Năm 1972, Tiểu đoàn 61, 62, 63, Trung đoàn 236 - Bộ đội tên lửa, nhận lệnh bí mật hành quân vượt Trường Sơn vào mặt trận Quảng Trị. Những quả rồng lửa Thăng Long bay lên bắn máy bay giặc, nổ trên bầu trời đêm Quảng Trị đã làm quân giặc hốt hoảng…
Cựu chiến binh, Trung úy Hà Văn Tăng, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn tên lửa 61, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), giờ nghỉ hưu tại Khu tập thể Văn hóa, Vân Hồ, Hà Nội, nhớ lại những kỉ niệm không quên thời chiến tranh, cùng đơn vị kéo tên lửa vào mặt trận B.5. Ông kể:
 |
Ông Hà Văn Tăng - Cựu chiến binh Tiểu đoàn tên lửa 61.
|
"Quê tôi ở Phú Thọ, năm 1964, tôi nhập ngũ vào bộ đội tên lửa, sau thời gian huấn luyện, tôi được về làm lính kĩ thuật ở Tiểu đoàn 61. Ngày đó, Tiểu đoàn tôi đóng quân ở Ninh Bình. Ngày 11-8-1965, trận đầu ra quân, đơn vị tôi đã bắn rơi hai máy bay giặc tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tiếp sau đó, đơn vị bắn 3 quả tên lửa, diệt gọn cả tốp 3 chiếc máy bay địch trên bầu trời Ninh Bình. Ngày 26 - 10 - 1967, đơn vị tôi bắn rơi chiếc máy bay A4 - E trên bầu trời Hà Nội, viên thiếu tá phi công Mỹ nhảy dù rơi xuống giữa hồ Trúc Bạch. Giữa năm 1972, từ Cao Phong, Hòa Bình đơn vị tôi nhận lệnh bí mật đưa tên lửa vào đóng ở Quảng Trị…
Một tiểu đoàn bộ binh hành quân vượt Trường Sơn vào đến Quảng Trị đã rất khó khăn, chúng tôi hành quân với cả đội hình xe khí tài, xe điều khiển lại càng vất vả. Phương tiện khí tài di chuyển phải bí mật, ngụy trang che giấu phải kín đáo, luôn đề phòng máy bay trinh sát của giặc phát hiện. Ngày ấy, chúng tôi thay nhau lấy lá cây rừng che phủ kín xe khí tài, mỗi ngày 2 lần thay lá ngụy trang. Đơn vị hành quân ngày nghỉ, đêm đi, vào đến mặt trận B.5 mất đúng 1 tháng trời. Quả tên lửa được tháo rời ra, vào đến nơi mới lắp lại với nhau, lắp vào 6 xe (mỗi xe một quả tên lửa).
Chúng tôi đóng chốt ở Nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh. Cứ sau mỗi lần bắn tên lửa xong, lập tức phải dời ngay sang địa điểm mới để bảo vệ đơn vị và tên lửa. Sau Hiệp định Pa-ri, đơn vị tôi được lệnh bàn giao lại toàn bộ xe khí tài và tên lửa cho đơn vị khác, anh em nhận lệnh ra Bắc để nhận khí tài mới. Riêng tôi được phân công ở lại làm nhiệm vụ xóa sạch mọi dấu vết tên lửa miền Bắc vào mặt trận, sau đó mới được rút ra miền Bắc…".
Ông Tăng cho biết thêm, đưa được xe khí tài, nhất là loại xe PA - Rađa thu phát sóng đến mặt trận, đơn vị gặp nhiều khó khăn nhất. Xe vượt Trường Sơn bị hỏng hết cả bộ lốp đang chạy và lốp dự trữ, anh em mình đã tìm ra sáng kiến lấy bánh xe ở pháo 100 li để thay vào. Đoàn xe đi qua xong, lại có bộ phận phụ trách xóa dấu vết xe khí tài lớn. Đưa được tên lửa vào mặt trận Quảng Trị là một thắng lợi lớn, góp phần động viên, khích lệ thêm sức mạnh chiến đấu cho bộ đội mình chốt giữ ở thành cổ Quảng Trị, tạo thế mạnh uy hiếp quân giặc.
Tiểu đoàn tên lửa 61, Trung đoàn 236 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của Bộ đội tên lửa. Ngày 26 - 8 - 1965, Bác Hồ đến thăm Tiểu đoàn 61 đóng ở Phùng, Hà Nội. Cùng đi với Bác có Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài. Bác đã dặn: " … Không được thỏa mãn với thành tích, làm sao bắn rơi nhiều máy bay mà tốn ít đạn… Điều trước hết là phải tin ở thắng lợi, thì nhất định đánh thắng giặc xâm lược…" . Thực hiện lời dạy của Bác kính yêu, Tiểu đoàn 61 đã tham gia đánh hơn 100 trận, bắn rơi 46 chiếc máy bay giặc các loại, có những trận một quả đạn tên lửa bắn hạ 2 máy bay giặc. Từ 4 - 9 - 1972 đến 11 - 1- 1973, Tiểu đoàn 61 phối hợp với Tiểu đoàn 64 hoạt động ở khu vực Nông trường Quyết Thắng, đã đánh 4 trận, diệt 2 máy bay B.52, góp phần bảo vệ đội hình phòng ngự của bộ đội ta ở Quảng Trị. Năm 1974, ông Tăng được cử đi học tại Liên Xô. Tốt nghiệp, ông về nước làm giảng viên Khoa Triết học, Học viện Chính trị. Năm 1983, ông chuyển ngành về công tác tại Bộ Văn hóa - Thông tin. Ông Tăng rất thích và ham làm thơ, ông đã sáng tác được tập thơ về người lính tên lửa. Có nhiều bài, nhiều câu rất giàu cảm xúc: Tôi viết bài thơ bên bệ phóng/ Khi sương đêm còn đọng cánh rừng xanh/ Nắng sớm mai nhuộm trên đồng vàng óng/ Trận địa tôi nhìn đẹp như bức tranh/ Đây tên lửa ẩn mình trong lá biếc/ Cao xạ pháo vươn nòng lên phía trước/ Tay súng dân quân luôn sẵn sàng nhả đạn… Hai bài thơ của ông đã được phổ nhạc, trở thành những bài hát truyền thống của đơn vị…
Bài và ảnh: ĐẠI HOÀNG