Đã 60 năm nay, khẩu tiểu liên tự động AK-47 được công nhận là một trong số rất ít vũ khí bộ binh đơn giản, gọn nhẹ và hiệu quả nhất cho “những người cầm súng” trên thế gian. Nó đã được trang bị cho quân đội hàng chục nước khắp thế giới. Nó còn được “trang điểm” trên quốc huy của một số quốc gia. Thế nhưng người sáng chế ra tuyệt phẩm này thì còn ít người biết (hoặc chỉ nghe qua). Nay ông đã ngoài 90 tuổi mà vẫn còn làm việc rất hiệu quả. Bởi vì, theo ông “tuổi tác không là cái cớ để lẩn tránh công việc”.
Vừa qua, trên tuần san Luận chứng và Sự kiện của LB Nga, nhà báo Gheorghi Alexanđrov đã có bài ghi lại những lời tâm sự “gan ruột” của nhà sáng chế huyền thoại Mikhain Kalasnikov với thế hệ hiện nay. Chúng tôi xin dịch nguyên văn những lời bộc bạch đó của ông.
 |
Kalasnikov và khẩu AK thời nay
|
“Người lính không tốt nghiệp học viện nào”
Sức khỏe thì có vấn đề đấy. Tiếc là tai nghe tồi - vì mình bắn nhiều, làm hỏng cái tai. Tôi vẫn là nhà thiết kế chính môn súng bộ binh ở Phòng Thiết kế của Nhà máy chế tạo máy Igiép, là cố vấn của Tổng giám đốc Cục Xuất khẩu thiết bị quốc phòng Nga, vẫn là Chủ tịch của Hiệp hội chế tạo vũ khí Liên bang Nga. Tôi thường tham gia những chuyến công cán nước ngoài. Hằng tuần thế nào tôi cũng phải ghé qua nhà máy vì muốn được tận mắt xem ở đó mọi công việc có được làm đúng không. Tôi biết rõ nhiều công nhân, bàn bạc nhiều với họ và các kỹ sư. Ngoài ra tôi còn viết một vài cuốn sách. Nhưng ngay cả lúc không viết và không nghiên cứu vũ khí thì tôi cũng không thể ngồi yên. Tôi không sợ bẩn tay chân: Tự lau dọn nhà cửa, ra vườn bổ củi, nhóm lò... vì thích làm việc mà! Giá mà còn trẻ thì đã đi săn bắn, nhưng nay thì cao tuổi, đã khó nhọc rồi. Do vậy mà chỉ mỗi năm một lần được đi săn nai theo giấy phép.
Với sự hướng dẫn của tôi, gần 150 mẫu súng bộ binh khác nhau đã được hoàn thiện. Nhưng nếu như không có chiến tranh thì tôi đã trở thành nhà thiết kế ngành kỹ thuật nông nghiệp. Vậy là, do tội lỗi của người Đức mà tôi đã sáng chế ra súng máy tiểu liên. Tôi xuất thân từ nông thôn nên luôn luôn muốn người nông dân được giảm nhẹ sự lao động nặng nhọc của mình. Thời mà ở đất nước chúng ta chưa có máy móc kỹ thuật nước ngoài, tôi đã lắp ráp máy cắt cỏ để làm vườn. Tới nay máy đó vẫn làm việc tốt. Sau đó tôi nghĩ ra một cơ cấu nướng thịt cho những người lười - chỉ một động tác là tất cả các que xiên thịt nướng đều quay trở như ý. Khi còn là một chàng trai, tôi đã đọc ở đâu đó câu “Thượng đế đã nói: Tất cả cái gì phức tạp đều không cần, mà cần tất cả là cái đơn giản”. Tôi theo phương châm đó mà sáng chế. Người lính không tốt nghiệp ở các học viện, anh ta cần sự đơn giản và bền chắc. Vào thời Xô-viết, chúng tôi cùng một nhóm nhỏ các chiến hữu đã thiết kế một loại súng tiểu liên, thường xuyên đi tới các đơn vị quân đội trao đổi với các chiến binh. Đã có một cuộc thi đua với các nhà chế tạo vũ khí ở thành phố Tula.
Quả thật, trên thực tế đó là một cuộc cạnh tranh đích thực. Phòng thiết kế nhỏ bé của chúng tôi vào các năm đó hầu như luôn dẫn đầu. Ở đó đã trở thành các trường đại học các bậc học cao nhất của tôi. Là một người dân quê, khi làm việc, tôi đã gặp gỡ những con người thông minh và học thức và đã lĩnh hội được những kiến thức mới mẻ, bổ ích. Còn giờ thì tôi là viện sĩ của 16 viện hàn lâm Liên bang Nga và nước ngoài, là tiến sĩ khoa học kỹ thuật. Như nhà văn Necraxov đã nói về nhà bác học Lômônôxôp: “Một nông phu xứ Arkhaghen theo ý chí mình và ý Chúa đã trở nên thông minh và vĩ đại”.
Bậc thiên tài không có bằng phát minh
Người ta thường hỏi tôi: “Ông biết không, nếu ông ở nước ngoài thì từ lâu ông đã là nhà đại triệu phú rồi chứ?”. Tất cả người ta cố phỏng tính theo “tờ xanh” như thể không có giá trị gì khác nữa. Đó, bạn hãy tìm xem cho ra được, dù chỉ là một nhà thiết kế nước ngoài lúc đang sống mà được người ta xây cho bức tượng bạc chân dung cao gấp đôi ông ta. Không có những người như thế! Rồi để được các vị Tổng thống, Thủ tướng Chính phủ tới chúc mừng nhân ngày sinh? Họ đã đến với tôi. Ai trong số các nhà thiết kế nước ngoài được người ta xây bảo tàng? Phải chăng cái đó không là điều quý giá! Tất nhiên là, giá như không có sự cản trở để ở nước Nga có khả năng theo luật pháp nhận bằng sáng chế. Nhưng dưới thời chính quyền Xô-viết đã không có thể chế đó. Do vậy mà vũ khí của tôi đã phân tán đi. Hiện nay có hơn 100 triệu mẫu được sinh sôi ra trên khắp thế gian. Còn nếu nghiên cứu phân biệt kỹ thì chỉ có 10 – 15% ở đó là “Kalasnicôv” đích thực, còn lại là đồ giả, đồ ăn cắp. Không nước nào, không nhà máy hay nhà thiết kế nào có từ sự sáng chế đó. Thật khó tưởng tượng rằng, nước Nga đã bị mất bao nhiêu tỷ tiền bạc! Đó, giá như trên hành tinh này, từ mỗi một khẩu tiểu liên đã ra lò được chuyển khoản dù chỉ một rúp... Trong thời gian ở Khối Hiệp ước Vacsava, tất cả tài liệu về súng đã được phân phát không thu tiền, các kỹ sư của chúng ta còn tổ chức sản xuất ở nước ngoài, người Trung Quốc và các nước khác đã tới đó thực tập. Rồi tiếp theo là tổ chức băng chuyền sản xuất, bắt đầu đóng khuôn và bán đi rất rẻ. Chúng ta đã không một lần kiểm nghiệm các sản phẩm do nơi đâu đó ở nước ngoài xa xôi làm ra. Và trong phần lớn trường hợp các mẫu đó không thỏa mãn được những yêu cầu đưa ra như đối với vũ khí của Nga. Bởi vì đa số chỉ quan trọng ở hình dáng bên ngoài - để cho giống như “Kalasnicov” của chúng ta, mà chất thép được dùng thì không quan trọng. Còn chúng ta thì trái lại: Ở nhà máy Igiép, kim loại đặc biệt để làm vũ khí do một nhà máy chuyên đúc thép sản xuất. Do vậy, nòng súng của chúng ta chịu đựng được một số lượng rất lớn phát đạn, lớn hơn nhiều lần loại súng giả.
Tôi nhớ lại, có lần Tổng thống Borix Enxin tới thăm, ôm chầm lấy tôi hứa rằng sẽ có bằng phát minh sáng chế. Sau đó thì đã được rõ là: Tổng thống không được nói như vậy. Bằng sáng chế phải được cấp trước khi bắt đầu sản xuất đại trà, khi mà chưa ai biết kết cấu và cấu trúc của sáng chế. Tất nhiên là chúng ta đang sở hữu và so sánh tất cả các bản mẫu mới xuất hiện trên thị trường. Cần phải biết rằng, các nhà cạnh tranh và các đối thủ tiềm năng làm gì. Tôi đã tham dự hầu hết các cuộc triển lãm quân sự ở nước ngoài. Tôi sẽ không cường điệu khi tuyên bố rằng, hiện vẫn chưa ai làm ra được dù chỉ là cái gì đó gần và tương tự: Đơn giản, độ tin cậy và tuyệt đối bắn không bị hóc trong mọi điều kiện. AK của chúng ta cho tới nay vẫn là tốt nhất! Vậy có thể là chúng ta đã chế tạo được một loại súng tiểu liên lý tưởng!
Điều cốt yếu là sao cho mọi người đều suy nghĩ
Bạn có biết không, tôi thực sự thấy khó chịu khi thấy có một ông già hay một bà già bước vào ô tô hay tàu điện mà chẳng một ai chìa tay giúp họ. Đó là tai họa của chúng ta! Chưa lâu tôi đã tới Bắc Oxechia - ở đó mọi người kính trọng thế hệ già cả. Còn ở chúng ta thì đang phát triển thái độ khinh bỉ những người luống tuổi. Cũng có thể là điều đó có liên quan tới việc coi thường quá khứ nói chung. Mà chính là không có quá khứ thì làm sao có hiện tại? Và mọi sự tốt đẹp trong quá khứ thì không xóa bỏ mà còn phải nhân lên. Khi người ta phá bỏ Liên bang Xô-viết thì tất cả những gì được coi là quan trọng nhất đối với công dân của Liên bang đã bị giễu cợt và vứt bỏ như là thứ vô dụng. Do vậy, những người trẻ hiện nay không biết được cái gì đúng, cái gì sai. Và điều chủ yếu với họ là tiền bạc, mà không phải là người ta trả tiền vì cái gì, và thậm chí không phải là có thể chi tiêu nó cho cái gì. Nhiều thanh niên lao ra nước ngoài. Họ nghĩ rằng nơi đó có thể không làm gì mà cũng sống tốt. Rồi bỗng hóa ra ở đó cũng cần phải làm việc! Thật xúi quẩy vậy đó. Tôi đặt một câu hỏi cho một cậu thiếu nhi 9 tuổi: “Vaxia, sáu nhân tám bằng bao nhiêu?”. Cậu ta cầm chiếc máy tính, bấm bấm các nút rồi tự hào trả lời: “Bốn mươi tám!”. Tôi nói: “Thế có thể tự tính được không?”. Thì ra nó không tính được. Và điều đáng sợ nhất là cậu ta không muốn suy nghĩ. Ngày nay thế nào đó mà đã bị lãng quên, rằng điều quan trọng nhất là làm sao mọi người đều suy nghĩ. Giờ thì họ học tập chỉ bằng ấn lên nút máy.
Dưới thời Xô-viết, tôi đã đi khắp các nước cộng hòa và tất cả các vùng miền của liên bang. Và ở đâu tôi cũng được quan hệ đối xử thân mật như trong gia đình. Tôi sẽ nói với tư cách một người tham gia chiến tranh, cựu chỉ huy xe tăng T-34. Trước trận đánh đầu tiên tôi ngồi trong xe mình, tất cả chỉ 5 lần chạy xe và một số lần bắn đại pháo và súng máy. Lúc đó người Đức đã chinh phục được một số quốc gia, đã tổng động viên và quân đội được trang bị tốt. Còn chúng ta thời gian đầu, nói thẳng ra là súng trường được chế tạo ở nhà máy Igiép - mà 3 người một khẩu. Vậy mà chúng ta đã thắng chủ nghĩa phát xít bởi vì chúng ta không phân chia dân tộc. Chúng tôi, tất cả như anh em ruột thịt. Cũng như vậy cho ngày nay: Tất cả cần phải đoàn kết lại và bắt đầu phấn đấu. Chỉ có điều không chống lại ai đó mà phải ủng hộ, phải “vì”! Vì đất nước mình, vì người mình, vì sự phồn thịnh của tất cả và vì lợi ích chung. Lúc đó sẽ không còn một chủ nghĩa phát xít nào cả.
NGUYỄN HỮU DY (dịch từ nguyên bản tiếng Nga)