QĐND - 3. Mong được ra lần nữa…
Ông Võ Như Dân sinh ngày 10-7-1937, hiện nay ở tổ 5, khối phố Vĩnh Ninh, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ông Dân nguyên là nhân viên Trạm Quan trắc khí tượng-thủy văn Hoàng Sa thuộc Đài khí tượng Sài Gòn trước đây.
 |
Ngọn hải đăng người Pháp xây trên đảo Hoàng Sa, năm 1939.
|
Trạm Quan trắc khí tượng-thủy văn Hoàng Sa do người Pháp xây dựng năm 1932, số hiệu đăng ký với tổ chức khí tượng quốc tế là 48.860. Số hiệu trên theo quy ước quốc tế thì nhóm chữ số “48” là để chỉ hoạt động vùng Đông Nam Á; nhóm chữ số “860” là để chỉ Trạm Hoàng Sa. Trạm này chính thức hoạt động từ năm 1938 và dừng hoạt động vào năm 1974, khi Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm.
Năm 1956, ông Võ Như Dân nhận lệnh của Ty Khí tượng Đà Nẵng ra công tác tại Trạm Quan trắc khí tượng-thủy văn Hoàng Sa. Ngày ấy, mỗi tổ công tác ở Trạm Quan trắc có 5 người, gồm: 3 quan trắc viên, 1 nhân viên vô tuyến điện và một nhân viên phục vụ. Mỗi đợt ra công tác là 3 tháng, nhưng vì tổ phục vụ ngày ấy ít người nên có năm ông Võ Như Dân phải “xoay vòng” ra đảo 2 đợt. Ông Dân được luân phiên ra Hoàng Sa liên tục từ đó đến năm 1979 thì xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Sau ngày thống nhất đất nước, Ông Võ Như Dân được mời về làm việc tại Trung tâm Khí tượng miền Trung-Trung Bộ, đến năm 1997, ông chính thức được nghỉ hưu.
Trong hồi ký “Nhớ Hoàng Sa” hoàn thành ngày 29-8-2009 tại Đà Nẵng, ông Võ Như Dân kể: “Tôi vào làm việc tại Ty Khí tượng Đà Nẵng từ tháng 2-1955, khi đó vẫn do người Pháp cai quản. Sang năm 1956, ông chủ Tây kêu tôi vào bảo về kiếm thêm một người có sức khỏe và hiểu biết vào cùng làm. Tôi về nói với ông Phạm Miễn là bạn học vào làm cùng. Một thời gian sau, ông chủ tuyển đi Hoàng Sa. Từ lâu, tôi đã ao ước được ra Hoàng Sa, nên xin đi nhưng ông chủ không cho đi, bảo rằng ở Ty đang nhiều việc cần người có kinh nghiệm. Thế là ông Miễn mới vào làm việc đã được chọn đi Hoàng Sa, thời gian 3 tháng rưỡi. Sau đợt ấy tôi ra Hoàng Sa và ông Miễn trở về. Tôi nhớ đi chuyến cùng tôi có ông Nguyễn Tấn Yêm, không biết nay sống chết thế nào, ở đâu tôi không rõ.
 |
Tượng hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa trên đảo Lý Sơn-Quảng Ngãi. Ảnh tư liệu
|
Từ năm 1956, tôi tiếp tục ra đảo Hoàng Sa nhiều chuyến nữa, đến năm 1969 mới thôi ra. Vì tổ phục vụ có 3 người thì 2 ông nghỉ và mất, chỉ còn mình tôi nên có năm tôi phải ra Hoàng Sa 2-3 chuyến, mỗi chuyến 3 tháng. Công việc của tôi ở ngoài đó chủ yếu là chế hơi bơm bóng, quan sát các hiện tượng khí hậu, thời tiết; ghi chép các số liệu và phục vụ cơm nước cho 4 người ăn mỗi ngày 3 bữa, kể cả công nhân nữa là 5 người. Ngoài giờ thì đi câu cá và bắt ốc về ăn. Cá và ốc rất nhiều, ăn không hết còn phơi khô đem về cho vợ con.
Trên đảo diện tích chưa tới cây số vuông, chung quanh đảo có 4 cái lô cốt, 1 cái miếu xây hướng mặt về Đà Nẵng và trước đầu cầu có 1 cái đền nằm phía Đông Bắc đảo nhưng đã bị hư hại nhiều. Giữa đảo có 4 cái nhà ở, 1 nhà thờ, nhà bếp, giếng nước và cây cối. Số người bên khí tượng chúng tôi có 5 người. Bên khu nhà lính có hơn 20 người. Sau này tôi về đất liền sống với nghề xích lô để nuôi vợ con. Năm 1979, tôi vào làm việc khí tượng ở Đà Nẵng, vẫn chế hơi bơm bóng cho cán bộ làm việc, tới năm 1997, do tuổi già nên Nhà nước cho nghỉ hưu. Hiện nay, tuổi già ở nhà mơ mộng Đảng và Nhà nước giải phóng được Hoàng Sa, tôi lại xin ra thăm Hoàng Sa. Tôi nhớ Hoàng Sa quá…”.
4. Tiếng sóng như réo gọi lòng người…
Ông Nguyễn Văn Dữ sinh ngày 5-10-1953 tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng; hiện nay ở tại 35 Mân Quang 1, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Trước năm 1975, ông Dữ tham gia lính địa phương quân thuộc Tiểu khu Quảng Nam. Ngày 27-1-1973, trung đội của ông Nguyễn Văn Dữ dưới sự chỉ huy của Trung úy Đỗ Công Chương nhận “Sự vụ lệnh” của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam xuống chiến hạm Trần Khánh Dư (Hải quân Việt Nam cộng hòa), rời cảng Đà Nẵng, vượt biển ra làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Đến tháng 4-1973, trung đội của ông hết thời hạn 3 tháng phục vụ trên đảo Hoàng Sa, trở về Đà Nẵng. Trong bài viết “Những dòng hồi ức” của mình, ông Nguyễn Văn Dữ kể:
“Ngày ấy, khi tôi còn là một chàng trai 20 tuổi, tôi có được một chuyến đi xa. Tôi bước chân lên chuyến tàu hướng ra biển khơi đầy kỷ niệm, đi đến một nơi mà bạn bè và những người thân yêu của tôi có lẽ rất ít người đặt chân đến. Đó là quần đảo Hoàng Sa.
Sau hơn một ngày đêm rong ruổi trên biển sóng nhấp nhô, vượt qua hàng trăm hải lý, tôi đã đặt bước chân đầu tiên lên Hoàng Sa. Ấn tượng đầu tiên về Hoàng Sa trong tôi là Hoàng Sa có một bãi cát trải dài như mặt thảm khổng lồ và sạch sẽ đến vô cùng. Từ Hoàng Sa, hướng mắt ra bốn phía ngoài một vùng biển xanh mênh mông như ngọc bích. Khi tôi đứng nhìn về hướng tây, thấy thấp thoáng có những hòn đảo khác...
Đồ đạc được chuyển từ trên tàu xuống, chúng tôi cùng hướng về ngôi nhà nơi chúng tôi sẽ ở trong thời gian công tác trên đảo. Đó là một ngôi nhà với kiến trúc cổ xưa, những bức tường đã bạc màu, cùng những cánh cửa đã rệu rã vì sương gió. Những ngày sau đó, chúng tôi bắt đầu cuộc sống của những con người trên đảo. Với số lương thực mang theo ít ỏi, chúng tôi buộc phải tiết kiệm và tìm cách mưu sinh, thoát hiểm bằng cách lấy lò xo của tấm nệm cũ để làm lưỡi câu và dây câu chế tác từ dây điện thoại đã hỏng. Chúng tôi đã bắt được một lượng cá trong một giờ đồng hồ có thể cung cấp đủ thức ăn cho 30 chàng trai khỏe mạnh. Từ đó, hằng ngày anh em chúng tôi vẫn thay phiên câu như vậy nên lượng thức ăn không bao giờ thiếu. Thậm chí chúng tôi còn phơi khô dự phòng lúc bất trắc, nhưng sau đó không dùng đến, hết đợt công tác lại mang về đất liền…
Những buổi sáng mai hay sau những chiều nhạt nắng, tôi nghe những cơn sóng thì thầm cùng những làn gió từ biển khơi thổi đến mang mác như tiếng của người thân yêu ruột thịt... Có những đêm trăng rằm, bầu trời không một áng mây che ánh sáng trong veo nguyên lành trải dài trên mặt biển nhấp nhô… Khi ấy, tiếng sóng như réo gọi lòng người giữa khơi xa. Trong những đêm trăng tuyệt vời ở Hoàng Sa như thế, tôi gửi trọn tình tôi về với đất liền thân yêu…
 |
Bút tích trang cuối hồi ký của ông Võ Như Dân.
|
Đến nay, những hồi ức của tôi về Hoàng Sa còn nguyên vẹn. Tôi mong rằng, tất cả những thế hệ của chúng ta và mai sau hãy cố gắng học tập vươn lên xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, thực hiện theo lời Bác Hồ dạy: Các vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, trong đó có Hoàng Sa thân yêu của chúng ta”.
5. Chim quốc còn kêu?
Ông Trần Hòa sinh năm 1954 ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; hiện nay sinh sống tại quê nhà theo địa chỉ trên đây. Trước năm 1975, ông Hòa là y tá lính địa phương quân của chế độ Sài Gòn, thuộc Tiểu khu Quảng Nam. Tháng 10-1973, ông Hòa được lệnh ra Hoàng Sa chăm sóc sức khỏe cho binh lính và nhân viên khí tượng đang đồn trú và công tác trên quần đảo Hoàng Sa. Trong bài hồi ký “Chim quốc Hoàng Sa” viết ngày 23-6-2011, ông Trần Hòa kể:
Khoảng tháng 10-1973, tôi nhận được “Sự vụ lệnh” về Tiểu khu Quảng Nam nhận thuốc men đi đảo Hoàng Sa. Tôi lúc đó tuổi đôi mươi, không vướng bận thê nhi, chút máu lãng tử trong người trỗi dậy. Hơn nữa nghe truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa triều đình lập đội Hoàng Sa, khi đưa tiễn họ ra đi giữ biển, đảo quê hương, họ được xem như những anh hùng, một đi không trở lại. Còn mình hôm nay tàu to, súng lớn có gì mà sợ. Thế là tôi hào hứng ra đảo…
Chiều hôm đó, chúng tôi có mặt tại cảng Tiên Sa. Chiếc tàu "Hương Giang 404" sừng sững uy nghi đang sẵn sàng vượt trùng khơi. Tập kết lương thực, súng ống xuống tàu xong, tàu nhổ neo. Tạm biệt đất liền, chúng tôi vượt biển đến Hoàng Sa. Sau một đêm vật vã vì biển động mạnh. Sáng hôm sau tàu đến đảo.
Hải đảo Hoàng Sa như một dải cát vàng trải dài trong nắng sớm. Nước quanh đảo xanh như mạ non. Từng đợt sóng lăn tăn đuổi nhau vào bờ tạo nên một không gian thanh bình, yên ả. Tôi thật sự choáng ngợp. Ôi, Tổ quốc ta đẹp biết bao!
Bàn giao giữa hai toán quân xong, chúng tôi ở lại, anh em đợt trước về lại đất liền. Mặt trời lặn xuống biển. Hoàng hôn vừa trùm lên đảo. Bỗng tiếng con chim quốc trong rừng bàng kêu lên từng hồi tạo cho cảnh kẻ ở người về buồn man mác. Tiếng quốc kêu sao da diết nhớ thương…
Rồi thời gian cũng qua đi, chúng tôi cũng thích nghi dần với cuộc sống của một cư dân trên đảo. Chúng tôi chia thành 5 tổ, mỗi tổ 7 người, hằng ngày câu cá, bắt ốc cải thiện đời sống, lâu lâu rủ nhau đi lật vích lấy trứng. Nhà ở thì có một tòa nhà đúc bê tông, có sân thượng và 1 vọng gác, trên đó có một khẩu súng 12 ly 7, dưới nền nhà là hầm chứa nước mưa để uống. Kế bên tòa nhà của lính là Đài khí tượng. Ngoài biển vào có một cầu tàu, có đường ray để vận chuyển hàng hóa vào đảo và từ đảo ra tàu, nhưng nay đường ray đã hư hoàn toàn.
Trên đảo cũng có nhà thờ và chùa nhưng đã hoang phế, chỉ có miếu Quan âm là còn tươm tất. Đặc biệt trên đảo Hoàng Sa có một cái giếng nước ngọt mà các đảo khác không có. Trấn giữ quanh đảo có 4 lô cốt nhưng lâu ngày không sử dụng nên cát vùi đến lỗ châu mai, trong lòng lô cốt rác rưởi ngập đầy. Biển, đảo hiền hòa và hào phóng, cung cấp hải sản không thiếu một thứ gì! Nhưng cũng có lúc nổi cơn giận dữ, biển thét gào với những trận cuồng phong, những đợt sóng cao như trái núi lừ lừ tiến vào đảo trông thật kinh hoàng.
Có một lần biển động, bão đến bất ngờ. Một tàu cá Trung Quốc không kịp vào bờ tránh bão nên đã tấp vào đảo ngay trong đêm. Bão mạnh dần, chiếc tàu cá bị đánh dạt mất giữa biển khơi. Thế là gia đình ngư dân Trung Quốc kia lại trở thành cư dân bất đắc dĩ của đảo. Mặc dù lương thực sử dụng là sự tính toán chi li, nhưng tình người trong cơn hoạn nạn, vậy là toàn đảo sẻ chia, cưu mang gia đình Trung Quốc kia cho đến ngày họ xin được tàu về lại quê hương. Ngày chia tay, họ cũng ôm hôn anh em trên đảo, ngôn ngữ bất đồng nhưng trong đôi mắt hiện lên bao sự quyến luyến và biết ơn những người Việt Nam.
Ba tháng rồi cũng trôi qua, chiếc tàu "Chí Linh" đón chúng tôi về lại đất liền, buổi chiều di chuyển ra tàu, con chim quốc trong rừng bàng lại kêu từng hồi não nề như nhắn nhủ hãy nhớ về Hoàng Sa, hãy trở lại với Hoàng Sa… Tàu nhổ neo chạy một vòng quanh đảo như chào từ biệt, đâu biết rằng lần chia tay đó, Hoàng Sa chỉ còn trong sự tưởng nhớ khôn nguôi. Nhớ đêm chia tay, anh em rủ nhau đốt lửa, thức cùng Hoàng Sa. Tiếng đàn của chú Võ Vĩnh Hiệp bên đài khí tượng hòa cùng tiếng hát bên ánh lửa bập bùng…
Hôm nay giữa đất liền, bỗng bồi hồi nhớ đến con chim quốc ngày nào trên đảo Hoàng Sa. Tôi nghĩ, Biển Đông còn dậy sóng bởi mộng bá quyền nước lớn, Hoàng Sa còn nằm trong tay kẻ cậy mạnh hiếp yếu, thì con chim quốc ở Hoàng Sa sẽ còn mãi kêu lên dẫu cho có rỏ đến giọt máu cuồi cùng…”.
(Còn nữa)
TẦM THƯ(lược trích)