Tôi có may mắn là đã liên tục được giúp việc cả 6 vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đó là các Chủ tịch: Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Quang Đạo và Phạm Thế Duyệt, trong đó thời gian làm thư ký riêng và giúp việc Chủ tịch Hoàng Quốc Việt là dài nhất. Cơ duyên để tôi được gặp và trực tiếp làm phiên dịch giúp đồng chí Hoàng Quốc Việt là tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng ta (tháng 9 năm 1960), khi tôi là cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và được Trung ương điều lên cùng các anh Đậu Ngọc Xuân, Trịnh Ngọc Thái phụ trách bộ phận phiên dịch của Đại hội.
 |
Đồng chí Hoàng Quốc Việt ghi cảm nghĩ vào sổ vàng tại Đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Hải Dương (năm 1975). Ảnh do tác giả cung cấp
|
Khi làm thư ký của anh Hoàng Quốc Việt, tôi vẫn nhớ kỷ niệm trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hồi đó Quốc lộ 5 rất hẹp, khó đi, nhưng là con đường huyết mạch nối cảng Hải Phòng với các địa phương trên miền Bắc. Trên đường số 5 có Đoàn Giao thông vận tải số 10 làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa ở cảng Hải Phòng. Do nhiệm vụ cấp bách nên Đoàn 10 được nhiều ưu đãi và ưu tiên, và cũng vì được ưu tiên nên một số lái xe Đoàn 10 đã bất chấp luật pháp, bất chấp tính mạng người dân. Nghe nhân dân kêu ca, đồng chí Hoàng Quốc Việt bảo tôi bố trí để đồng chí đi thị sát. Khi đó, với cương vị vừa là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vừa là Chủ tịch Tổng công đoàn, đồng chí yêu cầu các cơ quan cử người tham gia đoàn. Qua cầu Phú Lương (Hải Dương) thì đường bị tắc. Xe công an dẫn đường phải vất vả lắm mới dẹp được đường cho xe thủ trưởng và xe đoàn tiếp cận được chiếc xe gây ùn tắc. Đến nơi mới biết đó là một “yêng hùng Đường 5” - một xe ô tô của Đoàn 10. Cậu lái xe tiếp tục nghênh ngang để xe thủ trưởng và xe đoàn ùn lại gần chục cây số. Mãi gần đến Quán Toan (Hải Phòng), xe dẫn đoàn mới vượt lên và ra lệnh dừng chiếc xe của Đoàn 10. Không những không thấy lỗi của mình mà khi xuống xe, cậu lái xe còn cầm theo một ống tuýp sắt tấn công người ra lệnh dừng (vì người ra lệnh không mặc đồng phục cảnh sát). Không chịu nổi thói côn đồ, đồng chí Hoàng Quốc Việt ra lệnh tạm giữ lái xe và giao cho công an địa phương xử lý.
Bẵng đi một tuần, vào một buổi sáng, khi tôi cùng thủ trưởng Hoàng Quốc Việt xuống cơ quan làm việc, xe vừa tới cổng thì một cô gái tuổi ngoài 20, gày còm, ốm yếu, bụng đang mang bầu, tay ôm đứa con chừng hơn một tuổi, chặn chúng tôi lại, khóc lóc, van xin. Hỏi chuyện mới biết đó là vợ của cậu lái xe bị bắt tuần trước tới xin tha tội cho chồng. Suốt mấy ngày liền, đồng chí Hoàng Quốc Việt đăm chiêu suy nghĩ, mất ngủ vì lần gặp người phụ nữ hôm ấy. Giận cậu lái xe, nhưng thương cháu nhỏ, thương người vợ đang mang bầu, ốm yếu, tiều tụy. Cuối cùng, thủ trưởng bảo tôi: “Anh xuống Hải Phòng gặp Giám đốc Công an nói lại ý tôi là tha cho cậu lái xe đó. Giam hơn một tuần như vậy cũng đủ để cậu ta thấm thía. Riêng anh hãy gặp trực tiếp và nói cho cậu lái xe ấy biết: Lẽ ra còn bị giam lâu hơn, nhưng thương vợ con nheo nhóc, thủ trưởng quyết định tha trước thời hạn”.
Một chuyện khác khiến tôi nhớ mãi là đầu Xuân năm 1970, ở Tây Bắc bọn phản động kích động đồng bào Mông chạy sang Bắc Lào. Để chống lại âm mưu của địch, thực hiện an dân, Trung ương cử đồng chí Hoàng Quốc Việt - người có uy tín lớn trong đồng bào các dân tộc - lên cùng lãnh đạo các tỉnh và các già làng, trưởng bản gặp gỡ, giải thích cho dân rõ ý đồ thâm độc của kẻ thù để người dân không tin và không theo chúng. Theo tục lệ của người dân địa phương, đón lãnh đạo Trung ương lên thăm, già làng, trưởng bản quyết định mổ một con trâu để tế Giàng và mời khách quý thử món tiết canh trâu. Lo cho sức khỏe của thủ trưởng, bác sĩ riêng đề nghị đồng chí Hoàng Quốc Việt không nên ăn. Không ngờ, anh bảo: “Tôi cũng là dân, dân ăn được thì mình cũng ăn được, không ăn thì còn “dân vận” cái gì”. Tối hôm đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt triệu tập chúng tôi hội ý chuyến đi, anh căn dặn: “Để đạt được yêu cầu “đi dân nhớ, ở dân thương”, thời kỳ kháng chiến chống Pháp bọn mình thường thực hiện ba cùng là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Tình hình bây giờ có khác song các cậu phải rèn luyện, phấn đấu để dân ăn gì, uống gì thì mình ăn được thứ đó, dân sống sao, mình sống vậy”. Chính những lời khuyên chân tình ấy đã trở thành bài học thực tế giúp tôi cố gắng rèn luyện, tập cho mình những thói quen trong ăn uống khi tiếp xúc với người dân địa phương và tìm hiểu các phong tục, tập quán của bà con, sống chan hòa, gần gũi với đồng bào các dân tộc.
 |
Ông Nguyễn Túc ôn lại kỷ niệm trong những năm làm thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Minh Tuệ
|
Cách đây bốn năm, vào dịp Tết Nguyên đán năm 2006, tôi được tiếp một phụ nữ có dáng vẻ “đại gia”. Chị mang đến chúc Tết tôi một chậu hoa hải đường. Thấy tôi ngạc nhiên, chị nói: “Em là Hồng, năm 1976 là Bí thư Đảng ủy xã TN và đã bị chồng đánh, phải đến cầu cứu, nhờ anh đưa đến bác Hoàng Quốc Việt để giúp đỡ”. Cuộc gặp tình cờ hôm đó đã làm tôi nhớ lại câu chuyện cách đấy 30 năm. Hồi đó, theo quy định bảo mật, cánh thư ký chúng tôi không được cho số điện thoại, không được tiếp khách tại nhà riêng. Một chiều đi làm về, thấy một phụ nữ đầu quấn băng chờ sẵn ở cổng, chị vừa khóc, vừa trình bày: Chị là Huyện ủy viên kiêm Bí thư Đảng ủy một xã thuộc tỉnh Hà Sơn Bình (cũ). Thi hành Chỉ thị 228 của Trung ương, Đảng ủy xã đã thi hành kỷ luật một số đồng chí trong đó có ông chú của chồng và người em chồng. Sau ngày giải phóng miền Nam, chồng chị xuất ngũ trở về, nghe gia đình xúi bẩy, thêu dệt, anh đã tìm cách bỏ chị. Ý định không thành vì xã, huyện cương quyết bảo vệ chị. Từ đó, người chồng ra sức hành hạ vợ. Gặp tôi hôm ấy, chị nói: “Nếu anh không đưa em lên gặp bác Hoàng Quốc Việt thì em cứ “nằm vạ” ở nhà anh cho đến khi được gặp mới thôi”. Vừa bực, vừa thương, tôi lấy xe đạp chở chị cán bộ lên nhà Thủ trưởng. Nghe hết câu chuyện, anh Hoàng Quốc Việt rất giận. Anh gọi điện cho Giáo sư Tôn Thất Tùng - Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức rồi trực tiếp đưa chị xuống bệnh viện nhờ giáo sư chữa trị và xác định tỷ lệ thương tật. Ngay ngày hôm sau, đồng chí Hoàng Quốc Việt xuống gặp trực tiếp Bí thư, Chủ tịch, Giám đốc Công an và Viện trưởng Viện Kiểm sát Hà Sơn Bình nhằm giải quyết sớm việc người chồng đánh vợ với yêu cầu không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình họ sau này. Hai năm sau (1978), đôi vợ chồng ấy đã bế đứa con trai 6 tháng tuổi đến thăm tôi, nhờ tôi đưa đến chào bác Việt và xin cho cháu được làm cháu nội của bác… Ba mươi năm đã qua, hiện chị đã là một doanh nhân thành đạt, anh là cán bộ hội cựu chiến binh, hai con của anh chị được đào tạo ở nước ngoài và đang công tác trong một doanh nghiệp của quân đội. Hôm mời tôi vào thăm nhà, anh chị tâm sự: “Không có anh đưa tới gặp bác Việt hôm đó, không hiểu hạnh phúc gia đình chúng em sẽ ra sao. Bác Việt đã trở thành ân nhân của gia đình em. Khi bác mất, vợ chồng em đã đưa ảnh bác lên bàn thờ gia đình để có điều kiện hương khói...”.
Khó có thể kể hết kỷ niệm gắn với những hoạt động không biết mệt mỏi luôn vì dân, vì nước của đồng chí Hoàng Quốc Việt ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ anh Hạ Bá Cang (tên thật của đồng chí) - lớp đảng viên cộng sản đầu tiên - đến lão đồng chí Hoàng Quốc Việt - người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những người đã từng công tác hoặc tiếp xúc với anh đều có chung nhận xét: Đó là một người công nhân bất khuất, kiên trung, liêm khiết, có tác phong dễ gần, chân thành và cởi mở. Anh là một nhà lãnh đạo cấp cao nhưng luôn sâu sát cuộc sống đời thường của dân, nhất là đời sống công nhân và nhân dân lao động, một con người rất nghiêm khắc nhưng cũng rất độ lượng, khoan dung…
Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nguyên Thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt.