QĐND - Việt Nam có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng trăm năm trước, ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi hai quần đảo này chưa thuộc về bất kỳ quốc gia nào. Tính riêng ở quần đảo Hoàng Sa trong hơn nửa đầu thế kỷ XX, hằng năm triều Nguyễn và sau đó là chính quyền Sài Gòn đã cắt cử nhiều đơn vị quân đội và nhân viên các ngành hữu quan ra công tác trên đảo. Nhiều người trong số đó hiện nay vẫn còn sống và đã công bố nhiều tài liệu, hiện vật… cùng những dòng hồi ức xúc động về những ngày thực hiện nghĩa vụ công dân trên quần đảo Hoàng Sa.

Ngư dân và binh lính Việt Nam đào giếng nước ngọt trên đảo Hoàng Sa năm 1938.

 

Từ số báo này, trang "Hồ sơ-Tư liệu" của Báo QĐND Cuối tuần sẽ trích giới thiệu tài liệu của một số nhân chứng lịch sử nói trên.

 

1. Được về nhà vẫn buồn vì mất Hoàng Sa

 

Ông Nguyễn Văn Cúc sinh ngày 12-2-1952, quê quán ở xã Phước Mỹ-Sơn Trà-Đà Nẵng; hiện trú tại tổ 11, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Năm 1973, ông là nhân viên ngành xây dựng đã 3 lần được cử ra Hoàng Sa khảo sát địa hình, địa chất để xây dựng các bể chứa nước ngầm và triển khai dự án xây dựng sân bay Hoàng Sa. Trong hồi ký “Những ngày tháng không bao giờ quên” viết ngày 30-7-2009, ông Nguyễn Văn Cúc kể:

 

“Tôi sinh ra trong một gia đình làm nghề đánh bắt cá, tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến đi biển ở ngư trường Hoàng Sa. Khi lớn lên, tôi chọn một nghề không liên quan với biển, vậy mà số phận lại đưa tôi ra công tác tại quần đảo Hoàng Sa. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình may mắn được làm việc, được cống hiến sức trẻ tại mảnh đất thiêng liêng ấy và tôi muốn chia sẻ để mọi người được biết, để con cháu thế hệ mai sau luôn biết rằng Hoàng Sa vô cùng tươi đẹp là một phần của Tổ quốc Việt Nam. Ước vọng lớn nhất của đời tôi là một lần nữa được đặt chân đến Hoàng Sa…

 

Tờ “Sự vụ lệnh” điều động ông Nguyễn Văn Đức ra canh giữ Hoàng Sa, tháng 10-1969. Ảnh tư liệu

 

Lần đầu tôi ra Hoàng Sa là đầu năm 1973. Lúc đó tôi chỉ ra hai ngày để khảo sát tình hình các bể chứa nước cũ, ước lượng nguyên vật liệu cần thiết để lần sau mang ra đảo. Lúc tàu gần đến đảo, tôi có cảm giác lâng lâng khó tả vì sắp đặt chân lên vùng đất linh thiêng. Ở trên đảo một ngày, tôi cùng 5 người nữa đi tham quan đảo Chim, đây là cảnh tượng làm tôi thích thú và ngạc nhiên nhất khi ở Hoàng Sa. Trên đảo có vô số chim và con vích đẻ trứng, đặc biệt chúng không sợ sự xuất hiện của chúng tôi, cảnh tượng hoang sơ với những hốc đá và nhiều chim biển…

 

Lần thứ hai tôi ra đảo vào giữa năm 1973, bắt tay vào sửa chữa, xây dựng các bể ngầm chứa nước ngọt. Các bể này xây từ thời Pháp thuộc. Khoảng 20 bể, mỗi bể chứa khoảng một ngàn mét khối nước. Nó được xây ngầm chung quanh ngôi nhà để chứa nước mưa từ trên trần nhà đổ xuống. Đây là khoảng thời gian lâu nhất tôi ở Hoàng Sa. Ở trên đảo, một ngày trôi qua rất bình dị, sáng dậy tập thể dục, sau đó ăn cơm rồi bắt tay vào làm việc. Công việc được phân chia cụ thể, rõ ràng cho từng người nên ai làm việc nấy, tới giờ ăn trưa, ngủ trưa rồi làm tiếp. Bữa cơm của chúng tôi chỉ toàn là cá đánh bắt được ở đảo. Trên đảo, rau trồng rất khó, vì thiếu nước ngọt để tưới. Buổi chiều, khi công việc đã xong, tôi thường lang thang đi dạo xung quanh đảo và hay đến cầu tàu để ngồi hứng gió. Đó là những lúc tôi nhớ nhà nhất. Khi tôi ở ngoài đảo thì vợ tôi mang thai đứa thứ hai. Để quên đi nỗi nhớ nhà, thỉnh thoảng tôi cùng anh em chơi đá bóng hay đi câu cá, bắt ốc. Đó là thú vui chính của chúng tôi.

 

Tôi không ngờ lần thứ ba ra đảo vào tháng 12-1973 để lấy mẫu đất, khảo sát thực địa làm sân bay cũng là lần ra đảo cuối cùng. Khi đã lấy được mẫu đất. Khảo sát xong thực địa, chúng tôi lên tàu rời khỏi đảo về đất liền vào đầu năm 1974. Đang lênh đênh trên biển thì gặp tàu chiến của Trung Quốc. Sau một ngày hai bên giằng co, hải quân của chúng áp sát tàu khiến chúng tôi phải quay trở lại đảo. Lúc đó chúng tôi mới biết Hoàng Sa đã bị chiếm. Thật đau đớn và xót xa khi thấy mảnh đất của Việt Nam rơi vào tay kẻ khác. Sau một ngày bị bắt giữ trên đảo, chúng cho tàu nhỏ chở chúng tôi về đảo Hải Nam, sau đó đưa chúng tôi lên tàu lớn về Quảng Đông-Quảng Châu-Trung Quốc, chúng tôi ở đó cả tháng trời. Đó là lần đầu tiên tôi đón Tết ở nơi đất lạ, cảm giác hờn tủi, đau đớn khi ăn Tết xa quê hương, xa vợ con, bên cạnh đó lại mang nỗi niềm chua xót khi Hoàng Sa bị chiếm giữ. Rồi Trung Quốc trao trả chúng tôi cho tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế tại Hồng Kông. Tôi là một trong 5 người đầu tiên được trao trả. Chúng tôi lên máy bay về Tân Sơn Nhất, rồi ra Đà Nẵng. Trở về nhà và biết mình còn sống, niềm vui được đoàn tụ cùng gia đình, được quay về quê hương đất nước… cũng không thể xua tan nỗi buồn mất Hoàng Sa”.

 

Trang đầu tập hồi ký viết tay của ông Nguyễn Văn Cúc.

 

 

2. Vinh dự được tham gia canh giữ Hoàng Sa

 

Ông Nguyễn Văn Đức, Chuẩn úy Quân đội Sài Gòn (cũ), hiện thường trú tại số nhà 257 đường Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Ông Đức từng được bổ nhiệm làm Đảo trưởng Hoàng Sa những năm 1969-1970. Trong hồi ký “Kỷ niệm những ngày tại Hoàng Sa” viết ngày 3-8-2009, ông cho biết:

 

Tháng 10-1969, tôi nhận được “Sự vụ lệnh” của thượng cấp ra làm Đảo trưởng Hoàng Sa cùng 35 binh lính và 4 người của ngành khí tượng, với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đảo Hoàng Sa và liên lạc báo cáo tin tức về an ninh, thời tiết, khí tượng, thủy văn khu vực quần đảo về đất liền.

 

Tàu HQ 42 xuất phát từ cảng Tiên Sa-Đà Nẵng. Khi chúng tôi bắt đầu đi, gió lặng sóng êm, nhưng đến tối biển rất động với những đợt sóng đánh cao lên 7-8 mét. Đến sáng hôm sau, trời bắt đầu êm ả. Tôi đã thấy cá voi phun nước bơi ngang qua tàu. Đến 15 giờ đã thấy được hình dạng của đảo Hoàng Sa. Tàu bắt đầu neo lại vì không vào cặp bờ được. Chúng tôi được đưa vào đảo bằng thuyền nhỏ.

 

Trước khi ra đảo, chúng tôi đã mang theo gạo, mắm và thức ăn dự trữ trong vòng 4 tháng, thêm hai con heo để cúng hôm lên đảo và cúng tạ ơn đảo khi yên ổn ra về. Khi bước chân lên đảo, tôi đã nhận bàn giao đảo của đơn vị đã ra trấn nhậm trước đó để họ trở về đất liền. Trời đã tối, chúng tôi sắp xếp tạm để nghỉ ngơi và sửa soạn để sáng mai chính thức bắt tay vào công việc.

 

Sáng hôm sau, mổ heo cúng đảo xong, tôi đi quan sát một vòng chung quanh đảo. Trên đảo không khí rất ấm áp và dễ chịu với những bãi cát mịn dọc bờ biển trắng phau. Khi ra bờ biển nhìn xung quanh, tôi thấy những đảo nhỏ phía xa xa. Ngay tại hòn đảo chúng tôi đang ở, có một nghĩa địa chôn những người đã mất khi làm nhiệm vụ trên đảo. Kế nghĩa địa là một ngôi Miếu Bà. Trong miếu thờ Phật Quan Âm.

 

Tôi đi quan sát khoảng từ 4 đến 5 giờ đã hết chu vi của đảo và trở về chỗ xuất phát. Từ cầu tàu chạy dọc vào trung tâm đảo có một đường ray để đầy xe chở đồ từ trung tâm ra cầu tàu. Những người đi trước kể đó là đường ray để vận chuyển phân phốt phát ra cầu tàu.      Trung tâm đảo có một tòa nhà chính và kế bên là nhà khí tượng. Tòa nhà chính do Pháp xây cất lúc nào trên đảo thời Pháp thuộc chúng tôi không biết. Nhưng tòa nhà rất chắc chắn với tường dày đến 2 mét để chống chọi lại những cơn bão. Sau này hết hạn trở về, tôi đã ghi lại trên tường theo thứ tự của những đợt ra quân giữ gìn đảo, từ đợt 1 đến đợt 36 và tôi là đợt 37, tính từ tháng 10-1969 trở về trước.

 

Mặc dầu tháng 10 nhưng thời tiết ngoài đảo rất ấm áp. Mỗi ngày chúng tôi đi quan sát chung quanh đảo và báo cáo tin tức an ninh cùng thời tiết khí tượng về đất liền. Nhưng những kỷ niệm vui thú nhất của tôi là những giờ rảnh rỗi chúng tôi đi câu cá và bắt cá. Vì là đảo san hô nên nguồn hải sản tại nơi đây rất phong phú. Những đàn cá vào đây để ăn sinh vật nhỏ tại rạng san hô. Mỗi hộc san hô cá mú biển sống rất nhiều. Mỗi ngày một người câu được ít nhất 50 con cá mú biển. Chúng tôi ăn không hết phơi khô để dành mang trở về đất liền. Vào buổi tối, chúng tôi đi câu cá nhám và ít nhất cũng được 10 con mỗi tối, tha hồ nấu cháo cá nhám. Thú nhất là mỗi tháng có 2 đợt nước rút vào đầu và giữa tháng âm. Nước rút xa đảo khoảng 300 mét, lúc đó đủ loại hải sản không rút ra kịp mắc kẹt vào những rạng san hô nằm chờ nước lên. Chúng tôi đã thấy đủ mọi loại cá. Từ cá heo, cá mập đến những con mực nang khổng lồ. Nhiều nhất có lẽ là mực, cá chình và ốc gân. Lúc đó chúng tôi tha hồ bắt mang về.

 

Chiều chiều, chúng tôi lại được thấy những đảo nhỏ xung quanh vì khi đó chân trời ở xa hơn những đảo nhỏ ở xung quanh hiện lên rất rõ. Tối tối, chúng tôi lại đi xem vích lên bờ đẻ trứng…

 

Sau 3 tháng rưỡi trên đảo, đã đến ngày chúng tôi và 4 người khí tượng trở về đất liền để đợt 38 ra thay. Chúng tôi mổ con heo thứ hai để cúng tạ ơn đảo đã giúp đỡ chúng tôi bình yên vô sự sống những ngày trên đảo. Chúng tôi náo nức trở về đất liền, nhưng vẫn có những ngậm ngùi luyến tiếc, nhớ những kỷ niệm vui buồn trên đảo Hoàng Sa, một hòn đảo thân yêu của Tổ quốc mà chúng tôi có vinh dự được tham gia giữ gìn, bảo vệ.

 

(Còn nữa)

TẦM THƯ (lược trích)