phía sau nhà, núp dưới lùm cây lúp xúp. Đã thấy có ánh đèn pin của bọn Mỹ lia vào dãy hầm tránh pháo. Tôi bò ra xa được mấy thước thì bọn Mỹ bắn pháo sáng rõ như ban ngày. Rồi quân Mỹ bắt dân làng tập hợp ở sân tra hỏi có thấy 4 tên Mỹ không, tên phiên dịch dịch lại. Dân ngồi im như thóc. Sau một bà nhanh trí nói: “Hôm qua tôi đi chợ Châu Ổ về, có gặp 4 người Mỹ ngồi trên một cái ghe, chắc là ghe thủng vì thấy các anh tát nước ở dưới ghe. Tôi đang vội về nhà nên chỉ biết thế”. Quân Mỹ điều động tàu thuyền đi rà soát dọc sông. Thấy tình hình căng thẳng, du kích đưa xác 4 thằng Mỹ đi chôn ở nghĩa trang của làng. Bọn địch mò ra nghĩa trang. Bà con cả làng kéo ra đấu tranh nhất quyết không cho bọn địch đào bới lấy cớ là động mồ động mả rất kiêng. Bọn Mỹ không làm gì được. Tôi và đồng chí Thành lại bàn tính với nhau phải đào xác chúng lên đưa sang chôn ở bãi sông bên kia chứ nó tìm thấy xác thì nó triệt cả làng. Du kích lại được lệnh đào xác 4 tên Mỹ đưa sang chôn ở đồi Bình Phước bên kia sông, thế là êm. Bọn địch lùng sục tìm kiếm suốt mấy ngày liền không thấy. Chúng cho là ta đã bắt 4 tên Mỹ đưa ra vùng giải phóng nên cho trực thăng quần thảo liên tục.

Năm sau tôi trở lại Thượng Hòa, địch đã lập ấp chiến lược ở đây. Có dân mới sống được. Đi lấy gạo cả tuần qua Mỹ Sơn, Trà Kiệu, dân dìm các bao gạo vào cát. Chúng tôi chỉ việc bới cát ra lấy gạo lên. Lương thực, thực phẩm hầu như do dân cung cấp, còn ngoài Bắc chủ yếu cung cấp vũ khí. Sau này, tôi còn trở lại Khu 5 nhiều lần nữa để sưu tầm hiện vật, giúp xây dựng Bảo tàng Quân khu 5.

Đại tá Phạm Đức Đại say sưa kể chuyện. Tôi cũng bị cuốn vào câu chuyện, quên cả thời gian. Cuộc đời ông đã có 50 năm cống hiến cho cách mạng, trưởng thành từ một người lính lên phụ trách công tác sưu tầm từ năm 1965, Phó giám đốc Bảo tàng (1984-1987), Giám đốc Bảo tàng (1987-1995), với biết bao gian lao, thử thách. Ở ông toát lên sự kiên định, dũng cảm, năng động, sáng tạo, khiêm tốn, giản dị của một người chỉ huy, hòa quyện với chất lãng mạn, lịch thiệp của người con trai đất Hà thành. Vì vậy, ở đâu và với cương vị nào ông cũng được đồng đội và nhân dân yêu mến, quý trọng, giúp đỡ ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tình nghĩa đồng bào, tình cảm đồng đội là những kỷ niệm sâu sắc nhất trong ký ức của ông.

Đoàn Thị Lợi ghi