QĐND - Gần 10 giờ đêm, khu an-điều dưỡng khá im ắng. Tôi lặng lẽ đi dọc hành lang dãy nhà A1, cảm nhận sự đối lập đang diễn ra ở đây so với sự náo nhiệt của một thị xã du lịch nổi tiếng đang vào mùa, chợt giật mình vì bóng ai đó lướt qua ô cửa sổ của tòa nhà đối diện.
 |
Chị Trần Thị Hồng Cẩm.
|
 |
Trong gian nhà được cơ quan cho thuê của chị Cẩm. Ảnh: Lâm Thao
|
Tòa nhà này mới được chính thức đi vào sử dụng được ít ngày. Tầng hai nơi có bóng người chính là khu bếp ăn. Tôi băn khoăn, sao muộn vậy mà nhân viên vẫn chưa được nghỉ? Lẽ nào giờ này vẫn còn khách ăn? Đúng lúc đó, có người trong đoàn ngỏ ý muốn mượn khay để nướng cá, tôi nhanh bước sang khu nhà ăn. Người tôi gặp hóa ra là Trần Thị Hồng Cẩm, ca trưởng một ca nhà bàn thuộc bếp ăn, đội 1, Đoàn an-điều dưỡng 296 (Sầm Sơn, Thanh Hóa).
Vào ba tháng hè, khi khách đến nghỉ đông hơn, công việc nhiều, chị Cẩm không thể về sớm. Lạ là dù muộn mà chị Cẩm lại không tỏ ra quá vội vã. Khi khách đã ăn xong, công việc đâu vào đấy, chị đi kiểm tra từng cánh cửa nhà ăn, tắt từng bóng điện rồi nhẹ nhàng dắt chiếc xe đạp ra về.
Ngỡ chị may mắn có một gia đình với người chồng giỏi lo liệu việc nhà để chị có thể tươi tắn, trọn vẹn với công việc vào lúc đã gần nửa đêm như vậy. Dè đâu, khi không còn một ai, chị chầm chậm rời cơ quan cũng là lúc chị bắt đầu trở về với một sự trống vắng khác. Lại lạch cạch một mình mở khóa cửa…
Không có ai ở nhà đợi chị khi này. Đang dịp hè nên hai con mỗi đứa ở một nơi. Cháu đầu ôn thi tại nhà bác bên nội, ở Phủ Lý, Hà Nam. Cháu thứ hai chơi nhà bác bên ngoại, ở Gia Lâm, Hà Nội. Chồng chị đã mất sau một vụ tai nạn giao thông...
Ngày đó, thấy vợ sắp đến ngày sinh, anh Quách Xuân Sơn, chồng chị đã chạy xe máy về quê đón bà nội lên, chuẩn bị đón cháu. Có ai ngờ, lúc quay lại, đến Tam Điệp thì xảy ra tai nạn. Mẹ anh Sơn bị gãy tay, sau khi sơ cứu phải chuyển ra Bệnh viện Việt Đức, còn anh Sơn không qua khỏi. Mọi người cố gắng giấu, không để chị Cẩm biết chuyện, sợ sinh lo lắng sẽ ảnh hưởng thai nhi. Chị Cẩm khá khó khăn trong chuyện sinh đẻ. Chị từng bị mất một con trai khi sinh ngược và sẩy thai hai lần. Nên khi mang thai cháu út, chị rất cẩn thận, đi khám thường xuyên. Khi anh Sơn bị tai nạn, anh em, họ hàng, bè bạn, đồng nghiệp xúm vào lo liệu. Người lo chuyện tang. Người trông giúp đứa lớn. Người tìm cách đưa chị ra Bệnh viện 354 ở Hà Nội để sinh con. Người lo chăm sóc mẹ chồng chị ở Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Chị cũng lo lắng không yên khi thấy chồng về quê mà mãi không thấy vào, lại phải ra Hà Nội gấp để sinh con, nhưng mọi người nói dối đủ cách như chồng chị bị ốm, bận việc gấp ở quê, rồi bị tai nạn nhưng nhẹ thôi, yên tâm cho mẹ tròn con vuông rồi anh ấy sẽ ra Hà Nội ngay. Mọi người còn đề nghị, rồi thường xuyên dặn dò các bác sĩ ở Bệnh viện 354 phối hợp giùm cho qua đận vượt cạn đầy gian nan của chị...
Giờ đây, cách ngày, chị Cẩm lại có một tối rời cơ quan vào lúc đã gần khuya. Sự ắng lặng khiến những bước chân hướng ra cổng khu an-điều dưỡng của chị nghe thật ấn tượng. Tính ra đã trên hai chục năm công tác, chị chuyển khá nhiều nơi ở, nhưng vẫn quanh đơn vị và dẫu rất cố gắng vẫn chưa có được một ngôi nhà của mình. Mong ước này với chị giờ đây càng trở nên xa vời. Hai đứa con của chị đã lớn. Cháu đầu năm nay tốt nghiệp trung học phổ thông. Cháu thứ hai cũng đã năm cuối tiểu học. Với mức lương có hệ số 3,86 hiện nay, ba mẹ con chị chỉ đủ tằn tiện qua ngày. Đâu còn để mà tiết kiệm, chưa nói đến chuyện ốm đau, hiếu hỉ.
Sau khi anh Sơn qua đời, cơ quan có tạo điều kiện cho chị trong việc ở nhà thuê của cơ quan với giá thuê được giảm 1/3. Khi dãy nhà xuống cấp, cơ quan đã tổ chức sửa sang, lợp mái tôn mới, mỗi nhà thuê như chị đóng góp 3 triệu đồng tiền lát gạch nền. Giờ gian nhà thuê hơn chục mét vuông là nơi cho chị một mình lắng lại với hy vọng bình an. Bước vào nhà chị, tôi hơi ngỡ ngàng. Giấy khen của chị để gần bàn học của con. Chị chỉ kê một chiếc giường, tủ, làm thêm một cái rèm chia đôi căn phòng để chừa chỗ cho con học và một khoảng tiếp khách... Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Vụ, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Đoàn an-điều dưỡng 296, tôi hiểu thêm hoàn cảnh của chị Cẩm. Cũng như chị Vụ, chị Cẩm sinh năm 1970, cũng gắn cuộc đời mình với quân đội bắt đầu từ lính nghĩa vụ. Hết thời gian nghĩa vụ quân sự, chị Cẩm học trung cấp quân y, rồi về công tác tại Đoàn an-điều dưỡng 296. Trước ở nhà phòng rồi xuống bếp ăn và ổn định từ đó đến nay.
Với trường hợp của chị Cẩm, nếu có đất xây nhà, có thể được cơ quan chị hỗ trợ một phần, nhưng chị không thể mua được đất gần đơn vị để bảo đảm vừa ổn định gia đình vừa có thể công tác tốt. Nhà bên chồng có dành cho chồng chị một mảnh đất ở quê, cách Đoàn an-điều dưỡng 296 khoảng 120 cây số. Một thân một mình, chị cũng không biết lo liệu, tính toán xây dựng thế nào. Có những khi con chị nhìn bạn bè rồi về hỏi mẹ: Nhà các bạn to lắm. Có xe nọ xe kia. Còn mình có mỗi chiếc xe đạp. Bao giờ mới có được nhà riêng hả mẹ? Chị nghe mà đắng nghẹn, tủi thân. Lúc chồng mới mất, trông hai con nhỏ, chị đã thấy đau buồn, chán nản. Nhưng chị nghĩ, nếu mình buông xuôi con mình sẽ khổ. Dù một thân một mình, nhà cửa không có, vẫn phải tự đứng lên và chị đã vượt được lên. Chị mong sao có sức khỏe để tiếp tục làm việc và chăm sóc các con.
Trời cũng vào khuya khi tôi ngồi viết những dòng cuối cùng trong bài viết này, nao lòng nhớ dáng chị ngồi gom lá sen khô hờ hững trên hè phố trước gian nhà được thuê, khi những đoàn khách du lịch xúng xính, rộn ràng lướt qua sau lưng. Nhói ngực khi nghĩ đến những bước chân rơi vào đêm cô lẻ, chênh chao, giữa ồn ào phố biển…
QUỲNH LINH