QĐND - Khi được chứng kiến những màn trình diễn võ thuật, vượt qua tường cao, hào sâu, những vòng lửa, hàng rào dây thép gai bùng nhùng... của cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Đặc công, ai cũng khâm phục và ngưỡng mộ. Họ không chỉ thể hiện bản lĩnh chiến đấu, tinh thần dũng cảm, sự tôi luyện trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, mà còn ngời lên truyền thống hào hùng đặc biệt tinh nhuệ, đánh hiểm, thắng lớn của Bộ đội Đặc công anh hùng.
 |
Giao nhiệm vụ cho mũi trinh sát trước lúc lên đường.
|
Thử tưởng tượng trong trùng điệp đất đai, trên những vạt cỏ bình yên ở vùng trung du, bỗng mặt đất rùng rùng chuyển động, hàng trăm chiến sĩ mặc áo cỏ bật lên chiếm lĩnh trận địa, làm cho địch bất ngờ, hoảng loạn. Trong mưa xuân dầm dề, đường sá trơn trượt, những bức tường cao đứng sừng sững trước mặt, nhưng với chiếc sào đẩy đa năng, những người lính nai nịt gọn gàng vai chồng vai bí mật leo lên tầng cao tiếp cận mục tiêu. Trước mênh mông biển nước, với chiếc ống thở ngậm trong miệng, người lính như con cá kình bơi ngầm tiếp cận, áp những quả mìn bám vào mục tiêu trên sông, biển, chờ đến một giờ đã định rồi cho nổ tung...
Đó là những hình ảnh dễ thấy trong các cuộc huấn luyện, diễn tập của các Đoàn đặc công 1, 113, 429, 198, Đoàn 5 đặc công nước và Đoàn đặc công 126 (Hải quân). Khi chứng kiến những cuộc tập luyện của lực lượng đặc công nước, tôi lại nhớ đến những chiến công huyền thoại ở Cửa Việt, ở Rừng Sác… Những kinh nghiệm trong chiến đấu, những trận đánh hay từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đặc công nghiên cứu, biên soạn thành chiến lệ, tài liệu giảng dạy, vận dụng sáng tạo vào huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu và để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
 |
Huấn luyện khắc phục vật cản.
|
Trước khi vào huấn luyện diễn tập, tham gia các “trận đánh thời bình” của Bộ đội Đặc công, tôi thường lân la hỏi chuyện cán bộ, chiến sĩ. Trung sĩ, tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Thanh, quê ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) ở Liên đội 1 (Đoàn đặc công 113) kể: “Có những ngày rét cắt da, cắt thịt, đơn vị vẫn luyện tập, bám địa hình, mình trần trườn qua sườn đồi, vượt qua suối sâu để tiếp cần mục tiêu. Muốn chắc thắng, phải trinh sát kỹ, có ngày tôi phải dầm mình trong bùn đất hàng giờ để nắm địch, báo cáo số liệu về mục tiêu cụ thể cho người chỉ huy mới hoàn thành nhiệm vụ”. Thú vị nhất là được ngắm lính Đặc công trong lúc hóa trang để ra bãi tập, rèn luyện cách lợi dụng địa hình, địa vật để trinh sát, tiếp cận mục tiêu. Có thể chiến trường là “sân khấu" lớn, đòi hỏi những “diễn viên” - người lính phải thuần thục, không được phép lộ mình trước các phương tiện quan sát của đối phương. Lính đặc công thân hình lực lưỡng được vẽ lên mình màu cỏ, màu đất, màu đá làm sao phù hợp với môi trường xung quanh, khi tác nghiệp, trông như những con kỳ nhông đổi màu linh hoạt, dù có rất chú ý cũng khó phát hiện vị trí ẩn giấu của họ.
Trong tác chiến hiện đại, phương thức tác chiến và cách đánh của Bộ đội Đặc công cũng thay đổi nhiều. Đại tá Vũ Trường Giang, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Binh chủng Đặc công tiết lộ với chúng tôi: “Việc nghiên cứu tìm ra các loại vật liệu ngụy trang cho Bộ đội Đặc công được các nhà khoa học rất quan tâm. Công tác bảo đảm kỹ thuật cho người lính chiến đấu cũng ngày một khó khăn, phức tạp hơn, nhất là khi ứng dụng công nghệ cao phục vụ huấn luyện và tác chiến. Cán bộ nghiên cứu kỹ thuật của Binh chủng Đặc công đã nghiên cứu thành công một số loại hợp chất để ngụy trang cho người lính theo từng vùng, từng môi trường. Một số loại vật liệu để mang trang phục đặc chủng cho Bộ đội Đặc công cũng đã đưa vào ứng dụng, đã tạo hiệu quả tốt, làm vô hiệu hóa các phương tiện trinh sát mặt đất công nghệ cao hiện tại. Tạo được những vật liệu ngụy trang biến đổi theo môi trường, các nhà khoa học - kỹ thuật của binh chủng đã phải lăn lộn nghiên cứu tính chất đổi màu của các loài sinh vật, lựa chọn hồn cỏ, hồn lá vào từng loại vật liệu để khoác lên thân hình người lính Đặc công”.

|
Thực hành vượt đám cháy. Ảnh: Thành Đông
|
Là người đã nghiên cứu nhiều năm về trang bị sử dụng cho Bộ đội Đặc công nước, Thượng tá Dương Văn Ninh, nguyên Chủ nhiệm Kỹ thuật Đoàn 5 đặc công, nay là Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Binh chủng Đặc công tâm sự: “Bộ đội Đặc công nước được kế thừa những kinh nghiệm, truyền thống phong phú, nhưng để tác chiến trong điều kiện hiện tại, không thể vẫn dùng dụng cụ kẹp mũi, miệng ngậm ống thở như xưa. Ngành kỹ thuật đặc công đã nghiên cứu chế tạo các thiết bị ứng dụng công nghệ mới, vật liệu phù hợp giúp người lính cơ động linh hoạt, không ảnh hưởng đến sức khỏe, bảo đảm hoạt động lâu dài dưới nước. Ngay cả vũ khí sử dụng để tiêu diệt các loại mục tiêu khu vực sông nước cũng đã đổi mới, giúp bộ đội bí mật tiếp cận mục tiêu để lắp đặt vũ khí rồi rút ra vị trí an toàn mới cho nổ...”. Nghiên cứu những loại vũ khí phù hợp với cách đánh “thiên biến, vạn hóa” đang trở thành mối quan tâm lớn nhất của Bộ đội Đặc công. Trong điều kiện nào cũng vậy, bảo đảm kỹ thuật cho Bộ đội Đặc công tác chiến cũng đều mang tính đặc thù, đó là kể cả trong huấn luyện và chiến đấu cũng chỉ làm một lần, khó có điều kiện để làm lại, làm nhiều lần cho một loại vũ khí chiến đấu.
Đánh hiểm, độc lập, chia nhỏ đội hình để tác chiến nhưng Bộ đội Đặc công luôn có điểm chung là tinh thần đồng đội cao, đó cũng là tính nhân văn của những người lính mặc áo cỏ. Đầu năm 2007, các thế hệ Bộ đội Đặc công chung lòng xây dựng nên Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ lực lượng Đặc công trong khuôn viên Bộ tư lệnh Binh chủng Đặc công. Từ ấy, các cuộc hành quân về nguồn, các phong trào thi đua, hội nghị... các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đều quy tụ về thắp hương ở Đài tưởng niệm, để báo công, để giáo dục truyền thống và từng người soi gương, nhìn lại bản thân mình.
Trong khuôn viên doanh trại, các đơn vị đều đặt tượng đài anh hùng, liệt sĩ đặc công ở vị trí trang trọng, phù hợp với việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Thêm một nét nhân văn của người lính Đặc công, của những người lính đã hòa mình trong dấu cỏ...
Ghi chép của ĐÌNH XUÂN