QĐND Online – "Một đôi quang gánh trên vai lưng còng khô xuôi ngược. Đội mưa ôm nắng thân côi nơi hè phố" Câu hát trong bài hát Gánh hàng rau của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cứ như ám ảnh lấy tôi khi bắt gặp những gánh hàng rong tất tả, ngược xuôi chỉ mong có một cái Tết ấm áp.
2 giờ sáng, nhiệt độ ngoài trời xuống chỉ còn 8 đến 9 độ C, khi phần lớn người dân thành phố đang say giấc trong chăn ấm, đệm êm, cũng là lúc cuộc sống bươn chải của họ - những người lao động ngoại tỉnh bắt đầu. Bước qua bãi gửi xe của chợ Long Biên (Hà Nội), tôi thật sự choáng ngợp trước cảnh chợ sôi động như một đại công trường. Trong ánh sáng nhập nhoạng của đèn đường và mấy cái bóng đèn vàng lủng lẳng, người bán hàng, người mua hàng, tiếng ra giá, mặc cả… tạo nên một bức tranh chợ đêm nhộn nhịp. Tôi vẫn chưa kịp định thần, thì đằng sau vang lên tiếng hét "Tránh ra nào, hàng về đây, hàng về đây…" và rồi hơn chục người phu khuân vác ồ ạt chạy theo chỉ mong kiếm được một sô gánh thuê.
 |
Những người phu khuân vác ồ ạt chạy theo chỉ mong kiếm được một gánh hàng thuê. |
Đi vào khu vực bên trong chợ, tôi bắt gặp một người phụ nữ thân hình nhỏ thó, ngồi co ro bên cột điện, kế bên nào làn, nào thúng, nào mẹt. Chị ngồi trên chiếc ghế đẩu bằng gỗ, miệng không ngừng hà hơi vào đôi tay để bớt buốt giá. Cái lạnh như gò vào người phụ nữ ấy khiến chị thêm nhỏ bé. Lại gần hỏi chuyện, tôi được biết chị tên là Hải, năm nay 55 tuổi, quê ở Giao Thủy, Nam Định, đã làm ở chợ được 5 năm. Tranh thủ lúc đang nghỉ ngơi, chị Hải tâm sự "Cả hai vợ chồng và con trai út tôi đều làm ở chợ này cả. Con trai thì đi làm khuân vác thuê, còn chồng thì đi mua hoa quả cho tôi mang đi bán rong. Hai vợ chồng tôi sức khỏe yếu cả rồi. Chồng tôi thì bị thấp khớp, tôi thì bị tiền đình chẳng biết đứt mạch máu não lúc nào đâu cháu ạ". Vừa nói người phụ nữ ấy vừa cười, cơn gió buốt thổi hắt đến lạnh tê tái, liền vơ vội cái khăn đặt bên cạnh quàng vào cổ rồi kể tiếp "Vất vả lắm cháu, tôi yếu không làm được việc nặng nên hai bố con làm là chính. Mấy đứa đầu lấy vợ, lấy chồng ở xa cả, có thằng con út học không được nên đi làm thuê. Cả tối làm nhiều thì được 150 nghìn đồng, tôi đi bán rong cũng chỉ được bằng đấy mà chi tiêu đắt đỏ lắm. Cả nhà thuê cái phòng gần chợ mất 800 nghìn/tháng. Đêm thì đi làm, ban ngày về nhà nghỉ ngơi". Tôi và chị nói chuyện được một lúc, thì có người đàn ông đi lại, hai vai vác hai bịch hoa quả, đó là chồng chị Hải. Trời mùa đông xuống dưới 10 độ mà anh mặc mỗi chiếc áo len mỏng, mồ hôi thấm vào vạt áo đã sờn, anh góp chuyện: "Ở nhà tôi còn tận 7 sào ruộng đấy, nhưng nhờ người ta chăm cho hết chứ ăn nhờ ruộng bao giờ cho đủ". Khi tôi hỏi, Tết này cả nhà có về quê không? "Có chứ, nhưng phải kiếm sao sống đến Tết đã cô ơi".
Trời càng về sáng cành lạnh, sương xuống làm cho cái lạnh thấm hơn bao giờ hết. Tôi dừng chân nơi vỉa hè, ngồi nhìn dòng người tấp nập đi lại ngược xuôi. "Hôm nay làm được 200 nghìn rồi, thế là đủ rồi" – tiếng người phụ nữ lanh lảnh vang lên. Đó là chị Hoa, 37 tuổi, nhà ở Gia Lâm (Hà Nội). Tôi quay sang nhìn chị và hỏi "Làm từ mấy giờ mà được thế vậy chị", chị vui vẻ kể: "Làm từ 12 giờ đấy em ạ, hôm nay ngày rằm nên hoa quả về nhiều thành ra có nhiều hàng mà gánh". Chị ngồi bệt xuống đất, vớ lấy cái nón quạt lấy quạt để, "Bình thường người ta trả chị 5 nghìn đồng một thùng, mà nhiều chỉ gánh được 4 thùng một lượt thôi chứ mấy em. Trời thế này chưa ăn thua đâu, có những ngày trời lạnh đến 5 độ C, gánh hàng mà mồ hôi ra như tắm. Thế mà làm xong môi tím tái lại nhưng không dám nghỉ, vì ở đây toàn mối ruột, không đi làm sau ai người ta gọi nữa. Cố gắng gồng gánh kiếm cái Tết cho đủ". Nói đến đó, điện thoại của chị kêu liên hồi, chưa kịp nói thêm gì thêm, chị lại tất tả chạy đi...
 |
Chị Hải ăn vội nắm xôi chuẩn bị cho ngày bán hàng rong sắp tới |
Cả chợ Long Biên chắc hẳn không ai không biết ông Tâm, làm nghề bơm vá xe ở đối diện cổng chợ. Ông ngồi ở đây từ năm 1995 đến nay, bao nhiêu con người, bao nhiêu mảnh đời ở nơi này ông chứng kiến hết cả. Khi tôi hỏi chuyện thì ông tếu táo trả lời "Chụp ảnh cho ông nhiều nhiều vào rồi ông trả lời cho". Vui vẻ là vậy, nhưng cũng như bao người khác, ông cũng vất vả, bươn chải kiếm sống, "Bơm một cái xe đạp thì 2 nghìn đồng, xe máy thì 5 nghìn đồng, chợ buôn bán được, thì ông cũng mới kiếm ăn được", ông bộc bạch. Được biết, ông Tâm còn một anh con trai đã lập gia đình và cũng đang chạy xe ôm khu vực quanh chợ, còn vợ ông thì làm ruộng ở dưới quê. Tết này ông không về nhà. Tôi hỏi Tết ông không về không sợ bà ở nhà buồn sao, ông nói "Biết làm sao được, phải ở đây mà kiếm ăn chứ".
Tạm biệt những gánh hàng rong, tôi như thấy lòng mình se lại. Mỗi người một quê, mỗi nghề một nỗi nhưng họ lăn lộn, bươn chải cũng chỉ mong cho cuộc sống gia đình đủ đầy, đón cái Tết ấm cúng như chị Hoa tâm sự "Vất vả thế này, nhưng thấy con cái học hành, đỗ đạt thì bao nhiêu cũng chịu được hết. Con chị hai đứa học đại học cả đấy".
Bài và ảnh: VŨ THẢO