QĐND Online - Nhiều ngày nay, hàng vạn du khách thập phương nô nức đổ về Đền Bà Chúa kho (Bắc Ninh) tạ lễ xin lộc, cầu may mắn đầu năm. Tuy nhiên, nơi đây còn khá nhiều hình ảnh nhức nhối làm mất đi tính thẩm mỹ và sự thiêng liêng vốn có của Đền…

Ăn xin ngồi dọc đường vào Đền

Mặc dù trời lạnh tê tái, trên đoạn đường dành cho khách đi bộ vào Đền Bà Chúa kho có rất đông “đội quân” ăn xin, từ người già, tới trẻ nhỏ, người giả què, người giả bệnh ngồi xếp thành hàng dài, cứ đi được vài mét lại có người chìa rổ, giơ mũ ra xin tiền khách hành hương. Những hình ảnh này không chỉ làm mất mỹ quan của Đền mà còn tiếp tay cho những kẻ lợi dụng lòng tốt của du khách.

Nhiều người ăn xin ngồi xếp thành hàng dài để xin tiền du khách.

Một người đàn ông đang “kiểm kê” lại số tiền nhận được.

Chị Phạm Thị Thủy, du khách ở Quảng Ninh chia sẻ: “Chỉ vài nghìn bạc không nhiều nhưng cứ đi một đoạn lại gặp người ăn xin mình cảm thấy rất khó chịu và bức xúc”.

Bỏ tiền triệu thuê “cò” cúng lễ

Mặc dù, ban tổ chức liên tục khuyến cáo du khách không nên thuê người cúng, thông qua hệ thống loa phát thanh và các bảng thông báo, nhưng “cò” khấn thuê vẫn ngang nhiên hoạt động, đây được coi là dịch vụ đắt khách nhất. Nhiều người sẵn sàng chi hàng triệu đồng để thuê thầy cúng vì họ tin rằng các thầy thông thuộc bài cúng vay tiền có thể mang lời thỉnh cầu của gia chủ tới Bà Chúa kho.

Mặc dù, rất nhiều biển cấm “khấn lễ thuê mướn”, nhưng “cò” khấn thuê vẫn ngang nhiên hoạt động (cò khấn thuê mặc áo đỏ đứng ngoài cùng bên trái).

Các “ cò” khấn thuê với dịch vụ sắp lễ từ A đến Z, từ việc viết sớ, đặt lễ, khấn thuê, đến hạ lễ, hóa vàng.

Hiện tượng các “cò mồi” chèo kéo khách ngay từ điểm trông giữ xe vẫn ngang nhiên hoạt động và diễn ra công khai, với dịch vụ sắp lễ, viết sớ, đặt lễ, khấn thuê, đến hạ lễ, hóa vàng. Theo thỏa thuận, lễ tối thiểu phải tới mức giá là 1 triệu đồng/mâm.

Chị Nguyễn Thị Phương, một du khách  quê ở Hà Tĩnh cho biết : “Tôi vừa đặt chân đến bãi gửi xe, đã được một người phụ nữ mời viết sớ, sắp lễ. Sau đó, người phụ nữ ấy cứ nải nỉ bám theo tôi. Vì vậy, tôi đành mua vài thẻ hương để họ đi chỗ khác”.

Ngoài ra, không chỉ có các dịch vụ sắp lễ, viết sớ, thuê người cúng, mà còn có dịch vụ bán túi ni-lon đựng lộc ở bất kỳ chỗ nào du khách dừng chân.

Dịch vụ bán túi ni-lon.

Có rất nhiều khách thập phương đến lễ nhưng vì nhiều lý do như chưa lễ bao giờ nên không biết khấn, bởi vậy, họ thuê thầy cúng, đã vô tình tiếp tay cho những dịch vụ tồn tại, gây mất mỹ quan chốn linh thiêng nơi cửa Đền.

Ông Nguyễn Văn Đại, người thuộc Ban Quản lý di tích Đền Bà Chúa kho cho biết: “Đó là một bộ phận nhỏ lợi dụng tình trạng quá tải tại Đền. Ban Quản lý Đền đã huy động các tổ chức, công an thường trực thường xuyên theo dõi để xử lý các đối tượng trộm cắp, cò mồi trên”.

Tuy nhiên, nếu Ban tổ chức lễ hội và những người thực thi nhiệm vụ, chính quyền địa phương ó trách nhiệm với du khách, với chính hình ảnh, uy tín của Lễ hội Đền Bà Chúa kho thì những hiện tượng nêu trên chắc không thể tràn lan hết năm này qua năm khác. Hy vọng chính quyền cấp cao hơn là Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh sẽ sớm chấn chỉnh những điều đó,

Bài, ảnh: TRẦN HUYỀN-HƯƠNG GIANG